Nguy cơ đối đầu Mỹ-Trung sẽ “quyết liệt hơn”…

Mỹ-Trung đã đạt được nhiều “tiến bộ nhất định” sau thượng đỉnh San Francisco, nhưng đấy chỉ là vỏ bọc bề ngoài. Tòa Bạch Ốc “bắt buộc phải cứng giọng với Bắc Kinh” để kiếm phiếu trước bầu cử 2024. Trung Cộng đấu dịu vì tăng trưởng còn phụ thuộc vào thị trường và công nghệ Mỹ. Bắc Kinh tiếp tục “mài gươm cho sắc” để chuẩn bị những bước tiếp theo. Giới chuyên gia đồng loạt nhận xét như trên sau cuộc họp giữa hai phái đoàn Mỹ-Trung hôm 15/11/2023.

Phái đoàn Mỹ (P) và Trung Cộng trong cuộc họp thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình tại Woodside, gần San Francisco, tiểu bang California. Ảnh ngày 15/11/2023. REUTERS – KEVIN LAMARQUE

Woodside, gần thành phố San Francisco, tiểu bang California, vào tuần trước trở thành tâm điểm thời sự quốc tế với thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình. Sau bốn giờ họp, đôi bên ra về với nhiều “những tiến bộ cụ thể”. Biden nêu bật hai thành công lớn: một là Bắc Kinh đồng ý hợp tác chống “sản xuất và buôn ma túy tổng hợp”, trong đó có Fentanyl, được gọi là “ma túy cho dân nghèo”. Năm 2022, hơn 100,000 công dân Mỹ tử vong vì sử dụng Fentanyl quá liều. Fentanyl tàn phá nhiều gia đình Mỹ, đè nặng lên xã hội và kinh tế Hoa Kỳ. Trung Cộng bị coi “công xưởng sản xuất Fentanyl của thế giới”. Do vậy, cam kết của Tập với Biden về hồ sơ này giúp Tòa Bạch Ốc lấy điểm với công luận Mỹ.

Thành quả thứ nhì đạt được sau thượng đỉnh San Francisco liên quan đến việc Mỹ và Trung Cộng đồng ý nối lại “đối thoại quân sự”, vốn bị gián đoạn từ tháng 08/2022. Marc Julienne, Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI của Pháp, lưu ý, vào lúc các hoạt động “dồn dập chung quanh Đài Loan và ở Biển Đông, rủi ro xảy ra sự cố, tai nạn, hiểu nhầm càng lớn”, cho nên việc đối thoại trực tiếp để nhanh chóng làm hạ nhiệt tình hình khi cần là điểm hết sức quan trọng đối với cả Bắc Kinh lẫn Washington. Mọi yếu tố cho phép giảm thiểu rủi ro xảy ra xung đột vũ trang giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự trên thế giới, góp phần trấn an các doanh nghiệp Mỹ và các đồng minh của Washington tại Châu Á-Thái Bình Dương.  

Đôi bên cùng đấu dịu

Về phía Tập, trước khi chính thức ngồi vào bàn đàm phán với Biden, các cố vấn của chủ tịch Tập Cận Bình đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị cuộc tiếp xúc của lãnh đạo Bắc Kinh với 400 công dân Hoa Kỳ, mà phần lớn là chủ nhân các công ty hàng đầu như Tesla, Apple, Pfizer hay của các quỹ đầu tư lớn nhất nước Mỹ như BlackRock, BlackStone,… Thêm một lý do khiến lãnh đạo Bắc Kinh hài lòng: chính quyền Biden dịu giọng trong chủ trương “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Cộng.

Trên đài phát thanh Pháp France Culture, kinh tế gia Agathe Demarais, thuộc trung tâm nghiên cứu châu Âu về Quan Hệ quốc tế (European Council on Foreign Relations), ghi nhận: “Mỹ không còn đả động đến việc tách rời khỏi kinh tế Trung Cộng nữa mà chỉ nói đến việc cần giảm thiểu rủi ro, tức là giảm mức độ lệ thuộc vào quốc gia châu Á này. Một cách gián tiếp, Washington báo trước là sẽ không ban hành các biện pháp đè nặng lên tăng trưởng của Trung Cộng, nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng thực sự quan ngại trước việc một số công nghệ của Mỹ giúp Bắc Kinh phát triển về mặt quân sự”.

Một tuần lễ sau thượng đỉnh Mỹ-Trung 2023, vẫn chưa thấy chính quyền Biden thông báo ngừng hay nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu trang thiết bị nhậy cảm với Trung Cộng, trong lúc đây có thể là một trong những điểm quan trọng đối với chủ tịch họ Tập, theo quan điểm của chuyên gia Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp trong một chương trình phát thanh trên đài France Inter:

“Theo tôi, Tập Cận Bình thực sự cần đạt được một chút gì đó với Mỹ, đặc biệt là trên vấn đề kinh tế chẳng hạn như là về việc mở cửa thị trường hay chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn. Những biện pháp trừng phạt Trung Cộng, được ban hành từ thời tổng thống Trump và tiếp tục được duy trì dưới chính quyền Biden, cho thấy một cách quá rõ rệt là tăng trưởng của Trung Cộng vẫn còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận với công nghệ của Hoa Kỳ, vào thị trường các nước phát triển. Bắc Kinh có thể mở rộng ảnh hưởng với Nga, châu Phi hay Trung Âu nhưng tất cả những thị trường đó không thể lấp vào chỗ trống của Mỹ hay Liên Hiệp Châu Âu (…)

Về chuyển giao công nghệ, Trung Cộng chưa thể tự chủ. Nhưng đương nhiên là Bắc Kinh cố gắng che đậy nhược điểm đó bằng những tuyên bố mang đầy tính tự hào dân tộc về khả năng phát triển những công nghệ của riêng mình để không phụ thuộc vào Mỹ… Nhưng thực tế cho thấy là mục tiêu đó còn xa vời”.

Rối rắm trong nội bộ Trung Cộng

Phải chăng điều này giải thích cho thái độ “mềm mỏng” hơn của lãnh đạo Trung Cộng tại thượng đỉnh San Francisco so với cuộc họp Biden-Tập Cận Bình ở Bali-Indonesia đúng một năm trước đây? Cũng Marc Julienne, ghi nhận mùa thu 2023 Tập Cận Bình bắt tay Joe Biden vài tháng sau khi được chỉ định tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ 5 năm, công luận trong nước và quốc tế kỳ vọng nhiều vào đà bật dậy của kinh tế Trung Cộng sau 3 năm đóng cửa chống dịch. Nhưng một năm sau, “tình hình” nội bộ Trung Cộng có chiều hướng xấu đi: Ngay cả chính trị Trung Cộng cũng có những dấu hiệu bất an (Bộ trưởng Ngoại Giao và bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng, hai thành viên nặng ký từng được chính Tập Cận Bình tín nhiệm đã bị cách chức).

Về kinh tế, khủng hoảng địa ốc lan rộng, thất nghiệp gia tăng trong lúc xuất khẩu bị đe dọa vì chiến tranh Ukraina và xung đột ở Trung-Cận Đông. Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, vốn là một trong cột trụ của mô hình tăng trưởng của Trung Cộng từ 4 thập niên qua, nay cũng đang bị “chao đảo”, cho nên, như ghi nhận của Mathieu Duchâtel, chủ nhiệm chương trình châu Á thuộc viện nghiên cứu Institut Montaigne – Paris, một trong những trọng tâm của Tập Cận Bình trong chuyến đi Mỹ vừa qua là nhắm trấn an các doanh nghiệp của Mỹ, quốc tế và kể cả của Đài Loan:

“Theo các số liệu gần đây nhất, năm 2020 Hoa Lục thu hút 80% đầu tư của Đài Loan ở hải ngoại. Tỷ lệ này rơi xuống còn 13.6% năm 2022. Để so sánh tổng đầu tư của Đài Loan vào các nước trong khối Đông Nam Á đã cao hơn so với đầu tư vào Trung Cộng. Đây là một bước ngoặt hết sức quan trọng đối với Trung Cộng vào lúc các công ty  Đài Loan, như là Foxconn chẳng hạn, đã đóng góp rất nhiều vào tiến trình phát triển của Trung Cộng. Cho đến hiện tại, Foxconn vẫn đứng đầu trong số các hãng xưởng bảo đảm việc làm cho người lao động ở Hoa Lục. Rõ ràng là cuộc chiến thương mại khai mào dưới chính quyền Trump hồi 2018 đang dẫn đến những hậu quả lớn hơn gấp bội (…)

Rất rõ ràng là phía Bắc Kinh muốn trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc về tình hình và môi trường kinh doanh ở Hoa Lục. Đây không chỉ là một thông điệp nhắm tới các doanh nhân Mỹ mà còn nhắn gửi đến các hãng của Đài Loan bên cạnh những tuyên bố chính thức ‘đằng đằng sát khí’. Theo chỗ tôi được biết, cấp cao nhất trong chính quyền tại Bắc Kinh, trấn an các doanh nhân Đài Loan là một điểm nhấn. Một ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản đã đề nghị thành lập một đặc khu kinh tế với những điều khoản ưu đãi, dành riêng cho các doanh nhân Đài Loan. Điểm được chọn là tỉnh Phúc Kiến, gần với Đài Loan nhất, ở phía nam Trung Cộng. Không chỉ với Mỹ mà cả với Đài Loan, sợi chỉ đỏ trong chính sách kinh tế của Bắc Kinh càng lúc càng rõ nét. Thông điệp chính dường như là bất chấp những mối đe dọa, nhưng Trung Cộng không phải là một điểm đầu tư nguy hiểm như mọi người đang nghĩ hiện nay”.

Những bàn tay sắt bọc nhung

Tuy nhiên, cũng sẽ là một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng Trung Cộng đã bị dồn vào chân tường để phải nhượng bộ Washington. Drew Thomson, một cựu quan chức của Ngũ Giác Đài được đài Mỹ CNN trích dẫn, giải thích thái độ “mềm mỏng” hơn vì Bắc Kinh đã nhận thấy rằng không có lợi khi thổi phồng “mối đe dọa Hoa Kỳ”. Trái lại, một mối tiểu bang giao “ổn định” và “bình thường” với nền kinh tế số 1 thế giới và phương Tây sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cỗ máy tăng trưởng của Trung Cộng.

Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, cũng nhận thấy rằng thái độ hung hăng không cho phép Bắc Kinh thủ lợi: “Tập Cận Bình muốn là các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế trở lại Trung Cộng vào lúc mà vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rút khỏi Hoa Lục. Trong một thời gian dài, khi nói đến Trung Cộng các doanh nhân quốc tế nhìn thấy những cơ hội nhiều hơn là những rủi ro. Bây giờ thì ngược lại. Người ta thận trọng trước các dự án đầu tư vào Trung Cộng, hay là chọn giải pháp Trung Cộng +1 để bớt lệ thuộc vào một quốc gia với những quyết định không nhất quán”.

Về cơ bản Mỹ và Trung Cộng vẫn là đối thủ đáng gờm nhau

Một sai lầm khác cũng tai hại không kém nếu chủ quan cho rằng Hoa Kỳ và Trung Cộng bắt đầu sưởi ấm quan hệ một cách lâu dài. Agathe Demarais trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế châu Âu nhắc lại: hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở Mỹ đang bị chia rẽ vì rất nhiều vấn đề, ngoại trừ việc xem Trung Cộng là một “mối đe dọa”.

Cứng giọng với Trung Cộng dễ cho phép Biden thuyết phục công luận trước mùa tranh cử. Do vậy, không mấy ai chờ đợi từ nay đến mùa thu sang năm, Washington sẽ nới lỏng một số các biện pháp trừng phạt và kềm tỏa Trung Cộng cả về thương mại lẫn công nghệ.

Đó là chưa kể cuộc tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung với phần còn lại của thế giới đang diễn ra trên rất nhiều mặt. Chỉ riêng về thương mại, hơn một nửa số thành viên khối G20 lệ thuộc vào các luồng giao thương của Trung Cộng nhiều hơn là của Mỹ. Chỉ một mình Trung Cộng chiếm hơn 20% tổng kim ngạch mậu dịch của nhiều nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc, Brazil, Indonesia, …

Nhìn từ phía Trung Cộng, Tập Cận Bình thừa biết Joe Biden không và không thể tỏ ra hòa hoãn (hay tệ hơn nữa là mềm yếu”) với Bắc Kinh trên các hồ sơ quan trọng từ nay cho đến ngày bầu cử.

Về cơ bản, chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ trong mắt đảng Cộng Sản Trung Cộng là công cụ để Washington “kềm tỏa đà phát triển chính đáng” của Trung Cộng trong khu vực này. Do vậy, từ thượng đỉnh Bali đến San Francisco, Tập Cận Bình lại càng quyết tâm hơn trong việc thực hiện “tham vọng tự chủ về quân sự và công nghệ” với Hoa Kỳ như bà Collen Cottle, một cựu nhân viên tình báo CIA được tờ USAToday (ngày 18/11/2023) trích dẫn.

Nhà báo Pierre Antoine Donet, từng điều hành chi nhánh của hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh, loại bỏ khả năng Mỹ và Trung Cộng “sưởi ấm quan hệ” một cách lâu dài. Chẳng qua là Washington vẫn cần hàng rẻ của Trung Cộng, Bắc Kinh thì cần công nghệ và thị trường của Mỹ để phát triển. Nhờ có sự “phụ thuộc đó”, hai siêu cường thế giới này tránh lao vào một cuộc đối đầu về mặt quân sự.  

Thanh Hà (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt