Người Tân Định: – Thành Phố Sài Gòn Đại Bệnh, Cứu Đói và Cứu Trợ và Tình Thương!!!
Sài Gòn lần này, tháng 7/2021, ghi dấu vài biến cố buồn thảm nhất sau biến cố “được giải phóng” tháng 4/1975.
Đợt bùng phát thứ tư trận dịch virus Vũ Hán (covid-19) tại Việt Nam đang đặt TP Sài Gòn vào trong một tình trạng chưa hề có trong lịch sử, thành phố gần 10 triệu dân này vừa bị giãn cách, hàng trăm địa điểm bị cách ly, phong tỏa, một số bệnh viện bị đóng cửa vì có nhân viên bị dịch, hàng ngàn người dân bị thiếu ăn, bị đói….
Gói cứu trợ Nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) hứa trợ giúp dân hơn một năm nay chưa đến tay bất cứ người dân nào, đến nay, lần thứ hai, Nhà nước CSVN lại hứa sẽ “cứu trợ”. Nhà nước tỉ mỉ phân ra 12 nhóm đối tượng trong chính sách được hỗ trợ, hơn thế nữa những nhóm người này phải làm đơn, phải được xác minh bởi địa phương cứu xét qua ít nhất 4 thủ tục và dù có được cứu trợ cũng rất ít, chủ yếu chỉ nhắm vào cắt giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động…
Một số hình ảnh tiêu biểu cho bài viết này lấy trên mạng Internet
Nhóm được trợ cấp tiền mặt chỉ những người bị thất nghiệp. Nhóm người hành nghề tự do được nhớ đến trong gói cứu trợ lần thứ 2. Dù có trong nhóm cứu trợ tiền mặt, những người lao động dưới đáy tầng xã hội này cũng chưa nhận một đồng xu nào trong định xuất rất ít ỏi họ được hứa. Nhà nước CSVN không giúp được thỏa mãn cơn đói từng ngày của đa số gia đình dân nghèo thì người dân trong tinh thần lá lành đùm lá rách đã hăng hái đứng lên. Những “máy ATM gạo”, mì, những phần ăn hào phóng tự phát mọc ra như nấm trong kỳ dịch đầu năm trước đến nay còn rầm rộ hơn nữa, bất chấp lệnh cấm của thành phố, hay yêu cầu phải nằm trong chỉ bảo, hướng dẫn của Mặt Trận Tổ Quốc…
Hẻm 201 Nguyễn Xí , Phường 26, Bình Thạnh bị phong tỏa từ nhiều ngày qua, những người nghèo khổ sống trong khu này mà đặc biệt hàng chục công nhân sống ở khu nhà trọ cuối hẻm thường sống chỉ ngày hai bữa cơm hàng, cháo chợ, phải nhịn đói mấy ngày rồi. Mãi đến chiều 3/7/2021 khu phòng tỏa này mới nhận được thức ăn của các mạnh thường quân do thầy trụ trì chùa Chùa Hồng Liên phân phát. Tuy nhiên nguồn lực của “Nhân dân tự phát” chính hiệu này cũng đang đuối dần, Trên các trang mạng xã hội và ngay trên trang báo điện tử của nhà nước đầy rẫy hình ảnh, video clip nhiều người chạy từ điểm phát chẩn của dân này, đến điểm khác để xin một phần ăn trong ngày chỉ nhận được lời “xin lỗi, hết rồi” xót xa cho cả người phát lẫn người đến nhận. Không thời nào cái đói hoành hành ở Sài Gòn, nơi thức ăn luôn dư thừa, như vậy.
Tình hình dịch bệnh tại Tp. Sài Gòn không giảm mà còn tăng vọt. Ngày 3/7, Việt Nam ghi nhận thêm 922 ca mắc mới. đây là ngày có số lượng bệnh nhân mới cao kỷ lục, với 714 người mắc dịch đây cũng là mức cao nhất của Tp. Sài Gòn từ trước đến nay.
Hôm trước đó 2/7 trang điện tử đảng bộ Tp. Sài Gòn cho biết Saigontourist Group hỗ trợ phục vụ lực lượng tình nguyện vào tiếp sức Tp. Sài Gòn chống dịch Covid-19 [1].
Đội ngũ y tế gồm y, bác sĩ, giảng viên, sinh viên y khoa…tình nguyện từ miền Bắc vừa bay vào hỗ trợ Tp. Sài Gòn phòng chống dịch Covid-19. Đoàn gồm 1050 người này được bố trí ăn, ở dài ngày tại các khách sạn 5 sao, lớn nhất Saigon có tầm vóc quốc tế như Continental, Kim Đô, Oscar, Đệ Nhất và Thiên Hồng. Ngoài 5 khách sạn trên, Saigontourist Group cũng chuẩn bị dự phòng khách sạn New World Sài Gòn đón đoàn chuyên gia y tế, bác sĩ.
Theo trang điện tử của đảng bộ Tp. Sài Gòn trên thì Bộ Y tế đã chi viện khẩn lực lượng y tế hùng hậu từ miền Bắc cấp tốc vào tiếp sức cho Tp. Sài Gòn chống đại dịch virus Vũ Hán. Người viết bài này bỏ công tìm xem liệu các viên chức của thành phố này có lời kêu gọi hỗ trợ nhân lực từ bộ y tế nhưng không thấy. Chỉ thấy những sinh viên từ Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương được thông báo đi làm tình nguyện khi vào trường học. Họ gọi điện thoại về nhà báo cha mẹ trước vài giờ và bị khẩn trương đưa vào Sài Gòn. Vietnam Airlines cho biết chiều 30/6, hãng này nhận được thông tin khẩn từ Bộ Y tế về việc đưa đoàn y tế từ Hải Dương vào Tp. Sài Gòn. Chỉ sau gần 2 tiếng, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch và bố trí khai thác một chuyến bay riêng để chở đoàn công tác vào sáng 1/7.
Đúng 7 giờ sáng, chuyến bay VN207 đã cất cánh từ Hà Nội và hạ cánh an toàn tại Tp. Sài Gòn vào 9 giờ sáng ngày 1-/.
Vô cùng trái khoáy là vừa đặt chân vào Saigon “đội quân thiện chiến”, hãnh diện mặc áo blouse trắng từ Bắc vào Nam, điều cấm kỵ nhân viên y tế không được phép mặc ra khỏi bệnh viện, của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương này đã bị chỉ trích rất nhiều.
Facebooker Nhàn Lê [2], một bác sĩ tốt nghiệp ngoài Bắc, đã 25 năm hành nghề trong Saigon viết: “Không phải là người không hoan nghênh các bạn sinh viên vào hỗ trợ, nói hỗ trợ mới đúng nhé chứ nói là đi chống dịch cũng không đúng lắm. Rất hoan nghênh tinh thần của các bạn nhưng mà… nhìn thấy chụp ảnh hoành tráng quá tự nhiên tôi thấy… hơi lo lo. Đi hỗ trợ lấy mẫu thôi mà, có gì phải rầm rộ thế?”
Hai Tran viết trên facebook: “Một chuyện bình thường như thế mà báo chí làm vang trời, trong khi đó cả 1,000 SV Đại học Y-Dược TP. Sài Gòn đi chống dịch lâu nay thì không ai màng tới. Còn chuyện này báo chí và mạng xã hội tung hô dữ bằng ngôn ngữ như thời chiến! Nào là “hành trình thần tốc”, “mở ra đường Hồ Chí Minh trên không”, tiếp sức cho “chiến trường miền Nam”, “đội quân thiện chiến” góp sức trên nhiều “mặt trận”… Có kẻ còn viết: “Hi vọng đây là cuộc chiến cuối cùng của chúng ta, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”…
Nổ vang trời! Hết biết!
Nữ bác sĩ sinh ra từ miền bắc, làm việc trong Nam đã hơn 25 năm, Nhàn Lê, khuyên các bạn sinh viên Hải Dương: “Người SG mộc mạc, chân chất, người SG thật tình, không hoa mỹ phô trương, người SG thật thà, chất phác, họ rất quý mình nhưng nếu mình chảnh chọe thì họ cũng không cần mình đâu, cái cần là tình người các em ạ. Mình còn chưa ra trường mà, cần khiêm tốn nhiều để học hỏi sẽ tốt hơn. Ăn nhau là ở cái thái độ các em nhé.”
Nữ MC, nhà báo Trác Thúy Miêu [3] viết: “Sinh viên Y Dược Sài Gòn, kể cả TNV từ thanh niên, nghệ sĩ, y bác sĩ, khỏi có ở đâu rần rần máu chiến như Sài Gòn. Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm.
Mấy anh mấy ông ở trên cũng bớt léo nhéo mấy câu ca cũ rích, gì mà cuộc chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, nghe mắc cỡ gần chết. Cái nết đó phải bỏ nha, không thôi cuộc chiến lòng người sẽ còn dài dữ lắm.
Trần Nguyễn Bảo Nhân [4], đạo diễn của loạt phim “Gái Già Lắm Chiêu” đặt câu hỏi mỉa mai: “Tại sao mặc áo blouse trắng đi ra khỏi Bệnh viện rồi còn đi ra sân bay vậy nhỉ? Có ai hiểu quy tắc của việc mặc áo blouse trắng không nhỉ?”
Tuy nhiên cũng có nhiều người bênh vực cho sinh viên trường y Hải Dương, họ đổ lỗi cho bộ y tế, những người lãnh đạo đoàn, hãng máy bay VietnamAirline và ông chủ Vin Vượng . Bài viết của Thuỷ Vũ – báo Tuổi trẻ, về vụ sinh viên Y Hải Dương bị chê “chảnh chọe viết: “… Nếu có lỗi gì thì là lỗi ở người chỉ huy đã yêu cầu bảo hộ cho các em quá cao… Chỉ huy lệnh thì phải nghe…Người ta nói các em vào đây ở khách sạn 5 sao giữa trung tâm thành phố. Còn cái chị được nghe là đơn vị tổ chức đến phút cuối cùng không tìm được nơi nào cho đoàn nên đã phải nhờ cậy quận 1 để đưa đoàn vào ở. Thành thử giờ lại mang tiếng là ở khách sạn 5 sao. Chị thấy buồn và thương các em…”
Giữa dân Sài Gòn nói riêng, miền Nam từ Huế vào nói chung, và dân miền Bắc đã có nhiều điều ong tiếng ve qua lại từ năm 1975, nhưng có lẽ dịp sinh viên trường Y Hải Dương vào Nam ‘cứu trợ’ lần này đào sâu thêm sự chia rẽ.
Trang mạng của lực lượng dư luận viên Dak Lak phải thú nhận có sự chia rẽ Bắc Nam, viết: “Bắc chửi Nam, Nam chửi Bắc – chỉ dựa vào một vài dòng viết trên mạng xã hội, một vài tin nhắn không biết từ đâu mà có. Rồi nhiều trang thông tin lớn các vùng miền, nghệ sĩ, cũng lao vào “khẩu chiến” và kích động. Không ai bình tĩnh ngồi lại phản biện, xem xét xem thực hư như thế nào, thông tin có chính xác không, người ta cứ chửi hết lời đã.[5]
Báo trong nước ngày 03/07/2021 viết: “Mong muốn nhất lúc này là sự đoàn kết”
Sài Gòn lần này, tháng 7/2021, ghi dấu vài biến cố buồn thảm nhất sau biến cố “được giải phóng” tháng 4/1975. Qua lần đại dịch này, càng thấy rõ tình người Sài Gòn thế nào, họ khao khát yêu và được yêu thương, thông cảm và bao dung từ mọi phía ra sao.
_______________
Tham khảo
[1] https://www.Sài Gòncpv.org.vn/tin-tuc/saigontourist-group-ho-tro-phuc-vu-1-050-y-bac-si-sinh-vien-tinh-nguyen-tu-mien-bac-vao-tiep-suc-tp-1491880005
[2] https://www.facebook.com/profile.php?id=100052530781929
[3] https://www.facebook.com/JasmineTracThuyMieu/posts/812837976084797
[4] https://www.facebook.com/trannguyenbaonhan
[5] https://www.facebook.com/47Young/posts/973412276759989
VNTB – TP Hồ Chí Minh: Dịch bệnh, cứu đói và cứu trợ và tình thương