NHÂN QUYỀN MỘT TRỞ NGẠI KHÓ VƯỢT QUA TRONG MỐI BANG GIAO HOA KỲ VIỆT NAM

Chỉ mới hơn một tháng nay, ngày 21/06/13, chủ tịch nhà nước Việt Nam Cộng Sản, Trương Tấn Sang cùng với chủ tịch nhà nước Trung Hoa Cộng Sản, Tập Cận Bình chứng kiến cuộc ký 10 văn kiện “Hữu Nghị Toàn Diện” giữa hai nước Việt Hoa tại Bắc Kinh, mà dư luận trong, ngoài nước xem đây là những văn kiện đặt Việt Nam vào vòng lệ thuộc Đế Quốc Đại Hán mới. Đến hôm nay, ngày 23/07/13, Trương Tấn Sang cùng phái đoàn rời Hà Nội, đến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của tổng thống Mỹ, Barack Obama, và hai nguyên thủ sẽ gặp mặt tại tòa Bạch Ốc ngày 25/07/13. Khiến dư luận cho đây là một biến cố đặc biệt. Các nhóm vận động nhân quyền cho Việt Nam chỉ trích ông Obama đã chìa tay hợp tác với Hà Nội cho dù chưa được bằng chứng về nhân quyền và tự do tôn giáo. Còn phía Hà Nội thì thấy bị đàn anh Trung Cộng ăn hiếp quá đáng, nên gấp rút chạy sang Mỹ để tìm thế chống lưng. Phía Mỹ cũng nhận ra rằng Bắc Kinh đang cố ý lấn thế “Tái Cân Bằng” lực lượng của mình. Nên nhân cơ hội Việt Cộng cần tới sự cứu giúp của Mỹ, tại sao không đưa tay nắm lấy!

Trong cuộc họp báo ngày 22/07/13. Ngoài việc xác nhận lại ưu tiên của Mỹ đặt vào Á châu, thể hiện qua chính sách tái cân bằng lực lượng, hay gọi là xoay trục chiến lược qua châu Á – Thái Bình Dương đã được tổng thống Obama loan báo, ông Danny Russel vừa được chính thức nhậm chức Trợ Lý Ngoại Trưởng Đặc Trách Đông Á – Thaí Bình Dương, nói rõ thêm về vị trí  của Việt Nam và Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ. Ông Russel công nhận rằng: “Vùng Đông Nam Á là khu vực được Mỹ cho là năng động nhất trong toàn châu Á – Thái Bìng Dương”. Riêng Việt Nam, trợ lý Russel xác định rằng: “Quan hệ song phương đang vươn lên, với một dấu mốc lịch sử là chuyến công du của chủ tịch nước Trương Tấn Sang”. Ngoài việc hội đàm với tổng thống Obama ngày 25/07/13, trước đó, chủ tịch nuớc Việt Nam sẽ được ngoại trưởng Mỹ, John Kerry đón tiếp”.  

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho rằng: “Việt Nam có một vị trí gần sát trung tâm của chiến lược tái cân bằng qua châu Á”. “Việt Nam là một quốc gia đang vươn lên…Việt Nam là tác nhân chủ chốt trong Asean vào một thời điểm mà sự tham gia của Mỹ vào các tổ chức khu vực đang  tăng tốc. Việt Nam cũng là một đối tác đàm phán quan trọng của Hiệp Ước Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP”. Tuy nhiên ông Russel cũng nêu lên hai điểm thận trọng đối với Việt Nam: “Trước hết trong số 12 quốc gia tham gia vào cuộc đàm phán TPP, Việt Nam nằm ở cuối bậc thang phát triển, chính vì vậy mà Ngân Hàng Thế Giới cho là nước này sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi là thành viên một khối mậu dịch có tiêu chuẩn và chất lượng cao như TPP”. Thứ đến, theo ông Russel: “Hoa Kỳ luôn có những mối quan tâm đáng kể và đã hết sức chú ý đến tình hình Nhân Quyền tại Việt Nam”. “Washington nhận thức rõ những tiến bộ trong lãnh vực này ở Việt Nam, nhưng vẫn rất quan tâm đến lãnh vực chưa có tiến bộ”. Về Biển Đông, người phụ trách châu Á sự vụ của bộ Ngoại Giao Mỹ, Ông Russsel giải thích: “Theo ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, người ăn trưa với chủ tịch Việt Nam, Trương Tấn Sang vào ngày 24/07/13, thì chuyến thăm này là cơ hội để tăng cường sự phối hợp giữa hai nước về các vấn đề chiến lược trong khu vực, bao gồm cả vấn đề quan trọng là Biển Đông, nơi mà Việt Nam, dù là một bên tranh chấp, nhưng cũng là một tiếng nói rất có trách nhiệm, ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao dựa trên luật pháp”.
Trước khi đi Mỹ, Trương Tấn Sang chủ tịch nước Việt Nam Cộng Sản được hãng Mỹ AP hỏi qua email về lệnh cấm bán vũ khí, ông Trương Tấn Sang nói: “Nay là lúc để bình thường hóa đầy đủ quan hệ song phương trong mọi lãnh vực”. Trương Tấn Sang dự định kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Nhưng vấn đề này, cũng như vấn đề gia nhập TPP đều phải thông qua Quốc Hội, nếu Việt Nam thực sự không còn vi phạm nhân quyền. Trong khi Trương Tấn Sang nói thêm với AP rằng: “Có khác biệt giữa Washington và Hà Nội về Nhân Quyền, nhưng điều này hoàn toàn bình thường”. Thế nhưng nó lại không hoàn toàn bình thường đối với Dân chúng, Chính giới và Dư luận Mỹ. Nó chính là trở ngại đối với chính phủ Obama khi muốn nâng cao tầm mức chiến lược với Việt Nam. Chưa thể bỏ cấm vận võ khí cho Việt Nam, dù rất muốn cung cấp võ khí, khí tài tối tân cho Việt Nam, để đủ tự tin trong tư thế đóng góp cho chiến lược Tái Cân Bằng Lực Lượng của Mỹ tại Biển Đông. Tóm lại vấn đề Nhân Quyền vẫn là trở ngại chính trong mối bang giao Việt Mỹ, nên trong chương trình nghị sự giữa TT Obama và CT Sang vấn đề Nhân Quyền được đặt lên hàng đầu. Nếu Cộng Sản Việt Nam thực tâm cần tới Mỹ chống lưng thì điều kiện Nhân Quyền của Mỹ dù khó mấy Việt Cộng cũng phải nuốt. Chính vì vậy mà đã có hàng chục Dân Biểu Mỹ lên tiếng và gửi thư cho tổng thống Obama, cũng như các Cộng Đồng Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản ở Mỹ sẽ xuống đường yêu cầu tổng thống Mỹ đặt vấn đề Nhân Quyền với ông Trương Tấn Sang. Trong phái đoàn của Trương Tấn Sang đặc biệt có mặt của hai nhân vật đáng lưu ý là Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng, và Tô Lâm, thứ trưởng Công An, những nhân vật này là tiêu biểu, chủ chốt cho thế lực vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Nếu có lời hứa nào về việc thả tù chính trị của Trương Tấn Sang, thì đã có hai nhân vật chủ chốt này bảo đảm. 

Việc thả các tù nhân lương tâm, những Blogger…tuy cần để tỏ thiện chí, nhưng  đó chỉ là cái ngọn của Vi Phạm Nhân Quyền. Thả rồi lại bắt mấy hồi. Cái gốc của vấn đề Vi Phạm Nhân Quyền Việt Nam nó nằm ở Chế Độ Độc Đảng, Độc Tài, Toàn Trị, được xác lập bởi Hiến Pháp Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, qua Điều 4. Đảng Cộng Sản cướp quyền của Công Dân Việt Nam, vi phạm nhân quyền và quyền dân chủ, tự cho mình quyền lãnh đạo quốc dân không thông  qua bầu cử. Thâu tóm quyền trực tiếp điều khiển cả ba ngành Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp và toàn bộ hệ thống Truyền Thông. Ra lệnh cho Lập Pháp viết những Bộ Luật đàn áp tôn giáo, chính kiến, đòi hỏi công lý, công bằng như Luật Hình Sự, ở các điều 79, điều 88, điều 258…để Hành Pháp tha hồ ghép tội cho những  ai dám công khai lên tiếng phản đối những điều sai trái của Đảng và Nhà Nước. Rồi ra lệnh cho Tòa Án xử phạt tội nhân một cách nặng nề, gọi đó là thực hiện đúng Luật Pháp và được hệ thống Truyền Thông của Đảng đồng loạt ca tụng là công chính. Được các nhà ngoại giao lớn tiếng nói với dư luận thế giới là họ Tôn Trọng Luật Pháp. Chính vì vậy, mà tổng thống Barack Obama nên đặt thẳng với Trương Tấn Sang về việc Việt Nam cần phải gấp rút Thay Đổi Hiến Pháp để trở thành một nước Dân Chủ của Toàn Dân thực sự, chỉ có như thế mới dễ dàng hội nhập với Thế Giới Tự Do để nhận được sự giúp đỡ tận tâm của bè bạn năm châu, để đủ tự tin, phát huy sức mạnh nội tại dân tộc tự chủ, tự lực, tự cường của Việt Nam.

LÝ ĐẠI NGUYÊN – Little Saigon ngày 23/07/2013.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt