Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị sa thải vì viết bài phê phán Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Việt Nam

Chính quyền Việt Nam đã có phản ứng cực kỳ nhanh: Phóng viên Nguyễn Đắc Kiên, thuộc báo Gia đình và Xã hội đã bị sa thải, chỉ một ngày sau khi ông có bài viết trên internet chỉ trích mạnh mẽ tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên (DR)

Nhà Báo Nguyễn Đắc Kiên

Hôm nay, 26/02/2013, trên trang mạng của báo Gia đình & Xã hội có một thông báo ngắn về việc sa thải phóng viên Nguyễn Đắc Kiên, với lý do “vi phạm Quy chế hoạt động của báo và Hợp đồng lao động”. Tối hôm qua, ông Nguyễn Đắc Kiên đã có bài viết trên mạng thu hút sự chú ý của công luận, nhan đề : “Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng”.

Bài viết này của nhà báo Nguyễn Đắc iên là phản ứng tức thời trước một phát biểu của tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc họp với chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, được phát lại trên kênh thời sự VTV1 vào lúc 19 giờ (giờ Việt Nam) tối qua 25/02. Trong bài phát biểu này ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ trích một số quan điểm được lưu truyền trong xã hội Việt Nam, mà ông đánh giá là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, trong đó có quan điểm “muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp”, “phủ nhận vai trò lãnh dạo của đảng”, cũng như ủng hộ đa nguyên đa đảng…

Bài phê phán của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên nhấn mạnh đến việc tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam “không có tư cách” để nói về những điều này “với nhân dân cả nước”, “những ý muốn trên đây chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng” và “chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay”. Tác giả bài viết cũng bày tỏ mong muốn “bỏ điều 4 Hiến pháp” qui định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với toàn xã hội, “lập một Hiến pháp mới (…) thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam”, “ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình tiến bộ của dân tộc Việt Nam”…

Sự việc ông Nguyễn Đắc Kiên bị báo Gia đình & Xã hội, thuộc Bộ Y tế Việt Nam, có trụ sở tại Hà Nội, buộc thôi việc chỉ mới diễn ra ít giờ, nhưng đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ thái độ trên các trang mạng xã hội.

RFI Việt ngữ xin chuyển đến quý vị những suy nghĩ và cảm nhận của nhà văn Võ Thị Hảo (từ Hà Nội) về vụ việc này :

Nhà văn Võ Thị Hảo : “Trước đây, tôi có phụ trách nội dung ở tờ Gia đình & Xã hội trong hai năm. Tôi rất tiếc là cái thời tôi làm việc ở đó, thì bạn Nguyễn Đắc Kiên chưa về báo Gia đình & Xã hội. Nếu mà tôi có một nhân viên như Nguyễn Đắc Kiên, thì tôi sẽ vô cùng hân hạnh, tôi sẽ rất hạnh phúc, bởi vì người trung thực, dám nói lên tiếng nói chân thành, ở Việt Nam bây giờ vô cùng hiếm. Và nếu mà trong tòa báo, hay bất kỳ cơ quan nào có một con người trung thực như thế, thì rất là đáng quý. Tôi thấy rất là vui, và rất là khâm phục, bởi vì, chưa nói đến đúng sai như thế nào, nhưng mà anh ấy đã rất dũng cảm.

Mà tôi nghĩ rằng trong một thể chế được xưng là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, thì cái việc mà một người không bằng lòng với ý kiến của một người nào đó, dù đó là lãnh đạo hay là một dân thường, thì đó là chuyện quá bình thường, có gì đâu ? mà tại sao lại có thể ?… Anh ấy vừa đưa lên mạng một bài như vậy, bày tỏ chính kiến của anh ấy, thế mà báo Gia đình & Xã hội đã sa thải anh ấy nhanh thế ?!

Theo tôi được biết, đấy là trái luật lao động và như thế là vi phạm quyền con người. Nếu mà muốn sa thải, theo luật lao động, thì thứ nhất vi phạm đó phải nặng ở mức độ nào, chứ không phải vấn đề phát ngôn. Nếu anh ấy làm sai, lấy chứng cứ sai, viết bài sai, vu cáo cho người khác, thì cũng phải nhắc nhở, cũng phải có một nhắc nhở có hệ thống, có quá trình, theo đúng luật lao động mà làm. Sao tự dưng lại sa thải ngay một người như thế ? Tôi nghĩ như thế là trái với luật lao động, như thế chứng tỏ là con người lao động ở Việt Nam đã bị đối xử như thế nào. Trong khi đó, có những tờ báo như tờ Tuổi trẻ hay Thanh niên, khi có vấn đề gì, họ cũng đã bị rất nhiều áp lực, nhưng họ cũng bình tĩnh họ xem xét lại, họ xem phóng viên của họ sai hay đúng ở mức độ nào. Chẳng hạn như trường hợp một số người, thậm chí họ bị tù, sau khi ra tù tờ báo vẫn tạo điều kiện cho họ có lại công ăn việc làm, thậm chí giữ lại chức vụ của họ. Thì tôi thấy : Đây là một điều hết sức vô lý !

Tôi muốn nói thêm một điều nữa. Tôi nghĩ rằng những người quản lý ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải hiểu rằng, cần phải làm quen với việc có những ý kiến trái mình. Đó là : Có những ý kiến trái mình là cái chuyện đương nhiên. Đừng trả thù họ ! Không được quyền trả thù họ như vậy !

Bởi vì bây giờ là thế kỷ XXI rồi, nếu mà làm như vậy chỉ có thiệt hại về mình mà thôi, và mất uy tín mà thôi. Có lợi bây giờ, thì lại cái hại về sau. Dân chúng bây giờ thông minh lắm và thời đại toàn cầu hóa sẽ không có bất kỳ một hành vi nào hãm hại người khác mà có thể thoát khỏi dư luận và những quả báo. Cho nên là, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải làm quen với cái việc người ta chỉ trích mình. Không đồng ý với ý kiến của mình đó là chuyện bình thường. Nếu mình mạnh và mình đúng, mình đâu có sợ những ý kiến đó. Đó là quyền tự do ngôn luận của mỗi người, quyền tự do ngôn luận cơ mà.”

RFI xin chân thành cảm ơn nhà văn Võ Thị Hảo

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt