Những lưu ý về dân chủ hóa từ Samuel P. Huntington (3)

C. Một số lưu ý quan trọng khác

Sau đây là một số điểm khác, trong The third wave – democratization in the late twentieth century của Huntington, có thể hữu ích cho những người quan tâm tới vấn đề dân chủ hóa. Thứ tự được xếp theo trình tự xuất hiện của chúng trong tác phẩm, không ngụ ý mức độ quan trọng.

1. Một đặc tính riêng biệt của chế độ độc tài toàn trị so với độc tài truyền thống là độc tài toàn trị nỗ lực định hình lại xã hội và cố uốn nắn bản thể con người theo ý họ. [i]

2. Các chế độ độc tài thường được thay thế bằng một chế độ độc tài khác. Các tác nhân làm chấm dứt một chế độ độc tài có thể khác xa các tác nhần cần cho dân chủ. [ii]

3. Khởi tạo dân chủ đòi hỏi giới tinh hoa (trí thức và chính trị) phải đạt được “đồng thuận thủ tục” (procedural consensus). Nói cách khác, giới tinh hoa phải tin và cùng nhau hành động vì dân chủ. [iii]

4. Bên cạnh các yếu tố khác, lãnh đạo chính trị và kỹ năng chính trị là những thứ tối cần cho dân chủ hóa. [iv]

5. Đôi khi thành công của dân chủ hóa lần này chỉ là hệ quả của những cố gắng dân chủ hóa đã thất bại trước đó. [v]

6. Có nhiều quốc gia gần như chưa từng trải nghiệm dân chủ đã chuyển đổi thành công sang dân chủ. [vi]

7. Các chế độ độc tài độc đảng xuất thân từ các phong trào dân tộc thường có cơ sở chính trị vững chắc hơn các loại độc tài tương tự. [vii]

8. Sự sống còn của một chế độ độc tài thường là biểu hiện của sự vận hành một cấu trúc xã hội hơn là sự vận hành của một chính thể. [viii]

9. “Không được tham gia chính trị thì không đóng thuế” là một yêu sách chính trị. Còn “Không đóng thuế thì không được tham dự chính quyền” là một hiện thực chính trị. [ix]

10. Một mô hình kinh tế thuận lợi cho dân chủ hóa là: tăng trưởng kinh tế cao xen với tình trạng suy thoái hoặc khủng hoảng ngắn. [x]

11. Các điều kiện kinh tế, xã hội, ngoại giao dù quan trọng đến mấy nhưng hoàn toàn vô nghĩa nếu không có những con người dám mạo hiểm làm dân chủ. [xi]

12. Chế độ độc tài độc đảng có hai nhóm khó khăn lớn cho dân chủ hóa: khung thiết chế ràng buộc hệ thống quyền lực nhà nước với các cơ quan của đảng; hệ thống tư tưởng (ý thức hệ) làm nhập nhằng giữa đảng với tổ quốc. [xii]

13. Dân chủ hóa một chế độc tài độc đảng cũng có nghĩa việc kiểm soát chính quyền của đảng đó bị thách thức và bản thân đảng đó biến chuyển thành một đảng chấp nhận cạnh tranh hơn. [xiii]

14. Độc tài cá nhân ít có xu hướng rời bỏ quyền lực hơn độc tài quân sự. [xiv]

15. Sinh viên là lực lượng đối lập phổ quát đối với mọi chế độ. Nhưng sinh viên sẽ bất lực khi thiếu ủng hộ mạnh mẽ. [xv]

16. Nguy cơ chia rẽ giữa các lãnh đạo, các nhóm phía đối lập luôn cao hơn và khó xử lý hơn nhiều so với cả nội bộ của một chính quyền độc tài đang rệu rã. [xvi]

17. Sự tự tin, huênh hoang của các lãnh đạo độc tài thường là kết quả từ một hệ thống phản hồi yếu kém, thiếu trung thực. [xvii]

18. Dân chủ cần bầu cử, cần tinh thần hợp tác, đàm phán, thỏa hiệp nhưng việc đối lập đồng ý tham dự các hoạt động của chính quyền độc tài có thể chỉ có tác dụng mang thêm tính chính đáng cho kẻ độc tài và làm hoang mang công luận. [xviii]

19. Chính quyền được sinh ra bằng ôn hòa, thỏa hiệp sẽ vận hành bằng đối thoại, chia sẻ trách nhiệm. Chính quyền được sinh ra từ bạo lực sẽ vận hành bằng dùi cui, nắm đấm. [xix]

20. Dân chủ hóa cần một nhận thức phân biệt quan trọng: không nên nhầm giữa năng lực yếu kém của lãnh đạo (hoặc đảng cầm quyền) với hệ thống chính trị dân chủ. [xx]

21. Một dấu hiệu của dân chủ non trẻ đã bén rễ chắc: qua hai vòng bầu cử liên tiếp, lãnh đạo đương nhiệm đồng ý chuyển giao quyền lực cho người thắng phiếu thuộc phía đối lập.[xxi]

22. Tinh thần trợ giúp, cổ xướng dân chủ từ Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục hoặc không. [xxii]

23. Khủng bố, khủng hoảng xã hội và các chương trình cải cách kinh tế-xã hội quá lớn, quá nhanh là những thứ không có lợi cho những nền dân chủ non trẻ. [xxiii]

24. Các chế độ dân chủ ở Đông Á có thể bị suy yếu nếu Trung Cộng vẫn duy trì chính thể độc tài, vẫn tăng trưởng kinh tế và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. [xxiv]

25. Bên cạnh nhiều dạng độc tài đã xuất hiện, tương lai có thể sẽ có thêm một dạng chính thể độc tài với các lãnh đạo kỹ trị điện tử – dựa trên khả năng thao túng thông tin và vận dụng các phương tiện truyền thông tinh xảo. [xxv]

26. Phép thử cho tư tưởng dân chủ của chính trị gia là những thể hiện của người đó lúc tại vị chứ không phải khi đã về hưu. [xxvi]

27. Một dấu hiệu sớm sủa của dân chủ là việc chính quyền không hoặc ít cản trở, gây hấn sự tham gia một cuộc bầu cử công khai và công bằng từ các đảng đối lập. [xxvii]

28. Một khó khăn cho dân chủ hóa ở Trung Cộng là những nhà phê bình theo thiên hướng dân chủ thuộc dòng chính vẫn gắn bó với các thành tố cơ bản của Khổng giáo (thích hài hòa, đoàn kết hơn khác biệt, cạnh tranh; thích danh vị, chính thống hơn tự do cá nhân, ly khai…). [xxviii]

29. Nếu thừa nhận nền văn hóa Hồi giáo và Khổng giáo không tương thích với dân chủ thì cũng cần phải nhận thấy trong Hồi giáo và Khổng giáo vẫn có thể có những đặc tính thuận lợi cho, hoặc ít nhất không chống lại, dân chủ. Và văn hóa luôn luôn biến động, năng động. [xxix]

30. Lịch sử không bao giờ tiến theo đường thẳng nhưng nó chỉ tiến lên được nhờ những cú đẩy từ những con người hiểu biết và quyết đoán. [xxx]

Lời kết của người biên soạn

Qua những gì vừa trình bày, quí độc giả có thể đã nhận thấy hai điều:

1. Có một số từ có tính thuật ngữ, như hóa thế, tính chính đáng hồi cố, nhà dân chủ hóa…, dù đã lĩnh hội được nhiều góp ý tận tình, có thể chưa phải là cách chuyển ngữ tối ưu. Nhưng người biên soạn hy vọng mọi độc giả vẫn hiểu giống nhau về nghĩa của chúng khi độc giả đọc kỹ những nội dung đi sau các từ đó. Và cũng hy vọng trong tương lai những cách chuyển ngữ đó sẽ được những thức giả quan tâm bổ khuyết.

2. Lập trường chính trị của Huntington thuộc trường phái realpolitik (tạm dịch: chính trị thực dụng) có nguồn gốc từ Niccolò Machiavelli (1469-1527). “Thực dụng”, nhất là đối với người phương Đông, không phải là một từ đáng xiển dương tuyệt đối về đạo đức. Bản thân Huntington cũng nhận ra điều đó, nhưng ông hy vọng độc giả hiểu cho: “thực dụng” của ông là nhiệt tâm vì dân chủ. Ngoài ra, Huntington cũng nhận thức rất rõ về những thiếu sót có thể hoặc đương nhiên trong công trình nghiên cứu của ông. [xxxi] Đó cũng là những điều mà người biên soạn muốn chia sẻ thêm với độc giả Việt Nam hôm nay – những người đang phải sống dưới một chế độ thuộc loại vài chính thể độc tài độc đảng toàn trị còn sót lại từ thế kỷ trước-thế kỷ XX.

Phạm Hồng Sơn & pro&contra 


[i] Trang 12.

[ii] Trang 35.

[iii] Trang 36.

[iv] Trang 39.

[v] Trang 42-44

[vi] Trang 44.

[vii] Trang 47,48.

[viii] Trang 64.

[ix] Trang 65.

[x] Trang 72.

[xi] Trang 107, 108.

[xii] Trang 117-120.

[xiii] Trang 120.

[xiv] Trang 120, 142, 143.

[xv] Trang 144.

[xvi] Trang 157.

[xvii] Trang 144, 181, 182.

[xviii] Trang 186-190.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt