Nhân quyền Việt Nam giải pháp cần thiết cứu nước và tự cứu thân Việt Cộng

Vấn đề nhân quyền Việt Nam ở năm Nhâm Thìn này đang được quốc tế quan tâm hàng đầu, được khối Asean khởi sự soạn thảo Tuyên Ngôn Nhân Quyền, văn bản này sẽ được công bố nội trong năm 2012. Nhất là Hoa Kỳ đã đặt thành giải pháp cấp thiết nhằm nâng quan hệ Mỹ-Việt lên tầm cao chiến lược toàn diện. Nhưng riêng giới lãnh đạo Việt Cộng thì vẫn bưng tai bịt mắt, bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp sự căm ghét của toàn dân, bất chấp nguy cơ mất nước, vẫn cứ cúi đầu tuân theo Tầu Cộng, thẳng tay đàn áp, khủng bố, cầm tù những công dân yêu nước chống giặc Tầu xâm lược, chống nạn độc quyền toàn diện tham nhũng, cướp tài sản quốc gia, cướp ruộng đất của nông dân khốn khổ, để mặc cho bọn Công An biến chất thành côn đồ đê tiện, giết hại dân lành vô tội, khiến cho oán khí ngợp trời, tiếng than dậy đất, lòng dân nhức nhối.

Để cho Bắc Kinh đan kết được mối dân oán và quốc tế lên án, làm thành sợi thòng lọng vô hình cột chặt vận mạng tồn tại của Việt Cộng với quan hệ Tầu Cộng, nhằm không để cho Việt Nam thoát nổi sự khống chế của Bắc Kinh. Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản trích dẫn nguồn tin từ Đảng Cộng Sản Việt Nam hôm 21/01/2012 cho biết: “Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh cáo rằng: Việt Nam không được dựa vào Mỹ trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông”. “Ông Tập Cận Bình, nhân vật này  mà theo dự kiến sẽ thay thế chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhắc lời cảnh cáo đó trong cuộc gặp với tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Nuớc Trương Tấn Sang và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến viếng thăm Việt Nam từ 20 đến 22/12/2011”. Giọng điệu kẻ cả của Tập Cận Bình đúng là coi bọn Trọng, Sang, Dũng như đầy tớ, chứ không phải là lời nói của một quốc khách đối với các lãnh tụ nước chủ nhà. Thật là nhục quốc thể!

Đúng ngày mùng một Tết âm lịch, 23/01/2012, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch công bố Phúc Trình Toàn Cầu 2012, tố cáo chính phủ Cộng Sản Việt Nam trong năm qua đã tiến hành chiến dịch đàn áp mạnh tay, có hệ thống, đối với các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo và các nhân vật bất đồng chính kiến. Theo HRW: “Có 33 nhà vận động ôn hoà tại Việt Nam bị truy tố và tuyên án trong năm 2011 ‘dựa trên những điều khoản mơ hồ’ trong bộ luật hình sự, cùng với ít nhất 27 nhà bất đồng chính kiến khác đang bị giam cầm chưa đưa ra xét xử”. Kể đến ngày công bố văn bản này. Ông Phil Robertson, phó giám đốc HRW đặc trách châu Á phát biểu: “Có ít nhất 33 người mà chúng tôi biết đã bị ngồi tù trong năm nay, chỉ vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận, lập hội hoặc hội họp ôn hòa. Các tội này đi từ chuyện cầm biểu ngữ cho đến viết blog. Toàn là những quyền lẽ ra phải được bảo vệ tại Việt Nam, vì người ta quên rằng, Việt Nam đả phê chuẩn Công Ước Quốc tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị”.

Trước đó ngày  19/01/12, Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos của Quốc hội Mỹ đã lên tiếng chỉ trích tình hình nhân quyền xuống dốc của Việt Nam trong năm qua, nói rằng: “Không thể nào biện minh cho Việt Nam tấn công các công dân của nước mình, những người chỉ hành xử các quyền chính trị và tôn giáo một cách ôn hoà”. Tiếp theo là phái đoàn 4 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gồm cả 3 khuynh hướng chính trị Cộng Hoà, Dân Chủ và Độc Lập là John McCain, Joseph Lieberman, Sheldon Whitehouse và Kelly Ayotte đã thăm Việt Nam ngày 20/01/12. Sau khi gặp các nhà lãnh đạo Hà Nội để bàn về quan hệ giữa 2 nước. Đồng thời cũng gặp 3 người trí thức trẻ, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam là Bs. Phạm Hồng Sơn, Ls. Nguyễn Văn Đài, Ls. Lê Quốc Quân.

Sau khi rời Việt Nam phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ thăm Thái Lan, hôm 21/01/12 đã gặp gỡ báo chí tại Bangkok. Thượng nghị sĩ John McCain nói: “Hoa Kỳ sẽ không bán vũ khí cho Việt Nam, đến khi nào Việt Nam đảo ngược thái độ tụt hậu về nhân quyền”. Ông McCain cho biết: “Hà Nội có một danh sách dài về vũ khí muốn mua”. “Nhưng phái đoàn nghị sĩ đã đặc biệt nhấn mạnh với phía Việt Nam là quan hệ an ninh Mỹ-Việt gặp tác động trực tiếp của các vấn đề nhân quyền”. “Không có tiến bộ trong vấn đề nhân quyền, thậm chí còn có thái độ tụt hậu trong vấn đề này”. Thượng nghị sĩ J. Lieberman nói: “Cần phải có phê chuẩn của Quốc Hội Mỹ thì Việt Nam mới có được vũ khí sát thương”. “Có một số loại vũ khí Việt Nam muốn mua của chúng tôi, hoặc nhận từ chúng tôi; chúng tôi cũng mong có thể giao các thứ ấy, nhưng chuyện đó sẽ không xẩy ra cho tới khi nào Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền”. Thượng Viện Hoa Kỳ là cơ quan nắm chìa khoá của nền Ngoại Giao trường kỳ của Mỹ.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách các vấn đề Đông Á, Kurt Campbell, ngày 19/01/12 , kêu gọi Hà Nội cải thiện nhân quyền hơn nữa để có được sự hỗ trợ của Washington. Ông nói: “Điều đã ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của các quan hệ song phương, chính là các vấn đề nhân quyền bên trong Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Nhưng mối quan tâm đó phải được giải quyết một cách nghiêm túc hơn để tạo điều kiện cho những sự ủng hộ tại Hoa Kỳ, như chúng ta đã từng thấy khi hai nước thiết lập quan hệ bang giao hồi năm 1995”. Nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ, chuyên trách về các vấn đề Á Châu -Thái Bình Dương sẽ đến Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 03/02/12 để bàn về quan hệ Mỹ-Việt. Phát ngôn viên Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Beau J. Miller cho hay: “Trong chương trình nghị sự, ông Campbell có thể bàn về nhân quyền ở Việt Nam và quan hệ hai bên”. Nhân vật Campbell này sẽ có tiếng nói quyết định cho bộ Ngoại Giao Mỹ đối với các vấn đề Việt Nam, sau khi đã được phúc trình trực tiếp của vị Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội.

`Phúc trình của trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ Mới –  Center for a New American Security – CNAS – có nhan đề Hợp Tác Từ Sức Mạnh: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Biển Đông. Cho rằng: “Quyền lợi của Hoa Kỳ ngày càng gặp nhiều rủi ro ở Biển Đông vì sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế, quân sự và những mối quan tâm đối với vấn đề Trung Quốc có muốn tôn trọng những quy phạm pháp lý hiện hành hay không?”. Bản Phúc trình dài 115 trang này, đưa ra sau khi chính phủ của tổng thống Barack Obama loan báo chiến lược quốc phòng mới, hướng trọng tâm về Á Châu – Thái Bình Dương, trong bối cảnh chi tiêu quân sự bị cắt giảm 450 tỉ đôla. Ngoài việc Mỹ giảm bộ binh, tăng võ khí và kỹ thuật tối tân trên biển, trên không, Hoa Kỳ phải xây dựng thế đứng bền vững lâu dài là chủ trương chính sách Đối Tác trực tiếp với Người Dân ở các nước liên hệ của Á Châu. Đây là lý do Hoa Kỳ đặt nặng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho Việt Cộng kịp thời Dân Chủ Hoá chế độ để tự cứu thân và chuộc tội, nhằm cứu nước thoát khỏi cuộc Hán hóa nguy hiểm hiện nay.

LÝ ĐẠI NGUYÊN – Little Sài gòn ngày 31/01/2012.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt