Nhân Quyền và Độc Tài Toàn Trị Không Thể Cùng Tồn Tại
Nhân quyền và độc tài toàn trị không thể nào sống chung với nhau – Bài của bình luận gia Lý Đại Nguyên
NHÂN QUYỀN VÀ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ
KHÔNG THÊ CÙNG TỒN TẠI
Lý Đại Nguyên
Cuộc tranh đòi lại nhà đất thuộc Dòng Chúa Cứu Thế của Giáo Dân xứ Thái Hà với nhà cầm quyền Hànội mỗi lúc một thêm trầm trọng, mà không lối thoát. Bên giáo dân thì căn cứ vào số nhà đất của Dòng Chúa Cứu Thế vốn thuộc quyền Tư Hữu hợp pháp, mà mình đã thủ đắc trước khi có cái chế độ Việtcộng độc tài tham nhũng hiện nay. Nên việc đòi lại đất bị mất là hợp tình, hợp lý. Còn Việtcộng thì nhân danh chế độ Công Hữu, do đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ (hờ) để tịch thu nhà đất của nhà thờ, nhà chùa, hay bất cứ của công dân nào, rồi tùy tiện phân phối cho những đối tượng mà đảng cho là được quyền xử dụng, hay bán cho ngoại nhân, hoặc chia nhau hưởng lợi thì cũng là hợp pháp đối với họ. Vì đảng quyết định là luật rồi. Cũng giống như thời Phong Kiến “ý Vua là ý Trời”. Lệnh Vua là công lý. Chính vì vậy, mới có cảnh Dân Oan đi khiếu kiện suốt cả đời mà không được giải quyết. Trường hợp của giáo xứ Thái Hà cũng không ngoại lệ.
Thế nhưng với cuộc đấu tranh quyết liệt đòi công lý hiện nay của Giáo Dân Thiên Chúa trong Giáo Phận ở ngay Thủ Đô Hànội, trước sự chứng kiến của con mắt quốc tế, nhất là dư luận Hoakỳ và thế giới đang đòi Việtcộng phải Tôn Trọng Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo, Dân Chủ Hoá chế độ để đưa kinh tế Việtnam thoát khỏi cảnh suy thoái trầm trọng, do di lụy của thứ kinh tế Thị Trường theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa chết tiệt hiện nay tạo ra. Đây không còn là cảnh Dân Oan khiếu kiện bình thường nữa, mà là một tập thể Tôn Giáo có tổ chức, quyết liệt đấu tranh, chỉ cần Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tự thắng được chính mình, nhận trách nhiệm, cùng với Dân Oan, cùng với các Giáo Hội đòi thay đổi Chế Độ Công Hữu thành Chế Độ Tư Hữu, thì mới mở được lối thoát cho Việtnam. Như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã theo đuổi suốt 33 năm nay.
Sau ngày chính thức tiếp nhận quyền lãnh đạo tối cao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đã công bố Bản Tuyên Cáo của Hội Đồng Lưỡng Viện về Nhân Quyền cho Người Sống, Linh Quyền cho Người Chết và Dân Chủ cho Xã Hội. Với nhận định: “Ngày nay, tổ quốc đang lâm nguy vì nạn xâm lấn đất và biển cùa ngoại bang, mà 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nỗi đau nhức nhối. Trong khi ấy chính quyền tại vị nhu nhược nếu không nói là đồng lõa. Nên GHPGVNTN kêu gọi toàn dân trong và ngoài nước mau chóng kết thành một khối để bảo vệ non sông và nòi giống…”. Đòi nhà nước Việtcộng phải: “1- Thay đổi chính sách thù nghịch tôn giáo đối với các tôn giáo tại Việtnam, thể hiện bằng sự công nhận sinh hoạt độc lập và phi chính trị của các tôn giáo, phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo Hôi Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và các tôn giáo chưa được thừa nhận…”; “2- Áp dụng triệt để Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, mà Việtnam tham gia ký kết tại LHQ năm1982, và tiêu chuẩn hóa pháp luật Việtnam theo Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyên, Tự Do, Dân Chủ của LHQ”; “3- Loại bỏ điều 4 Hiến Pháp tạo điều kiện cho sự tham gia cứu quốc và kiến quốc của toàn dân, của mọi thành phần dân tộc, mọi gia đình, tôn giáo và chính trị”; “4- Triệu tập Hội Nghị Toàn Dân, bao gồm các tôn giáo và đảng phái dân tộc ra đời từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, khai mở cuộc hóa giải các tranh chấp, hận thù nẩy sinh từ những ý thức hệ ngoại lai gây nên tấm thảm kịch bản địa suốt sáu mươi năm chưa dứt, hầu đặt cơ sở cho việc trao quyền lãnh đạo cho toàn dân trong một thể chế dân chủ tam quyền phân lập và đa đảng…”
Bản Tuyên Cáo của Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN nói lên ý nguyện thiết tha của toàn dân Việtnam, ở trong và ngoài nước. Đúng với nhu cầu Dân Chủ Hóa chế độ, đòi Cộng đảng phải trả lại quyền tự chủ xây dựng, phát triền xã hội, kinh tế, và tham gia chính trị cho toàn dân. Nhằm giành lại chủ quyền cho Dân Tộc trên trường quốc tế, để Quốc Dân Việt Nam chủ động hội nhập với tiến trình Toàn Cầu Hóa, mà vẫn duy trì được bản sắc Văn Hóa Dân Tộc trong thời đại Nhân Chủ Nhân Văn Toàn Thế Giới. Cụ thể bước đầu là Việtnam phải bỏ điều 4 Hiến Pháp của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mà Cộng đảng đã ngang nhiên cướp quyền lãnh đạo của toàn dân, để đứng trên Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, mà tùy tiện điều hành quốc gia. Từ đó đại biểu chính thức của toàn dân viết ra bản Hiến Pháp Dân Chủ thực sự làm “mẹ” cho luật pháp quốc gia để đưa ra Trưng Cầu Dân Ý. Thay cho bản Hiến Pháp lạc hậu phi dân chủ hiện hành, cho phép dùng luật tùy tiện của Cộng đảng, để giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội hiến định của người dân. Cộng đảng đã biến hiến pháp và luật pháp của chúng thành công cụ thiết lập chế độ độc đảng, độc tài, toàn trị tại Việt nam. Thế nên trong chế độ độc đảng, độc tài toàn trị này không có chỗ đứng của Nhân Quyền, cho dù toàn dân, cả thế giới và người bạn lớn mới của Việtcộng là chính phủ Hoakỳ có đòi hỏi cách mấy thì Việtcộng vẫn cứ ì ra đó.
Nhưng cũng may, Hoakỳ là nước Dân Chủ trọng pháp. Để cụ thể hóa vấn đề Nhân Quyền, nhất là đối với những nước hậu Cộngsản vô tôn giáo. Quốc Hội Hoakỳ 1998 đã biểu quyết thành Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Thế Giới. Từ đó chính phủ Mỹ lấy vấn đề Tự Do Tôn Giáo làm chính sách ngoại giao của mình. Quốc Hội Mỹ cho thành lập Ủy Ban Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, để theo rõi chính sách ngoại giao tôn giáo của chính phủ. Việc chính phủ Mỹ đã đặt Việtnam vào trong danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt – CPC- theo các khoản đề ra trong đạo luật về tự do tôn giáo quốc tế. Nhưng vì nhu cầu nhập nội Việtnam, năm 2006, Chính quyền Bush đã rút tên Việtnam ra khỏi danh sách “phong ác thần” đó, để Mỹ giúp cho Việtnam được gia nhập WTO, với hy vọng Việtcông biết điều hơn về Tự Do Tôn Giáo ở Việtnam. Nhưng chứng nào tật ấy. Sau khi được vào WTO, và tiếp TT Bush tại Hànội, Việtcộng lại thẳng tay đàn áp tôn giáo và tiêu diệt nhân quyền. Nên “Ủy Ban Hoa Kỳ đặc trách vấn đề Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế – USCIRF – hôm thứ Hai, 25-08-2008 đã công bố một phúc trình có tựa đề “Trọng Điểm Chính Sách về Việt Nam”, ghi nhận những sự kiện Ủy Ban tìm hiểu được trong chuyến đi thăm Việtnam năm 2007, đồng thời nêu rõ những hành động gây phiền nhiễu, bắt giữ và tù đầy được chính phủ (VN) bảo trợ, nhằm vào cá nhân và lãnh tụ các cộng đồng tôn giáo khác biệt trong nước”. Nên, “Ủy Ban kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặt Việtnam trở lại vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặt biệt” – CPC – Trong khi đó Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam hy vọng sẽ được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua thành Luật vào đầu tháng 09-2008 này. Đạo luật này là một áp lực mạnh đối với Việtcộng. Theo ông Đại Sứ Mỹ tại Hànội, Michael Michalak thì:“Hoakỳ cũng sẵn sàng giúp đỡ kỹ thuật cho Quốc Hội Việt Nam, và sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại và tham khảo ý kiến công khai với Việtnam để bảo đảm quyền tự do phát biểu tư tưởng, tự do tôn giáo và tự do báo chí, đồng thời cải thiện tình trạng trong sáng, để có thể chống tệ nạn tham nhũng trong nước một cách tốt đẹp hơn”. Xem thế Hoakỳ cả Lập Pháp lẫn Hành Pháp cũng nhìn rõ chế độ độc tài tham nhũng toàn trị của Việtcộng không thể cùng tồn tại trước nhu cầu nhân quyền của toàn dân và toàn cầu. Little Saigon ngày 02-09-2008.