Nguyên Tắc về Viết Chữ Hoa trong Tiếng Việt

Khi viết Việt văn, ngoài việc áp dụng cho đúng về cú pháp, văn pháp, tiến trình viết văn, nguyên tắc xử dụng các dấu chấm câu hay các dấu của câu văn, và cách đánh dấu các chữ Việt, các nhà văn còn phải áp dụng cho đúng những nguyên tắc về việc viết chữ hoa thì bài văn mới có giá trị cả về nội dung lẫn hình thức.
Để giúp các bạn trẻ học hỏi về cách viết văn tiếng Việt cho đúng, chúng tôi đã trình bày và phổ biến những bài viết về cú pháp tiếng Việt, văn pháp tiếng Việt và tiến trình viết văn, cách xử dụng nguyên âm “i” và “y,” cùng cách đánh dấu các chữ Việt. Sau đây chúng tôi xin trình bày nguyên tắc về việc viết chữ hoa trong tiếng Việt.

I) Nguyên Tắc về Việc Viết Chữ Hoa trong Tiếng Việt Theo ngữ pháp tiếng Việt, các danh từ và các chữ trong những trường hợp sau đây phải được viết hoa:

1) Viết Hoa Các Danh Từ Riêng

a) Các danh từ riêng liên quan đến tên người phải được viết hoa: Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Du v.v.
Ghi Chú:
* Ở Việt Nam trước đây, nhất là vào khoảng từ năm 1925 đến năm 1975, các nhà văn thường dùng gạch nối (gạch ngang) để viết tên người, các danh từ riêng khác, và các danh từ kép: Ví dụ như Dương- Quảng-Hàm, Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu, chính-trị, và phong-tục, v.v.
Hiện nay một số nhà văn cũng còn dùng gạch nối (gạch ngang) để viết các danh từ kép và tên người: phụ âm, nguyên-âm, gia-đình, học-đường, Hoa-Hoàng-Lan, vĩ-cầm, Phạm-Quang-Vinh, v.v.

Nếu dùng gạch nối (gạch ngang) ở giữa các danh từ kép và danh từ riêng, đó là điều rất hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, nếu không dùng gạch nối thì cũng không sao vì chúng ta chưa có hàn lâm viện để quy định các tiêu chuẩn về việc xử dụng Việt Ngữ. Hàn lâm viện (academy) là một cơ quan chính thức do chính phủ của một nước thành lập ra để nghiên cứu và quy định về văn chương, khoa học, hay mỹ thuật, v.v.
– Trong trường hợp tên người là tên kép thì cả tên họ và tên kép đều phải được viết hoa: Phạm Trung Hậu, Phạm thị Thanh Bình, và Phạm Tường Lân, v.v.
– Về cách đặt tên người, người Việt mình thường dùng chữ lót như chữ “văn” để chỉ phái nam và chữ “thị” để chỉ phái nữ. Hai chữ này thường không được viết hoa: Nguyễn thị Loan, Bùi văn Hùng. Tuy nhiên, trong trường hợp chữ “văn” hay chữ “thị” đi kèm với các chữ khác làm thành danh từ kép như  “văn minh” và “thị uy” v.v. mà tên người lại được đặt với các danh từ kép này thì chữ “văn” và chữ “thị” phải được viết hoa: Phạm Văn Minh, Nguyễn Thị Uy.
Ngày nay, tất cả mọi chữ trong tên người đều được viết hoa như các trường hợp của các tên sau đây: Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Văn Thảo, Nguyễn Văn Khôn, và Nguyễn Thị Hồng, v.v. Viết hoa các chữ lót tên người Việt kiểu này rất phù hợp với cách viết hoa tên của người Bắc Mỹ hiện nay, tức là chữ nào của tên người cũng được viết hoa kể cả khi viết tắt.

b) Các danh từ riêng về địa lý liên quan đến năm châu bốn bể, các quốc gia, các phần của nước, các tỉnh, các thành phố hay đô thị, các phố phường, xóm làng, thôn xã, các con sông, các dãy núi, các hồ, các cầu, tên các tượng đài, và tên các cây tháp, v.v. cần phải được viết hoa: Châu Á (Á Châu), Nam Hải, Việt Nam, Miền Nam, Nam Việt, Miền Trung, Trung Việt, Miền Bắc, Bắc Việt, Cần Thơ, Sài Gòn, Phố Hàng Đào, Xóm Bồ Đề, Làng Quần Phương Đông, Huyện Hải Hậu, Tỉnh Nam Định, Sông Cửu Long, Cửu Long Giang, Núi Tản Viên, Hồ Hoàn Kiếm, Cầu Ông Lãnh, Chợ Lương, Cầu Ngói, Tượng Đài Đức Phù Đổng Thiên Vương, Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Tháp Chàm, Trường Trung Học Phan Bội Châu, và Xa Lộ Biên Hòa, v.v.
Ghi Chú:
– Nếu các danh từ chỉ phương hướng được dùng để chỉ phương hướng không thôi thì chúng không được viết hoa: Anh ta đi về hướng nam.
– Nếu danh từ chỉ phương hướng được dùng để chỉ miền đặc biệt của một nước như trên đã nói thì phải viết hoa: Tôi ở Miền Nam.

c) Các danh từ riêng liên quan đến tổ chức xã hội, các cơ quan chính phủ, các trường học, các chợ búa, các tổ chức thương mại hay các tiệm buôn, các chùa chiền, các nhà thờ, các đảng chính trị hay tổ chức chính trị, các sắc dân, các năm âm lịch, các ngày lễ tết, và các trận chiến, v.v. cần phải được viết hoa: Hội Cựu Học Sinh Trưng Vương, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn, Trường Trung Học Phan Bội Châu, Chợ Lương, Yễm Thư Quán, Chùa Hương, Nhà Thờ Bùi Chu, Đảng Cần Lao Nhân Vị, Đảng Dân Chủ, Đảng Tự Do, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Mường, Mán, Quý Mùi, Da Đỏ, Tết Nguyên Đán, Thế Chiến Thứ Hai, v. v.

d) Các chữ viết tắt của danh từ riêng hay danh từ chung đứng trước danh từ riêng để bổ nghĩa cho danh từ riêng đều phải được viết hoa: VNCH (Việt Nam Cộng Hòa), QLVNCH (Quân Lực Việt Nam Cộng  Hòa), VBVNHN (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại), QĐ3 (Quân Đoàn 3), GS Doãn Quốc Sỹ v.v. (GS: Giáo Sư; LS: Luật Sư, VH: Văn Hữu).

Thường thường các chữ viết tắt phải có dấu chấm đứng ngay sau chữ đó (L.S., G.S., V.H.).  Tuy nhiên, riêng các chữ viết tắt ở trên đã từng được viết như thế từ trước tới nay và được mọi người công nhận.

2) Viết Hoa Những Danh Từ Chung trong Trường Hợp Đặc Biệt

a) Khi các danh từ chung đứng ở vị trí trọng yếu trước danh từ riêng hay đứng một mình ở vị trí của danh từ riêng để nói về chức tước, việc tôn sùng các bậc vua chúa thần thánh, và nghề nghiệp cao cấp phải viết hoa:
Đức Thánh Trần, Đức Chúa Giê Su, Đức Phật Thích Ca, Tổng Thống Ngô Đình Diệm; Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa; Hòa Thượng Thích Tâm Châu; Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn; Bác Sĩ Phạm Quang Khải; Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ; Tổng Thống đã đến rồi; thưa Giáo Sư, thưa Đại Tá, v.v.
Ghi Chú:
Khi các danh từ chung như “tổng thống,” “đại tá,” “bác sĩ,” “giáo sư,” “hòa thượng,” v.v. không đi chung với danh từ riêng thì những danh từ này không viết hoa: Hồi trước năm 1975, anh ta là một đại tá. Con trai út của gia đình ấy là bác sĩ. Ông ta là một giáo sư rất lỗi lạc. Vị tổng thống đầu tiên của nước ta là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vị hòa thượng là vị ở bậc trên cả trong chùa.

b) Viết hoa những danh từ chung nói về thân nhân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, v.v.) khi những danh từ này đứng trước tên riêng hay đứng một mình ở vị trí của tên riêng: Cậu Oánh; Anh Phạm Trung Hậu; lá thư này của Má; Chị Thu Hương; Ông đi chơi với Ba rồi; v.v.
Ghi Chú:
Nếu các danh từ chung này không đứng trước danh từ riêng hoặc đứng trước sở hữu từ: “của tôi,”  “của anh,” và “của chị,” v.v. thì chúng không được viết hoa: các anh, các chị, ông của tôi, anh của tôi, chị của anh, ba của chị, cậu của tôi, v.v.

3) Viết Hoa Các Chữ của Tựa Đề Các Cuốn Sách, Các Tờ Báo, Bài Văn,   Bài Thơ, và Tiểu Đề của Từng Đoạn Văn trong Một Bài Văn, v.v. :
Dòng Mực Hưng Quốc (tác phẩm của Lê Bá Kông); Sức Khỏe và Đời Sống (tác phẩm của Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức); Án Tích Cộng Sản Việt Nam (tác phẩm của Sử Gia Trần Gia Phụng); Công Việc Họ Trịnh Làm ở Đất Bắc (Chương V), Việc Giao Thiệp với Nhà Thanh (tiểu đề số 1), Việt Nam Sử Lược (tác phẩm của Sử Gia Trần Trọng Kim); Pháp Âm (tập san do Hòa Thượng Thích Tâm Châu làm chủ  nhiệm); Chủ Nghĩa Sát Nhân (tên bài thơ của Ý Nga), Trái Đắng Quê Nhà (thi phẩm của Ý Nga); v.v.

Ghi Chú:
– Trên đây là cách viết hoa về các tựa đề cùng tiểu đề được áp dụng ngay trên các cuốn sách hay tờ báo. Tuy nhiên, nếu chúng ta viết bài tham luận mà đề cập đến những tài liệu của các tác phẩm hay báo chí để dẫn chứng thì tên sách hay tên tờ báo không những phải được viết hoa mà còn phải được viết nghiêng (khi đánh máy) hay gạch dưới (khi viết tay): Dòng Mực Hưng Quốc, Dòng Mực Hưng Quốc; Trái Đắng Quê Nhà, Trái Đắng Quê Nhà; Pháp Âm; v.v.
– Nếu trong các tựa đề hay tiểu đề này có các giới từ (với, tại, ở, trong, của, v.v.) và liên từ (và, hoặc, hay, nhưng, v.v.) thì các giới từ hay liên từ này không được viết hoa: Công Việc Họ Trịnh Làm ở Đất Bắc, Việc Giao Thiệp với Nhà Thanh v.v..
– Đối với các bài văn hay bài thơ trong sách hay báo chí mà ta dùng để tham  khảo thì khi đề cập tới, ta không những phải viết hoa mà còn phải dùng dấu ngoặc kép (” “) nữa:  Bài “Vụ Án Điển Hình của Chế Độ Độc Tài Không Luật Lệ,” trang 217, trong tác phẩm Án Tích Cộng Sản Việt Nam của Sử Gia Trần Gia Phụng. Bài “Công Việc Họ Trịnh Làm ở Đất Bắc,” trang 51, trong tác phẩm Việt Nam Sử Lược, Quyển II, của Sử Gia Trần Trọng Kim. Bài thơ “Nghĩ Đến Quê Hương,” trang 12, trong thi phẩm Trái Đắng Quê Nhà của Nữ Thi Sĩ Ý Nga.

4)  Viết Hoa Chữ Đầu Tiên của Mỗi Câu Văn
Phải viết hoa chữ đầu tiên của mỗi câu văn của mình, chữ đầu tiên của câu văn được trích trong tác phẩm của người khác dù là câu này được viết giữa câu văn của mình, và chữ đầu tiên của mỗi câu thơ dù là ở cuối câu thơ trên có dấu phẩy (phết):
– Từ khi khai thiên lập địa đến này, không có loài vật nào độc ác bằng bọn Việt Minh, tức là bọn Cộng Sản Việt Nam.
– Toàn dân đã có câu ca dao như sau:
“Từ khi có đất có trời,
“Không gì độc ác bằng loài Việt Minh.”
– Bạn tôi bảo tôi rằng: “Chúng ta đều được mời đi tham dự buổi nói chuyện của Ông Ernie Eves, Thủ Trưởng Tỉnh Bang Ontario, vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 12 9 2003 tại London, Ontario.”

II) Các Lỗi Lầm Mà Một Số Nhà Văn Đã và Đang Mắc Phải về Việc Viết Chữ  Hoa hay Không Viết Chữ Hoa.

1) Thời xưa, đối với các danh từ riêng về địa lý, người ta chỉ viết hoa chữ cái của danh từ đầu tiên mà thôi, chữ thứ hai không được viết hoa như: Việt nam, Cửu long, Thái bình, Vĩnh long, Vân nam, Vân đồn, Tây ban nha. Cách viết này không thích hợp với ngữ pháp tiếng Việt về cách viết hoa các danh từ riêng. Các chữ trong những danh từ địa lý này đều phải được viết hoa thì mới đúng: Việt Nam, Cửu Long, Thái Bình, Vĩnh Long, Vân Nam, Tây Ban Nha.

2) Đa số người cầm bút thường có thói quen không viết hoa các danh từ chung đứng trước các danh từ riêng như: sông Cửu Long, núi Tản Viên, phố Hàng Đào, trường trung học Phan Bội Châu, xa lộ Biên Hòa, thủ đô Sài Gòn, v.v. Cách viết này không đúng với nguyên tắc viết hoa các danh từ riêng. Khi những danh từ chung đi với danh từ riêng để bổ nghĩa cho danh từ riêng thì tất cả các danh từ này đều phải được viết hoa: Sông Cửu Long, Núi Tản Viên, Phố Hàng Đào, Trường Trung Học Phan Bội Châu, Xa Lộ Biên Hòa, Thủ Đô Sài Gòn, v.v.

3) Trong một vài tác phẩm được xuất bản vào năm 1971, một số tác giả viết danh từ riêng về tên người bằng cách chỉ viết hoa chữ đầu (họ) và chữ cuối cùng của tên. Các chữ đứng ở giữa của tên dù là một phần của tên kép cũng đều không được viết hoa. Họ viết những tên kép này có khi có gạch nối có khi không và chỉ viết hoa chữ đầu hay chữ thứ hai của tên kép này mà thôi:  Lê Thái hậu, Lê Thái tổ, Lý Thần tông, Lý Anh tông, Nguyễn thành Ý, Nguyễn quang Hiển, Phan quý Hữu, v.v. Cách viết này không đúng với nguyên tắc viết chữ hoa về tên riêng của người vì các chữ trong danh từ riêng về tên người đều phải được viết hoa, nhất là các tên kép. Các danh từ riêng về tên người ở trên phải được viết lại như sau mới đúng: Lê Thái Hậu, Lê Thái Tổ, Lý  Thần Tông, Lý Anh Tông, Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Quang Hiển, Phan Quý Hữu.

4) Hiện nay, trong một số báo chí và sách vở, người ta không viết hoa cả tựa đề bài thơ hay bài văn lẫn tên tác giả của bài thơ hay bài văn đó. Cách viết này trái với nguyên tắc viết hoa các danh từ riêng về tên người và về tựa đề các bài thơ hay bài văn. Tên tác giả dĩ nhiên phải được viết hoa, nếu không viết hoa thì đó là sự sai lầm nghiêm trọng vì vừa trái nguyên tắc vừa phạm tội vô lễ. Sở dĩ tựa đề của các bài văn hay bài thơ phải được viết hoa là vì chúng là danh từ riêng, tức là tên riêng của bài thơ hay bài văn. Đã là tên riêng thì phải được viết hoa, nếu không viết hoa thì đó là sự sai lầm trầm trọng.

5) Trong quá khứ cũng như hiện tại đã có người viết hoa những danh từ chung một cách vô lý và sai nguyên tắc như sau: “dùng Đa Số trước, rồi dùng Luật Lệ sau để bắt phe Thiểu Số phải phục tùng.” Điều này chứng tỏ tác giả của câu văn này không biết nguyên tắc về cách viết chữ hoa và cách dùng kỹ thuật để nhấn mạnh các chữ hay ý kiến cho bạn đọc chú ý.
Khi viết văn, muốn nhấn mạnh những chữ thuộc loại danh từ chung thì ta không được viết hoa những chữ đó mà nên để những chữ đó trong dấu “ngoặc kép,” nên gạch dưới các chữ đó, nên viết nghiêng các chữ đó, hay nên viết nét đậm cho các chữ  đó. Nếu viết hoa những chữ đó là ta đã làm điều sai lầm. Khi những chữ mà ta muốn nhấn mạnh lại là danh từ riêng thì ta vừa phải viết hoa những chữ đó vừa viết đậm nét, viết chữ nghiêng, hay gạch dưới các chữ đó. Câu văn có các danh từ chung  được viết hoa ở trên phải được sửa lại như sau mới đúng: “… dùng đa số trước rồi dùng luật lệ sau để bắt phe thiểu số phải phục tùng.”

III. Kết Luận
Nguyên tắc viết chữ hoa trong tiếng Việt hết sức rõ ràng và dễ nhớ. Tuy nhiên, đã viết văn thì thế nào cũng có khi mắc lỗi lầm không những về việc viết chữ hoa mà còn vướng phải các lỗi lầm khác nữa. Việc mắc lỗi trong khi viết văn là chuyện bình thường. Khi viết văn, bất cứ ai cũng có lỗi, không nhiều thì ít. Tuy nhiên, các nhà văn càng có kinh nghiệm viết văn thì lỗi càng ít.
Vấn đề chính yếu là sau khi viết xong bài nào, chúng ta phải đọc đi đọc lại càng nhiều lần càng tốt để sửa chữa, tu chính, hay nhuận sắc bài viết của mình. Nếu có thể, nên nhờ người có kinh nghiệm viết văn và có kiến văn về đề tài của bài mình viết để họ đọc giùm và sửa bài đó cho mình. Có như thế thì các lỗi sẽ bớt đi chứ chưa chắc đã sửa hết được. Chính vì thế mà có nhiều nhà văn đã dành rất nhiều thì giờ để sửa chữa tác phẩm của họ đến cả chục lần trước khi cho xuất bản nên tác phẩm của họ có rất ít lỗi chứ không phải hoàn toàn không có lỗi. Tuy đã được sửa đi sửa lại mà tác phẩm vẫn còn có lỗi, đó là chuyện bình thường vì con người có thất tình nhục dục nên việc mắc lỗi lầm là lẽ dĩ nhiên.
Chính vì lỗi lầm ai cũng có thể mắc phải nên một trường học ở Canada đã công khai phổ biến cho học sinh các tài liệu về “Rights” (Quyền) và “Responsibilities” (Trách Nhiệm) mà trong đó có hai câu như sau: “I have the right to make mistakes” (Tôi có quyền làm điều sai lầm) và ” I have a responsibility to respect the rights of others to make mistakes” (Tôi có trách nhiệm tôn trọng quyền của người khác làm điều sai lầm). Thấy điều kỳ cục này, tôi đã viết thư cho nhà trường đó để phản đối việc này với đại ý là lỗi lầm thì ai cũng có thể mắc phải nhưng chỉ do vô tình hay sơ ý mà thôi. Nếu chấp nhận có quyền làm lầm lỗi, tức là biết đó là điều sai lầm mà vẫn còn cố tình làm, và chấp nhận quyền làm điều sai lầm của người khác thì có nghĩa là nhà trường đã khuyến khích  học sinh cứ việc nói bậy, làm bậy, và viết bậy. Như thế thì việc này có tính cách phản giáo dục. Họ không viết thư trả lời tôi mà chỉ gọi điện thoại cho tôi để cảm ơn và nói là lời góp ý của tôi rất hữu lý.
Điều quan trọng là khi ta mắc lỗi mà có người góp ý sửa cho mình thì mình phải vui vẻ đón nhận để nghiên cứu lại. Những nhà văn chân chính bao giờ cũng vui vẻ đón nhận sự góp ý của độc giả để cứu xét lại bài của mình. Nếu lời góp ý đúng, ta phải viết thư cảm ơn họ, nếu họ góp ý sai thì ta cũng phải giải thích một cách lịch sự và lễ độ cho họ hiểu rõ chứ không được chửi bới người ta. Khi người ta có lòng tốt chỉ bảo điều lầm lẫn của mình mà mình lại vì tự ái chửi bới người ta thì mình là loại người vô lễ, vô liêm sỉ và là hạng tiểu nhân.
Tóm lại, muốn viết văn cho giỏi, ta phải luôn luôn nghiên cứu và học hỏi những điều mình chưa rõ để viết cho đúng cho hay vì biển học mênh mông mà trí người có hạn. Vả lại, người xưa cũng nói rằng: “Người ta thông minh thánh trí đến đâu cũng không sao biết cho hết mọi sự vật được.” Chính vì thế, chúng ta phải luôn luôn tìm hiểu, nghiên cứu, và học hỏi thêm để làm cho kiến văn của mình càng ngày càng uyên thâm và kỹ thuật viết văn càng ngày càng tinh nhuệ.

Khải Chính – Phạm Kim Thư

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt