Người nhà bệnh nhân đâm, chém bác sĩ, y tá, vì đâu?

Thời gian gần đây ngày càng xảy ra nhiều vụ gia đình bệnh nhân tấn công hành hung các y bác sĩ ngay tại bệnh viện. Thực tế ra sao và nguyên nhân vì đâu?

Hành động côn đồ

Truyền thông trong nước loan tin một số vụ người nhà bệnh nhân phản ứng quá khích khi thân nhân của họ không được điều trị kịp thời, đúng cách và có trường hợp tử vong.

Chị Hương đang cư ngụ tại quận Gò Vấp cho rằng những người nhà của bệnh nhân này hành xử như côn đồ, không am hiểu luật pháp, nên mới dẫn đến hành động như vậy, y bác sĩ cũng đang phải chịu nhiều áp lực:

“Những người quậy bác sĩ đó thật ra phải dùng từ côn đồ thì đúng hơn, côn đồ mới làm như vậy, một người có học cho dù bác sĩ thiếu lương tâm thì người ta làm đơn thưa, hoặc mời vô phòng nói chuyện phải quấy, không ai có hành động như vậy. Nếu mà quậy phá như vậy, thành phần này là thứ nhất tệ nạn xã hội, thứ hai thiếu hiểu biết về mặt pháp luật. Bác sĩ ngày đêm luôn, lúc nào cũng tiếp xúc với người bệnh hết, thì đối với họ bệnh là bình thường. Bác sĩ bây giờ ở đây đó, làm việc và thời gian và trách nhiệm bị áp lực dữ lắm, mà thu nhập của bác sĩ không có tương xứng với thành quả lao động của bác sĩ bỏ ra, và không đủ để tái tạo sức lao động của các bác sĩ nữa.”

Anh Vy đang cư ngụ tại Hà Nội có người nhà là bác sĩ tâm sự cho biết rằng, trong ngành nào cũng vậy đều có người tốt lẫn người xấu, và ngành y không ngoại lệ, đã có một số y bác sĩ thiếu đạo đức nên mới có những sự cố xảy ra giữa người thân bệnh nhân với y bác sĩ:

“Trong các ngành, ngành y khoa là tốt nhất rồi đó, bác sĩ nào cũng tốt hết, nhà em có người làm bác sĩ nói chung bác sĩ là tốt vì trị bệnh cho người mà, nhưng đâu phải ai cũng tốt hết đâu, cũng có một số nhỏ làm ảnh hưởng xấu đến ngành y khoa của Việt Nam. Theo em nghĩ con người thì có người này người kia.”

Anh Ngọc cũng ở tại Hà Nội cho rằng những người hành hung bác sĩ là có lý do:

“Tôi nghĩ có nhiều lý do có thể bệnh nhân có khả năng bị tâm thần hành hung bác sĩ, có khi là bác sĩ quá đáng bệnh nhân họ tức giận.”

Anh Ngọc tiếp lời kể lại những gì mình chứng kiến và được biết khi bệnh nhân ở bệnh viện, nếu bệnh nhân chờ mổ mà không có tiền thì có khi phải chờ đợi cả ngày mới đến lượt mình:

“Có chỗ bệnh nhân đến lâu mà không được vào khám, người nhà của bệnh nhân sốt ruột cứ phải đưa tiền này nọ kia, lo cho bác sĩ thì mới được vào khám. Cũng tùy theo có chỗ, không phải bệnh viện nào cũng thế, với lại bác sĩ nào cũng thế. Nhưng bây giờ thì cứ là vào bệnh viện là tóm lại phải có tiền, nghe ai kể cũng vậy, ít khi mới gặp được bác sĩ tốt. Như em thấy không có tiền thì mình cứ ngồi ở đấy, chờ cho đến lượt mình, nếu mà bệnh nhân chờ mổ này kia, có khi chờ mất cả ngày.”

Cần phân biệt công – tư

Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, đang công tác tại Hà Nội đã có nhiều năm nghiên cứu về hệ thống làm việc tại các bệnh viện ở Việt Nam, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nhà bênh nhân bức xúc và đã có những hành động quá khích đối với y bác sĩ:

“Thật ra, chuyện giữa bệnh nhân và bác sĩ nó rất phức tạp, hậu quả của nhiều nguyên nhân. Nó xảy ra có một tiến trình đến bây giờ nó thể hiện ra mà thôi. Thế thì trong nhiều nguyên nhân đó thì tạm chia mấy nhóm này: thứ nhất là cái cấu trúc hệ thống y tế. Cái cấu trúc hệ thống y tế hiện nay nó chưa ổn trong cái nền kinh tế mà mình đi theo hướng thị trường. Cho nên rằng là nó xảy ra cái tình trạng bệnh viện công nhưng lại vận hành lẫn lộn công tư; Thế nên rằng người bệnh nhân đến bệnh viện công có nguy cơ bị trả tiền, và vì người ta trả tiền cho nên người ta lại đòi hỏi phải phục vụ theo ý muốn của họ. Thế nhưng mà bệnh viện công mà công không ra công, tư không ra tư thế nên nó gây ra cái trạng thái tâm lý rất phức tạp.”

Ông Trần Tuấn tiếp lời:

“Đối tượng ở đây là đối tượng người bệnh họ đến họ cần sự giúp đỡ thế cho nên rằng là nếu cái sự giúp đỡ người ta trông chờ vào các nhân viên y tế là sự giúp đỡ kịp thời, mà nếu người bệnh cảm thấy không được kịp thời – tiền vẫn phải mất, thì lập tức người ta có những cái phản ứng trong cái tình trạng luật của chúng ta có nhiều điều… Nó xảy ra những cái chuyện hầu như là cá nhân để can thiệp thì nó phải xảy ra thôi.”

Tiến sĩ Trần Tuấn cho rằng hiện nay môi trường làm việc của các cán bộ y bác sĩ ở các bệnh viện công chịu nhiều áp lực mà đồng lương thì quá thấp, song song đó lại có tình trạng phong bì tràn lan nơi có nơi không, nên dẫn đến sự bức xúc, căng thẳng giữa bệnh nhân và bác sĩ. Ông Tuấn đưa ra quan điểm như sau:

“Tôi nghĩ rằng về mặt chiến lược là đất nước phải tạo ra, phải thay đổi chiến lược công ra công – tư ra tư ­– phi lợi nhuận thì mới được; tức là rõ ràng về mô hình cấu trúc và chức năng, đấy là hai cái cơ bản. Thế còn thêm một cái nữa đó là vấn đề thực thi pháp luật, thực thi pháp luật thế thì cái đấy thì dễ rồi, chúng ta có một cái phiên đấy mà vẫn cứ tiếp tục xảy ra tình trạng vi phạm thì khi đấy chúng ta phải nghiêm trị. Hai việc kia làm tốt đã, đặc biệt là làm rõ chức năng công ra công tư ra tư và cơ cấu lại tòan bộ, vấn đề trang thiết bị, lương bổng và đối tượng phục vụ  thì lúc đó mới thay một cách cơ bản được.”

Chị Hương cũng đồng ý hệ thống y tế cũng cần phải được cải tổ:

“Cái đó là hiện tượng xã hội rồi, không còn là của cá nhân nữa trách nhiệm này là của những người lãnh đạo nhà nước chứ không phải của cá nhân của các ông bác sĩ. Cá nhân của các ông bác sĩ chỉ chịu đựng là một con ốc trong một guồng máy thôi. ”

Thực tế đã phơi bày cho thấy chất lượng ngành y tế có nhiều yếu kém với đa số người làm trong ngành y thiếu căn bản đạo đức khi thực hành công tác cứu chữa con người. Mạng sống con người không được họ coi là trên hết từ đó mới xảy ra bao chuyện đáng tiếc như lâu nay.

An Nhiên

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt