Nhận định về biểu tình người dân Hồng Kông
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Cho đến nay gần 3 tháng, các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông vẫn tiếp tục bất chấp Bắc Kinh đe dọa qua một video quảng bá rộng rãi các cuộc tập dượt của “cảnh sát có vũ trang” dưới sự “điều động của quân đội” với hình ảnh chuẩn bị “đàn áp bằng súng đạn trên quy mô lớn”. Video này thu hình ở Thẩm Quyến, giáp biên giới Hồng Kông. Nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh, có lẽ đây là “đòn chiến tranh tâm lý biểu hiện văn hoá tuyên truyền của Cộng Sản”.
Mở chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ, phỉ báng hình ảnh người biểu tình, thì bị hai hệ thống Internet lớn nhất thế giới là Facebook và Twitter tố cáo rằng: những “danh từ thiếu văn hoá” này xuất xứ từ Trung Cộng và đã xóa bỏ hàng nghìn tài khoản “giả mạo” chỉ trích các cuộc biểu tình tại Hồng Kông.
Người dân Hồng Kông bất chấp lưỡi lê, lựu đạn cay, hơi ngạc của cảnh sát, từng đoàn người tiếp tục xuống đường đấu tranh cho tự do dân chủ thực sự.
Tại sao người dân Hồng Kông làm được như vậy? Vì từ năm 1898, Hồng Kông là nhượng địa của nước Anh 99 năm. Từ đó, chính phủ Anh đối với dân Hồng Kông như người dân Anh. Về chính trị, hành chánh, kinh tế, thương mại, giáo dục đều theo mô hình của nước Anh. Không những thế, người Anh đã biến Hồng Kông thành một thành phố quan trọng về thương mại và tài chánh phồn thịnh thứ ba trên thế giới sau New York và Luân Đôn. Như thế người Hồng Kông được hưởng một chế độ tự đo dân chủ và kinh tế thị trường từ một thế kỷ qua. Người dân Hồng Kông xem tự do dân chủ là hơi thở, là món ăn tinh thần hằng ngày không thể thiếu. Nay bị Trung Cộng cướp đoạt, ép vào khuôn khổ của chế độ độc tài toàn trị thì ắt hẳn sẽ bùng nổ một mất một còn.
Cuộc bùng nổ đã và đang xẩy ra quyết liệt giữa chế độ độc tài bạo trị và tự do dân chủ, những cuộc xuống đường không những ở giới sinh viên thanh niên, mà còn thành phần luật sư, giới chức giáo dục, giới trí thức, các thương gia triệu phú, tỉ phú, các bậc phụ huynh, vợ con, thân nhân của những người cảnh sát đều xuống đường để bảo vệ quyền tự do cho dân Hồng Kông.
Những cuộc biểu tình xẩy ra rất đa dạng, khi thì biểu tình nhắm vào tử huyệt của Bắc Kinh là làm cho phi trường Hồng Kông tê liệt, hệ thống tài chánh ngưng đọng, tức là chận cửa ngõ thu nhập USD của Bắc Kinh, họ xem Hồng Kông như quả trứng vàng.
Khi thì đoàn biểu tình nam thanh nữ tú im lặng nắm tay nhau thành một vòng đai dài hằng cây số. Có những đoàn biểu tình trong đó có cả vợ con của những người cảnh sát đàn áp. Tin đài RFI cho hay một bà vợ cảnh sát kêu gọi: “Tôi muốn các ông [cảnh sát] biết tại sao bị cả thế giới khạc nhổ. Là thân nhân, tôi không làm như thế, nhưng người cảnh sát phải biết rằng nhiệm vụ của mình là bảo vệ dân Hồng Kông chứ không phải làm kẻ thù của Hồng Kông”.
Những cuộc biểu tình rất can đảm, khôn ngoan và kỷ luật: Khôn ngoan vì họ không để lọt vào những cái bẫy mà Bắc Kinh giăng sẵn để lấy cớ đàn áp. Khôn ngoan là biểu tình chọn đúng thời điểm để bùng phát, đó là lúc Tập Cận Bình đang mắc kẹt cuộc thương chiến với Mỹ nên khó lòng đàn áp, vì sẽ bị thế giới tẩy chay hàng hoá thì nền kinh tế Tàu Cộng lao xuống hố sẽ kéo theo sự sụp đổ của chế độ.
Bên cạnh đó, chính quyền Trump tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho người Hồng Kông trong cuộc hành trình đầy cam go thử thách và nguy hiểm này. Vì thế đoàn người biểu tình Hồng Kông biết Mỹ là nơi chống đỡ mạnh nhất cho phe tự do dân chủ, nên đã có những biểu ngữ kêu gọi “Tổng thống Trump, xin hãy giải phóng cho Hồng Kông”.
Ngày 14/8, ông Trump cũng “nhắc khéo” Tập Cận Bình bằng những ngôn ngữ ngoại giao rằng: “Tôi biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất rõ. Ông ấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, có được nhiều sự tôn trọng của người dân. Ông ấy cũng rất cừ trong một ‘thương vụ khó’. Tôi không nghi ngờ gì nếu Chủ tịch Tập muốn giải quyết nhanh chóng và nhân đạo vấn đề Hồng Kông, ông ấy có thể làm được. Sẽ có một cuộc họp riêng [giữa ông Tập và những người biểu tình]”.
Bốn ngày sau, 18/08: Không nhẹ nhàng như lần trước, Tổng thống Trump cảnh cáo Bắc Kinh rằng: “Tôi nghĩ rằng việc đàm phán [thương mại Mỹ-Trung] sẽ rất khó khăn nếu họ dùng bạo lực, tôi muốn nói rằng, nếu nó lại là một Thiên An Môn nữa” – Và TT Trump lập lại nhiều lần câu nói này.
Tập Cận Bình trong tư thế “tiến thối lưỡng nan”:
Nếu đàn áp đẫm máu như Thiên An Môn năm 1989 thì sẽ gặp hai vấn nạn sinh tử: Thứ nhất, về nội bộ có thể người Tàu Đại Lục sẽ đứng lên cùng dân Hồng Kông để dẹp bỏ chế độ. Và thứ hai, các nước Tây Phương và thế giới lên án, đoạn giao thương mại với Trung Cộng thì kinh tế phá sản, đưa đến sụp đổ chế độ độc tài bạo trị.
Nếu không đàn áp thì người dân Hồng Kông sẽ chiến thắng, sau này khó đặt nền cai trị độc tài lên dân Hồng Kông….Và ảnh hưởng xuống đường đòi tự do dân chủ của dân Hồng Kông đó sẽ là vết dầu loan tràn vào Đai Lục tạo nguồn cảm hứng cho dân Tàu đứng lên giải thể chế độ độc tài Bắc Kinh.
Bắc Kinh giờ đây chỉ dùng yếu tố “câu thời gian”, để có thời giờ truy lùng những người chủ mưu (danh từ Cộng Sản thường dùng) để tỉa dần đoàn người biểu tình. Liệu chiến thuật này có hiệu quả không? khi đoàn người biểu tình được mệnh danh là không có lãnh đạo!
Ngày 25 tháng 8, 2019
Lê Thành Nhân