Ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa đọc diễn văn đáp từ TT Barack Obama

Thống đốc tiểu bang Nam Carolina Nikki Haley là ngôi sao đang lên của Đảng Cộng Hòa.

Thống đốc tiểu bang Nam Carolina Nikki Haley đọc diễn văn đáp từ của Đảng Cộng hòa dành cho Diễn văn Tình trạng Liên bang của Tổng thống Barack Obama hôm Thứ Ba.
Vinh dự này thường dành cho người được coi là ngôi sao đang lên của đảng, một điều phù hợp để nói về bà Haley.
Sinh ngày 20/1/1972 ở Bamberg, tiểu bang Nam Carolina, trong một gia đình Ấn Độ di dân, bà Haley – tên đầy đủ Nimrata “Nikki” Randhawa Haley – là phụ nữ và người sắc dân thiểu số đầu tiên trở thành thống đốc tiểu  bang. Bà cũng là thống đốc trẻ nhất nước, 38 tuổi khi bà được bầu năm 2010. Bà sẽ bước sang tuổi 44 một tuần sau khi bà xuất hiện tiếp sau tổng thống Barack Obama hôm 12/1.

Bà Haley trở thành dân biểu người Mỹ gốc Ấn đầu tiên của tiểu bang Nam Carolina khi bà được bầu vào quốc hội tiểu bang năm 2004. Về mặt chính trị, bà là người kiên quyết chống lại thuế má và có chủ trương bảo thủ về tài khóa.

Thống đốc đắc cử

Bà Haley được bầu làm thống đốc ngày 2/11/2010, khởi sự nhờ sự tham gia của bà vào phong trào Tea Party. Bà được sự ủng hộ của Thống đốc tiểu bang Massachusetts Mitt Romney, cựu Thống đốc tiểu bang Alaska Sarah Palin, và bà Jenny Sanford, cựu đệ nhất phu nhân thống đốc tiểu bang Nam Carolina.

Kể từ khi nắm quyền năm 2011, bà Haley đã chỉ trích Tổng thống Obama về mọi điều, từ cải cách chăm sóc y tế cho đến quyền sở hữu súng. Bà đã bỏ phiếu cho các dự luật hạn chế phá thai và bảo vệ phôi thai. Là con của những người nhập cư hợp pháp, bà Haley ủng hộ việc thực thi chặt chẽ hơn nữa các luật về nhập cư.

Năm 2012, bà Haley phát biểu tại Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hoà, và công du toàn quốc để quảng bá cuốn sách của mình có tên “Không thể không phải là một sự lựa chọn – hồi ký”.

Nhiều sự kiện ở tiểu bang Nam Carolina trong năm ngoái đã đưa bà Haley vào trọng tâm chú ý của cả nước.

Hồi tháng 6, Dylann Roof đi vào trong một nhà thờ cổ kính của người Mỹ gốc Phi ở Charleston và nói trước các nhân chứng rằng anh ta đến đó để “bắn người da đen”. Roof nổ súng vào một nhóm người đang học Kinh Thánh, trong đó có Mục sư Clementa Pinckney, người từng là thượng nghị sỹ tiểu bang và là người ủng hộ ông Obama.

Roof nói với cảnh sát anh ta muốn khơi mào “một cuộc chiến chủng tộc”, và các bức ảnh đăng trên mạng internet cho thấy anh ta chụp cùng lá cờ Liên minh các tiểu bang miền Nam. Điều đó đã làm bùng nổ cuộc tranh luận trên toàn quốc về lá cờ này, còn gọi là “Sao và Dải” – mà một số người coi là một biểu tượng về phân biệt chủng tộc trong khi những người khác coi là lời nhắc nhở về lịch sử của miền Nam nước Mỹ chống lại sự kiểm soát của chính phủ liên bang. Lá cờ này đã được treo ở thủ phủ tiểu bang Carolina kể từ những năm 1960.

Tranh luận về cờ Liên minh

Trong cuộc chạy đua tái tranh cử năm 2014, bà Haley đã quảng cáo về năng lực của bà trong việc thu hút doanh nghiệp và việc làm về tiểu bang. Trong một cuộc tranh luận, bà đã bảo vệ sự hiện diện của cờ Liên minh ở thủ phủ tiểu bang. Bà tuyên bố rằng việc treo cờ không phải là một vấn đề vì “không có Tổng Giám đốc nào” kêu ca về nó.

Tuy nhiên vụ bắn giết hàng loạt ở Charleston đã làm thay đổi quan điểm của bà thống đốc. Bà nói tội phạm vì thù ghét đã làm thay đổi suy nghĩ của bà về tính thích hợp của việc treo cờ Liên minh ở tòa nhà thủ phủ, và bà ủng hộ các nỗ lực tháo lá cờ và đưa vào một bảo tàng.

Một luật đã được thông qua và lá cờ đã được tháo xuống hôm 10/7/2015.

Cờ Liên minh các tiểu bang miền Nam đã được treo ở thủ phủ tiểu bang Carolina kể từ những năm 1960

Sự mến mộ

Bà Haley vẫn được mến mộ ở Nam Carolina, vượt qua được các cuộc khủng hoảng như cơn bão hồi tháng 10 gây thiệt hại 1.5 tỷ đôla – một sự kiện nghìn năm có một, theo lời vị thống đốc. Tên bà được nhắc đến như một khả năng lựa chọn cho vị trí ứng viên phó tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm nay.

Một khảo sát Thăm dò Chính sách hồi tháng 11 cho thấy 56% cử tri trong tiểu bang tín nhiệm công việc của bà. Bà nhận được sự ủng hộ từ 71% người theo Đảng Cộng hòa và 53% những người độc lập.

Điều làm bà Haley khác biệt với các thống đốc khác của Mỹ, theo cuộc khảo sát, là bản sắc của bà với tư cách là người của Đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ đáng kể của những người thuộc Đảng Dân chủ – 40% tín nhiệm, so với mức 42% bất tín nhiệm trong số các đảng viên của đảng cùng với ông Barack Obama và bà Hillary Clinton.

Bài phát biểu của bà Haley – vẽ ra lộ trình của Đảng Cộng hòa như một sự thay thế cho những đề xuất của ông Obama trong Diev Tình trạng Liên bang – được công bố vào thời điểm diễn ra cuộc vận động cuối cùng cho các phiên họp kín chọn ứng cử viên ở Iowa và các cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire được nhiều người trông đợi – hai cuộc bỏ phiếu toàn bang đầu tiên trong tiến trình xác định những người được Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đề cử cho cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống sơ bộ của Nam Carolina, diễn ra sau đó 2 tuần, được coi là phép thử về tình cảm của cử tri có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở miền Nam nước Mỹ.

Đời sống gia đình

Cha của bà Haley, Ajit Randhawa, là một giáo sư sinh học. Mẹ của bà, Raj, đã lập ra một công ty quần áo trị giá nhiều triệu đôla ở quê nhà của họ là Nam Carolina.

Nikki Haley được nuôi dạy với tín ngưỡng Sikh rồi cải đạo thành người Cơ đốc giáo và hiện là người theo Giáo hội Giám lý. Bà tốt nghiệp trường Đại học Clemson năm 1994 với tấm bằng kế toán. Tại ngôi trường này bà đã nên duyên với người chồng, Michael Haley.

Ông Michael Haley, hay được gọi là “đệ nhất phu quân” của bang Nam Carolina, là một viên chức liên bang chính ngạch. Ông là kỹ thuật viên trong lực lượng Lục quân Cảnh vệ Quốc gia của tiểu bang. Gia đình ông bà có hai con.

Gia đình bà Haley, (từ trái) Mẹ, bà Haley, Chồng và 2 con

Theo VOA

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt