Ngư dân Việt Nam mất ngư trường

Ngư dân ở Bãi biển Mũi Né, Việt Nam. (minh họa)

Câu chuyện ngư dân Việt Nam bị mất ngư trường là câu chuyện dài. Sự tổn hao từ người đến tài sản dần mòn trong nhiều năm qua bởi nạn Trung Quốc đâm tàu, bắt người, cướp tài sản cũng đã nói nhiều. Tuy nhiên, hiện tại, một thảm trạng mới đang đến với các ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân miền Trung. Mối nguy bỏ nghề để lên bờ và lên bờ thì không biết làm gì để sống là mối nguy đang hiện ra trước mắt của nhiều ngư dân.
Mất ngoài khơi, mất trong bờ
Một ngư dân Thanh Hóa tên Thiệu, chia sẻ: “Trường Sa, Hoàng Sa hiện họ vẫn đi, mấy chục cái thuyền nhưng chủ yếu là ngư dân Sầm Sơn… cứ đến ngày thì ra khơi. Nhưng ngày càng khó khăn hơn trước, như anh nào biết làm thì còn đỡ còn không thì khó, ai đầu tư nhiều thì được, bởi gần như ngày càng đầu tư, mở rộng thì được chứ nhỏ lẻ thì thua.”

Theo ông Thiệu, tình trạng mất ngư trường đang đến với bất kì ngư dân nào bởi hiện tại, chuyện bắt tàu, đâm chìm tàu hay cướp tài sản không còn là chuyện lạ nữa. Vấn đề mà ông Thiệu muốn nói đến ở đây là sắp tới, hàng chục ngàn ngư dân Trung Quốc sẽ được chính quyền tỉnh Hải Nam ủng hộ, đầu tư để ra khơi đánh bắt trên biển Đông.

Và câu chuyện ngư dân Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam bấy lâu nay đã quen thuộc. Ông Thiệu cho rằng những kẻ lái tàu đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam chưa chắc đã là ngư dân, có thể là tàu hải cảnh cải trang nhằm xua đuổi tàu Việt và lấn chiếm vùng biển để về lâu về dài, không có ngư dân Việt Nam nào dám đến gần vùng biển nguy hiểm này. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ xác lập vùng đánh bắt của họ trên chính ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Và một khi xua hàng chục ngàn tàu cá của ngư dân các tỉnh xuất phát từ Hải Nam ra biển Đông thì khó có thể đoán trước được chuyện gì sẽ đến với ngư dân Việt Nam bởi khi ra khơi, ngư dân Việt Nam không hề được trang bị bất kì loại vũ khí nào để tự vệ cũng như tàu cảnh sát biển Việt Nam ít khi nào dám bén mảng đến khu vực tàu Trung Quốc đang trấn áp, hoành hành và cướp bóc của ngư dân Việt Nam.

Ông Thiệu cho rằng với đà thả hàng chục ngàn tàu cá đi đánh bắt như vậy, không biết có bao nhiêu tàu hải giám và quân đội của Trung Quốc sẽ cải trang thành tàu đánh bắt và với số đông như trên, sẽ không có bất kì ngư dân Việt Nam nào dám ra khơi, dám lại gần các tàu đánh bắt của Trung Quốc bởi họ rất hung hãn, khó mà lường trước được việc gì sẽ xảy ra.

Trong lúc ngư trường ngoài khơi đang bị thu hẹp một cách thảm hại bởi sự lấn lướt của Trung Quốc thì hậu phương của giới đánh bắt Việt Nam hoàn toàn bị trống rỗng. Nghĩa là những âu thuyền ngày càng chật chội, các điểm đánh bắt và tập kết tàu thuyền trong bờ đang bị mất dần bởi các dự án du lịch, các khu phố mới, các chung cư cao cấp… Và một khi không có đường tiến mà cũng không còn đường lùi, con đường duy nhất cho ngư dân Việt Nam là bỏ nghề. Nhưng bỏ nghề thì làm gì để sống?

Một ngư dân đánh bắt gần bờ tên Sâm, người Hà Tĩnh, chia sẻ:”Biển Hà Tĩnh thì làm nghề biển nhiều, các cảng Vũng Áng và cảng khác cũng có người đánh, tôi đi không xa lắm, nhưng có người đánh bắt khoảng 5-6 ngày về!”

Theo ông Sâm, hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ người miền Trung từ Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa đều chọn ngư trường Hoàng Sa làm chỗ đánh bắt. Và hiện tại, ngư trường Hoàng Sa cũng như Trường Sa đang xáo động, phần lớn ngư dân đều liều lĩnh đánh bắt để trả nợ ngân hàng chứ chẳng thể nào làm giàu trên cái ngư trường đầy máu lửa như vậy được.

Bên cạnh một số ngư dân chấp nhận rủi ro để đánh bắt xa bờ kiếm tiền trả nợ, một số ngư dân khác đã lùi dần vào đánh bắt gần bờ mặc dù sản lượng rất thấp. Và chuyện đánh bắt gần bờ cũng đã khó khăn hơn rất nhiều khi các âu thuyền ngày càng chật chội bởi nạn di dời bến bãi lấy đất xây dựng công trình đang ngày càng nhiều.

Một khi các bãi biển bị thu hẹp bởi các công trình thì làng đánh bắt gần bờ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thay vì đánh lưới quét, lưới chài gần bờ, các làng chài gần bờ phải dong thuyền ra khơi để đánh vì các bờ biển bị nhà nước trưng thu để bán hoặc cho các tập đoàn xây dựng du lịch.

Hệ quả của việc các bờ biển bị thu hẹp do các công trình, ngư dân đánh bắt gần bờ bị mất âu thuyền, mất bãi đỗ thuyền, mất nơi phơi lưới… Và ngư dân đánh bắt xa bờ không còn ngư trường, phải thụt lùi về gần bờ dẫn đến những ngư trường không quá xa bờ và không quá gần bờ mọc ra. Nơi đây dành cho việc đánh bắt của cả ngư dân gần bờ và xa bờ. Ngư trường này sẽ trở nên đông đúc nhưng không có sản lượng.

Ngư dân sẽ về đâu?

Một ngư dân khác tên Luyện, sống ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, là bạn chài của hầu hết các ngư dân miền Trung trên ngư trường Hoàng Sa, tỏ ra lo lắng: “Bây giờ mình đi ra ngoài đó Trung Quốc nó bắt, làm dữ lắm. Tội bà còn, xưa dễ làm ăn chứ giờ đói với nhau hết. Làm biển giờ không giống như hồi xưa nữa, căng lắm, cực lắm, bà con lo sợ đủ thứ. Giờ mà nó thấy mình ra là Trung Quốc nó thộp liền à, nó bắn chết luôn chứ không như hồi xưa nữa. Chỉ còn mấy chiếc ghe đi gần bờ chứ bà con ít dám ra nữa. Cảnh sát biển thì cũng có đó nhưng cứ thụt thụt trong này thôi chứ làm gì. Họ đâu ra tới ngư trường của bà con, bà con ngư dân đi tới mấy đảo Hoàng Sa, hồi mà còn làm đó, còn cảnh sát biển cứ thụt thụt trong này thôi, mấy cái tàu cảnh sát biển cứ neo đó rồi ăn, ngủ với chơi thôi chứ họ làm gì đâu!”

Theo ông Luyện, với tình hình hiện tại, khi mà ngư trường của nhiều đời cha ông để lại bị mất, các bờ biển thì dành cho việc xây dựng các khu nghỉ mát, các trung tâm ăn chơi và du lịch… thì e rằng hầu hết ngư dân miền Trung phải đối mặt với việc chuyển loại hình sinh hoạt cũng như loại hình kinh tế.

Vẫn theo ông Luyện, một số ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã bán tàu để chuyển sang làm dịch vụ du lịch hoặc sửa chữa, độ tàu cá thành tàu du lịch chở khách. Mặc dù không biết gì về ngành du lịch cũng như không biết ngoại ngữ hay không có kiến thức lịch sử, địa lý để thuyết mình nhưng có vẻ như làm du lịch là chiếc phao cứu sinh của ngư dân.

Ông Luyện cũng tỏ ra rất lo ngại khi nghĩ đến hàng chục ngàn ngư dân không có hiểu biết về du lịch sẽ chọn ngành du lịch như một cái phao cứu sinh. Lúc đó, e rằng hoạt động du lịch tại Việt Nam sẽ trở thành một tập hợp hết sức phức tạp và lộn xộn. Ông cũng khẳng định rằng với tàu thuyền sẵn có, một khi mất ngư trường, ngư dân cũng chẳng có cơ hội để bán lại những chiếc tàu cá vì ai mua, mua để làm gì? Chính vì vậy, nguy cơ chuyển loại hình, biến tàu cá thành tàu du lịch để vớt vát mà nộp lãi cho ngân hàng là chuyện thấy trước mắt.

Ông Luyện cũng cho biết thêm là hầu hết các bạn nghề của ông đều nợ ngân hàng, không một ngư dân nào là không nợ ngân hàng nếu đã làm chủ tàu thuyền. Bởi chỉ riêng việc thất thu khi gặp thời tiết trái khoáy không thôi cũng đã khiến các chủ tàu thuyền đi vay ngân hàng đầu tư cho vụ sau. Đằng này ngư trường bị xáo động, ngay cả tính mạng còn nguy hiểm huống gì tài sản mà không nói đến chuyện thất thoát, thua lỗ.

Chính vì vậy, khi mất ngư trường, ngư dân Việt Nam sẽ đối mặt với nợ nần và thất nghiệp vì họ không có nghề nghiệp hay kĩ năng nào ngoài kĩ năng đánh bắt, đối mặt với sóng gió trùng khơi. Một tương lai nợ nần và u ám đang trải ra trước mặt ngư dân miền Trung.

Tường trình từ Việt Nam

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt