Nhà Sư Và Linh Mục  

Tượng Phật ở chân núi Yên Tử

Linh Mục Nguyên Khải vừa lên tới chân núi Yên Tử thì trời mưa tầm tã . Núi Yên Tử thuộc xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Mặc dù Cha Khải có mang theo chiếc ô, vừa che mưa che nắng vừa làm gậy phòng thân, nhưng đụng phải cơn mưa giông, sấm sét rền trời buộc Ông phải lách mình vô sơn động núp mưa. Vừa bước vào cửa động Cha Khải suýt dẫm phải con rắn hổ mang bành dài khoảng 6m nằm chắn ngang đang nuốt con rắn lục to bằng 2 ngón tay. Đúng lúc đó con chim bồ câu trắng sà xuống đậu trên cành muỗm gần chỗ Cha Khải đứng.

Con bồ câu vẫn nhận ra Ông. Nó kêu cúc cúc, đưa cặp mắt màu hồng tươi lúc ngúc cái đầu nhìn Ông. Như những lần trước, khi Cha Khải vừa tới lưng chừng núi ghé am cổ tự Bảo Sái thăm Sư Lâm Mộc là con bồ câu xuất hiện như đại diện Nhà Sư chào đón khách phương xa. Lần nào cũng thế, Cha Khải nhẹ nhàng vuốt đầu nó, thì thầm với nó đôi câu xong là nó bay đi ngay. Năm ngoái, lúc nghỉ chân nơi am Ngọa Vân, Cha Khải đã kịp thời cứu con bồ câu thoát khỏi móng vuốt chim ưng. Lúc đem nó vô Chùa, Sư Lâm Mộc thấy đốm lông xám trên đỉnh đầu chim nên Sư đặt tên là Lam Câu và nuôi dưỡng nó đến nay.

Chùa Bảo Sái, xưa kia là một cái am thô sơ được Thiền Sư Bảo Sái, đệ tử của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, dựng nên. Vì am cổ tự nằm cheo leo bên vách núi Yên Tử nhiều lần bị sụt lở vì mưa bão, về sau trải qua những biến đổi thăng trầm dần hồi am được trùng tu thành Chùa mang tên của Thiền Sư Bảo Sái.

Theo dòng thời gian mãi đến cuối thập niên 1930, một hôm Chùa Bảo Sái tiếp nhận một Đạo Sư lang thang lạ mặt. Trang phục của Sư thật giản dị, nhiều phần chắp vá và rách rưới. Ông mang đôi giầy vải, cổ đeo tràng hạt lớn, trên vai quàng một tấm vải nâu, râu ria lờm xờm. Cái thân hình hộ pháp trông dữ tợn nhưng ánh mắt thật hiền từ, nồng ấm. Điểm nổi bật ở Ông là uyên thâm đạo pháp.

Đó là Nhà Sư Lâm Mộc, đến rồi đi, như con giao long ẩn hiện rầy đây mai đó. Sư vân du khắp nơi, hoằng pháp khắp xứ Bắc Kỳ, mùa mưa mới âm thầm trở về Chùa.

Sư Lâm Mộc là một Cao Tăng không chủ trương ở Chùa. Ngay từ thuở thiếu thời, chịu ảnh hưởng cuộc sống cách mạng chống thực dân Pháp của Bố Mẹ nên sau một thời gian dài ẩn tu thành tựu tì kheo Sư Lâm Mộc đã vân du hoằng pháp đó đây, coi trời đất là nhà, trần gian là chỗ tạm dung. Hằng năm vào mùa mưa, Sư Lâm Mộc mới trở về chùa Bảo Sái náu mình trong kho củi ở khu vườn đá phía sau Chùa. Thỉnh thoảng vào trung tuần Tháng Sáu, LM Nguyên Khải từ giáo phận Vinh lặn lội đường xa vượt núi, đội mưa ghé thăm Sư Lâm Mộc vấn an sức khoẻ, thăm hỏi sự tình.

Sư Lâm Mộc và LM Nguyên Khải có cùng một huyết thống. Hai Ông là con sinh đôi của nhà cách mạng Nguyễn Khúc Thụ, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Mẹ là bà Đỗ Thị Nâu thuộc đội hậu cần của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học. Năm 1930, ông Nguyễn Khúc Thụ hy sinh tại Yên Báy trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa rạng Mồng 10/02/1930, chiều cùng ngày bà Nâu bị mật thám Pháp treo cổ trong nhà bếp của Cô Giang, người bạn đời chung thủy của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học.

Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, Nguyễn Thái Học cùng 12 nghĩa sĩ bị đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Hai hôm sau, Cô Giang, tức nữ chí sĩ cách mạng Nguyễn Thị Giang, đã âm thầm trở về làng Thổ Tang tự sát bằng khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học đã tặng Cô ở Đền Hùng ngày nào. Riêng Cô Bắc, em ruột của Cô Giang, cùng các nghĩa sĩ bị bắt đi tù 5 năm cấm cố. Nguyễn Thị Bắc qua đời năm 1943 , khi mới 35 tuổi.

Lúc 13 anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng bị xử chém thì một số đồng đảng thân cận của Nguyễn Thái Học may mắn chạy thoát khỏi sự săn đuổi của mật thám Pháp. Trong cuộc săn đuổi đó có 2 người thanh niên tuổi vừa 20, cũng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, hoạt động tích cực cho mục đích đấu tranh giành độc lập dân tộc, tức Nhà Sư Lâm Mộc và Linh Mục Nguyên Khải sau này.

Để tránh bị sát hại, 2 Ông đã phải thay tên đổi họ, chia tay nhau được các nghĩa sĩ bí mật gửi vào nương náu nơi cửa Phật ở Sầm Sơn và Nhà Thờ Chúa ở Ninh Bình.

Dòng đời cứ thế trôi mau. Thỉnh thoảng các nghĩa sĩ sống sót âm thầm trở về chốn thanh tu vấn an 2 vị Tu Sĩ, nhưng dần hồi không còn thấy Họ trở lại nữa. Dù vậy, cả Nhà Sư và Linh Mục đều nương vào đấng tối cao để sống còn. Họ không để oán thù dầy xéo hoặc đau buồn quật ngã, vẫn hành trì đạo pháp.

Mười năm sau, lúc Sư Lâm Mộc đi hoá duyên ngang qua Nhà Thờ Đá Phát Diệm tình cờ gặp Cha Nguyên Khải vừa từ giáo phận Vinh trở về nhà Chúa. Sư và Cha vừa giáp mặt nhau trước cửa Chính Toà, cả 2 đều sửng sốt trố mắt nhìn nhau như thể 2 Ông đang nhìn vào chính bản thể mình. Là anh em sinh đôi nên Họ giống như 2 giọt nước, ngay cả các giáo dân của Cha Khải cũng ồ lên kinh ngạc. Từ khi trở thành Tu Sĩ, 2 Ông đều đi khắp nơi vừa truyền bá đạo pháp vừa âm thầm dò la tung tích người thân, kết cục cả Cha và Sư không thể ngờ lại có ngày tri ngộ ở Giáo Xứ này.

Thoáng nhìn qua, Sư Lâm Mộc biết ngay đây là Sư Đệ thất lạc của mình lúc chạy loạn, nhưng Sư rất trầm tĩnh, âm thầm niệm hồng danh Đức Phật Thế Tôn. Còn Linh Mục Nguyên Khải, qua những hoạt động mục vụ của Nhà Thờ, bản tánh thoáng hoạt hơn, Cha buột miệng nói rất khẽ: Lạy Chúa tôi! Sư Huynh …

Từ đó, khi có dịp thỉnh thoảng Sư xuống núi hoặc Cha lên núi vấn an nhau. Là bậc tu hành của đấng đại trí đã giác ngộ, Cha Nguyên Khải và Sư Lâm Mộc lấy đức báo oán, lấy bác ái của trí nhân làm hướng đi và lấy máu mủ tình thâm mà thăm hỏi sự tình.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Đông Dương do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo chống thực dân Pháp tạo nên cảnh loạn lạc, đói kém, bệnh tật và chết chóc khiến sự đi lại của công chúng bị trở ngại và hạn chế rất nhiều.

Năm 1954, sau khi quân Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, Hiệp Định Genève được ký kết chấm dứt chiến tranh Đông dương, chia đất nước ra làm hai tại vỹ tuyến 17, đưa đến cuộc di cư vĩ đại vào miền Nam Việt Nam từ tháng 08/1954 đến tháng 05/1955.

Trong những cộng đồng Thiên Chúa Giáo miền Bắc dưới thời Pháp Thuộc, các Linh Mục giữ vai trò lãnh đạo về dân sự và tinh thần. Nhận thức được viễn cảnh không tươi sáng do Việt Minh Cộng Sản lãnh đạo, các Cha đã kêu gọi các tín đồ di cư vào Nam. Cuộc di cư 1954 là một cuộc di cư lịch sử của khoảng một triệu người dân miền Bắc (đa số là người Công Giáo) đã ra đi trên những chuyến tàu há mồm do Mỹ và Pháp thực hiện.

Trong tất cả những chuyến tàu di cư không tiền khoáng hậu đó không có mặt Linh Mục Nguyên Khải và sư Lâm Mộc.

* * *

Tôi, người được nghe kể câu chuyện này mà tâm không ngớt dao động. Năm ngoái từ Huế, nhóm Phật Tử chúng tôi đã làm một cuộc hành hương ra Hà Nội, từ đó đi xe đò ra Ninh Bình dài khoảng 90 km ghé thăm Nhà Thờ Chính Toà Phát Diệm (còn gọi là Nhà Thờ Đá), hôm sau vượt núi Yên Tử lên viếng chùa Bảo Sái.

Điểm đặc biệt của Nhà Thờ Đá Phát Diệm được khởi công xây cất từ năm 1875, tuy là Nhà Thờ Công Giáo nhưng lại kiến trúc theo hình thể chùa chiền.

Viếng Nhà Thờ Phát Diệm, cá nhân tôi chỉ là khách thập phương không có ý dò hỏi, hay mạo muội tìm kiếm dấu vết của Linh Mục Nguyên Khải. Nhưng chiêm ngưỡng giá trị trăm năm của Nhà Thờ Đá tôi có cảm tưởng như Cha Khải vẫn bàng bạc đâu đó, trong nhà nguyện, trên tường đá hay dưới chân tượng Đức Mẹ Hằng Sống.

Còn Chùa Bảo Sái, sau nhiều công trình trùng tu trải dài theo năm tháng, nay đã được mở rộng, gồm chánh điện, nhà Tổ, tượng Phật Bà Quán Thế Âm, tượng Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tượng Thiền Sư Bảo Sái, tượng hổ, giếng thiêng và vườn đá phía sau Chùa.

Khi lần vào vườn đá, tôi đứng lặng trước biến thiên của dòng đời. Nhà Củi, nghe nói nơi Nhà Sư Lâm Mộc từng cư ngụ, không còn nữa. Tuy vậy, cái nền đất hoang phế cỏ mọc vẫn không phủ lấp hết những thanh củi dựng theo chiều đứng của mô đất. Những thanh củi rêu phong, mục nát, có vẻ như cam chịu nhưng vẫn đứng nghiêng mình theo tuế nguyệt dần qua.

Ở đời có nhiều bậc anh hùng vì nước mà hy sinh, trong đó có những người sống âm thầm như chiếc bóng và chết đi trong vô danh. Nhưng cũng có những người vì hoàn cảnh buộc phải rời khỏi vòng gươm giáo, như Sư Lâm Mộc và Linh Mục Nguyên Khải, với tấm lòng nhân ái mang lại lợi ích cho người, tặng cho đời những suy nghĩ tốt lành, những việc làm dễ thương, Họ không là Thánh Nhân thì cũng thành nhân.

Phan Ni Tấn

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt