Những bài bình luận về tình hình Biển Đông

Dưới đây là tóm ý những bài nhận định của các bình luận gia quốc tế về Biển Đông trong cuối tháng 5 năm 2017.  Sự nhận định này cho chúng ta thêm tin tức về những mưu mô xảo trá của Trung Cộng trong việc xâm chiếm Biển Đông. Một bài phân tích trên báo Liên Hợp của Singalore cho “COC – “Đầu đã xuôi, nhưng đuôi vẫn khó lọt“. Nhận định của bình luận gia Max Walden theo Tiến Sĩ Luật Harvard GS Lynn Kuok cho rằng “Mỹ đang “ngủ quên” trong vấn đề Biển Đông“. Bài bình luận của bình luận gia Michael Vatikiotis cho rằng “Sự khôn ngoan của Trung Cộng trong chiến lược chế ngự Biển Đông“. Stratfor, một bình luận gia nổi tiếng bán bài bình luận của m2inh trên online Internet có bài “Trung Cộng mềm mỏng hơn với Đông Nam Á“.

COC – “Đầu đã xuôi, nhưng đuôi vẫn khó lọt” – phân tích trên báo Liên hợp buổi sáng, Singapore

Tại hội nghị chức cấp cao ASEAN – Trung Cộng lần thứ 14 vừa diễn ra tại thành phố Quý Dương, Trung Cộng, các bên đã tuyên bố hoàn thành Dự thảo khung của Bộ Quy tắc COC.

Năm 2002, ASEAN và Trung Cộng đã ký Tuyên bố DOC và đây được coi là bước khởi đầu cho việc xây dựng COC. Tuy nhiên, do các yếu tố lớn của môi trường địa chính trị nên tiến trình đàm phán COC mãi đến năm 2013 mới được bắt đầu và mức độ diễn ra sau đó cũng rất chậm chạp. Môi trường thay đổi, thái độ đối kháng của các bên cùng sự điều chỉnh lập trường của Philippines trong quan hệ với Mỹ đã tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện khung COC. Cùng với đó, Trung Cộng đang tập trung thúc đẩy thực hiện chiến lược “ Một Vành Đai và Con Đường” (One Belt, One Road), nên ý nguyện chính trị của Bắc Kinh trong đàm phán khung COC cũng lớn hơn. Cũng có ý kiến khác cho rằng, Trung Cộng đã thực hiện xong kế hoạch bố trí, lắp đặt các trang thiết bị tại một số thực thể ở Biển Đông, do đó hiện nay là thời cơ hoàn thành khung COC mà Bắc Kinh có thể chấp nhận được (trong ý muốn của Bắc Kinh). Tuy nhiên, khung vẫn chỉ là khung (tức khung sườn), nó chỉ đề cập đến các nội dung khái quát của COC bao gồm lời nói đầu, mục tiêu, nguyên tắc và cam kết căn bản… Khung sườn COC hoàn thành, nhưng cho đến nay vẫn không được công bố. Trung Cộng vẫn không thể hiện rõ thái độ hoặc đưa ra cam kết cụ thể nào trong một số vấn đề trọng yếu. Do vậy, mọi người có thể tin rằng, tiến trình đàm phán tiếp theo sẽ tương đối gian khổ. 

Cũng giống như DOC, COC sẽ không phải là công cụ giải quyết tranh chấp hoặc phân định ranh giới biển giữa các bên ở Biển Đông. Tuy nhiên, tham vọng của ASEAN là đàm phán xây dựng một bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý, trong đó bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp.

Do vấp phải sự phản đối của Trung Cộng nên rốt cuộc khung COC hoàn toàn không có từ nào đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp. Nội dung này chỉ được bảo lưu để sau này sẽ đưa ra thảo luận khi các bên tiến hành đàm phán về các nội dung cụ thể của COC. Mặc dù vậy, việc dự thảo khung COC lần này nhanh chóng được hoàn thành đã chứng tỏ rằng, mức độ tiến triển đàm phán hoàn toàn được quyết định bởi ý nguyện chính trị của các bên. Nếu các bên tiếp tục đều có ý nguyện chính trị cùng sự tin tưởng lẫn nhau, tiến trình thương thảo về các nội dung cụ thể của COC tới đây sẽ tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể cũng sẽ giống như tiến trình đàm phán dự thảo khung, các bên chỉ đề ra đường hướng, khó có thể xác định được thời gian hoàn thành công việc đàm phán. 

Hy vọng ASEAN và Trung Cộng sẽ tận dụng tốt cơ hội khởi đầu tốt đẹp hiện nay để nhanh chóng hoàn thành COC, đặc biệt là đảm bảo cho bộ quy tắc phù hợp với lợi ích của các bên, vừa mở ra không gian hợp tác vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán về các vấn đề khác, bao gồm cả vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. 

Mỹ đang “ngủ quên” trong vấn đề Biển Đông” bài của Max Walden

“Nước Mỹ dưới thời Donald Trump đang “bỏ quên các lợi ích chiến lược lớn hơn trong các tranh chấp ở Biển Đông”, đây là nhận định của tiến sĩ Lynn Kuok, chuyên gia nổi tiếng về quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Trường Luật thuộc Đại học Havard. Bà cũng lập luận rằng “Chính quyền Mỹ nên tập trung nhiều hơn vào khu vực Biển Đông, nếu không luật pháp quốc tế sẽ có nguy cơ bị suy yếu vĩnh viễn”. Bà Kuok đưa ra hai phương pháp có thể nhìn nhận về tranh chấp ở Biển Đông: 

Thứ nhất, có thể coi đấy là một sự tranh chấp của các tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Cộng, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia, còn Indonesia thì tuyên bố họ không dính líu đến các tranh chấp đó.

Thứ hai là một cách nhìn nhận nghiêm chỉnh hơn: tình hình tại Biển Đông đang gây lo ngại cho tất cả các quốc gia quan tâm tới việc bảo vệ các quyền lợi của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và các quyền liên quan tới di chuyển trên biển, trên không, và giải pháp hòa bình. 

Bắc Kinh đang “tìm cách thuyết phục cộng đồng thế giới” tin vào cách nhìn nhận đầu tiên và phản đối cách nhìn nhận thứ hai. Trung Cộng khẳng định rằng tất cả các bất đồng đều nên được giải quyết bằng biện pháp song phương, không có sự can dự của các nhân tố như Mỹ hay Đông Nam Á – một cách tiếp cận đang ngày càng có hiệu quả. 

Phát biểu hồi tháng 1/2017, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer cho biết “Mỹ chắc chắn sẽ bảo vệ các lợi ích của mình” ở Biển Đông bởi “các hòn đảo tranh chấp này thực tế nằm trong vùng biển quốc tế chứ không chỉ thuộc sở hữu của một mình Trung Cộng. Chúng tôi chắc chắn sẽ bảo vệ các lãnh thổ quốc tế trước khi chúng bị một quốc gia nào đó chiếm đoạt”. 

Trung Cộng đã lập tức đáp trả bằng cách quả quyết rằng “Mỹ không phải là một quốc gia có liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đông”, đồng thời hối thúc Mỹ “tôn trọng thực tế, cẩn trọng trong những phát ngôn và hành động của mình để tránh làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực”. 

Kể từ đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã hạ giọng đáng kể khi nói về Trung Cộng, nhất là sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung và một cuộc gặp gỡ thân thiện với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida.

Thời điểm đó, Donald Trump đã tuyên bố sẽ bày tỏ những lo ngại về các hoạt động của Trung Cộng ở Biển Đông. Tuy nhiên, mọi sự tập trung của Chính quyền Trump sau đó đều dồn hết vào sự hợp tác trong việc đối phó với vấn đề Triều Tiên. 

Chuyên gia Kuok bày tỏ lo ngại trước việc ông Trump đang dần xóa bỏ chính sách “xoay trục sang châu Á”, cũng như việc ông sẵn sàng “bỏ qua” vấn đề Biển Đông để lôi kéo Trung Cộng tham gia vào việc gây áp lực cho nước láng giềng đồng minh Bắc Hàn. Cố lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu đã cho rằng hoạt động của Mỹ trong các vấn đề quốc tế giống như “xem một bộ phim”, trong đó người ta có thể “tạm dừng” và khi nào Mỹ muốn quay trở lại xoay trục về châu Á, họ sẽ bấm “xem tiếp”. Ông Lý Quang Diệu từng có câu nói nổi tiếng: “Nếu Mỹ muốn thực sự tác động đến sự phát triển chiến lược của châu Á, họ không thể thích thì đến, thích thì đi như vậy”. 

Sự khôn ngoan của Trung Cộng trong chiến lược chế ngự Biển Đông” của Michael Vatikiotis

Trong giai đoạn trước khi phán quyết tháng 7/2016 được đưa ra, đã có những chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đặc biệt nguy hiểm: Mỹ và Trung Cộng đều tỏ ra hung hăng trong cả các phát ngôn lẫn hành động. Trung Cộng không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào thể hiện sự xuống nước trong các tuyên bố của mình, nhanh chóng xây dựng các đường băng và lắp đặt hệ thống vũ khí trên một số hòn đảo tranh chấp. Trong khi đó, Mỹ điều tàu chiến và cho máy bay tiếp cận một số hòn đảo, khẳng định quyền thực hiện các hoạt động tự do hàng hải. 

Đối với các nước thành viên ASEAN, những hoạt động mang tính thù địch như vậy thực sự rất đáng lo ngại. Mặc dù việc Trung Cộng quân sự hóa khu vực Biển Đông khiến các quốc gia ven biển hoảng sợ, nhưng không ai mong muốn khuấy động một cuộc chiến hay lựa chọn đứng về phe nào, và cũng chẳng ai tin tưởng quá mức vào chính sách đầy lôi cuốn là xoay trục về Đông Á của Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thậm chí, dưới áp lực của Bắc Kinh, ASEAN còn nhắm mắt làm ngơ và ra một loạt tuyên bố yết ớt, hoặc không đưa ra một lập trường nào hết. 

Trái ngược với tình trạng mập mờ này, đã có một sự thay đổi đáng kể vào giai đoạn cuối năm 2016 trong lập trường của ông Rodrigo Duterte, người đã gạt sang một bên những va chạm và cạnh tranh để hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Bắc Kinh. 

Cách hành xử của Trung Cộng trong khu vực sau đó khá khôn ngoan. Thứ nhất, Trung Cộng đã giảm bớt giọng điệu thù địch, tiếp theo các quan chức Trung Cộng đã hiện diện trên khắp khu vực, đề xuất những sự hợp tác song phương trong vấn đề an ninh biển. Tiếp đến, trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, Bắc Kinh cam kết xúc tiến việc ký kết Bộ quy tắc COC.

Xét trong một chừng mực nào đó, Trung Cộng đã khá may mắn. Những động lực để chống lại các tuyên bố của Trung Cộng, vốn được củng cố bởi phán quyết của Tòa Trọng tài, đã bắt đầu suy yếu khi mùa bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần. Một trong những nguyên nhân khiến Manila giảm bớt áp lực sau chiến thắng pháp lý trước đó là dự đoán rằng Washington sẽ lơ là và không có gì chắc chắn rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines. Sự xoay trục sang châu Á đã biến thành sự quay trở lại nước Mỹ sau khi ông Trump lên cầm quyền vào tháng 1/2017. 

Tất cả những điều này đã khiến Trung Cộng áp dụng một thái độ hợp tác hơn trong vấn đề Biển Đông. Giai đoạn gần cuối năm 2016, lực lượng hải cảnh Trung Cộng, vốn là lực lượng xuất hiện dày đặc nhất tại các vùng biển tranh chấp, đã đề xuất các thỏa thuận song phương với Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Đầu năm 2017, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã đưa ra những phát ngôn khuyến khích việc hoàn tất một bộ khung sườn cho COC. 

Cuối cùng, cuối tháng 4/2017, một bản dự thảo về một bộ khung của COC cũng đã được hiện thực hóa. Bộ khung này vẫn chỉ toàn những chi tiết cũ rích và không có tính ràng buộc. Bộ quy tắc chủ yếu để đảm bảo sự nguyên trạng đối với các tranh chấp lãnh thổ. May mắn lắm thì khi hoàn tất, nó có thể tạo điều kiện cho sự thực hành hợp tác trên biển và khuyến khích việc thực thi các thỏa thuận quốc tế vốn có để xử lý các rủi ro trên biển.

COC- Truyện dài kỳ?” – bài phòng vấn của DW với Bill Hayton

Tuần trước, Trung Cộng và ASEAN cho biết họ đã đồng ý về nội dung dự thảo khung COC, coi đây là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán tiếp theo về xây dựng văn kiện COC thực chất, có tính ràng buộc về pháp lý. Chi tiết của thỏa thuận không được tiết lộ nhưng nhiều người cho rằng đây là một dấu hiệu rõ ràng của sự tiến triển trong quá trình hướng tới việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử mà các bên đã cam kết 15 năm trước.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng hai bên sớm đạt được một thỏa thuận mà hai phía có thể chấp nhận được. Dù vậy, quá trình thảo luận là biện pháp hữu ích cho việc xây dựng lòng tin, và việc tiến hành đối thoại và thương lượng về những tranh chấp vẫn tốt hơn là không đối thoại. Tại thời điểm này, có một vài điểm đáng chú ý. Một trong số đó là Trung Cộng đang can dự vào Đông Nam Á bằng chiến lược mềm mỏng, không làm các nước láng giềng Đông Nam Á cảm thấy thất vọng. 

Tình hình khá yên ắng trong gần 3 năm qua. Kể từ khi căng thẳng bùng phát giữa Trung Cộng và Việt Nam sau sự kiện Hải Dương 981, Trung Cộng dường như đã cư xử tốt hơn nhiều. Bắc Kinh đã phải thừa nhận thất bại khá tệ hại trong vụ việc này và kể từ đó họ không lặp lại những hành động tương tự. Cùng thời điểm đó, Trung Cộng đã xây một loạt đảo nhân tạo, và việc này có lẽ đã “ngốn” nhiều sức lực của họ. Điểm đáng chú ý nữa là Trung Cộng cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và đang nỗ lực nhiều hơn vào cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong lịch sử, Trung Cộng chưa bao giờ cố gắng gia tăng hoạt động cùng lúc trên cả hai mặt trận, mà thông thường nếu mặt trận này “nóng” thì mặt trận kia sẽ yên ắng hơn. Trung Cộng đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc vào cuối năm nay và có thể Chính quyền Bắc Kinh không muốn phá vỡ sự ổn định trong khu vực trước thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng đó. Hơn nữa, Trung Cộng đang cố gắng giành sự ủng hộ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường, một trong những lý do tại sao họ muốn duy trì nguyên trạng vào thời điểm này. 

Một số ý kiến khẳng định Trung Cộng đã đạt được điều mà họ muốn giành được ở Biển Đông, và đó là lý do giải thích cho việc tình hình hiện nay khá yên ắng.

Tuy nhiên có một vài lý do khiến cho COC có thể sẽ không được ký. Một trong những lý do đó là Trung Cộng vẫn muốn xây dựng một số công trình trên Bãi cạn Scarborough. Và do đó họ sẽ không ký một văn kiện có thể cản trở họ làm điều đó. Một lý do khác là Trung Cộng không thích ý tưởng bị trói buộc bởi một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng đó lại là điều mà các nước Đông Nam Á mong muốn.

Một điểm bất đồng nữa là Trung Cộng đang cố gắng hạn chế chỉ áp dụng COC đối với trường hợp quần đảo Trường Sa, trong khi các nước khác như Việt Nam và Philippines muốn đưa cả quần đảo Hoàng Sa và Bãi cạn Scarborough vào nội dung điều chỉnh của văn kiện này. Cho đến nay dường như vẫn chưa có động thái nào hướng đến hòa giải những bất đồng này.

Trung Cộng mềm mỏng hơn với Đông Nam Á” – Phân tích của Stratfor

Trong tình cảnh các nước Đông Nam Á đang hoang mang trước định hướng chính sách của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những thỏa thuận phát triển của Trung Cộng xem ra đang làm nghiêng cán cân quyền lực tại khu vực theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, chí ít là trong thời gian hiện tại. 

Tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hôm 11/5, Chủ tịch Nhà Nước [CS] Việt Nam Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã đồng ý thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Biển Đông mà hai nước đang có những tranh chấp về chủ quyền. Tương tự, Trung Cộng và Philippines đang chuẩn bị tiến hành cuộc đàm phán song phương đầu tiên về hàng hải để bàn về những bất đồng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông.

Trong tình cảnh căng thẳng giữa Trung Cộng và Đông Nam Á nhìn chung đã “nguội bớt”, tiến triển gần đây của Trung Cộng trong việc can dự với Việt Nam và Philippines cho thấy Bắc Kinh đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với việc kiểm soát xung đột tại Biển Đông. Trong những năm qua, Bắc Kinh dựa vào các cuộc thảo luận song phương kết hợp với các cơ chế chung để giải quyết những tranh chấp xung quanh việc đánh bắt cá hay thăm dò năng lượng trên Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chiến thuật này hầu như chưa thành công.

Thế nhưng gần đây Bắc Kinh đã có cách tiếp cận linh hoạt hơn, đồng thời Chính phủ Trung Cộng có lẽ đã tìm thấy một đồng minh linh hoạt hơn ở vị tổng thống hiện nay của Philippines. Tình huống này phản ánh những quan điểm của ba quốc gia nêu trên. Giờ đây, khi mà Trung Cộng đã đạt được được nhiều mục tiêu đã đề ra tại Biển Đông, Bắc Kinh đang xem xét lại quan điểm đối với các quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù vẫn áp dụng chiến thuật hăm dọa tại những vùng biển tranh chấp và sự hiện diện quân sự tại đây vẫn đẩy mạnh, song Bắc Kinh đã thay chiến lược bành trướng quyết liệt trên biển bằng một chiến lược còn để chỗ trống cho sự hợp tác. Và giống như hầu hết các quốc gia khu vực, Philippines và Việt Nam đang áp dụng cách tiếp cận “tùy cơ ứng biến” đối với Trung Cộng, điều chỉnh khi cần thiết để cân bằng những ưu tiên đối nội với tình hình địa chính trị đang thay đổi ở Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, cả Hà Nội lẫn Manila đều sẽ không đơn giản chấp nhận vai trò an ninh và kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Cộng tại khu vực, cả hai nước đều muốn Mỹ tiếp tục đảm nhận vai trò “bảo trợ” cho sự ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương. Cả hai nước sẽ kiên quyết khẳng định các quyền của mình, mở rộng quan hệ an ninh với các cường quốc khác và bảo vệ những tuyên bố chủ quyền của mình.

Trong khi đó, trong tình cảnh chính sách của Washington đối với khu vực chưa rõ ràng, những nhượng bộ về kinh tế và trên biển của Bắc Kinh sẽ tiếp tục “cám dỗ” các nước tại châu Á-Thái Bình Dương. Chính quyền mới của Mỹ chưa thể hiện quan điểm rõ ràng đối với khu vực và trên thực tế đã thể hiện sự hòa hoãn với Bắc Kinh trong lúc đang cố gắng giải quyết vấn đề Triều Tiên. Sự mơ hồ đó của Mỹ buộc các quốc gia ASEAN phải tính toán những động thái tiếp theo trong nỗ lực tạo sự cân bằng trong quan hệ với Trung Cộng và Mỹ./.

Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt