Nổi lòng người Mẹ
Cánh cổng khép hờ hững, khu vườn đang cải tạo với những đất đai lổn nhổn, ngay cả ngôi nhà cũng còn sơn dở, mọi thứ dường như bê trễ, dở dang. Thấy có người đi vào trong sân, đàn chó xộc ra sủa nháo nhác. Sáng nay chúng tôi đến thăm nhà Nguyễn Viết Dũng sau hơn ba tháng anh bị bắt tại Hà Nội, với tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Thời gian không ngừng trôi, căn nhà của anh ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành vẫn yên bình và rợp bóng cây, nhưng tin tức về người anh hùng của chúng ta thì bặt vô âm tín. Vậy là cha mẹ xa con, anh em li biệt trong nổi mong chờ mà chưa có lời giải đáp.
May quá, mẹ Dũng có ở nhà. Nhận ra khách quen, chị ra đón và mời chúng tôi vào chơi.
Rót mấy cốc nước chè xanh mời khách xong, mẹ Dũng ngồi xuống ghế trong tâm trạng lo lắng, đôi mắt quầng thâm bởi nhiều đêm mất ngủ vì thương nhớ con. Chị biết chúng tôi đến chơi là để hỏi thăm tin tức về Dũng và động viên gia đình như mọi lần.
Với một giọng buồn rầu, chị kể:
– Anh nhà – bố Dũng – đã ba lần ra Hà Nội để thăm con nhưng vẫn không được gặp, cho nên không biết sự thể ra sao cả. Cảm thấy bất lực, anh tìm thuê luật sư nhưng khó khăn vất vả lắm, người ta đòi nhiều tiền, vả lại còn sợ vì không muốn tham gia vào những vụ án “nhạy cảm”…
Tôi cảm thông với chị:
– Thời buổi này, những người luật sư có tâm và vì công lý hiếm lắm, ngoài ra họ còn sợ bị chính quyền đàn áp nữa.
Rồi tôi kể tên những luật sư vì bào chữa cho các nhà đấu tranh dân chủ mà bị sách nhiễu và tước thẻ hành nghề.
Chị mỉm cười chua chát, tiếp lời:
– Nghe nói có luật sư Võ An Đôn là người dám xả thân đấu tranh cho công lý, hôm nọ anh nhà đã lặn lội vào tận Phú Yên để tìm. Cũng may là gặp được ông tại nhà riêng. Luật Sư có tác phong giản dị và nhiệt huyết lắm, ông hứa là sẽ ra Hà Nội để bào chữa miễn phí cho vụ án của Dũng…
Chị ngừng một lúc, vẻ mặt xúc động, rồi chắp tay như thể cầu nguyện:
– Ơn trời! Vậy là cũng gặp được những người có tâm cứu giúp. Coi như số Dũng vẫn còn may mắn!…
Rồi chị nhìn ra ngoài sân, như mong ngóng một điều gì đó xa xăm. Dạo này sắp vào Thu, thời tiết xứ Nghệ đã trở nên mát mẻ, mây kéo về xám xịt bầu trời, những hạt mưa đang lắc rắc rơi trên vườn cây trước nhà. Người bạn gái đi cùng tôi, sau khi lắng nghe câu chuyện của chị, cũng tỏ ra cảm thông cho hoàn cảnh lắm, khuôn mặt cô luôn lộ vẻ xúc động.
Còn nhớ năm ngoái – đúng ngày 30/4/2014 – Nguyễn Viết Dũng là người đầu tiên ở Nghệ An treo cờ vàng ba sọc đỏ ngay trước nhà mình. Hành động đó nhắc nhở cho người dân không được quên lá cờ di sản của dân tộc, đồng thời phản đối cái gọi là ngày “giải phóng miền nam, thống nhất đất nước” mà nhà cầm quyền vẫn hằng tuyên truyền bấy lâu nay. Sau đó thì công an huyện đã phối hợp với địa phương đến nhà còng tay Dũng rồi giải ra ủy ban xã. Dũng và cô em gái của mình đã đấu tranh gay gắt, trước lý lẽ xác đáng của hai anh em, họ buộc phải thả Dũng về nhà sau đó.
Chị Hồng – mẹ Nguyễn Viết Dũng – cho biết, cả nhà lo lắng mong chờ tin tức từng ngày. Anh chị chỉ có mỗi Dũng là người con trai duy nhất, lại là anh cả trong gia đình. Dưới Dũng còn ba em gái nữa, cô thứ hai lấy chồng và đi dạy trong huyện. Hai con gái út thì một cô đang đi làm tận Thái Nguyên, một cô đang đi học ở Vinh (thành phố Vinh – Nghệ An).
Trong lúc trò chuyện, chị cố tươi cười để chúng tôi yên lòng, nhưng tôi hiểu đằng sau đó là nổi buồn vô hạn của một người mẹ vô cớ bị người ta bắt đi đứa con trai yêu quý của mình.
Không dấu được nổi cay đắng trong lòng, chị xua tay:
– Nói thật là gia đình chị không còn ai tin tưởng vào cái gọi là “tự do”, “dân chủ” ở cái đất nước này nữa cô chú ạ!.
Nổi lòng của một người mẹ, tôi hiểu lắm chứ, ai cũng thương, cũng yêu những đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra và nâng niu chăm sóc tháng ngày.
Rồi trong nổi nhớ con, chị kể cho chúng tôi những kỷ niệm về Dũng khi còn đi học phổ thông.
“Dũng là một đứa ngoan và sáng dạ, nó sống tình cảm lắm. Còn nhớ hồi lớp 6 lớp 7 gì đó, có hôm đi học về, nó chào tôi rồi lại đạp xe vòng trở ra, lại đi vào và chào lần nữa, cứ như thế cho đến khi tôi phải phát cười lên mới thôi. Nó muốn trêu cho tôi cười, để động viên mẹ.
Cả nhà ai cũng hy vọng vào khả năng học tập của Dũng, mong sẽ có nhiều thành tựu, vì nó học rất giỏi. Cái lần nó bị trường Bách Khoa đuổi học (năm 2006) vì có tham gia các phong trào chính trị gì đó, anh và chị lo lắng lắm. Chị hỏi Dũng có muốn thi và học vào một trường nào khác không, nó suy nghĩ rất lung rồi nói rằng, tương lai của con sẽ do con quyết định. Từ đó nó lựa chọn con đường đấu tranh dân chủ cho đến nay. Gia đình thì cho rằng những việc Dũng làm là đúng, và cũng ủng hộ để nó vượt qua, dẫu biết rằng khó khăn nguy hiểm. Cũng phải có những người đấu tranh như vậy, nếu không thì đất nước này sẽ đi đến đâu, không lẽ lại phải chịu đựng bất công như vậy mãi hay sao?…”.
Chị còn muốn kể nhiều nữa, vì những dòng hoài niệm về đứa con yêu của mình thì có bao giờ dứt. Tôi thực sự cảm thông cho tình cảm một người mẹ, và càng cảm phục hơn cái ý chí bảo vệ lẽ phải của chị.
Ngoài trời mưa vẫn rơi, ánh mắt chị lại hướng về chốn xa xăm, có lẽ là nơi mà đứa con trai yêu quý của mình đang bị người ta bắt giam một cách bất công vô cớ. Quả thực không một ai có thể hiểu Dũng bị bắt vì lý do gì, và tại sao người ta lại có thể bỏ tù một người vô tội mà không có bằng chứng nào cả?
Trong niềm thương nhớ con, chị Hồng nói như người mộng du:
– Dũng muốn có sách ngoại ngữ và những sách nó yêu thích để đọc trong tù, nhưng bên an ninh người ta chỉ cho đọc báo công an và báo đảng mà thôi. Gia đình đang nhờ bạn bè tìm giúp sách cho Dũng, không biết công an họ có cho gửi vào không nữa?…
Chuồng chim Bồ Câu trước nhà lúc này rộn lên những tiếng cúc cu gọi bạn. Người ta vẫn nói rằng, Bồ Câu là giống chim biểu tượng cho tự do và đoàn tụ. Ngay cả loài chim cũng được như vậy, nhưng cả hai thứ đó đều thiếu đối với những con người trong ngôi nhà mà chúng tôi đang ngồi đây.
Viết từ quốc nội