Ngày Xuân bàn chuyện Cách Mạng

Người xưa có câu “Thời thế tạo anh hùng”. Vậy nên người anh hùng trước hết là một sản phẩm thời thế, của sự vận động lịch sử. Thành công hay thất bại phần lớn ở yếu tố thời cuộc, chứ không phải chỉ ở tính đúng đắn của cương lĩnh và phương pháp đấu tranh.

Mạc Đăng Dung

Đặng Dung, một nhân vật lịch sử nước ta sống ở cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 có bài thơ Thuật Hoài nói về thế sự như vầy:

(Việc đời dặc dặc tuổi già đây
Trời đất miên man nhịp hát hay
Bần tiện gặp thời thành nghiệp dễ

Anh hùng lỡ vận hận căm đầy.
Mong xoay trái đất lo phù chúa
Muốn rửa sông trời khó kéo mây.
Thù nước chưa đền đầu đã bạc
Mài gươm dưới nguyệt mấy thu rày)

Nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1867 – 1940) thì lại có hai câu thơ sau:

“Ngẫm ra muôn sự tại trời
Chớ đem thành bại mà soi anh hùng”.

Vậy là, gặp thời thế thì kẻ thất học ngu dốt cũng thành công dễ dàng, thời vận chưa đến thì bậc anh hùng cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Âu đó cũng là lẽ thường tình mà thôi. Nếu đem chuyện thắng thua mà luận anh hùng thì lại là một điều ấu trĩ bậc nhất xưa nay vậy. Vì thế mà binh pháp Tôn Tử có câu “Thắng không kiêu, bại không nản” là để cho các nhà cầm quân soi mình. Thắng hay thua không cần thiết, điều quan trọng là chúng ta tranh đấu cho chính nghĩa và tự do. 

Lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trãi qua nhiều biến động. Đó là thời kỳ đấu tranh khốc liệt để giành độc lập tự chủ cho nước nhà. Tiếp bước tiền nhân, nhiều cuộc khởi nghĩa cách mạng đã nổ ra ở cả khắp ba miền.

Vua Hàm Nghi

Mở đầu là những cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi phát động. Tiêu biểu nhất trong số đó là khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) của nhà yêu nước Phan Đình Phùng. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn và kéo dài nhất của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Hương Khê bao gồm 4 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nghĩa quân đã thực hiện nhiều cuộc tập kích gây thiệt hại nặng nề cho quân địch. Sau nhiều lần càn quét, quân Pháp đã hình thành thế bao vây nghĩa quân. Trong trận chiến ác liệt tại núi Quạt, chủ tướng Phan Đình Phùng bị thương và hy sinh ngày 28/12/1895. Như vậy là cuộc khởi nghĩa Hương Khê kéo dài 10 năm (1885 – 1895), đến đây thì chấm dứt.

Tiếp đó là khởi nghĩa Yên Thế của nghĩa quân Đề Thám (1885 – 1913. Lãnh tụ Đề Thám – người vẫn được

Đề Thám

gọi là Hùm thiêng Yên Thế, đã lập căn cứ tại Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) để mà tiến hành công cuộc kháng Pháp. Sau nhiều trận thắng liên tục thì lực lượng nghĩa quân cũng đi dần đến chỗ suy yếu do quân Pháp lúc này còn quá mạnh. Ngày 29/01/1909, Thống sứ Bắc Kỳ đã huy động 15.000 quân chính quy và lính khố xanh, 400 lính dõng (đây là lực lượng mạnh nhất từ trước tới nay) để tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa rút lui lên Thái Nguyên, Tam Đảo. Con trai của Đề Thám là Cả Trọng bị tử thương và con gái út là Trương Thị Thế bị địch bắt. Lực lượng nghĩa quân lúc này giảm sút dần và tới cuối năm 1909 thì tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc của mình.

Ở miền Thái Nguyên cũng nổ ra cuộc khởi nghĩa do Đội Cấn lãnh đạo. Cuộc nổi dậy bắt đầu từ đêm 30/8/1917. Đội Cấn chỉ huy lực lượng 175 người lính phá ngục, đoạt khí giới đạn dược, giết binh lính Pháp. Sau đó nghĩa quân cướp kho bạc và làm chủ toàn tỉnh lỵ. Họ truyền hịch đi các nơi để chờ đợi sự hưởng ứng chi viện. Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa tuyên bố độc lập, lấy quốc hiệu là “Đại Hùng”. Sau đó quân Pháp bắt đầu phản công. Nghĩa quân phải triệt thoái khỏi Thái Nguyên và chạy về phía Bắc. Đội Cấn sau đó dẫn quân chạy lên Đại Từ, Tam Đảo rồi xuống Vĩnh Yên. Bị truy nã, ông rút về núi Pháo cố thủ. Rồi không để mình bị rơi vào tay giặc, ông đã rút súng tự vẫn. Đó là ngày 11/01/1918. Cuộc khởi nghĩa đến đây thì chấm dứt.

Những cuộc khởi nghĩa trên thất bại là do lực lượng còn mỏng, lại chưa được tổ chức chặt chẽ. Trong khi đó kẻ địch là thực dân

Phan Chu Trinh

Pháp còn quá mạnh và vẫn đứng vững ở Đông Dương. Tuy thất bại vì diễn ra không đúng thời điểm nhưng các cuộc khởi nghĩa đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Pháp, thắp lên ngọn lửa đấu tranh yêu nước nồng nàn.

Lúc này nhiều nhà chí sĩ yêu nước cũng đang lao tâm khổ tứ để mà tìm con đường giải phóng đất nước, khai mở dân trí, phát triển dân sinh. Mà hai ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Việt Nam bấy giờ là cụ Phan Bội Châu (1867 – 1940) và cụ Phan Châu Trinh (1872 – 1926).

Phan Bội Châu

Phan Bội Châu là người phát động phong trào Đông Du, lập Duy Tân hội để sang Nhật cầu viện. Nội dung chính các hoạt động của ông là: Lập các hội nông, hội buôn, hội học để tập hợp quần chúng. Chọn một số thanh niên thông minh hiếu học, chịu được gian khổ để đưa ra học ở nước ngoài.

Đối với Phan Châu Trinh thì chủ trương cứu nước của ông là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đồng thời phát động phong trào Duy Tân. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hoá dân tộc, cải cách trên mọi lĩnh vực, khuyến khích giáo dục, phát động phong trào học quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ.

Giai đoạn lịch sử này, ảnh hưởng vang dội và có quy mô rộng lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Bái do

Nguyễn Thái Học

lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Giới nghiên cứu lịch sử vẫn thường gọi đây là cuộc Tổng khởi nghĩa Yên Bái. Theo đó thì Việt Nam Quốc dân Đảng quyết định tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa đồng loạt ở một số tỉnh Bắc Kỳ (Yên Bái, Sơn Tây, Hưng Hoá, Lâm Thao, Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Hà Nội) vào đêm 10/02/1930. Mặc dù đã chiếm và làm chủ một số tỉnh lỵ, nhưng sau đó quân Pháp đã phản công và truy quét nghĩa quân. Nguyễn Thái Học và nhiều lãnh tụ khác đã bị địch bắt. Ngày 17/6/1930 tại Yên Bái, Nguyễn Thái Học cùng một số đồng chí khác của ông bị xử tử trên đoạn đầu đài.

Chỉ 15 năm sau thì chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra. Pháp bị Nhật đảo chính tại Việt nam, rồi Nhật lại thua và rút quân. Đất nước lúc này vắng bóng quân thù. Chớp lấy thời cơ ngàn năm có một này, đảng Cộng Sản đã nổi lên cướp chính quyền và tuyên bố độc lập. Từ đó họ áp đặt lên đất nước ta thứ chủ nghĩa Cộng Sản phi nhân khiến cả dân tộc điêu tàn.

Than ôi, đúng như Đặng Dung từng than thở:

Bần tiện gặp thời thành nghiệp dễ
Anh hùng lỡ vận hận căm đầy…”

Giành được độc lập chỉ là bước đầu, điều quan trọng nhất là xây dựng một đất nước tự do, dân chủ, hạnh phúc và phồn vinh. Đó mới là thứ đất nước cần, nhân dân chúng ta cần.

Minh Văn

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt