Nhóm Báo sạch bị bắt: Giấc mơ ‘báo chí tự do’ tan vỡ?

Các thành viên của nhóm Báo sạch chuyên phanh phui các vụ tham nhũng ở Việt Nam. Sau nhà báo Trương Châu Hữu Danh, ba thành viên khác của nhóm cũng đã bị bắt với cáo buộc “lợi dụng quyền tụ do dân chủ” theo điều 331 của BLHS Việt Nam.

Sau Trương Châu Hữu Danh, các nhà báo thành viên khác của nhóm Báo sạch chuyên phanh phui các vụ tham nhũng cũng đã bị bắt, thêm một “đòn giáng mạnh vào tự do báo chí” ở Việt Nam

Công an thành phố Cần Thơ hôm 20/4 khởi tố và bắt tạm giam 3 thành viên của nhóm Báo sạch để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, hơn 4 tháng sau khi nhà báo Hữu Danh và là thành viên đầu tiên của nhóm bị bắt giữ.

Việc bắt giam thêm các thành viên của nhóm, theo truyền thông trong nước, là nằm trong sự mở rộng quá trình điều tra nhà báo Hữu Danh, cũng là một Facebooker có tiếng về các đăng tải phanh phui các trạm thu phí BOT ‘bẩn’ ở Việt Nam. Nhà báo từng công tác tại báo Lao Động và Nông thôn Ngày nay, bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái cùng với tội danh trên.

Ba thành viên của nhóm Báo sạch bị Cơ quan an ninh điều tra TP Cần Thơ bắt giam hôm 20/4 gồm có Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo, mà theo VnExpress, đều là những người từng làm việc trong các cơ quan báo chí tại TPHCM.

“Không rõ là họ vi phạm cái gì và cụ thể là vì sao họ bị bắt nhưng đây là các cựu nhà báo rất được lòng người đọc vì họ đã dũng cảm viết những bài báo đấu tranh cũng như vạch trần những sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt Nam,” Bùi Sơn, một kỹ sư ở Hà Nội từng theo dõi trang Báo sạch trên mạng Facebook trong những năm qua, cho VOA biết.

Nhóm Báo sạch được thành lập năm 2019 sau vụ việc của doanh nghiệp Asanzo – tập đoàn điện tử được cho là bóc gỡ tem nhãn Trung Quốc và dán mác ghi xuất xứ Việt Nam – trên Tuổi Trẻ, theo Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết trong đăng tải về vụ bắt giữ hôm 20/4. Người từng được biết tiếng qua blog Cô gái Đồ Long còn cho biết rằng các thành viên của nhóm bao gồm các nhà báo và trang Báo sạch đã “gây nhiều tiếng vang, nhanh chóng đạt được lượng theo dõi khủng.”

“Những bài báo vạch trần các sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt Nam (được) nhóm Báo sạch viết rất thẳng thắn và họ có những bằng chứng rất xác thực,” anh Sơn nhận định. “Sau đó khi cơ quan công an điều tra ra thì đúng là những điều Báo sạch đăng lên và đúng là các tội danh mà các quan chức tham nhũng bị bắt vướng phải.”

Theo blogger Người Buôn gió Bùi Thanh Hiếu, nhóm ‘Báo Sạch’ từng viết bài vạch rõ những sai phạm của nhà máy nước sông Đuống mà sau đó truyền thông chính thống đưa tin rằng công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc.

Thông tin về vụ bắt giữ thêm các thành viên của nhóm Báo sạch, báo Công an Nhân dân cho biết cơ quan an ninh điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án và đang “tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.”

“Việc bắt gần cả nhóm chiều (ngày 20/4) gây rúng động mạnh với giới truyền thông, ngay gần kề ngày bầu cử Quốc hội 2021,” bà Hương Trà viết.

‘Đòn giáng mạnh vào tự do báo chí’

Trả lời phỏng vấn VOA một ngày trước khi bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái, ông Hữu Danh nói rằng ông thường viết về các sai phạm cụ thể của các quan chức địa phương và “không liên quan đến chế độ” hay “thể chế” để mà bị bắt giam mà thay vào đó là nên được khuyến khích.

“Hiện nay Chính phủ và Đảng đang có ‘công cuộc Đốt lò’ là khuyến khích chống tiêu cực và khuyến khích người dân phát hiện ra các nhũng nhiễu, các sai phạm để đưa ra cho công chúng biết,” ông Hữu Danh nói với VOA trong cuộc phỏng vấn về việc chính quyền, thông qua các công ty công nghệ Mỹ như Facebook, kiểm duyệt nội dung của người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, hôm 16/12/2020. “Tôi không hề vi phạm gì cả vì những bài tôi đưa ra đều có chứng cứ rõ ràng.”

Chiến dịch chống tham nhũng, còn được gọi là “Đốt lò”, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động trong vài năm qua và đã đưa ra trước vành móng ngựa nhiều quan chức chính phủ cũng như những lãnh đạo các ngành dầu khí, ngân hàng, công an để xét xử về những vi phạm trong quản lý và tham nhũng.

Ông Hữu Danh được nhiều người biết đến với loạt bài viết trên Facebook về khối tài sản của Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương, Trần Văn Nam, và hàng loạt video cùng các đăng tải trên mạng xã hội về nội dung phản ánh tiêu cựu, phản đối nhiều trạm thu phí BOT ở các tỉnh thành và TPHCM. Tuy nhiên, theo VnExpress, một số hành động của ông bị cho là vi phạm pháp luật. Nhưng công an chưa công bố hành vi cụ thể về việc “vi phạm pháp luật” của nhà báo này.

Theo anh Sơn, các bài báo của nhà báo Hữu Danh và nhóm Báo sạch cho người dân Việt Nam được biết đến những thông tin phản biện đa chiều, khác với truyền thông chính thống do Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản kiểm duyệt.

“Lần đầu tiên người đọc được xem báo ‘sạch’ mặc dù chỉ là trên (ứng dụng) Facebook nhưng nó cũng thể hiện một sự tự do báo chí nhất định khi mà trang Báo sạch đó liên tục đưa ra những vụ án tham nhũng lớn khá là lớn,” anh Sơn nói. “Sau khi nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt và trang Báo sạch bị đóng thì người đọc giờ đây không còn một kênh nào khác để tham khảo về các thông tin thời sự.”

Trang Facebook của Báo sạch đã đóng ngay sau khi thành viên đầu tiên của nhóm, nhà báo Hữu Danh, bị bắt hôm 17/12/2020.

Theo anh Sơn, việc bắt giam các thành viên nhóm Báo sạch là “một đòn giáng mạnh vào ước mơ và mong ước được có một nền báo chí tự do của người dân Việt Nam.”

Việt Nam, theo đánh giá mới được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đưa ra hôm 20/4, là một trong số 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Triều Tiên, có ít tự do báo chí nhất trên thế giới. Bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021 của RSF xếp Việt Nam hạng 175 trong số 180 nước, nằm trong nhóm các quốc gia được coi là có “tình trạng rất tồi tệ” đối với tự do báo chí.

Các thành viên của nhóm Báo sạch nằm trong số nhiều nhà báo bị chính quyền bắt giam và kết án nhiều năm tù trong thời gian gần đây. Theo thống kê của RSF đưa ra ngay trước khi thêm 3 thành viên của nhóm Báo sạch bị bắt, tổng cộng có hơn 30 nhà báo và blogger hiện đang bị giam giữ tại các nhà tù của Việt Nam. Thống kê thường niên của RSF đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia trên thế giới bỏ tù nhà báo nhiều nhất.

Các tổ chức ủng hộ nhân quyền và dân chủ quốc tế đã cáo buộc Việt Nam tăng cường đàn áp các tiếng nói bất đồng và kiểm duyệt trên mạng trong năm ngoái và đầu năm nay, quanh thời gian Đại hội Đảng 13 và kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15, dự kiến diễn ra trong tháng sau.

“Sau một thời gian chính phủ kiểm duyệt rất gắt gao, hầu hết các tiếng nói (phản biện) không còn được tự do thoải mái như trước và tôi cảm thấy một tương lai u ám cho tự do báo chí ở Việt Nam,” anh Sơn nói.

Theo anh Sơn, chính phủ Việt Nam, thay vì dùng quyền lực và công an để trừng phạt các ý kiến trái chiều thì nên dùng “quyền tự do ngôn luận” để phản biện các tiếng nói chỉ trích chính phủ. Có như vậy, xã hội mới phát triển, theo anh Sơn.

Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự hôm 15/4, kêu gọi “từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện.”

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt