Nghị viện Anh phủ quyết kế hoạch rời khỏi EU của Thủ tướng May
Theo nguồn tin Reuters: Các nghị sĩ Anh đã bác bỏ kế hoạch rời khỏi EU (Brexit) của Thủ tướng Theresa May vào hôm thứ Ba (15/1), tạo ra một biến động chính trị có thể sẽ khiến Anh hoặc rời khỏi EU trong tình trạng bất ổn, hoặc thậm chí sẽ hủy bỏ quyết định rời khỏi tổ chức này.
Nghị Viện Anh đã biểu quyết với tỉ lệ 432-202 phủ nhận thỏa thuận Brexit của bà Thủ Tướng May. Đây là thất bại nặng nề nhất của một chính phủ trong lịch sử gần đây của nước Anh tại Nghị Viện. Lãnh đạo Công Đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn đã nhanh chóng kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của nữ Thủ Tướng May, dự kiến tổ chức vào 19:00 (giờ GMT), thứ Tư (16/01/2019).
Theo luật định, Brexit có hạn chót là ngày 29/3, nước Anh hiện đang rơi vào một tình trạng khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất sau nửa thế kỷ khi quốc gia này đang ‘bối rối’ trước ngã rẽ, rời khỏi liên minh mà họ tham gia từ năm 1973 hay sẽ ở lại.
“Rõ ràng Nghị Viện không ủng hộ thỏa thuận này, nhưng việc biểu quyết tối nay không cho thấy điều mà nó ủng hộ [việc ở lại hay rời đi khỏi EU]”, bà May nói trước nghị viện sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố.
“[Theo] Thỏa thuận này là chết”, ông Vladimir Johnson, thành viên đảng Bảo Thủ, người đã thúc giục bà May quay trở lại Brussels để tìm kiếm những điều khoản tốt hơn cho thỏa thuận Brexit.
Hơn 100 nghị viên, bao gồm cả những người ủng hộ Brexit và những người muốn Anh ở lại EU, đã cùng nhau phủ quyết thỏa thuận của bà May với EU. Kết quả này đã phá vỡ kỷ lục thất bại trước đó của chính phủ Anh hồi năm 1924.
Đây là thất bại nặng nề của Thủ Tướng May vì lần đầu tiên Nghị Viện Anh bác bỏ một hiệp ước kể từ năm 1864, đánh dấu sự sụp đổ của chiến lược mà bà Thủ Tướng May ấp ủ hai năm qua nhằm thu xếp để Anh rời khỏi EU một cách tốt đẹp trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với tổ chức này sau ngày 29/3.
EU nói rằng thỏa thuận Brexit đạt được với chính phủ của bà May vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để bảo đảm Anh rời khỏi EU một cách có trật tự.
Kể từ khi người Anh biểu quyết với tỷ lệ 52-48 phần trăm để rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016, các chính trị gia của nước này luôn không ngừng tranh luận về cách thức mà nước này nên thực hiện để rời khỏi liên minh do Pháp và Đức kiến tạo sau Đệ II Thế Chiến.
Nhiều người phản đối Brexit hi vọng sự thất bại của bà May cuối cùng sẽ khởi dẫn một cuộc trưng cầu dân ý khác quyết định việc Anh có rút khỏi EU hay không, mặc dù những người ủng hộ Brexit nói rằng việc phủ định nguyện vọng của 17.4 triệu người đã bỏ phiếu ủng hộ Anh ‘chia tay’ có thể khiến phần lớn cử tri trở nên cực đoan.
Những người ủng hộ Brexit cho rằng việc rời bỏ EU là con đường tốt nhất để thoát khỏi một liên minh mà họ xem là rất quan liêu và đang nhanh chóng tụt hậu so với những cường quốc kinh tế hàng đầu của thế kỷ 21.
Theo Viết Triết