Tưởng niệm lần thứ 66 (1949-2015): Nhá Cách Mạng VNQDĐ Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống qua đời

Nhượng Tống

Khi nhắc đến Việt Nam Quốc Dân Đảng, người đầu tiên mà hậu thế nhớ đến đó là anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học, và 12 liệt sĩ Yên Báy đã lên đoạn đầu đài đền nợ nước tại Yên Báy ngày 17-06-1930.

Nói đến VNQDĐ mà không nhắc đến nhà cách mạng Hoàng Phạm Trân, học giả Nhượng Tống là một điều thiếu sót…chính Nhượng Tống là người đầu tiên cùng với Phạm Tuấn Lâm và Phạm Tuấn Tài thành lập Nam Đồng Thư Xã, sau đó Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính.. mới tham gia. Khi thành lập VNQDĐ thì Nguyễn Thái Học được các đại biểu bầu làm Chủ tịch Đảng.

VNQDĐ thoát thai từ Nam Đồng Thư Xã, hôm nay nhân ngày cố đồng chí Nhượng Tống qua đời cách đây 66 năm xin ghi lại thân thế, sự nghiệp và đời hoạt động của nhà cách mạng Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống người đã sáng lập Nam Đồng Thư Xã, chi bộ lãnh đạo đầu tiên của VNQDĐ để tưởng niệm công lao và sự đóng góp của người đối với VNQDĐ nói riêng và cho nền văn học, nền độc lập dân tộc nói chung.

 

Cuộc đời cách mạng và sự nghiệp văn chương

Nhượng Tống (1905-1949) là một nhà cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là nhà văn, nhà báo kỳ cựu và là một dịch giả tài hoa thời cận đại, nhờ tài hiểu biết uyên thâm nên còn gọi ông là một học giả.

Nhượng Tống, tên thật là Hoàng Phạm Trân, sinh năm Ất Tỵ (1905) là dòng dõi nho gia, do bút danh Nhượng Tống nên còn gọi là Hoàng Nhượng Tống. Ông là người làng Đô Hoàng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân sinh ông là Hoàng Hồ, thi đỗ tú tài đời nhà Nguyễn, nổi tiếng chống Pháp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chính trị của ông sau này. Ngoài người cha ruột, ông còn làm con nuôi ông Phạm Bùi Cẩm ở phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Sinh ra trong một gia đình Nho học, rất thông minh lỗi lạc uyên bác, nên Nhượng Tống được học chữ Hán ngay từ nhỏ, sau mới tự học thêm tiếng Việt và tiếng Pháp.

Năm 1921 (lúc 16 tuổi), báo Khai Hóa ra đời, đã thấy ông có bài đăng trên báo ấy. Kể từ đó, ông lần lượt viết cho các báo: Nam Thành, Thực Nghiệp Dân Báo, Hồn Cách Mạng, Hà Nội Tân Văn… Năm 1924, lúc ông 19 tuổi, đã làm trợ bút cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo ở Hà Nội.

Cuối năm 1926, ông cùng với Phạm Tuấn Lâm và Phạm Tuấn Tài thành lập ra Nam Đồng Thư Xã ở số 6 đường Ngũ Xã khu Nam Đồng (bên bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội), Nam Đồng Thư Xã chuyên trước tác, dịch thuật và xuất bản các sách tuyên truyền chủ nghĩa ái quốc, như: Cách mạng Trung Hoa, Lịch sử Tôn Dật Tiên, Cách Mạng Thế giới, Nguyên Tắc Tam Dân, v.v…bán với giá phổ thông, mục đích để truyền bá tư tưởng cách mạng trong đại chúng. Nam Đồng Thư Xã rất được quốc dân hoan nghênh nhiệt liệt.

Tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học tham gia Nam Đồng Thư Xã và thành lập chi bộ để tiến tới thành một đảng cách mạng.

Vào đêm 25 tháng 12 năm 1927, Nhượng Tống cùng với các đồng chí thành lập đảng cách mạng có tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng tại nhà đồng chí Lê Thành Vị làng Thể Giao, Hà Nội.

Trong đảng Nhượng Tống là một nhà tư tưởng, một Uỷ Viên trong Trung Ương Đảng Bộ, giữ trọng trách Trưởng Ban Biên Soạn sách báo để huấn luyện đảng viên, cán bộ VNQDĐ và tuyên truyền trong quảng đại quần chúng.

Năm 1929, theo kế hoạch của Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống vào Huế gặp cụ Phan Bội Châu, nhưng khi trở ra thì bị thực dân Pháp đón bắt, rồi bị đày ra Côn Đảo mãi đến năm 1936 mới được tha, nhưng vẫn chịu sự quản thúc tại quê nhà.

Khi ông đang ở nhà lao Côn Đảo, thì các đồng chí của ông tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Báy (1930), nhưng bị thực dân Pháp đàn áp và khủng bố dã man.

Năm 1947, hết thời gian bị quản thúc, Nhượng Tống trở lại Hà Nội, rồi cùng với một số đồng chí tái tổ chức lại hoạt động Việt Nam Quốc Dân Đảng tại một số vùng do quân Pháp kiểm soát.

Ngày 17 tháng 2 năm 1947, Việt Nam Quốc Dân Đảng tham gia Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc, chống lại chính quyền Việt Minh, ủng hộ giải pháp Bảo Đại, thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam.

Đầu năm 1949, ông mở tiệm thuốc Bắc tại 128 phố Chợ Hôm, Hà Nội.

Ngày 8 tháng 11 năm 1949, Nhượng Tống bị công an mật Việt Minh ám sát tại Hà Nội theo lệnh của Hồ Chí Minh, lý do Nhượng Tống đã viết báo nêu đích danh Hồ Chí Minh là  người bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Pháp tại Thượng Hải, Trung Hoa đẩ lấy tiền.

Hơn 66 năm đã trôi qua, vụ ám sát tác giả bài thơ “Cảm Ðề Lịch Sử” vẫn còn là nghi án. Lịch sử ta có rất nhiều vụ ám sát thủ tiêu tương tự. Lạ thay đất nước đã gọi là hòa bình mà công lý thì chưa thấy làm sáng tỏ một vụ nào. Và cũng lạ thay, trong bài “Xuân Biệt,” Nhượng Tống đã làm một câu thơ tả người bị bắn ngã, (chỉ bằng mũi tên ẩn dụ của ái tình) mà giống như tình trạng cái chết của chính ông: “Anh ngã, mình sa giữa lưới ngờ!”

Sách xuất bản


– Hai Bà Trưng, Đệ nhất Anh Thư (1926)
– Nguyễn Thái Học (hồi ký, 1945)
– Tân Việt Cách Mạng (năm 1946)
– Treo Cổ Hoàng Diệu
– Lan Hữu (1949) tiểu thuyết tình cảm lãng mạng, có tính tự truyện.

Dịch thuật:

– Nam Hoa kinh của Trang tử (1944; tái bản, 1962 (Sài Gòn), 2001)
– Ly tao của Khất Nguyên Tân Việt 1944.
– Thơ Đỗ Phủ (1944; tái bản, 1996)
– Sử ký của Tư Mã Thiên, (1945)
– Mái Tây Vương Thực Phủ, (tức Tây sương ký, 1942; tái bản, 1992, 1999)
– Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, (1945)
– Đạo đức kinh của Lão Tử, (1945)…

Nhượng Tống là một dịch giả tài hoa, đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm cổ văn Trung Quốc. Sáu tác phẩm lớn (Lục tài tử) theo bình chọn của Kim Thánh Thán, ông đã dịch đến năm tác phẩm (trừ Thuỷ hử). Các tác phẩm này có bút pháp rất khác nhau, chứng tỏ bản lĩnh và tài năng dịch thuật của ông.

Nhượng Tống đặc biệt yêu quý Đỗ Phủ, như ông tự nhận:

Tôi biết đọc thơ từ thuở nhỏ,

Trong thơ riêng thích thơ Đỗ Phủ.

Lại do ưu tư vì vận nước và hoạt động cách mạng gian truân, mang mối đồng cảm với Khuất Nguyên, Đỗ Phủ… nên ông dịch Ly Tao, những vần thơ hiện thực của Đỗ Phủ.. hết sức thành công, tái tạo được hồn thơ của nguyên tác.

Bàn về sự nghiệp văn chương của ông, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã khen rằng: “Nhượng Tống có tâm hồn thi sĩ, nên quyển “Lan Hữu” gần như là một tiểu thuyết tả một thứ ái tình lý tưởng. Còn thơ ông có cái đặc sắc là bao giờ cũng già dặn và thiên về tình cảm rất nhiều…Ông quả là một nhà văn tài hoa, lãng mạn và rất sở trường về dịch thuật”.

Thơ

Bị bắt vào giam tại ngục thất Hỏa Lò Hà Nội

Năm 1929

Việc cả ai hay hóa chuyện đùa,

Cơ đồ này đến thế này ru!

Thanh danh chạy được ba kỳ báo,

Nhân vật trở ra một lũ tù!

Hàn gắn đành mong ngày tái tạo,

Bẽ bang riêng để thẹn ngàn thu.

Biết bao tâm huyết! bao công của?

Nghĩ đến nguồn cơn lệ muốn khô.

Cảnh Nhà Tù

Hàng vạn con người áo một màu,

Khác nhau con số chẳng đều nhau,

Xưa nay vẫn có câu bình đẳng,

Bình đẳng là đây nọ phải cầu!

Tắm trong tù

Vùng vẫy mình trong bể nước đầy
Hết kỳ lại cọ, chẳng rời tay
Ông Tây cứ bảo mình yêu nước,
Ừ, chẳng yêu sao lại thế này?

Từ giã Tuyên Quang

Dứt tiếng ly ca ném chén vàng
Bồi hồi từ giã đất Tuyên Quang
Biết tìm đâu thấy người trong mộng
Khen não nùng thay cảnh dọc đường!
Cây cỏ ba đông trời cố quốc
Nước non muôn dặm bóng tà dương.
Xanh xanh sông uốn bao nhiêu khúc
Một khúc xa nhau một đoạn trường.

Người một phương trời, khách một phương
Đôi lòng ai giắt sợi tơ vương.
Không quen thuộc đã thành dan díu
Có biệt ly đành phải nhớ thương.
Ơn nặng chưa đến cho đất nước,
Tình riêng tạm gửi với văn chương.
Thăm nhau muốn hỏi đường trong mộng,
Núi Tản, sông Lô mấy dặm đường?
 

Người bến sông Lô kẻ chợ Bờ
Tìm nhau chẳng thấy ruột vò tơ!
Chiếc thân đất trích ta buồn lắm,
Giấc mộng canh tàn khách tĩnh chưa?
Sự trước đã lầm ra thế ấy
Đường xa sớm liệu tự bây giờ
Mênh mông bốn bề ai tri ky?
Canh tiếng, đèn tàn, tiếng gió mưa!

Vô đề

Dưới bức màn sương chợt nhớ em,
Bồi hồi dòng lệ gạt đương đêm,
Lời thề sắt đá dù không chuyển,
Mộng cách non sông chửa dễ tìm.
Tả hận đã từng quăng ngọn bút,
Thêu sầu xin chớ mượn đường kim.
Phải chăng giờ trước trăng thu lạnh,
Em cũng ngồi trông bóng nguyệt chìm.

Lê Hoành Sơn

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt