Những ứng cử viên Tổng Thống nước Mỹ đang dẫn đầu…

Donal Trump

Hôm qua, tại New York hai ứng cử viên đảng Cộng Hoà và Dân Chủ Mỹ dẫn đầu số phiếu của đảng mình để chạy đua vào toà Bạch Ốc năm 2016. Ứng cử viên Hilary Clinton đã đánh bại đối thủ trong đảng Dân Chủ làm ông Berni Sanders không còn có hy vọng gì trong cuộc chạy đua trong đảng Dân Chủ. Phía đảng Cộng Hoà thì ông Donal Trump thắng 61% ở New York, làm cho những thành phần trong nội bộ Đảng Cộng Hoà khó lòng đẩy lùi ông Trump đại diện cho đảng Cộng Hòa ra ứng cử tổng thống năm nay. Dù ông Trump là một nhận vật quái gở có một không hai từ trước tới nay trong vai trò ứng cử viên Tổng Thống… Dưới đây là những khó khăn từ cá nhân đến nội bộ đảng Cộng Hòa đối với ông Trump:

2016: ĐƯỜNG VÀO TOÀ BẠCH ỐC

Lời giới thiệu:

Trái với những lời hô hào kiểu thông lệ nhưng rất rỗng tuếch, lá phiếu của cử tri gốc Việt thật ra không hề có chút ảnh hưởng nào lên kết quả sau cùng của cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ do bởi những ngẫu nhiên của lịch sử với luật lệ về bầu cử phức tạp theo quy chế bầu cử-tri-đoàn của từng tiểu bang, và cộng đồng người Việt lại cư ngụ phần lớn tại những tiểu bang không ngang ngửa (swing states). Tuy vậy, cuộc chạy đua để trở thành tổng thống Mỹ vẫn là sự kiện thời sự được nhiều người chú ý nhất mỗi 4 năm 1 lần. Loạt bài này nhằm giúp người đọc hiểu rõ thêm về nhiều góc cạnh lý thú và đa dạng của nó trong sinh hoạt chính trị đặc thù của nước Mỹ.

HIỆN TƯỢNG Franken Trump

Những người thường xuyên theo dõi thời sự bầu cử trên chính trường Hoa Kỳ ắt hẳn cũng đã từng được nghe nói qua từ ngữ đặc biệt trên tựa đề bài viết kỳ này. Đối với độc giả người Việt chưa am hiểu nhiều về lịch sử và văn chương Âu Mỹ thì từ ngữ này có phần hơi khó hiểu, có thể hơi trách móc kẻ viết bài này lại thích “chơi chữ”, một thói quen buộc người đọc phải vặn óc để suy nghĩ như là một hình thức để câu độc giả.

Ngay từ lúc ban đầu, hệ thống truyền thông Huffington Post đã xem những tin tức liên quan đến chuyện ông Donald Trump chính thức nhập cuộc vào cuộc vận động tranh cử tổng thống từ hồi tháng 6 năm ngoái như là một trò hề mua vui, và do đó đã quyết định xếp đặt các bản tin liên quan đến nhà tỷ phú giảo hoạt này thuộc loại tin giải trí (Entertainment News). Riêng nhà báo này đã dùng một từ ngữ khác để diễn tả về hình ảnh của nhân vật đặc biệt này, khi gọi đó là hiện tượng “Xì-Trum” vào đầu tháng 8 năm ngoái.

Như đã giải thích trước đây, trong số những sách truyện hình hoạt hoạ nổi tiếng phổ biến tại Việt Nam trước năm 1975, chuyện Xì-Trum có lẽ không nổi tiếng bằng những loạt truyện khác như Lucky Luke, Tintin hoặc Asterix. Đó là các loạt truyện hoạt hoạ của các tác giả Pháp-Bỉ rất nổi tiếng, được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, lôi cuốn hàng trăm triệu độc giả trên khắp thế giới. Còn chuyện Xì-Trum (Les Schtroumpfs) chủ yếu xoay quanh cuộc sống thường ngày của một chủng tộc tí hon được gọi là Xì Trum, định cư ở một nơi biệt lập với loài người.

Hình bìa truyện hoạt hoạ Schtroumpfs

Giờ đây, trên chính trường Hoa Kỳ xuất hiện một nhân vật nổi tiếng khác là Trump, một nhà tài phiệt chẳng có thành tích gì xuất sắc, nhưng rất ma-lanh và biết nắm bắt tâm lý của quần chúng và khai thác nhiều lợi điểm để trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của nhiều người. Trong một chừng mực nào đó, người ta có thể ví von ông Trump này cũng đang sống xa lánh với cuộc sống thực sự nghiêm túc của đa số người dân tại Hoa Kỳ.

Đó là thời điểm của đầu tháng 8/2015, và đến nay là đầu tháng 4/2016, một khoảng thời gian ngắn chỉ có 8 tháng trời nhưng cũng đủ làm thay đổi mọi dự đoán hoặc bình luận của hầu hết các viên chức cao cấp trong chính quyền và các đảng phái, cũng như gây kinh ngạc cho các chuyên gia am tường thời cuộc khiến cho mọi người đều đã nhanh chóng rút lại những lời bình luận có phần xem thường ứng cử viên đặc biệt và hi hữu này. 

Thật vậy, vào lúc ấy, ông Trump cũng chỉ đạt được trên dưới 10% tỉ lệ ủng hộ của dân chúng trong tổng số 17 ứng viên có tham vọng làm chủ nhân của Toà Bạch Ốc vào đầu năm 2017. Nhưng nhiều người vẫn còn đánh giá cao một số những ứng viên khác thuộc loại những chính khách có tầm cỡ và nổi tiếng hơn nhiều, trong số đó có những cựu hoặc đương kim thống đốc tiểu bang như Jeb Bush, Scott Walker, Chris Christie, Rick Perry, Bobby Jindal và nhiều vị nghị sĩ liên bang như Marco Rubio, Ted Cruz, Rand Paul, Lindsey Graham v.v.

Ấy vậy mà rồi giờ đây, những tên tuổi nổi bật đó, dù đã được yểm trợ tài chính khá dồi dào vài chục triệu Mỹ-kim, hoặc hơn cả trăm triệu Mỹ-kim như trường hợp của ông Jeb Bush, cũng đã lần lượt rơi rụng một cách thảm bại trong cuộc chạy đua đường trường này. Để rồi, ứng viên dẫn đầu hiện nay lại chính là nhà tỷ phú Donald Trump, bỏ xa những đối thủ khác, và đáng ngạc nhiên hơn hết, là ứng viên này dẫn đầu với số phiếu ủng hộ của cử tri cao nhất dù rằng ông ta đã liên tục có những hành động và lời nói từ trước tới nay thường được xem như là phạm vào sai lầm gây thiệt hại uy tín nặng nề cho một ứng viên tranh cử.

Hiện tượng Donald Trump quả là một sự kiện bất ngờ và hi hữu chưa từng thấy trong lịch sử bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, ít ra là trong hơn nửa thế kỷ qua, khi mà ứng viên về đầu trong một chính đảng lớn (đảng Cộng Hoà hiện nay) lại bị chính những viên chức cao cấp và kỳ cựu trong đảng dồn mọi nỗ lực và tiền bạc để tìm cách chống phá hoặc ngăn cản để giành được chiến thắng. Khách quan mà nói, không phải chỉ có Donald Trump, mà ngay cả ứng viên về nhì hiện nay là Ted Cruz, nghị sĩ liên bang của tiểu bang Texas, cũng là người gặp nhiều sự chống đối và than phiền từ phía hàng ngũ các viên chức quyền thế kỳ cựu của đảng Cộng Hoà, thường gọi là party establishment. Tuy nhiên, sự chống đối hay thù ghét của họ đối với Donald Trump quá to lớn khiến người ta tạm quên đi một hình ảnh nhức nhối khác là Ted Cruz.

Thật vậy, trong số 54 nghị sĩ phe Cộng Hoà hiện nay tại Thượng Viện Hoa Kỳ, có lẽ chỉ có một mình

Donald Trump và Ted Cruz là hai nhân vật khó ưa đối với giới quyền lực chính thống của đảng Cộng Hoà

ông Mike Lee thuộc tiểu bang Utah là người duy nhất ủng hộ ông Cruz chỉ vì hai người này cũng đều là thành phần được ủng hộ mạnh mẽ nhất bởi phong trào Tea Party. Tất cả những nghị sĩ còn lại đều khó lòng ưa thích hay ủng hộ cho ông Cruz được, nhất là khi ông ta đã mạnh mẽ lớn tiếng chỉ trích vị lãnh tụ của họ là Trưởng khối Đa số Mitch McConnell (có uy quyền tương đương như Chủ tịch Thượng Viện) là một kẻ nói dối.

Nên nhớ là Thượng Viện là một cơ quan quyền lực có truyền thống tôn trọng nghi thức lâu đời giữa những người đồng viện luôn kính trọng lẫn nhau dù rằng có phải đứng ở hai chiến tuyến đối nghịch. Vì thế nên khi ông Cruz đã bước qua lằn ranh của phép lịch sự tối thiểu khi công khai đả kích người lãnh tụ cùng đảng với mình bằng những từ ngữ thậm tệ như vậy (chỉ vì không hài lòng cách điều hành của ông McConnell) thì hầu như không ai còn muốn giữ lịch sự với ông ta nữa. Chẳng vì thế mà cách nay vài tháng, nghị sĩ Lindsey Graham đã phát biểu một cách nửa đùa nửa thật rằng nếu như kẻ nào đó ám sát ông Ted Cruz, và sau đó được đưa xét xử tại Thượng Viện, thì chắc chắn là người này sẽ không bị kết tội!

Sự kiện một số nhân vật bảo thủ hiện nay đang quy tụ đứng sau lưng Ted Cruz để ủng hộ ông ta chẳng phải vì họ tôn trọng hay ủng hộ chính khách có thành tích và lập trường bảo thủ quá khích này, mà đúng hơn vì họ tin rằng chỉ còn có cách đó là hy vọng sau cùng để ngăn chặn không cho Donald Trump có thể đạt được tỉ lệ quá bán số ghế đại biểu xuyên qua vòng bầu cử sơ bộ tại 50 tiểu bang để trở thành ứng viên đương nhiên được đề cử bởi Đảng. Lý do là hiện nay, theo bảng tính tổng kết của hãng thông tấn AP, ông Trump đang dẫn đầu với 743 đại biểu, bỏ xa hai ông Ted Cruz (545 đại biểu) và John Kasich (chỉ có 143 đại biểu). Nhưng muốn vượt qua tỉ lệ đa số quá bán, ông Trump phải giành được 1,237 đại biểu, một con số có phần hơi khó khăn để vượt qua được khi cuộc đua chỉ còn đúng 16 tiểu bang nữa sẽ tổ chức bỏ phiếu sơ bộ.

Những kết quả bầu cử gần đây tại một vài tiểu bang như Utah, Wisconsin và Colorado với kết quả rất bất lợi cho Donald Trump, dù là với số ghế đại biểu không to lớn gì lắm của những nơi này, cũng đủ khiến cho xác suất giành được đa số quá bán có phần mong manh. Và như vậy thì ông Trump khó lòng giành được chiến thắng trước khi bước vào Đại Hội Đảng vào trung tuần tháng 7 sắp tới. Như thế, coi như chiến thuật bước đầu của phe chống Trump coi như tạm ổn, để từ đó mọi người sẽ tính đến những bước đi hoặc chiến thuật kế tiếp cho một đại hội đảng chia rẽ và đấu nhau sẽ diễn ra mà mọi người hiện nay vẫn chưa thể hình dung được kết quả sẽ ra sao.

Khách quan mà nói, trong số 3 ứng viên còn lại hiện nay của đảng Cộng Hoà, thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio có thể được xem như là nhân vật bảo thủ có lập trường ôn hoà nhất, và như vậy coi như được đa số các viên chức quyền thế kỳ cựu trong đảng dễ chấp nhận nhất. Và ông Kasich có lẽ cũng là ứng viên của đảng Cộng Hoà có nhiều xác suất nhất để thu hút được một số lớn cử tri độc lập có khuynh hướng trung dung trong một cuộc tổng tuyển cử vào đầu tháng 11, và do đó sẽ có ít nguy cơ tai hại cho các ứng viên của phe Cộng Hoà tranh cử vào các chức vụ thống đốc, nghị sĩ và dân biểu liên bang. Bởi vì trong một cuộc bầu cử tổng thống, cử tri bỏ phiếu chống một ứng viên nào đó cũng thường bỏ phiếu chống luôn các vị thống đốc, nghị sĩ, dân biểu cùng đảng với ứng viên này. Và nếu số cử tri chống đối siêng năng đến thùng phiếu để bầy tỏ sự bất mãn thì những ứng viên cùng đảng để giành các chức vụ khác cũng sẽ bị liên luỵ theo.

Trong tình thế hiện nay, ở mỗi kỳ bầu cử dù là ở cấp địa phương, tiểu bang, hoặc liên bang, ứng viên của mỗi đảng đều có thành phần cử tri trung kiên với đảng là khối chủ lực sẵn sàng đi bỏ phiếu ủng hộ, và hai khối bảo Cộng Hoà và Dân Chủ này coi như cân bằng lẫn nhau với số phiếu nhất định và đoán trước được. Và do đó, khối cử tri còn lại thuộc thành phần trung dung được xem như là có sức mạnh quan trọng để quyết định cán cân hơn thua, bởi vì chỉ cần đa số cử tri độc lập này nghiêng về phía nào thì phe đó coi như sẽ thắng cử. Đối với đa số cử tri trung dung, phần lớn đều khó lòng chấp nhận hay ủng hộ hai ông Donald Trump hoặc Ted Cruz, vốn là hai nhân vật quái gỡ và ngạo mạn, lúc nào cũng tự kiêu và xem thường hoặc khinh rẽ phía đối lập.

Trong một chừng mực nào đó, việc lựa chọn giữa ông Trump hoặc ông Cruz đối với một số chính khách và cử tri của phe Cộng Hoà hiện nay là một sự ép buộc phải chọn lựa giữa cái xấu (bad) và cái tệ hơn đó (worse). Điều trái khoáy là một số lớn cử tri bảo thủ hiện nay, đang say cuồng trong làn sóng muốn tung hê mọi thứ để thoả mãn những ẩn ức đã bị dồn nén từ lâu, hoặc là đã bị tiêm nhiễm một cách hoang tưởng bởi những lời hứa hẹn hoang tưởng của các chính trị gia này, nên sẵn sàng lao mình vào ủng hộ hai ứng viên này vì tin tưởng rằng nếu như các ứng viên này được đắc cử thì họ sẽ biến đổi nước Mỹ này theo một chiều hướng đúng với tâm tưởng cực đoan của họ (vốn tin rằng chỉ có mình là đúng, và những người khác là sai lầm, là phóng túng, là đưa nước Mỹ đi vào suy yếu v.v.)

Các viên chức Cộng Hoà đang hốt hoảng trước sự quấy phá của quái vật Trump do họ tạo ra (hình RapidCity Journal)

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia bình luận của giới truyền thông đang tìm cách phân tích hoặc tìm hiểu vì sao lại có hiện tượng những viên chức quyền thế kỳ cựu của đảng Cộng Hoà lại đang tìm cách ngắn chặn tham vọng tiến tới của ứng viên hàng đầu hiện nay là nhà tỷ phú Donald Trump. Nhà báo Julie Alderman, trong một bài tổng kết của cơ quan nghiên cứu Media Matters, đã trình bày những phân tích của giới truyền thông để giải thích sự kiện chính đảng Cộng Hoà là nguyên nhân gây ra “quái vật” (monster) mang tên Trump do bởi chính sách chống đối một cách mù quáng và cực đoan tất cả những thành quả và đường lối của chính quyền Obama, và tạo nên một “không khí hận thù” để cho Trump có thể tự tung tự tác.

Từ đó mới có từ ngữ “FrankenTrump” là cách chơi chữ phối hợp hai chữ Frankenstein, biểu hiện của một quái vật nổi tiếng, và Trump, tên họ cúng cơm của nhà tỷ phú giảo hoạt đang gây kinh ngạc lớn trên chính trường nước Mỹ cũng như của cả thế giới. Thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy một vài hoạ sĩ hí hoạ trong giới truyền thông dùng từ ngữ “Trumpenstein” gộp 2 chữ Trump và Frankenstein để nói về “quái vật” kinh dị này.

Hình Franken Trump trên mạng Twitter

Đối với người Việt, hầu hết mọi người đều quen thuộc với những tên tuổi hay hình ảnh khác khi nói đến chuyện ma quỷ. Về ma, chúng ta thường nghe nói đến ma da hay ma-cà-rồng để hù doạ trẻ nít. (Thời còn mồ ma của Đệ Nhị Cộng Hoà, báo giới ở miền Nam VN trước năm 1975 thỉnh thoảng cũng dùng chữ Ma vú dài ở nhà tù Chí Hoà một cách đùa nghịch. Về quỷ, chúng ta cũng thường nghe nói đến quỷ Dạ-xoa ở dưới âm ty hoặc là quỷ Satan như đối với người theo Thiên Chúa Giáo. Nhưng đối với người dân Âu Mỹ thì Frankenstein, cũng như Dracula, được xem như là biểu tượng của những gì ma quái hay ác quỷ. Tuy rằng thật ra nó cũng chỉ là sản phẩm của tiểu thuyết hơn là những gì có thật đã diễn ra trong lịch sử.

Frankenstein là tựa đề của một cuốn tiểu thuyết bởi nhà văn Mary Shelley của Anh quốc được xuất bản vào năm 1818, kể lại câu chuyện xoay quanh một lâu đài của giòng họ một nhà quí tộc cùng tên, trong đó có cậu Victor Frankenstein là một nhà nghiên cứu về hoá học đang thử nghiệm những công thức pha chế để thoả mãn trí óc tò mò. Để rồi sau đó, anh ta đã tạo sinh ra được một quái vật to lớn khác thường, với những quyền năng kinh hồn nhưng giờ đây lại vượt ra khỏi quyền kiểm soát và chủ nhân của nó. Truyện Frankenstein có thể được xem như là tác phẩm mở đường cho loạt truyện về khoa học giả tưởng sau này, nhưng nó đã trở thành khá phổ thông, và từ ngữ Frankenstein từ đó đến nay đã được dùng một cách sai lầm để ám chỉ một quái vật (đúng ra là chủ nhân của nó) và được lưu truyền, phát tán rộng rãi trên các tiểu thuyết hoặc phim ảnh thuộc loại kinh dị.

Một hình hí hoạ để nói về “quái vật” Frankenstein

Trong số các cơ quan truyền thông đại chúng nổi tiếng hiện nay, đài Fox News được xem như là một diễn đàn cổ võ mạnh mẽ nhất cho phe bảo thủ và đảng Cộng Hoà. Nhưng nhà báo Julie Roginsky, phụ trách chương trình Outnumbered trên đài này, mới đây khi nói về nhân vật Donald Trump, đã không ngần ngại phê bình rằng chính đảng Cộng Hoà đã “tạo dựng nên quái vật này” bằng cách ôm chầm lấy làn sóng Tea Party để nương theo đó. Và bà kết luận rằng chính đảng Cộng Hoà quả tình là “nhà bác học Frankenstein”.

Để giải thích rõ hơn, bà Roginsky đã kể lại chi tiết: “Vào năm 2008, ông John McCain đã đưa bà Sarah Palin vào liên danh của mình. . . Rồi đến năm 2010 khi phong trào Tea Party nổi lên, bọn họ đã nương theo đó để giành lấy quyền đa số ở Quốc Hội. Thành ra những nhân vật như Mitch McConnell đã nương theo đó để nắm lấy quyền hành. Họ đã lợi dụng nó, khai thác nó, kích động nó (để chống đối Obama). Để rồi giờ đây, sản phẩm của nó là Donald Trump đã lớn mạnh và vùng lên để khống chế đảng Cộng Hoà khiến họ không thể nào ngờ được. Nhưng mà chính họ đã tạo ra quái vật này. Chính họ đúng là Bác học Frankenstein. Và giờ đây họ không còn kiểm soát nổi nó nữa, và không biết cách nào để đối phó.

Trên một diễn đàn khác là tờ nhật báo Boston Globe, một bình luận gia khác là Renée Graham cũng đưa ra một nhận xét tương tự khi viết rằng “chiến dịch vận động tranh cử hiện nay của đảng Cộng Hoà cũng diễn ra không khác gì nội dung trong cuốn tiểu thuyết Frankenstein của nhà văn Mary Shelly”. Nhà báo Graham đã chỉ trích các giới chức của đảng Cộng Hoà còn ra vẻ như ngạc nhiên không muốn thấy Donald Trump, nhưng chính họ “trong suốt gần một thập niên qua đã theo đuổi một cuộc tranh luận chính trị va chạm gay gắt để lôi cuốn những cử tri trung kiên của họ nhằm kích động những bản năng và ám ảnh nông cạn của họ.

Và nhà báo này đã kết luận: “Những người Cộng Hoà nào còn tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự thành công hiện nay của Donald Trump đúng là những kẻ hoang tưởng. Trump chính là kết quả tàn phá của tinh thần thù ghét, chống phá tứ tung và nổi loạn tung hê tất cả những gì mình không ưa thích. Thoạt đầu nó chỉ là một âm mưu quỉ quái để chống lại chính quyền Obama ngay từ ngày đầu, nhưng rồi nó lớn dần lên để trở thành một ứng viên hàng đầu, với những lời chỉ trích xỏ xiên giờ đây đã hết còn sức hấp dẫn nữa.

Chưa hết, nhà báo David Corn của diễn đàn truyền thông Mother Jones cũng nhận định tương tự trong một bài viết hồi cuối tháng 2 vừa qua khi cho rằng những người của đảng Cộng Hoà “đã tạo nên một môi trường thù hận để từ đó lá bài của Donald Trump mới có thể bắt nguồn và lớn mạnh hơn, và giờ đây thì họ chỉ còn có cách tự trách mình là đã vô tình tạo ra hiện tượng FrankenTrump này”.

Nhà báo này cũng đưa ra một ví dụ dạy dỗ khá phổ thông và dễ hiểu để phân tích về việc này: “Chúng ta có thể kể nhiều thí dụ tiêu biểu. Đó là đùa với lửa (kiểu chơi dao có ngày đứt tay). Đốt pháo thì có ngày phỏng tay. Gieo gió thì gặt bão. Giới chức lãnh đạo của đảng Cộng Hoà đã tạo nên một nền tảng để từ đó ông Trump đã thành công dựng nên một chiến dịch vận động thành công nhất của một kẻ nổi loạn trong suốt quá trình lịch sử của nước Mỹ. Và giờ đây có lẽ họ cũng không còn có lối thoát nào nữa.

Sau cùng, trên tờ nhật báo uy tín hàng đầu tại thủ đô là tờ Washington Post, nhà bình luận Robert Kagan cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng Donald Trump là người được nâng đỡ để sinh tồn bởi đảng Cộng Hoà, qua chiến dịch ngăn cản một cách mù quáng (wild obstructionism) để huấn luyện cho cử tri trung kiên của mình khái niệm rằng chính phủ liên bang và những định chế truyền thống của nó là những gì mà họ có thể vùng lên để lật đổ, từ đó mới dẫn đến những đòi hỏi cực đoan sẵn sàng đóng cửa bộ máy chính quyền (government shutdown) nếu như những đòi hỏi của mình không được thoả mãn.

Ông Kagan kết luận rằng: “Donald Trump không phải là một chuyện bất ngờ, ngàn năm một thuở (fluke). Và ông ta cũng chẳng cướp lấy đảng Cộng Hoà cũng như phong trào bảo thủ. Ông ta chính là sản phẩm của đảng Cộng Hoà, tức là một quái vật của nhà bác học Frankenstein. Nó được được nuôi dưỡng bởi cơ cấu của đảng, để rồi giờ đây nó bỗng lớn mạnh để có thể huỷ diệt luôn cả chủ nhân của nó. . . Nó bắt nguồn từ lòng thù hận đối với ông Obama và phe đối lập để đòi lật đổ tất cả những gì mình không ưa thích (xen lẫn tinh thần kỳ thị) để từ đó họ có thể cáo buộc phe đối lập (và ông Obama) đủ thứ mọi tội lỗi, và để biện minh rằng tất cả những hình thức chống đối đều chính đáng.”

Nếu chịu khó tìm hiểu thêm, chúng ta sẽ thấy có nhiều nhà báo khác cũng đưa ra những phân tích tương tự như vậy. Chẳng hạn như William Saketan của diễn đàn Slate.com cũng nhận định rằng chính thái độ chống đối cực đoan của đảng Cộng Hoà đối với tất cả những gì liên quan đến chính quyền Obama đã là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và lớn mạnh của hiện tượng Donald Trump. Một nhà báo khác là Juan Williams cũng là bình luận gia trên đài Fox News cũng cho rằng đảng Cộng Hoà chính là nguyên nhân của tình trạng thiếu văn hoá và lịch sự trên chính trường, từ đó mới nuôi dưỡng thành lớn mạnh hiện tượng những chính khách tranh cãi gần như thô tục và sỉ vả của các ứng viên như Donald Trump ngày nay. 

Trong một bài viết vào tuần trước, chúng ta đã thấy nhà báo James Zobby, trong một bài góp ý trên diễn đàn Huffington Post hồi tháng 8 năm ngoái, cũng đã viết một bài phân tích với lời tựa là “Reaping What It Sowed”, tạm dịch là “Gieo Gió thì Gặt Bão” để nói về hậu quả mà đảng Cộng Hoà ngày nay đang phải gánh lấy do chính những việc làm của mình trong thời gian 8 năm qua dưới thời của TT Obama. Trong một bài viết trên tờ Washington Post vào ngày 8 tháng 3 vừa qua, hai ký giả Thomas Mann và Norman Ornstein cũng đã phân tích lại những sự kiện trong quá khứ để đi đến kết luận rằng chính đảng Cộng Hoà là thủ phạm đã gây ra tình trạng rối rắm hiện nay, và giờ đây thì họ phải trả giá cho hành động thiếu suy nghĩ của mình, với lời tựa là “Republicans created dysfunction. Now they’re paying for it.”

Để kết luận, xin mượn lời của nhà báo Michael Grunwald trên trang báo Politico.com đã nhận định rằng: “Với Trump, rõ ràng là đảng Cộng Hoà đang chuốc lấy những gì mà họ đã bỏ công gieo trồng nó từ bao lâu nay.

Quả tình là cuộc chạy đua trên chính trường bầu cử nước Mỹ đã có nhiều điều bất ngờ ngoài dự tưởng của nhiều người. Vì thế nên chúng ta chỉ còn cách phải chờ đợi để xem những màn kế tiếp sẽ biến chuyển ra sao.

MAI LOAN

Texas

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt