Ngoại giao Việt Cộng hy vọng Hoa Kỳ là đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam

Tân bộ trưởng ngoại giao Việt Cộng, Phạm Bình Minh, trong cuộc gặp thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Jim Webb, hôm 24/08/2011 đã tuyên bố: “Hoa Kỳ là đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam”. Khi bộ trưởng ngoại giao của nhà cầm quyền Hà Nội, đã chính thức phát biểu lập trường của chính phủ nước mình, trước vị thượng nghị sĩ chủ tịch của tiểu ban Đông Nam Á – Thái Bình Dương, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ, đang chính thức đến thẩm định tình hình bang giao giữa hai nước, vốn là cựu thù của nhau trong quá khứ cay nghiệt, mà nay đã từng bước thận trọng thiết lập quan hệ lại với Việt Nam, thì lời tuyên bố của ngoại trưởng Việt Cộng trên đây, trong thực tế phải là đã đạt được một bước tiến mới hết sức trọng đại giữa mối liên hệ Mỹ-Việt. Trước đó, tân Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam ông David Shear khi rời Washington sang Hà Nội nhận chức cũng nói rõ trách nhiệm của mình, trong việc thực hiện chính sách của chính phủ Obama ở Việt Nam là: “Hoa Kỳ muốn đưa mối bang giao với Việt Nam lên một tầm cao hơn, để hai nước trở thành đối tác chiến lược trong vùng Đông Nam Á, nhưng muốn được vậy, Việt Nam cần cải thiện thành tích về nhân quyền”.

Nhận định về lập trường Trung Cộng muốn giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông qua đàm phán song phương. Thượng nghị sĩ Jim Webb nói: “Việc tiếp cận song phương sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề cơ bản về chủ quyền. Bởi vì cán cân lực lượng chênh lệch và hồ sơ này phức tạp”. “Cần phải tìm được diễn đàn và cách thức phù hợp để thảo luận và có được sự chấp thuận của Trung Quốc. Các sự cố Biển Đông sẽ còn tiếp diễn cho đến khi nào các bên liên quan tìm ra được một công thức cho giải pháp đa phương”. Trong cuộc họp báo tại Hà Nội chiều 24/08/11, thượng nghị sĩ Jim Webb đã tiết lộ: “Bộ quốc phòng Mỹ đang xem xét khả năng bãi bỏ lệnh cấm bán công nghệ quân sự vẫn áp dụng đối với Việt Nam. Theo hãng Bloomberg: “Nếu Mỹ bật đèn xanh cho việc bán vũ khí cho Việt Nam, động thái đó sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự Mỹ-Việt, trong bối cảnh quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh ngày càng căng thẳng trên hồ sơ Biển Đông”.


Tuy về mặt ngoại giao, Việt Cộng đã nhận Mỹ là đối tượng chiến lược hàng đầu của Việt Nam, có nghĩa là vượt lên trên cả đàn anh Trung Cộng. Cụ thể là đã hân hoan mở rộng cửa đón hàng đoàn chiến hạm Mỹ, Ấn, và các nước Đông Nam Á tới tấp vào biển, bến Việt Nam, nhất là phá lệ cho tầu tiếp tế của Mỹ lần đầu tiên vào sửa chữa tại căn cứ Cam Ranh, nơi được xem là húy kỵ đối với Trung Cộng. Nhưng bọn lãnh đạo Việt Cộng vẫn còn mang nặng tâm lý lệ thuộc và sợ Trung Cộng. Nên đã tận dụng mọi thủ đoạn để dẹp cuộc biểu tình lần thứ 12 của những người yêu nước chống Trung Cộng xâm lược Việt Nam. Bằng cách xuống nước cho Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư thành ủy và nhóm cầm đầu ủy ban nhân dân Hà Nội sáng thứ Bảy, 27/08/11 tiếp đón long trọng 4 ‘nhân sĩ’ trong 25 người ký tên vào bản kiến nghị về ‘lệnh cấm biểu tình’. Để rồi rải công an ra ngăn cản những ‘chuyên viên biểu tình’ vào sáng Chủ Nhật 28/08/11, giúp cho Nguyễn Chí Vịnh cầm đầu phái đoàn ‘Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung lần thứ 2 tại Bắc Kinh ngày 28/08/11 tâng công với quan thày Tầu rằng: “Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam, và dứt khoát không để sự việc tái diễn”. Rõ ràng là Tầu Cộng đã thẳng thừng ra lệnh cho bọn Việt Cộng phải dẹp các cuộc biểu tình của người Việt Nam chống Trung Cộng xâm lăng.


Trong cuộc đối thoại giữa 2 phái đoàn quân sự Việt-Tầu, cầm đầu bởi tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Cộng và tướng Mã Hiểu Thiên, phó tổng tham mưu quân đội Tầu. Hai bên nhất trí đánh giá: “Quan hệ 2 đảng và 2 nhà nước tiếp tục phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Trong cuộc gặp giữa Nguyễn Chí Vịnh với bộ trưởng quốc phòng Trung Cộng, tướng Lương Quang Liệt, hôm thứ hai, 29/08/11, tướng Liệt nói: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để bảo vệ các lợi ích chiến lược và các mối quan hệ chung của  hai nước cũng như hoà bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông Việt Nam) bằng việc tăng cường liên lạc và tham vấn cũng như ngăn chặn những sự gây hấn từ bên ngoài vốn có thể ảnh hưởng tới quan hệ song phương”. Nguyễn Chí Vịnh ngoan ngoãn tán thành ngay rằng: “Hai bên nên giải quyết tranh chấp bằng sự tin tưởng lẫn nhau và không cho phép bất cứ thế lực bên ngoài nào làm hỏng quan hệ Việt-Trung bằng cách can thiệp vào các vụ tranh chấp”.

Đến đây rõ ràng là Lương Quang Liệt và Nguyễn Chí Vịnh cùng hợp ca bài hát hoan nghênh giải pháp song phương của Tầu Cộng về Biển Đông, nhằm bác khước giải pháp đa phương của Hoa Kỳ, do thượng nghị sĩ Jim Webb vừa triển khai tại Hà Nội.  Điều nổi bật hơn trong dịp này, cả Lương Quang Liệt lẫn Nguyễn Chí Vịnh đều nhằm vào việc “ngăn chặn sự gây hấn từ bên ngoài ảnh hưởng tới quan hệ song phương”, và “không cho phép bất cứ thế lực bên ngoài nào làm hỏng quan hệ Việt – Trung”. Thực ra, trong nhiều cuộc đối thoại song phương giữa Việt-Tầu, phía Tầu không bao giờ cho phép Việt Cộng đề cập tới vấn đề Hoàng sa, theo Trung Cộng thì Phạm Văn Đồng, đại diện cho đảng và nhà nước Việt Cộng đã ký ‘văn tự’ dâng cho Trung Cộng ngày 14/09/1958 rồi. Và đích thân Trung Cộng đã đánh chiếm quần đảo Hoàng sa từ tay chính phủ Việt Nam Cộng hòa, ngày 19//01/1974. Còn Trường Sa thì Tầu tiếp tục thương thuyết song phương ở thế mạnh với các nước liên quan. Thế nhưng khi Hoa Kỳ đặt trọng tâm chiến lược của mình vào biển Đông. Ngày 05/06/2010, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Robert Gates tuyên bố: “Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các quốc gia chia sẻ nó, mà còn cho tất cả các nước quan tâm về kinh tế, an ninh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Trong đó Hoa Kỳ coi là quyền lợi quốc gia của mình, thì đương nhiên kể từ đó, vấn đề Biển Đông đã được “Quốc Tế Hoá”. Đố Trung Cộng có thể cưỡng lại nổi. Nhất là gần đây “Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về Á châu”. Mà Biển Đông và khu vùng Đông Nam Á, là hướng nhắm bành trướng của Bắc Kinh, trong đó Việt Nam là nơi yếu nhất. Chính vì vậy, mà Hoa Kỳ đã gạt mọi vướng mắc về dĩ vãng và chướng ngại ở hiện tại, nhằm đưa quan hệ 2 nước Mỹ – Việt lên tầm cao, để 2 nước trở thành đối tác chiến lược trong vùng Đông Nam Á. Nhưng không đẩy Việt Nam vào cuộc chiến đánh Tầu, mà cần duy trì đối tác hoà bình để vô hiệu hóa tham vọng bành trướng của tinh thần Đế Quốc Đại Hán nơi người Tầu. Được vậy, Việt Nam cần phải Dân Chủ Hóa chế độ. Tức là làm hòa với dân, dựa vào thế quốc tế để ổn định tình thế. Vì Hoa Kỳ cũng đang vận dụng chính sách 2 mặt: Đối Tác Kinh Tế. Đối Trọng Quân Sự, để Trung Cộng không còn dám hung hăng lấn chiếm, mà phải tự chuyển đổi tham vọng “Đế Quốc Bành Trướng”, thành một “Cường Quốc Kinh Tế” có trách nhiệm với chính mình và thế giới.

LÝ ĐẠI NGUYÊN

Little Saigon ngày 30/08/2011.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt