Ngày Chiến Thắng 09/05: Putin kêu gọi Quân đội bảo vệ “đất mẹ” ở Ukraina
Lời người post: Mấy ngày nay, báo chí và đài phát thanh tốn không biết bao nhiêu giấy mực dự đoán ngày 09/05 lễ mừng chiến thắng quân Phát Xít Đức thứ 77 tại Nga thì Putin sẽ tuyên bố chuyện gì lạ đối với cuộc chiến xâm lăng Ukraine. Nào là đánh lớn hơn dứt điểm mừng chiến thắng, nào là dứt điểm vùng Donbass để tuyên bố chiến thắng “bảo vệ quê hương” vân vân… Có lẽ Putin chắc cũng không còn mặt mũi nào nữa mà lên tiếng lớn giọng khi bị sa lầy nhục nhã trước một quân đội Ukraine nhỏ bé và càng ngày càng bị quân đội Ukraine đẩy lùi trên nhiều mặt trận. Soái hạm Moscow bị hoả tiễn Ukraine bắn cháy chìm xuống Biển Đen, nhiều tàu chuyển quân cao tốc lén phén gần bờ là bị quân Ukraine bắn cháy, 12 tướng tử trận và bị thương tại chiến trường Ukraine trong vòng hai tháng, Putin đưa một tướng đồ tể làm tư lệnh quân Nga xâm lược Ukraine, một tuần sau thành bại tướng cụt chân, trở về trên đôi nạng gỗ.
Vậy thì hôm nay Putin nói gì trước Công Trường Đỏ trong ngày lễ 77 năm chiến thắng Đức Quốc Xã?
Theo RFI thì ngày 09/05/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin chủ toạ buổi lễ Ngày Chiến Thắng phát xít Đức trong Thế Chiến II trên Quảng Trường Đỏ ở Moscow trong khi quân đội Nga đang gây chiến ở Ukraine. Phát biểu tại buổi lễ, tổng thống Putin khẳng định quân đội Nga đang bảo vệ “đất mẹ” ở Ukraine.
Buổi lễ diễn binh bắt đầu lúc 10 giờ (giờ Moscow). Có khoảng 11,000 quân nhân, 129 xe quân sự, 77 máy bay và máy bay trực thăng được điều động tham gia, trong đó nổi bật nhất là máy bay chỉ huy và kiểm soát trên không Ilyushin 80, cho phép nguyên thủ Nga di chuyển trong trường hợp xảy ra thảm họa chiến tranh nguyên tử. Tuy nhiên, điện Kremlin cho biết màn trình diễn trên không đã bị hủy do thời tiết xấu.
Cầm quyền từ năm 1999, ông Putin đã quen với “Ngày Chiến Thắng“, một dịp để ông khẳng định sức mạnh của quân đội Nga và cổ vũ tinh thần yêu nước. Theo AFP, trước hàng nghìn quân nhân Nga trên Quảng Trường Đỏ, tổng thống Putin quả quyết là các lực lượng Nga tại Ukraine tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, mà ông coi là “một mối đe dọa tuyệt đối không chấp nhận được”. Tuy nhiên, nguyên thủ Nga khẳng định điều quan trọng vẫn là “làm mọi cách để tránh điều khủng khiếp của một cuộc chiến trên quy mô thế giới không xảy ra nữa”.
Ông Putin không giấu ý đồ của Nga là sáp nhập vùng Donbass, miền đông Ukraine, nơi các lực lượng quân sự và tình nguyện viên đang “chiến đấu vì đất mẹ, vì tương lai” của tổ quốc. Theo ông “mỗi người lính hay mỗi sĩ quan hy sinh là một điều đau đớn cho chúng ta. Nhà nước sẽ làm tất cả để chăm sóc những gia đình đó”. Kết thúc bài diễn văn, chủ nhân điện Kremlin hô vang: “Vì nước Nga, vì chiến thắng, muôn năm”.
Tổng động viên: Rủi ro chính trị cho Putin
Hơn hai tháng gây chiến ở Ukraine khiến quân đội Nga thiệt hại nặng nề về vật chất và nhân mạng, trong đó phải kể đến 12 tướng đã chết và 5 tầu chiến bị đánh chìm ở Biển Đen. Khả năng tổng động viên từng được nêu lên. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu chính trị kiêm cố vấn độc lập Abbas Gallyamov, người từng soạn diễn văn cho tổng thống Vladimir Putin, thông báo một cuộc tổng động viên có thể là điều gây rủi ro chính trị quá lớn cho nguyên thủ Nga.
Trả lời RFI ngày 09/05, ông Abbas Gallyamov phân tích:
“Việc tổng động viên sẽ giảm ngay lập tức sự ủng hộ đối với “chiến dịch đặc biệt”. Vì đặc điểm của cử tri yêu nước Nga nằm ở chỗ họ sẵn sàng ủng hộ chính sách của đảng và của chính phủ, nhưng là từ ghế sofa tại nhà và không sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì. Đây chính là sự khác biệt căn bản giữa họ và phe đối lập.
Đối lập Nga sẵn sàng đấu tranh với cảnh sát trên đường phố để bảo vệ niềm tin của họ, sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bị bỏ tù. Lớp cử tri trung thành với chính quyền thì khác hoàn toàn. Trước tiên đó là nhóm người bảo thủ. Sự tiện nghi trong cuộc sống hàng ngày là điều quan trọng nhất đối với họ. Và họ không hề muốn chiến đấu ở Ukraine để bảo vệ chính kiến của mình. Vì thế, việc tổng động viên có thể sẽ dẫn tới một làn sóng bất bình của chính những người mà tổng thống Putin dựa vào, đó là tầng lớp mà người ta vẫn gọi là “dân cư nông thôn””