Ngày lễ Tổng Khởi Nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng

Lời người post: Kỷ niệm ngày Tổng Khởi Nghĩa VNQDĐ thứ 93, âm vang như mới ngày hôm qua. Trong nước nhiều bài viết vẫn còn nhắc đến với cảm tình sâu đậm ngày Tổng Khởi Nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhiều bài dịch thuật từ các nhà văn, nhà báo của người Pháp ghi lại một cách trung thực về VNQDĐ cho ta thấy nhiều cánh cửa mở ra cho một góc khuất của lịch sử. Góc khuất này bị chế độ Thực Dân Pháp che chắn và bị chế độ Cộng Sản Việt Nam vùi dập – nhưng sự thật lịch sử nay đã dần dần hồi phục.
Một bài viết về Việt Nam Quốc Dân Đảng của Chu Lộc và Phương Thảo nhân ngày Tổng Khởi Nghĩa VNQDĐ với nội dung khá khách quan:

Việt Nam Quốc Dân Đảng

Vào những năm 20 của thế kỷ trước, dân tộc Việt Nam vẫn còn chìm đắm trong cảnh nước mất nhà tan. Các phong trào yêu nước do giới sĩ phu lãnh đạo nổ ra vào các thập niên cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX đều thất bại. Một không khí hoang mang, tiêu trầm tràn ngập trong giới Nho sĩ bấy giờ. Cuộc Khởi nghĩa Yên Báy (Yên Bái ngày nay) do lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng – Nguyễn Thái Học làm ngọn cờ và linh hồn đã nổ ra trong khung cảnh ấy. Hầu hết những người tham gia cuộc khởi nghĩa đều ở độ tuổi thanh xuân, đó là: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc và của nhiều chiến sĩ vô danh khác… Họ đã lấy trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ để đốt lên những bó đuốc, tuy rằng không thay được ánh bình minh, song nó cũng khiến cho bóng tối bớt đi phần cô quạnh, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân…

Cuộc “Tổng khởi nghĩa” do Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức và lãnh đạo dự kiến diễn ra vào đêm ngày 9 rạng ngày 10/2/1930 (mùng 1 Tết Âm lịch năm Canh Ngọ). Tuy nhiên, do có sự trục trặc trong liên lạc, nên ở địa bàn các tỉnh trung du Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Yên Báy do Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy vẫn giữ đúng nhật kỳ khởi nghĩa, còn các tỉnh đồng bằng như Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An… dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Thái Học lại hoãn tới ngày 15-2-1930 mới khởi nghĩa. Sự thay đổi này được coi là dấu hiệu báo trước về thất bại của khởi nghĩa sau này.

Nguyễn Thái Học (1902-1930), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Báy

Nguyễn Khắc Nhu (1882- 1930), một trong những trụ cột của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Phó Đức Chính (1907-1930), một trong những yếu nhân cuộc khởi nghĩa Yên Báy

Bà Nguyễn Thị Giang (?- 1930), một liệt nữ của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Cuộc tấn công Yên Báy do Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Nhật Thận cùng cai khố đỏ chỉ huy. Lúc 1 giờ sáng ngày 10/02/1930, quân khởi nghĩa nổ súng tấn công các trại lính, và khu nhà ở của sĩ quan, tiêu diệt và làm bị thương một số chỉ huy người Pháp, chiếm kho vũ khí, chiếm nhà ga và cơ quan trong tỉnh. Tuy nhiên, viên chỉ huy cao nhất của quân Pháp là Thiếu tá Le Tacon đã chốt chặt ở đồn Cao và đánh trả lực lượng khởi nghĩa. Ở trại dưới nghĩa quân tiêu diệt được chỉ huy của giặc và làm chủ được tình thế lúc 4h sáng. Sau đó quân Pháp điều máy bay từ Hà Nội lên phản công, nghĩa quân dần rơi vào thế bất lợi và phải rút lui. Đối phương tiếp tục truy kích và dập tắt chóng vánh cuộc khởi nghĩa trong sáng 10-2.

Cuộc tấn công Hưng Hóa, Lâm Thao do Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy cũng nhanh chóng bị quân Pháp từ Phú Thọ tiến qua đánh trả. Nguyễn Khắc Nhu bị thương, dùng lựu đạn tự sát nhưng không chết. Ông bị giải về Hưng Hóa và đập đầu tự sát tại trại giam.

Chuẩn bị cho cuộc đánh Sơn Tây: Sau khi thất bại ở Yên Báy, Phó Đức Chính trốn thoát về Sơn Tây, chuẩn bị lực lượng để tấn công tỉnh này, nhưng có kẻ chỉ điểm nên quân địch ập tới, bắt tất cả đưa về Hà Nội.

Quấy rối ở Hà Nội: Nghĩa quân Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội tự thấy không đủ sức khởi nghĩa, do đó Đoàn Trần Nghiệp (tức Ký Con) đã chỉ huy đội cảm tử 5 người (Nguyễn Văn Luân, Mai Duy Xứng, Nguyễn Bá Tân, Nguyễn Minh Luân và Nguyễn Quan Trân) chia nhau đi cắt đường dây điện thoại, ném lựu đạn vào một số cơ sở như ngục Hỏa Lò, Sở Cảnh sát, Sở Mật thám… Các hành động đều không có hiệu quả, không gây được tiếng vang.

Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Yên Báy, thực dân Pháp tiến hành một chiến dịch khủng bố tàn bạo. Ngày 14-2-1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ký Nghị định thành lập Hội đồng đề hình (do Thanh tra hành chính Bắc Kỳ Poulet Osier làm chánh Hội đồng) để xét xử vụ án Việt Nam Quốc Dân đảng. Sự lùng bắt đảng viên, triệt phá cơ sở đảng diễn ra khắp nơi. Các cơ sở của VNQDĐ tại các địa phương (làng Cổ Am, làng Điền Niên, phố Hàng Bè…) đều chịu sự khủng bố dã man của thực dân Pháp. Đa số các đảng viên VNQDĐ đều bị bắt, tống giam, đưa ra xét xử trước Hội đồng đề hình. Ngày 20/02/1930, thực dân Pháp bắt được Nguyễn Thái Học và Sư Trạch tại ấp Cổ Vịt (xã Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương), sau đó giải về tạm giam ở nhà tù Hỏa Lò, chờ ngày xét xử. Cũng tại đây, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí bí mật viết một tờ báo là Tù nhân báo để cổ vũ tinh thần các đồng chí và tuyên truyền cách mạng trong các phòng giam. Sau đó, ông được áp giải lên Yên Báy để xét xử.

Hội đồng đề hình đã liên tiếp mở các phiên tòa công khai xét xử vụ án VNQDĐ ở khắp nơi. Trong số 603 đảng viên bị đưa ra xét xử, có 37 người lĩnh án tử hình (gồm các lãnh tụ của đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp, Trần Quang Diệu…). Tại phiên tòa ngày 23/03/1930 của Hội đồng đề hình (Yên Báy) đã xét xử 83 bị cáo gồm 1 phụ nữ, 37 thường dân và 45 binh sĩ. Người bị thẩm vấn đầu tiên là Nguyễn Thái Học. Ông đã nhận hết trách nhiệm về cuộc khởi nghĩa, xin được xử tử một mình mà tha cho những người khác chỉ thừa hành mệnh lệnh của ông. Tòa vẫn tiếp tục xử và kêu án rất nhiều người. Nguyễn Thái Học đã chống án lên Hội đồng Bảo hộ, để các đồng chí của ông làm theo, nhằm nhẹ bớt án cho các đồng chí khác. Những người tử tù bị đưa về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội) để chờ ngày hành quyết. Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông vẫn hiên ngang, không hề nao núng. Chiều ngày 16/06/1930, 13 tử tù được chuyển trại, lên đường thụ hình ở Yên Báy. Từ trong xà lim án chém (Hỏa Lò) bước ra, Nguyễn Thái Học đã nói to để các bạn tù nghe: “Chúng tôi đi trả nợ nước đây! Các anh em còn sống cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều hơn nữa! Rồi thế nào cách mạng cũng thành công! Thôi xin chào các anh em ở lại!” Đến giờ phút cuối cùng, 13 người tử tù vẫn giữ vững tư thế hiên ngang, bất khuất. Đối với quân Pháp, các đồng chí từ chối lễ “rửa tội” bởi những người chiến sĩ ấy “chỉ là những kẻ chiến bại, chứ đâu phải là kẻ có tội?”. Khi trên xe tù, Nguyễn Thái Học còn ngâm mấy câu thơ tiếng Pháp: “Chết cho Tổ Quốc. Đó là số phận đẹp đẽ nhất. Cũng là ước vọng cao cả nhất…”. Tại pháp trường, sau khi 12 người đồng chí dũng cảm đón nhận hành quyết, Nguyễn Thái Học là người cuối cùng bị dẫn tới máy chém, ông vẫn bình tĩnh hô vang Việt Nam muôn năm, trước khi lưỡi dao “phập” xuống. Lúc ấy, 5:35 phút sáng ngày 17-6-1930 (tức 21 tháng 5 năm Canh Ngọ) người lãnh tụ và 12 chiến sĩ trẻ anh hùng của VNQDĐ đã hy sinh cuộc đời mình. Thi thể của họ được chôn chung tại một khu đồi cao tại Yên Báy. Sau khi Nguyễn Thái Học lên máy chém, Nguyễn Thị Giang (tục gọi cô Giang, hôn thê của của Nguyễn Thái Học), một đảng viên VNQDĐ thoát được sự truy bắt của địch, đã tới đây đọc lời điếu và bài thơ lục bát tuyệt mệnh. Sau đó, cô Giang quay về làng Đồng Vệ , tỉnh Vĩnh Yên dùng súng lục tự tử như lời thơ tuyệt mệnh.

Khu lăng mộ các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Công viên Yên Hòa (thành phố Yên Báy, tỉnh Yên Báy).

Người lãnh tụ trẻ tuổi Nguyễn Thái Học và các đồng chí trong VNQDĐ, những nghĩa binh trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã hy sinh thân mình vì lý tưởng “Không thành công cũng thành nhân”. Tinh thần yêu nước quật cường, không ngại hy sinh vì nghiệp lớn của họ đã góp phần không nhỏ vào việc “Làm sống lại hồn Nước, Gọi tỉnh hồn dân tộc Việt Nam”. Khởi nghĩa Yên Báy tuy thất bại, nhưng đã để lại kinh nghiệm đắt giá cho các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sau đó. Lịch sử đã không thể không ghi nhận: Tiếng vang của khởi nghĩa Yên Báy phản ánh ý chí phục thù cao ngút trời của các anh hùng liệt sĩ VNQDĐ đã khiến những tên xâm lược một phen hồn bay phách lạc. Sự hy sinh của những lãnh tụ trẻ tuổi đã không hề uổng phí, họ góp thêm lửa, làm bùng cháy lớn hơn tinh thần yêu nước sục sôi trong các thế hệ người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Đến nay, sự kiện khởi nghĩa Yên Báy, cũng như tấm gương bi dũng của các anh hùng Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu vẫn luôn là một nét son không thể phai mờ trong lịch sử đấu tranh dân tộc thời hiện đại.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp )


Nguồn:

  1. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919- 1945). Nxb Giáo dục- 2000.
  2. Liệt sĩ Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930 (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học). Viện Sử học Việt Nam; Sở VHTT- TT Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc- 2004.
  3. Nguyễn Văn Khánh: Việt Nam Quốc Dân Đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội- 2005.
  4. Bách khoa tự điển mở: wikipedia.

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt