Nhật – Đài Loan bắt tay đối phó với đe dọa Trung Cộng
Cục diện địa chính trị Đông Á đối diện với những diễn biến khó đoán định trong năm 2017, trong đó quan hệ giữa Trung Cộng và Đài Loan là một dấu hỏi lớn. Trong bối cảnh tổng thống tương lai Hoa Kỳ có xu hướng tập trung chủ yếu cho quyền lợi của nước Mỹ, giảm bớt sự ủng hộ dành cho các đồng minh Đông Á, việc tăng cường hợp tác giữa Đài Loan và Nhật Bản, kể cả về quân sự, ngày càng trở nên một nhu cầu chiến lược của hai quốc gia láng giềng, để sẵn sàng kháng cự trước các tham vọng và thậm chí hành động gây hấn của Bắc Kinh.
Việc nâng cấp quan hệ giữa hai bên thông qua việc Tokyo đổi tên cơ quan đại diện không chính thức tại Đài Loan là một sự kiện nổi bật. Hôm mồng 3 tháng Giêng 2017, cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Đài Loan chính thức khai trương tên gọi mới “Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản-Đài Loan”, thay cho tên gọi cũ “Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản”.
Theo một số nhà quan sát, đây là một bước đi cho thấy, Tokyo đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc công nhận Đài Loan, trong trường hợp cần thiết (trang Forbes). Cũng trong hướng thay đổi này, trong chính giới Đài Loan cũng có nhiều ý kiến đề nghị đổi tên cơ quan đại diện của Đài Bắc tại Nhật Bản thành “Hiệp Hội Trao Đổi Đài-Nhật”.
Theo các số liệu chính thức, quan hệ kinh tế giữa Đài Loan và Nhật Bản là rất quan trọng đối với cả hai bên. Nhật Bản là đối tác kinh tế thứ ba của Đài Loan (sau Trung Cộng và Hoa Kỳ), trong khi Đài Loan là đối tác thứ tư của Nhật (sau Hoa Kỳ, Trung Cộng và Hồng Kông). Thương mại song phương năm 2015 đạt 57 tỉ đô la.
Báo Đài Loan, The China Post, cho biết tên gọi cũ “Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản” đầy tính mơ hồ, không phản ánh quan hệ thực sự của cơ quan đại diện không chính thức. Việc Tokyo đổi tên cơ quan đại diện này được nhìn nhận như là một hành động trả đũa lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cô lập đảo quốc “ly khai” này hơn nữa về ngoại giao, với việc lôi kéo thêm một vài trong số hai chục quốc gia nhỏ bé còn duy trì quan hệ chính thức với Đài Bắc.
Trên thực tế, nhu cầu tăng cường hợp tác Đài-Nhật không chỉ là về mặt kinh tế và văn hóa. Việc Trung Cộng gia tăng sức mạnh quân sự tại vùng Biển Hoa Đông và đặc biệt là Biển Đông đang dẫn đến sự đảo lộn thế cân bằng chiến lược chính trị và quân sự hiện nay, đặc biệt nếu như Hoa Kỳ giảm bớt các hợp tác trong vùng.
Stratfor, trang mạng phân tích thông tin tư nhân có trụ sở tại Hoa Kỳ, ngày 28/12/2016, có bài “Nói tóm lại, Đài Loan đã tìm được một đồng minh”, nhận xét : Trong bối cảnh ngày càng bất trắc này, cùng với Philippines, “Đài Loan trở thành trung tâm trong chiến lược an ninh khu vực của Nhật Bản”. Chiến lược hợp tác an ninh – quân sự của Nhật Bản với Đài Loan và một số quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, và Singapore, cho phép ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng. Mà để ngăn chặn tham vọng của Trung Cộng, bảo vệ nền độc lập trên thực tế của Đài Loan trước đe dọa tấn công của Trung Cộng là một điều thiết yếu.
Theo Reuters, cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Hao Kỳ Donal Trump với tổng thống Đài Loan Thái Vân Anh, đầu tháng 12/2016, phá vỡ thỏa thuận ngầm bốn thập niên giữa Washington và Bắc Kinh, về nguyên tắc một nước Trung Hoa, đang khiến bộ Quốc Phòng Trung Cộng sôi sục. Một giới chức cao cấp của quân đội đe dọa Trung Cộng sẽ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận sát Đài Loan trong thời gian tới, để chứng tỏ khả năng sẵn sàng tấn công hòn đảo, nếu cần.
Trong đảng cầm quyền Nhật Bản, bắt đầu có những tiếng nói yêu cầu đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Đài Loan. Theo Kyodo, hồi giữa tháng 12/2016, một dân biểu đảng Tự Do Dân Chủ cầm quyền, ông Keisuke Suzuki, nhấn mạnh “sự tồn tại của một nước Đài Loan tự do là rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản (…). Việc Đài Loan chịu áp lực quá mạnh từ Hoa Lục cũng là vấn đề an ninh của chính nước Nhật”. Dân biểu nói trên đề nghị Tokyo ưu tiên hỗ trợ Đài Loan tự chế tàu ngầm và máy bay chiến đấu.
Theo dự kiến, chiếc tàu ngầm tự chế đầu tiên của Đài Loan sẽ đi vào hoạt động kể từ năm 2025, và hàng loạt máy bay tiêm kích đầu tiên sẽ là vào năm 2023.
Theo RFI