Nhận định cuộc hội đàm giữa TT Obama và Trương Tấn Sang ngày 25/07

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

TT Hoa Kỳ Barack Obama tiếp Trương tấn Sang Chủ Tịch nhà nước CSVN tại Washington DC (ảnh 25/07/2013)

Trước ngày Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ nhiều bài viết trong và ngoài nước có những suy luận khác nhau, báo chí Hoa Kỳ và tây phương đưa tin dè dặt về cuộc viếng thăm này. Điều đáng lưu ý là cuộc gặp gỡ này do Tổng Thống (TT) Obama mời như các hãng thông tấn đưa tin, hay là do phía cộng sản Việt Nam muốn gặp TT Hoa Kỳ sau khi vừa diện kiến Trung Cộng trở về? Và sau hội đàm 25/07 chúng ta thấy gì?

Lẽ nào khách không mời mà đến, do lời mời của chủ nhà và nhu cầu của khách hoặc do khách vận động để đến thăm chủ nhà. Khi hai bên đồng thuận thì việc gửi thư mời chỉ là một thủ tục ngoại giao thông thường. Nhưng qua cung cách tiếp khách và sự tôn trọng (respect) khi đón tiếp, có thể đánh giá được giá trị của cuộc hội đàm.

Đón tiếp “chủ tịch” một nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại phi trường quân sự Andrew Airforce Base ở ngoại ô thành phố Washington DC chiều ngày 23/07/2013 chỉ có trưởng ban Lễ Tân và ông David Shear đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngoài ra không thấy một nhân viên cao cấp nào của chính phủ Hoa Kỳ. Cuộc đón tiếp không thảm đỏ, không súng chào, không kèn, không trống… Ngày 25/07 cũng vậy, phái đoàn Trương Tấn Sang dẫn đầu cũng do đại sứ David Shear hướng dẫn vào tận phòng họp gặp TT Obama Tại toà Bạch Ốc. Còn Quốc hội Hoa Kỳ lạnh nhạt với cuộc viếng thăm của phái đoàn CSVN do Trương Tấn Sang cầm đầu.

Với sự đón tiếp thiếu nghi lễ ngoại giao dành cho một quốc khách (dù là quốc khách  cộng sản) nói lên sự coi thường người khách, trên phương diện quốc gia đó là điều sỉ nhục quốc thể (1). Hoa Kỳ là một quốc gia mà lễ tân đón tiếp quốc khách rất sành điệu và bài bản, hằng năm Hoa Kỳ đón tiếp nhiều quốc khách trên thế giới đến Washington thì không thể nào có sự sơ suất trong nghi lễ được. Lần này, đón tiếp Trương Tấn Sang với thủ tục đơn sơ thiếu tôn trọng như vậy hẵng hàm chứa ý nghĩa  của nó, có lẽ “tầm nào thì tiếp theo cỡ ấy” chăng! Qua cách đón tiếp như thế, ta nhận ra rằng chủ động cuộc viếng thăm này là do phía CSVN muốn gặp TT Obama, trong khi phía Hoa Kỳ chưa sẵn sàng (not ready yet) nhưng không muốn bỏ lỡ cơ hội.

Tại sao Trương Tấn Sang muốn gặp Obama gấp rút như vậy?

Chuyện gì vội vàng gấp rút cũng do sự thúc đẩy từ những điều kiện cấp bách của nó. Trong tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay có nhiều bất cập để Trương Tấn Sang cần đến thăm Hoa Kỳ:

Thứ nhất: Sau chuyến đi Trung Cộng vào tháng Sáu vừa rồi, Trương Tấn Sang đã ký với Tập Cận Bình “Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Trung Quốc và nhiều văn kiện hợp tác quan trọng khác” – Đây là những văn kiện có lợi cho cho sự xâm lược của Bắc Phương từ kinh tế, an ninh và văn hóa. Dư luận loan truyền trong quần chúng cho đó là những “văn kiện đầu hàng” đầy dẫy những danh từ thuần phục “nhất trí, hợp tác,chiến lược,toàn diện”… Lòng yêu nước chống  Trung Cộng xâm lược của người dân lại hừng hực trào dâng, các nước trong khối Đông Nam Á  dè dặt. Việc đến gặp TT Obama rồi cho các cơ quan truyền thông có sẵn trong tay tuyên truyền đánh bóng chuyến đi sẽ là đòn giải độc đối với quần chúng và lừa bịp quốc tế của Trương Tấn Sang nói riêng, và đảng CSVN nói chung.

Thứ hai: Sau những lần Trương Tấn Sang hợp tác với Nguyễn Phú Trọng để hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tranh dành địa vị bị thất bại. Dũng thắng nhờ hứa hẹn làm thân khuyển mã cho Tập Cận Bình khi gặp gỡ tại “Hội nghị thượng đỉnh thương mại, đầu tư ASEAN” tại Nam Ninh, Quảng Tây tháng 9/2012. Sau cuộc gặp của Dũng với Tập Cận Bình, bỗng nhiên Phùng Quang Thanh, ủy viên Bộ Chính Trị, quay 180 độ ủng hộ Dũng nên Bộ Chính Trị CSVN không loại được Dũng buộc phải đưa ra hội nghị Trung Ương 6 giải quyết. Tại HNTƯ 6, “nhóm lợi ích” đã bỏ phiếu tín nhiệm Dũng làm cho Sang và Trọng thất bại ê chề lộ trên khuôn mặt, trong khi Dũng cười đắc thắng. Nguyễn Phú Trọng cấp vụ cao nhất trong đảng CSVN, nhưng sau hai lần thất bại trong HNTƯ 6 và 7 đã thất sủng nằm yên ngầm ủng hộ Sang đọ sức với Dũng tranh dành chức Chủ Tịch Nước kiêm Tổng Bí Thư đảng. Hiện nay “nhóm lợi ích” của Dũng đang thắng thế từ cơ sở đến Bộ Chính Trị, cho nên việc Trương Tấn Sang phải mở mặt trận ngoại giao gây thân thế để tập hợp phe cánh cũng nằm trong toan tính của chuyến gặp nhân vật quyền lực nhất thế giới-TT Obama ngày 25/07 vừa qua.

Thứ ba: Kinh tế của Việt Nam đang thời phá sản, sau 5 năm gia nhập WTO tưởng như diều gặp gió, nhưng với hệ thống “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” nửa cộng sản, nửa tư bản không phù hợp với quy luật vận hành của WTO. Đến năm 2012, kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng toàn diện, nợ nần chồng chất, vật giá leo thang, dân tình khốn khổ…. Con đường gia nhập  Hợp Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương – TPP (Trans-Pacific Partnership) hứa hẹn cho một nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu tìm lối thoát. Trương Tấn Sang đến Mỹ  kỳ này vận động Mỹ cho gia nhập TPP càng sớm càng tốt.

Thứ tư: CSVN từ thời trước năm 1975 tồn tại nhờ chính trị “đu giây đi chân hai hàng”  giữa Nga Xô và Trung Cộng, nay Nga Xô không còn, CSVN quay sang đu giây giữa Mỹ và Trung Cộng, Vì thế, cứ mỗi lần có đại diện đi thăm Mỹ thì một nhân vật chóp bu khác đi thăm Trung Cộng và ngược lại. Việc Trương Tấn Sang đến thăm Mỹ cũng nhằm mục đích thực hiện chính sách “đu giây” để duy trì quyền lực cai trị của CSVN.

Luôn tiện chuyến đi, còn mở ra trao đổi một số vấn đề khác với mục đích quan trọng hoá cuộc gặp gỡ mà đảng CSVN hô hào là chuyến đi “lịch sử” mở một khung trời bang giao mới, hợp tác toàn diện v.v.nhằm tuyên truyền lừa bịp.

Còn về phía Mỹ, TT Obama muốn hội kiến với Việt Nam để làm gì?

Đối với Mỹ, quyền lợi là chính, hiện nay dù Trung Cộng có tuyên bó hung hăng, ồn ào nhưng chưa dám đụng đến quyền lợi của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt không bao giờ hải quân Trung Cộng dám chĩa mũi súng vào các chiến hạm Hoa Kỳ ngày đêm ra vào tự do trên biển Đông. Tuyến giao thương hàng hải ngoài khơi Biển Đông vẫn an toàn nằm trong sự kiểm soát của Hạm Đội 7 Thái Bình Dương, eo biển Malacca (Strait of Malacca) Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh hoàn toàn làm chủ. Giao thương các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ tăng trưởng đều đặn hằng năm. Vậy Mỹ có lo khu vực này là lo xa cho kế hoạch thập niên…

Chính sách của TT Obama xoay trục “về Châu Á” từ những ngày mới nhậm chức, biểu hiện sự cứng rắn qua những lời tuyên bố của bà ngoại trưởng Clinton trong các Hội Nghị của khối ASIAN. Sau khi cũng cố vòng đai đồng minh thân cận với Đài Loan, Nhật, Nam Hàn, Indonesia,  Phillipine, Úc, và các nước châu Á khác kể cả Miến Điện thì phải tính đến Việt Nam. Tình báo Hoa Kỳ hẵng đã nắm đầy đủ dữ kiện CSVN đang lệ thuộc Trung Cộng đến mức độ nào? Và CSVN đang ve vãn Mỹ với mục đích gì? Dù biết vậy, nhưng vẫn “mắt nhắm mắt mở” thực hiện kế sách “vào hang cọp mới bắt được cọp”.

Bề mặt, Mỹ bắt chẹt CSVN vi phạm nhân quyền như là là đòn bẩy chính trị thời đại, vừa vui lòng quốc tế, vừa được lòng quốc hội Hoa Kỳ, vừa được lá phiếu người Mỹ gốc Việt. Đằng sau Mỹ hứa hẹn cứu nguy kinh tế Việt Nam mà Trung Cộng không làm được hoặc không muốn làm.

Trong cuộc hội đàm vừa qua ngoài mặt chỉ có thế! Nhưng không biết trong hậu trường có phải Obama muốn gặp Trương Tấn Sang để nhắc nhở CSVN chớ bao giờ đụng đến quyền lợi thiết thực của Mỹ như:

–  Không được cho Trung Cộng lợi dụng thị trường xuất khẩu Việt Nam dùng hàng hóa Trung Cộng dán nhãn hiệu “made in Việt Nam” rồi xuất phát từ Việt Nam để bán vào thị trường Mỹ.

–  Mọi việc đàm phán về Biển Đông phải đàm phán đa phương, tuyệt đối không được đi đôi với Trung Cộng để ký các hiệp ước an ninh trên Biển Đông. Nên noi gương Phi Luật Tân đem chuyện tranh chấp biển Đông ra kiện trước quốc tế.

–  Khu vực Đông Nam Á là khu vực làm ăn của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21, không nên nghe Trung Cộng xúi dục noi gương Bắc Hàn, Iraq để làm mất ổn định trong khu vực.

Cuộc viếng thăm  Washington của Trương Tấn Sang đầy bất trắc và ác cảm

Trương Tấn Sang đến hội đàm với  TT Obama không mang một thiện ý, mà trái lại mang theo hành trang của kẻ vi phạm nhân quyền, thứ hành trang mà chính phủ Hoa Kỳ rất cấm kỵ, nhất là các dân cử trong lưỡng viện Quốc Hội. Trong những tháng đầu năm 2013, nhà cầm quyền CSVN đã bắt bớ và tù đày tàn nhẫn hằng trăm người yêu nước vô tội, blogger… Tệ hơn nữa, vài ngày trước khi lên đường đi Washington, CSVN lại ban hành “Nghị định Quản Lý, Cung Cấp, Xử Dụng Dịch Vụ Internet và Thông Tin trên Mạng” – đây là nghị định nhằm kiểm soát các hệ thống thông tin Internet, không cho truy cập những tin tức về chính trị, nhân quyền, tự do dân chủ. 

Hàng loạt vi phạm nhân quyền của CSVN không những bị người dân Việt Nam trong và ngoài nước phản đối mà các cơ quan nhân quyền quốc tế, quốc hội Châu Âu, Quốc Hội Hoa Kỳ đồng loạt lên án… Chưa có một cuộc phản đối nào dữ dội như chuyến đi của Trương Tấn Sang đến gặp TT  Obama năm nay. Liên tục những ngày trước khi Trương Tấn Sang đến Mỹ, các dân biểu thuộc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa  họp báo tại tiền đình Quốc Hội tố cáo nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền và ra yêu sách đòi TT Obama phải đem vấn đề nhân quyền như là đề tài quan trọng với Trương Tấn Sang trong buổi hội đàm 25/7.

Trong nước, thân nhân các tù nhân chính trị viết thư đến TT Hoa Kỳ cầu cứu can thiệp. Nhiều nhà trí thức gửi tâm thư cho Trương Tấn Sang khuyên đừng bỏ lỡ cơ hội cứu nước từ tay Đại Hán xâm lược… Ngoài nước, cộng đồng người Việt tị nạn từ các tiểu bang Hoa Kỳ và Canada đổ về Washington biểu tình chống đối sự hiện diện của Trương Tấn Sang, hô to khẩu hiệu đòi tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, dương cao biểu ngữ đòi trả tự do tức khắc cho các tù nhân chính trị.

Trước những đòi hỏi chân chính của giới lập pháp và công dân Hoa Kỳ như vậy, liệu  TT Barack Obama có thể làm ngơ để bắt tay thân thiện với Trương Tấn Sang được không? TT Obama không phải là Tập Cận Bình “nhất hô bá ứng”. Mọi hành động của phía hành pháp Hoa Kỳ do TT  Obama cầm đầu đều có sự giám sát của lưỡng viện Quốc Hội. Nay hàng chục Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền và đòi hỏi TT  Obama phải có thái độ thích đáng. Obama không thể làm ngơ vì nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai chính trị của ông nói riêng và cho đảng Dân Chủ của ông trong những kỳ bầu của sắp tới. Trầm trọng hơn nữa, quốc hội có thể mời TT ra điều trần với nhiều câu hỏi hóc búa…

Với bản chất lừa đảo, nỗi tiếng vi phạm “các hiệp ước quốc tế”, xảo trá trong ngoại giao, đảng CSVN do Trương Tấn Sang cầm đầu đến gõ cửa Hoa Kỳ tay trái ôm chồng hồ sơ vi phạm nhân quyền mà tay phải bắt tay xin ân huệ thì sự thành công ngoài tầm tay. Tệ hơn nữa, chuyến đi Trương Tấn Sang vô tình đã đánh động các vị dân cử Hoa Kỳ, các cơ quan truyền thông quốc tế cơ hội tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền trước công luận quốc tế. Quả là “lợi bất cập hại”.

Kết quả chuyến đi CSVN được gì?

Qua bản Tuyên Cáo Chung trên website Toà Bạch Ốc (2) thấy như sau:

Toàn bộ văn bản Tuyên Cáo Chung chẳng có gì mới lạ, nội dung chỉ nói chung chung những gì đã có trong quá khứ bây giờ nhắc lại rồi hứa hẹn từ vấn đề kinh tế, giáo dục, khoa học đến an ninh quốc phòng, biển Đông và nhân quyền. Đọc nội dung Tuyên Cáo Chung bằng Anh ngữ nhiều chữ continued effors (tiếp tục cố gắng), extensive cooperation (mở rộng hợp tác), enhence (nâng cấp), reaffirm (tái xác nhận)… như vậy thì những gì trong Tuyên Cáo Chung này đã từng tuyên bố trong quá khứ nay chỉ tuyên bố lại và hứa hẹn. Tuyên Cáo Chung đề cập nhiều lãnh vực, nhưng chẳng có lãnh vực nào có hành động cụ thể. Đúng là “hợp tác toàn diện” (comprehensive partnership) cái gì cũng có, một thứ một ít không đâu vào đâu.  Một tuyên cáo như vậy mang tính cách ngoại giao quen thuộc của chính giới Hoa Kỳ.

Một vài điểm trong Tuyên Cáo Chung cần đề cập: TT Obama gợi lại vấn đề thảo luận ở Cambodia tháng 12/2012, nay tái xác nhận (reaffirm) lời cam kết để đốc kết đàm phán gia nhập TPP càng sớm càng tốt trong năm nay. Việc gia nhập TPP có lợi cho kinh tế nước Mỹ và cũng có lợi cho tương lai chính trị của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Về phía Việt Nam có lợi hay không hãy nhìn vào tấm gương khi gia nhập vào WTO với nhiều hứa hẹn, giờ này kinh tế ra sao? Việc gia nhập TPP, quốc hội Hoa Kỳ cũng có quyền hạn quyết định và  đại sứ Hoa Kỳ David Shear đã tuyên bố với đồng bào tị nạn tại Quận Cam (Orange County) hôm 1/6 vừa qua rằng: “Kể từ khi đến nhậm chức ở Việt Nam vào tháng 8/2011, tôi vẫn nói với các quan chức cao cấp của Việt Nam rằng nếu người Việt muốn tham gia TPP, nếu họ muốn hợp tác mạnh hơn về ngoại giao trong khu vực dẫn đến một mối quan hệ đối tác chiến lược, thì chúng tôi cần thấy Việt Nam có tiến bộ có thể chứng minh được về nhân quyền”. Như vậy, nhân quyền là cửa ải khó vượt qua để Việt Nam gia nhập TPP vào cuối năm nay ?!

Về vấn đề nhân quyền: Obama tuyên bố là có đặt vấn đề  nhân quyền thẳng thắng (candit) với Trương Tấn Sang. Nhưng Trương Tấn Sang đáp lại về nhân quyền chúng ta còn nhiều khác biệt và hứa sẽ rút ngắn khoảng cách khác biệt đó (chắc cả 100 năm nữa). Đặc biệt trong lời tuyên bố của Sang không dám nhắc đến hai chữ “nhân quyền” mà dùng chữ quyền làm người.

Một điểm đặc biệt là Obama đề cao cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ông phàt biểu: “cuối cùng chúng tôi đồng ý, một trong những nguồn nhân lực lớn lao gắn bó giữa hai nước là cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây đang tiếp tục gắn bó với Việt Nam. Những sự liên kết gắn bó giữa người dân (trong và ngoài nước) sẽ là chất keo đẩy mạnh sự quan hệ giữ hai nước”. Điểm này TT Obama muốn nhấn mạnh đến vai trò cộng đồng người người Mỹ gốc Việt hải ngoại rất quan trọng trong việc bang giao Mỹ-Việt, và hãy nhìn hằng ngàn người đang biểu tình ngoài kia họ đang muốn gì? Nền bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng lệ thuộc vào sự ước muốn của họ.

Trương Tấn Sang bất chấp lòng tự trọng và đạo đức thối thiểu của con người khi đáp lại TT Obama rằng “đại diện nhân dân và chính phủ chúng tôi cám ơn nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ trong mấy chục năm qua đã chăm sóc chu đáo bà con người Việt hải ngoại sinh sống và làm việc, và bây giờ là người Mỹ gốc Việt…” Trương Tấn Sang lấy tư cách gì để nói như thế nhỉ ?

Cuối cùng Trương Tấn Sang tặng Obama một lá thư do Hồ Chí Minh gửi cho TT Harry Truman năm 1946, Obama tuyên bố về bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh lấy nguồn cảm hứng từ Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ và dùng từ của TT Thomas Jefferson (cha đẻ Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ). Lời tuyên bố của TT Obama bị truyền thông (Fox News) phê phán nặng nề về sự hiểu biết lịch sử và sự so sánh thiếu chuẩn mực của một kẻ lợi dụng ngôn từ của một quốc gia tự do dân chủ để núp bóng thực hiện một thể chế cộng sản độc tài toàn trị phi nhân bản.

Trương Tấn Sang  trở về Việt Nam ngày 28/07, truyền thông “lề đảng” ca ngợi chuyến đi thành công vượt bực mở ra một trang sử mới bang giao giữa hai cựu thù CSVN – Hoa Kỳ, thế ngoại giao cân bằng đã đạt được đỉnh cao… ta có ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hoá, không lệ thuộc ai cả v.v. và v.v. Tất cả đó chỉ để là lừa bịp và ru ngủ quần chúng.

Chuyến đi của Trương Tấn Sang đến Mỹ hoàn toàn thất bại. Mơ ước người dân Việt Nam trong nước hoàn toàn thất vọng, tưởng rằng trong cơn khốn cùng của dân tộc đang đứng trước họa diệt vong của bá quyền Hán Tộc, CSVN còn chút lương tri tìm đến cường quốc số một tìm sự giúp đỡ. Nhưng giới lãnh đạo CSVN vẫn tham quyền cố vị bám chặt chủ trương chiến lược “theo Tàu mất nước, theo Mỹ mất đảng”. Nhìn hai Tuyên Cáo Chung mà Trương Tấn Sang ký với Tập Cận Bình tháng 6/2013 so với của với Obama ngày 25/7, thật rõ ràng CSVN dù mất nước vẫn bám theo Trung Cộng để giữ quyền lực cai trị độc tài.

Hoa Kỳ, ngày 29/07/2013

Lê Thành Nhân

email: lethanhnhan@vietquoc.org

——————————–

(1) Nghi lễ đón tiếp nguyên thủ quốc gia:

– Khi nguyên thủ đến sân bay thì người đồng cấp của nước chủ nhà phải ra đón. Ví dụ nguyên thủ khách mời là tổng thống thì tổng thống chủ nhà phải tiếp đón, thủ tướng thì thủ tướng tiếp đón.

– Ngay từ sân bay phải có nghi lễ trải thảm đỏ từ cửa máy bay.

– Trước khi hội kiến để bàn chuyện với nguyên thủ nước chủ nhà thì chủ nhà phải tổ chức nghi lễ đón tiếp. Còn tuỳ vào văn hoá mỗi nước nhưng cơ bản nhất là phải có dàn quân nhạc để cử hành quốc ca 2 nước. Sau đó duyệt hàng binh danh dự của chủ nhà.

– Sau cuộc hội kiến thì phải có họp báo để 2 nguyên thủ thông báo về kết quả của cuộc hội kiến.

– Cuối cùng là nước chủ nhà phải tổ chức yến tiệc để tiếp tiếp đãi nguyên thủ khách mời. 

(2)  http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/07/25/joint-statement-president-barack-obama-united-states-america-and-preside

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt