Những sĩ quan tiêu biểu nằm xuống trong 30/04/1975: Trung Tá Lê văn Ngôn

Sinh viên sĩ quan Lê Văn Ngôn khóa 21

Lời người post: Trung Tá Lê Văn Ngôn người lên chức Trung Tá đầu tiên của khóa 21 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, từ khi ra trường cấp bậc thiếu úy tháng 12/1966, 6 năm sau, 1972 lên Trung Tá.

Viết để ngợi ca và vinh danh 275 chiến sĩ Mũ Nâu của Tiểu Ðoàn 92 Biệt Ðộng Quân và người bạn cùng khóa, cố Trung Tá Lê Văn Ngôn. Xin nguyện cầu hương linh của anh ngàn thu yên nghỉ! Anh chính là một biểu tượng của Tống Lê Chân, là niềm hãnh diện của cựu sinh viên sĩ quan khóa 21 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam-Ðà Lạt.

Nhìn lại toàn cuộc chiến mùa Hè của năm 1972, từ Dakto-Tân Cảnh xuống tới An Lộc-Bình Long rồi ra tận Quảng Trị kiêu hùng, Trung Tá Lê Văn Ngôn đã nổi lên như một người hùng. Anh sinh năm 1941 tại thị xã Vĩnh Long, trong một gia đình nho giáo, cha và người anh cả của Ngôn đều chọn nghề dạy học và rất được sự kính trọng của phụ huynh lẫn học sinh trong vùng.

Như bao thanh niên khác cùng thế hệ, Ngôn đành phải xếp bút nghiên, giã từ giảng đường đại học, nơi mà tuổi trẻ luôn miệt mài đầu tư cho tương lai tươi sáng của mình. Vì anh ý thức được bổn phận và trách nhiệm của người trai trong thời quốc biến, cho nên, cuối năm 1964, anh tình nguyện gia nhập khóa 21 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, như là một sự dấn thân để phục vụ lúc tổ quốc đang cần.

Vào thời điểm ấy, Cộng Sản đã có những toan tính lọc lừa, ngang tàng xua quân vào để mở rộng cuộc chiến xâm lược miền Nam. Những trận đánh lớn đã thường xuyên xảy ra trên khắp bốn vùng chiến thuật và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự tham chiến ồ ạt của Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam vào năm 1965.

Lê Văn Ngôn tốt nghiệp ngày 26 Tháng 11 năm 1966, với cấp bậc thiếu úy hiện dịch và anh chọn Binh Chủng Lực Lượng Ðặc Biệt để phục vụ. Do nhu cầu phát triển của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), vài năm sau đó, binh chủng này bị giải tán và được sát nhập vào binh chủng Biệt Ðộng Quân VNCH. Ngôn được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy trưởng trại Lực Lượng Ðặc Biệt Biên Phòng Tống Lê Chân vào năm 1972, rồi đơn vị này được cải danh thành Tiểu Ðoàn 92 Biệt Ðộng Quân và Ngôn trở thành vị tiểu đoàn trưởng.

Nói về căn cứ Tống Lê Chân, nơi này là vùng đất của hai xã Minh Ðức và Minh Tâm thuộc tỉnh Bình Long, là một trại biên phòng, nằm cách biên giới Việt-Miên 13 cây số về phía Nam và cách thị xã An Lộc 15 cây số về hướng Ðông Bắc, nghĩa là hết tầm yểm trợ của đại bác 155 ly. Nguyên thủy, cứ điểm ấy mang một tên địa phương là Tonlé Tchombé, sau đó, chỉ huy trưởng đầu tiên của trại này là Thiếu Tá Ðặng Hưng Long đã đổi thành Tống Lê Chân. Trại được bao quanh với tám lớp hàng rào kẽm gai, cộng thêm với hệ thống mìn bẫy dày đặc, tự nó đã rất vững vàng trong việc phòng thủ, cũng đã góp phần đẩy lui nhiều cuộc tấn công điên cuồng của giặc Cộng. Ngự trị trên một ngọn đồi yên ngựa, cao khoảng 50 mét, nhìn xuống hai dòng suối nhỏ là Takon và Neron và có một phi trường nằm trên ngọn đồi thấp của dãy yên ngựa này mà vận tải cơ C123 có thể đáp được.

Trung tá Lê Văn Ngôn ở Tống Lê Chân

Tống Lê Chân bị tấn công kể từ ngày 10 Tháng Năm, 1972. Vào thời điểm khốc liệt ấy, những dàn phòng không dày đặc của địch thực sự đã kiểm soát được vòm trời của căn cứ, gây không ít trở ngại cho Không Quân VNCH khi phải thực hiện các phi vụ tiếp tế và yểm trợ.

Giống như tình trạng tại An Lộc, trong những ngày đầu bị vây hãm, mọi tiếp tế lương thực và đạn dược đều được thực hiện bằng cách thả dù. Nhưng hầu như chỉ một nửa rơi vào vòng phòng thủ của ta và phần còn lại thì rớt xuống vùng của địch. Thế mà Tống Lê Chân vẫn đứng lừng lững, dũng cảm và hiên ngang với nhiệm vụ chận đứng mọi sự chuyển quân của Việt Cộng từ Cambodia xuống phía Nam, cứ điểm này chính là một vị trí chiến lược, trở thành một tiền đồn trọng yếu trong việc phòng thủ Sài Gòn.

Tống Lê Chân được lực lượng Mỹ thành lập, họ xây dựng một hệ thống giao thông hào chằng chịt, rất thích ứng với chiến thuật phòng thủ. Từ hệ thống có sẵn này, Ngôn ra lệnh cho binh sĩ đào ra những ngách nhỏ, kích thước vừa đủ trú ẩn cho mỗi cá nhân, vừa dùng để quan sát địch, vừa tránh đạn pháo kích, lại vừa chiến đấu rất hữu hiệu.

Thật vậy, Tiểu Ðoàn 92 Biệt Ðộng Quân và Ngôn đã cùng chung nhịp thở với Tống Lê Chân trong 510 ngày bị vây hãm, họ phải chiến đấu trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Họ phải tiết kiệm từng viên đạn và thậm chí ngay cả từng hớp nước uống! Với hơn 20 lần bị tấn công, bảy lần bị đánh đặc công, 233 lần với khoảng hơn 14,500 đạn pháo đủ loại đã dội vào căn cứ. Tống Lê Chân hiển nhiên đã trở thành một trận chiến dai dẳng nhất lịch sử chiến tranh.

Sơ đồ căn cứ Tống Lê Chân

Trong suốt thời gian đó, Việt Cộng đã rót vô số bom đạn đủ loại, nướng không biết bao nhiêu con thiêu thân cuồng tín vào mặt trận này. Ðây là một bãi chiến trường mà ban ngày cũng như ban đêm, đều bị choáng ngợp do mùi nồng nặc và khét lẹt của thuốc súng và xác người. Nhưng bọn chúng cũng thất bại trước toan tính san bằng cứ điểm và đã không đè bẹp được tinh thần chiến đấu kiên cường của những dũng sĩ Mũ Nâu Biệt Động Quân VNCH. Do đó, song song với việc tấn công hỏa lực, hằng ngày chúng đã phát động chiến dịch chiêu dụ bằng cách dùng loa kêu gọi rã ngủ hay đầu hàng. Hẳn nhiên, đã có phần tác động đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ và gây ra không ít khó khăn cho sự chỉ huy của Ngôn. Và “Ngôn cũng vô hiệu hóa chiến dịch ấy bằng nghệ thuật chỉ huy và bằng sự can đảm của chính bản thân mình.”

Vài hàng dưới đây, tôi muốn đưa lên vài trận đánh đã diễn ra qua nhiều cuộc chiến khác nhau để chúng ta dễ dàng làm một sự so sánh và từ đó chúng ta có thể hãnh diện mà vinh danh sức chịu đựng, tinh thần chiến đấu kiên cường của những người lính trận miền Nam nói chung và của Tiểu Ðoàn 92 Biệt Ðộng Quân nói riêng.

Hồi thời Ðệ Nhị Thế Chiến, quân Ðức Quốc Xã rất hùng mạnh lúc bấy giờ, đã tấn công thành phố Stalingrad kể từ ngày 17 Tháng 7, 1942, nhưng đến ngày 2 Tháng 2, 1943, phải rút lui trong thảm bại. Tính ra thì sự chịu đựng của binh lính Nga cũng chưa đến 6 tháng.

Cũng vào thời kỳ này, quân đội Nhật tấn công cứ điểm Bataan ở Phi Luật Tân do lực lượng Hoa Kỳ và Phi Luật Tân trấn giữ vào Tháng 12/1941, và đến ngày 24/07/1942, chưa đầy 8 tháng thì Tướng Douglas MacArthur phải ra lệnh rút lui.

Quân lực Anh và Khối Thịnh Vượng Chung Âu Châu trấn giữ Tobruk tại North Africa, đương đầu với cuộc bao vây của liên quân Ðức-Ý, do Tướng Erwin Rommel chỉ huy. Trong trận này, quân đội Anh cũng chỉ cầm cự được từ ngày 11/04/1941, đến ngày 27/11/1941, rồi bị thất thủ, nghĩa là chỉ khoảng 240 ngày.

Trung Tá Lê Văn Ngôn vào đầu năm 1971 khi mới từ Lực Lượng Ðặc Biệt chuyển sang Biệt Ðộng Quân, lúc 24 tuổi mang cấp bậc đại úy. Ông được vinh thăng trung tá khi mới 27 tuổi và qua đời trong lao tù cải tạo ở tuổi 30. (Hình: Facebook General War – Thế Giới Ðại Chiến)

Cựu Thiếu Tá Ðổng Duy Hùng (K21)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt