Những điểm đáng chú ý trong bản thông điệp liên bang của Tổng Thống Mỹ
Vài giờ đồng hồ nữa, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đọc bản thông điệp hàng năm gửi quốc hội và nhân dân Mỹ, trình bày về tình hình quốc gia và những điều ông muốn thực hiện trong những ngày tháng tới. Diễm Thi của Ban Việt Ngữ có cuộc trao đổi ngắn với anh Nguyễn Khanh để gửi đến quý vị những điểm đáng chú ý trong bản thông điệp liên bang mà Tổng Thống Hoa Kỳ sắp đọc.
Nhiều thay đổi?
Diễm Thi: Chào anh, theo anh điểm nào là điểm anh chú ý nhất liên quan đến bản thông điệp liên bang 2015?
Nguyễn Khanh: Theo tôi, điều đáng chú ý nhất là những năm trước đây, chỉ vài giờ đồng hồ trước khi Tổng Thống đọc bản thông điệp thì Nhà Trắng tiết lộ cho giới truyền thông biết những điểm quan trọng. Nam nay hoàn toàn khác, bằng chứng là trong 2 tuần lễ qua, có thể nói là hầu như mỗi ngày Nhà Trắng lại tiết lộ cho báo chí biết một hoặc 2 điều mà Tổng Thống sẽ trình bày.
Diễm Thi: Tại sao vậy?
Nguyễn Khanh: Tôi thấy có nhiều lý do.
Thứ nhất là Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ bây giờ thuộc về đảng Cộng Hòa, do đó vị Thổng Thống Dân Chủ đi tìm sự ủng hộ của dân chúng, và cách tốt nhất là cho người dân biết những gì ông sẽ nói trước khi ông trình bày trước Quốc Hội. Điểm thứ nhì là Tổng Thống Obama đang ở 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2, tức là ông sửa soạn rời Nhà Trắng, và người ta thường nói rằng ở những năm cuối đó thì người lãnh đạo quốc gia hầu như chẳng làm điều gì quan trọng cả, chỉ ngồi chờ người sẽ kế nhiệm mình. Ông Obama không muốn người dân Mỹ nghĩ như thế, do đó, ông cho công bố những điều muốn làm để chứng tỏ với người dân Mỹ là ông làm việc cho đến ngày cuối cùng, giờ cuối cùng, phút cuối cùng, trước khi ông rời Nhà Trắng.
Diễm Thi: Dựa theo những điều đã được Nhà Trắng “bật mí”, theo anh thì những điểm nào đáng chú ý nhất?
Nguyễn Khanh: Tôi thấy điều nào Tổng Thống Hoa kỳ nói đều là điều quan trọng, đáng chú ý cả. Về mặt đối ngoại, ông sẽ khẳng định lập trường chống khủng bố và chống tin tặc, nhắc lại cho mọi người biết ông đã thực hiện đúng lới cam kết ông đưa ra 7 năm trước đây khi vận động tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên là kết thúc hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Ông cũng sẽ nói đến việc nối lại quan hệ với Cuba, và những quyết định ông đưa ra để giảm bớt mức cầm vận với quốc gia láng giềng này của Hoa Kỳ, gọi đó là những bước đầu nhưng rất quan trọng, giúp các nhà đầu tư Mỹ có cơ hội thuận lợi khi bỏ vốn đầu tư ở Cuba.
Điều đang được nói tới ở Hoa Kỳ và gây rất nhiều tranh cãi là chính sách đối nội. Vài giờ nữa, Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ nhắc lại chuyện ông nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo quốc gia lúc kinh tế nước Mỹ đang ở bờ vực thẳm, nhưng 6 năm vừa qua tình hình đã đổi khác, kinh tế ngày một vững mạnh hơn, tỷ lệ người thất nghiệp cũng ngày một giảm bớt, người dân không còn lo âu như trước, đã bắt đầu có thể để dành, đã có tiền tiêu xài để thúc đẩy kinh tế quốc gia. Từ điểm đó, ông mới nói đến một trong những mục tiêu mà ông muốn đạt được trước ngày rời Nhà Trắng, mục tiêu đó là phải chú ý đến tầng lớp trung lưu nhiều hơn nữa, vì tầng lớp này tiêu biểu cho quốc gia, cho xã hội và cho nền kinh tế của nước Mỹ.
Để có thể kiện toàn ước mơ ông đặt ra, vị Tổng Thống Dân Chủ sẽ yêu cầu Quốc Hội Cộng Hòa sửa đổi quy định về thuế, ông muốn các đại công ty, những người có mức thu nhập cao, và những người đầu tư có lời phải đóng thuế nhiều hơn, dùng số tiền đó vào việc giảm thuế cho người trung lưu. Số tiền đó cũng sẽ được dùng để trả một phần học phí cho những sinh viên theo học ở các đại học cộng đồng trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, giúp giới trẻ Mỹ cơ hội để bước vào những đại học 4 năm. Ngoài ra, Tổng Thống Obama cũng sẽ yêu cầu Quốc Hội thông qua đạo luật giải quyết tình trạng di trú của 14 triệu người đang cư ngụ bất hợp pháp trên đất Mỹ, phần lớn là người gốc Châu Mỹ La Tinh, cho những người này ở lại, đương nhiên là có những điều kiện kèm theo mà tập thể này phải tuân theo.
Diễm Thi: Phản ứng từ phía Quốc Hội Cộng Hòa như thế nào?
Nguyễn Khanh: Câu trả lời từ Quốc Hội là không chấp nhận những ý kiến mà Tổng Thống Obama đưa ra, từ ý kiến tăng mức thuế cho đến ý kiến sửa đổi luật di trú. Tôi nhớ là 2 ngày trước đây, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Orin Hatch, Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện nói rằng kinh tế vẫn chưa thật sự vững mạnh như ông Obama nói, do đó chuyện bắt các đại công ty, thành phần có mức thu nhập cao, hay giới đầu tư phải đóng thuế nhiều hơn là điều không thể thực hiện ngay lúc này. Cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện đều cho rằng ông Obama phải cắt giảm chi tiêu chứ không thể đòi tăng thuế. Tôi cũng còn nhớ văn phòng ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cho biết chưa quyết định có đem vấn đề di trú ra thảo luận trong năm nay hay không, lý do là vì vẫn chưa có sự ủng hộ của cử tri.
Xin nói rõ hơn là người Mỹ đồng ý phải giải quyết chuyện 14 triệu người đang cư ngụ bất hợp pháp, nhưng có cho họ ở lại và mai sau trở thành công dân Hoa Kỳ hay không lại là vấn đề khác. Thành phần chống đối cho rằng những người này cố ý vi phạm luật khi trốn ở lại Mỹ, thì không thể chấp nhận chuyện cho những người cố tình vi phạm luật trở thành công dân Hoa Kỳ trong tương lai. Cũng xin nói thêm là thành phần chống đối không phải là nhỏ.
Tôi cũng xin được nói thêm là ngay chính nhân viên Nhà Trắng cũng nói cho cánh nhà báo biết trước là những điều Tổng thống Obama sẽ trình bày tối nay đều bị Quốc Hội Cộng Hòa bác bỏ.
Diễm Thi: Biết trước là bị Quốc Hội lắc đầu mà tại sao Tổng Thống Hoa Kỳ vẫn trình bày những điều sẽ bị chống đối?
Nguyễn Khanh: Câu trả lời nghe được từ nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng dù biết trước những điều đưa ra sẽ không được Quốc Hội Cộng Hòa tán thành, nhưng Tổng Thống Obama vẫn trình bày kế hoạch của ông để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống 2016. Các nhà phân tích nói rằng chuyện tăng thuế nhà giàu, giảm thuế cho người trung lưu là chuyện chính phủ nào cũng nói tới, chuyện giúp trả tiền học cho sinh viên là chuyện tổng thống nào cũng muốn làm, do đó những ý kiến ông Obam đưa ra ngày hôm nay sẽ là để tài tranh luận cho năm tới, các chính trị gia muốn trở thành tổng thống phải trả lời những câu hỏi này.
Cũng có người bảo với tôi là Tổng Thống Obama đưa những điều này ra để giúp cho ứng cử viên Dân Chủ, tức là người cùng đảng với ông. Ông muốn vẽ ra hình ảnh đảng Dân Chủ lo cho tập thể trung lưu, người nghèo, trong khi đảng Cộng Hòa lại lo cho người giàu. Ngay cả chuyện di trú cũng vậy, ông muốn kiếm phiếu cho đảng từ cử tri thuộc tập thể Hispanic, cho họ biết là đảng Dân Chủ muốn giải quyết vấn đề như đảng Cộng Hòa ủng hộ.
Diễm Thi: Cám ơn anh Nguyễn Khanh. Cũng xin thưa thêm cùng quý khán thính giả là trong số khách mời ngồi chung với Đệ Nhất Phu Nhân Michelle để nghe Tổng Thống Obama đọc bản thông diệp liên bang hàng năm, có một người Việt Nam là Cô Kathy Phạm.
Cô Kathy từng làm việc với Google, dựng hệ thống điện toán giúp Obamacare, kết nối dữ liệu của các bệnh viện, sau đó hợp tác với chính phủ để giúp các cựu chiến binh Hoa Kỳ xin trợ giúp y tế qua chương trình của Bộ Cựu Chiến Binh. Mẹ cô Kathy bị ung thư, được chữa trị mà không phải lo lắng nhiều về phí tổn nhờ Obamacare. Cô có một người em trai bị thương ở chiến trường Afghanistan.
Một lần nữa, cám ơn anh Nguyễn Khanh.