Nhà nước phạt vạ công nhân vì đình công đòi lương đủ sống
(Một bửa nhậu của một cán bộ Cộng Sản Việt Nam còn cao gấp bội của lương tháng công nhân, hình ảnh công nhân bị nhà cầm quyền phạt vạ khi đòi hỏi mức lương tối thiểu để sống)
Nhà nước phạt vạ công nhân vì đình công đòi một mức lương đủ sống
Họ than phiền rằng mức lương tháng hiện tại $54 Mỹ kim tại xí nghiệp sản xuất điện tử CCI không đủ để sinh sống giữa thời buổi lạm phát càng lúc càng gia tăng này.
Ban quản trị xí nghiệp đã đề nghị tăng thêm $1 đô la một tháng, với điều kiện là các công nhân phải đồng ý tuân theo các quy luật của hãng và không gây ra thêm bất cứ sự gián đoạn nào trong tương lai.
Không hài lòng với đề nghị trên, các công nhân đã bỏ hãng kéo nhau ra về. Xí nghiệp hiện thời vẫn còn đóng cửa.
Ðây là một quang cảnh rất bình thường, cứ liên tục lập đi lập lại tại Việt Nam, khi giới công nhân nghèo có nguồn lợi tức thấp từ chối không chấp nhận một mức lương, thường còn thấp hơn cả số tiền mà các viên giám đốc và đối tác trong quan hệ làm ăn của họ là các cán bộ đảng viên tại địa phương tiêu xài trong một bữa ăn trưa.
Một động cơ thúc đẩy khác được cộng thêm vào mối bất công kinh tế này là nạn lạm phát tại Việt Nam đã vọt lên đến một mức chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào tại Á Châu.
Chính thức thì tỷ lệ lạm phát đang ở khoảng 20%, nhưng thật ra thì con số này cao hơn nhiều đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho hầu hết giới công nhân. Chẳng hạn như giá thực phẩm đã tăng lên 30%, thậm chí giá xăng dầu và tiền thuê nhà còn cao hơn con số đó rất nhiều.
Các công nhân cũng kêu ca phàn nàn rất nhiều về việc họ bị bắt buộc phải làm thêm giờ phụ trội, các bữa ăn cho công nhân thì nghèo nàn kém chất lượng, không có các hợp đồng làm việc để giúp họ cảm thấy an tâm hơn và hoàn toàn thiếu vắng những phương tiện bảo vệ an toàn để đề phòng những nguy hiểm có thể xảy ra tại nơi làm việc.
“Nếu các giám đốc công ty chỉ trả một mức lương rất tối thiểu và mong muốn công nhân làm thêm giờ, cung cấp cho họ các bữa ăn tồi tàn trong các nhà ăn, và đôi khi lại không chịu trả tiền phụ trội, thì không thể nào trách được là tại sao họ lại đình công”, theo Tiến sĩ Trịnh Duy Luân, giám đốc Viện nghiên cứu Xã hội tại Hà Nội.
Một con số lớn các công nhân phẫn nộ bỏ việc ra về chưa từng thấy xảy ra trước đây.
Năm ngoái, có hơn 500 vụ đình công bao gồm hàng trăm ngàn công nhân rời bỏ hãng xưởng, nhưng tình trạng nhìn có vẻ sẽ tồi tệ hơn nhiều trong năm nay.
Phần lớn các vụ đình công xảy ra tại các xí nghiệp có chủ nước ngoài. Mới đây, 10,000 nhân viên đã bỏ việc bước ra khỏi một công ty sản xuất đồ chơi của Hồng Kông, sau khi họ chỉ được trả có $30 Mỹ kim tiền thưởng phụ trội thường niên.
Hồi đầu tháng này, và đây có lẽ là một tai họa nặng nề cho những hình ảnh vốn đã thê thảm của Việt Nam như một điểm hẹn vững chắc cho giới đầu tư nước ngoài, hơn 17,000 công nhân đã bỏ việc bước ra khỏi một hãng chuyên sản xuất giầy cho công ty nổi tiếng thế giới Nike, hiện có 50 xí nghiệp tại Việt Nam.
Ðây là lần đình công lớn thứ nhì xảy ra đối với Nike trong vài tháng qua. Sau khi không được đáp ứng cho yêu sách đòi tăng thêm 22% cho mức lương $58 Mỹ kim một tháng, nhiều công nhân đã không hài lòng, và xô xát xảy ra.
Tiến sĩ Luân cho biết, “Nhà nước đáng bị chê trách vì không giám sát kỹ càng tình hình lao động, và để cho lạm phát gia tăng quá nhiều khiến công nhân càng ngày càng nghèo hơn, ngay cả khi lương bổng của họ được tăng chút ít”.
Chế độ cộng sản đang bị chỉ trích vì ban phát nhiều ưu tiên cho các tay giám đốc và làm mối lái, nối giáo cho giới tư bản đầu tư nước ngoài bóc lột công nhân.
Giới công nhân đình công than phiền rằng nhà nước đã phạt vạ họ chỉ vì họ tranh đấu cho một mức lương đủ sống, trong khi đó lại ngoảnh mặt làm ngơ cho các cán bộ đảng viên cao cấp giúp cho giới đầu tư nước ngoài đạt được các mối làm ăn trôi chảy để nhận lại các món tiền trả ơn hậu hĩ.
Nhưng nhà nước đã ngần ngại không muốn cho gia tăng mức lương bổng, lo ngại rằng sẽ làm cho các nhà đầu tư bỏ cuộc và rút ra. Ðể làm thoái chí giới công nhân khiến họ không dám tham gia vào các vụ đình công đòi tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn, nhà nước đã cảnh cáo rằng nếu ai mà làm như vậy sẽ phải trả cho chủ nhân của họ tới 3 tháng lương như một hình thức bồi thường.
Ðiều này chỉ làm tăng thêm sự phẫn nộ trong cuộc tranh chấp đầy cay đắng của thành phần lao động, hiện đang khiến giới kinh doanh phải rùng mình lo ngại, đặc biệt là các công ty do nước ngoài làm chủ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, giám đốc Viện nghiên cứu phát triển Hà Nội cảnh báo rằng, “Con số các cuộc đình công càng ngày càng gia tăng có lẽ đã làm tổn thương nặng nề đến hình ảnh của Việt Nam và làm nản chí những người hiện đang muốn đầu tư vào đây, họ chắc sẽ tự hỏi rằng không biết cả thị trường lao động lẫn đất nước này có ổn định hay không”.
Khánh Ðăng (theo Roger Mitton, Straits Times 14/4/08)
http://circulation.sph.com.sg/worldatyourdoorstep/product_detail.asp?pd=1&pt=N