Ngân quỹ cho Chính phủ Ukraine sẽ cạn trong tháng tới nếu Quốc Hội Mỹ không thêm tiền…
Wall Street Journal (WSJ): Giới chức cao cấp Ukraine và Mỹ cho hay, hệ thống tài trợ của Mỹ cho tiền lương và chi tiêu của Chính phủ Ukraine sẽ cạn kiệt trong tháng tới nếu không có khoản tiền mới từ Quốc Hội Mỹ. Tạp chí Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm Thứ Ba (3/10), và cho hay Mỹ hiện thanh toán các hóa đơn của Chính Phủ và tiền lương của công viên chức Ukraine, chứ không chỉ là nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược như chúng ta tưởng.
Tình trạng bất đồng chính kiến tại Quốc Hội Mỹ về viện trợ cho Ukraine:
Vào thời điểm Chính phủ Mỹ có nguy cơ bị đóng cửa, Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo Lãnh Đạo phe thiểu số Thượng Viện là Thượng Nghị Sĩ (TNS) Mitch McConnell (Cộng Hòa-KY) vào ngày 24/9 rằng: “Ukraine sẽ phải đối diện với nguy cơ kinh tế và chính trị nghiêm trọng giữa lúc đang tiến hành cuộc phản công vào mùa Thu này, nếu Quốc Hội cắt viện trợ đối với Ukraine”.
Hoa Kỳ và các quốc gia yểm trợ khác hiện trả lương cho 150,000 công viên chức của Ukraine, cùng hơn nửa triệu nhà giáo, và nhân viên trường học, chưa kể các chi phí của chính phủ như chăm sóc sức khỏe đến trợ cấp nhà ở.
Theo các phụ tá của Bộ Ngoại Giao Mỹ, cuộc điện thoại từ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ là lời cầu xin khẩn cấp các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa thông qua nguồn tài trợ cho Ukraine vào dự luật ngân sách tạm thời. Sáu (6) ngày sau, Quốc Hội thông qua dự luật ngân sách, nhưng trong đó không có viện trợ cho Ukraine.
Các quan chức ở Washington và Ukraine hiện đang nhức đầu trong tình huống ngân quỹ giảm so với dự kiến thì sẽ ảnh hưởng gì tới việc duy trì hoạt động của chính phủ và nền kinh tế của Ukraine, chưa nói đến nguy cơ thảm bại quân sự.
Các ngoại trưởng khối Liên Minh Châu Âu EU đã gặp nhau tại thủ đô Ukraine hôm Thứ Hai (02/10/2023), đây là một cuộc họp hiếm hoi bên ngoài lãnh địa của khối EU. Ở đó có những cam kết sát cánh với Ukraine trong tình hình viện trợ từ phía Mỹ có thể “có vấn đề”.
Bao nhiêu tiền Mỹ đã viện trợ cho Ukraine?
Mỹ đã chuyển 114 tỷ đô la cho Ukraine, kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2/2022. Đây là chi tiêu lớn nhất của Mỹ so với các các cuộc chiến trên thế giới ở nơi khác tương tự và cùng khoảng thời gian.
Vấn đề tiếp tục đầu tư cho cuộc chiến tranh này đã là nguyên nhân của sự chia rẽ trong các nhà lập pháp ở Thủ Đô Washington, thậm chí đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kiện Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ McCarthy bị bãi nhiệm – một sự kiện hiếm hoi và cũng là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.
Sự bất đồng chính kiến giữ hai Đảng trong việc viện trợ cho Ukraine
Một số nhà lập pháp cánh hữu cho rằng Mỹ nên tập trung vào giải quyết vấn đề nội bộ của Mỹ, như giải quyết khủng hoảng biên giới, khủng hoảng dân nhập cư, vấn đề an sinh xã hội, v.v… thay vì gửi tiền mãi cho một nơi xa xôi ở châu lục khác.
Nạn tham nhũng kinh niên ở nước Ukraine do thảm họa của Cộng Sản để lại cũng là một nguyên nhân dẫn đến những tiếng nói thuyết phục phản đối tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Ngay cả sau khi nguy cơ “đóng cửa chính phủ” đi qua ở Mỹ, không biết các nhà lập pháp Mỹ có thể tiếp tục duy trì tài trợ cho Ukraine được bao nhiêu?!
Bill Taylor, cựu Đại sứ tại Ukraine và hiện là Phó chủ tịch của Viện Hòa Bình Hoa Kỳ do Quốc Hội Mỹ tài trợ, cho biết: “Tôi không thấy các lựa chọn thay thế – nguồn tài trợ của Hoa Kỳ rất quan trọng cho sự sống còn của [giới chức] Ukraine”.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, hầu hết các nhà lập pháp và dân chúng đều tập trung vào viện trợ vũ khí hạng nặng, như xe tăng, máy bay trực thăng, hệ thống hỏa tiễn tối tân và hàng triệu viên đạn, tất cả đều là những thứ mà Mỹ có khả năng cung cấp duy nhất. Tuy nhiên, từ khi ông Blinken đến thăm Ukraine vào tháng 9/2022, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã bắt đầu cuộc gặp bằng việc cảm ơn ông về một nguồn viện trợ ngân sách dân sự ít được biết đến, được thanh toán qua Ngân Hàng Thế Giới (World Bank).
Ông Shmyhal nói: “Tất cả tiền lương hiện được trả ở Ukraine trong khu vực công trong năm qua, bao gồm cả các chương trình xã hội và các chương trình khác, đều được tài trợ thông qua việc này”.
Tổng cộng, chương trình “Hòa Bình” của Ngân Hàng Thế giới – tên chính thức được gọi là Chi Tiêu Công để nâng cao năng lực hành chính – đã gửi cho Ukraine 23.4 tỷ USD, trong đó 20.2 tỷ USD do Mỹ tài trợ và 2 tỷ USD từ Anh. Như vậy, chúng ta [Mỹ] đang trả tiền cho hầu hết mọi thứ ở Ukraine”.
Chính quyền Joe Biden vẫn kiên quyết với mục tiêu của họ là củng cố Ukraine về mặt tài chính cũng như quân sự.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, Matt Miller nói hôm Thứ Hai: “Họ [Ukraine]sẽ mãi mãi là hàng xóm của Nga; họ cần có nền kinh tế có thể hỗ trợ một bộ máy an ninh có thể ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong tương lai”.
Các tiếng nói phản đối mọi khoản tài trợ cho Ukraine nhìn nhận rằng đô la liên bang được chuyển cho chính phủ nước ngoài là biểu tượng của việc không đặt việc trong nước lên ưu tiên hàng đầu.
“Chúng ta đang trả tiền cho hầu hết mọi thứ” ở Ukraine, Dân biểu Đảng Cộng Hòa Georgia Marjorie Taylor Greene (MTG) nói trên X (Twitter).
Dân biểu Greene nói rằng chính quyền Biden quan tâm đến Ukraine hơn là quan tâm đến người dân Mỹ.
Tại sao Mỹ phải viện trợ mọi thứ cho Ukraine?
Mỹ phải chiến thắng Nga, và Mỹ phải tài trợ cho chính quyền hàng xóm của Nga để chống Nga, thì đó là chủ trương vô lý của thời hậu Chiến Tranh Lạnh, là nguyên nhân của chiến tranh, đã có không ít tiếng nói như vậy trong chính cộng đồng các học giả và ngoại giao Mỹ.
Cũng theo logic này, việc phương Tây gián đoạn tài trợ cho Chính phủ Ukraine có thể gây bất bình trong nước, và có khả năng gây áp lực chính trị lên Tổng thống Zelensky, người sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích lớn hơn từ các phe phái đối thủ.
Một quan chức Mỹ cho biết, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ USAID, sẽ giải quyết khoản chuyển 1.15 tỷ USD vào tháng 10/2023 thông qua chương trình của Ngân Hàng Thế Giới, nếu Ukraine cho thấy rằng họ đã chi tiêu hợp lý khoản chuyển tiền trước đó, chứ không phải phung phí hay rơi vào túi những quan chức tham nhũng.
Các khoản giải ngân trong tương lai không rõ ràng!
Một giới chức Ukraine khác cũng cho hay, sau tháng 10/2023, Chính phủ Ukraine có thể sử dụng các ngân quỹ khác sớm hơn dự định để vượt qua tháng 11 & 12/2023, nhưng nếu không có nguồn tài trợ mới, bức tranh sẽ trở nên đen tối vào năm 2024.
Các quan chức cho biết, Liên Minh Châu Âu là nhà tài trợ thậm chí còn lớn hơn Mỹ về viện trợ dân sự, và các nền kinh tế lớn như Nhật có thể tăng cường trong tình huống viện trợ của Mỹ biến mất.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ, điều mà EU không thể sánh được, xem đó là “phong vũ biểu” về khả năng tiếp tục hỗ trợ chiến tranh của phương Tây. Một khi Mỹ “có vấn đề”, thì sẽ kéo theo sự suy sụp ở các nguồn tài trợ khác.
Bức tranh kinh tế của Ukraine không hề tươi sáng vì đã mất khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội do chiến tranh gây ra, với nguồn thu thuế bị giảm khi chi tiêu quân sự lại tăng lên cao ngất ngưỡng.
International Monetary Fund (IMF) trong báo cáo gần đây nhất cho biết việc tiếp tục hỗ trợ từ bên ngoài cho tài chính của đất nước Ukraine là rất quan trọng.
Nếu nguồn tài trợ bên ngoài bị giảm, Ukraine có thể sẽ buộc phải quay lại hoạt động bán trái phiếu, bao gồm cả việc bán cho ngân hàng trung ương – về cơ bản đó là in tiền – điều này sẽ có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao hơn làm người dân Ukraine đi đến tình trạng “một cổ hai tròng” – vật giá sinh hoạt leo thang ngất ngưỡng và chết chóc vì chiến tranh.
Trong khi một số đảng viên Cộng Hòa Mỹ đã nêu lên mối lo ngại về mức độ tham nhũng ở Ukraine, do đó tiền viện trợ đi vào túi tham không đáy. Phía chính quyền TT Joe Biden của Đảng Dân chủ tìm cách bảo đảm rằng các quỹ viện trợ không bị chuyển hướng một cách không thích hợp, đưa ra các tuyên bố rằng chính quyền Ukraine đang tích cực giải quyết tệ nạn tham nhũng kinh niên này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ – Miller cho biết hôm Thứ Hai: “Chúng tôi đã chứng kiến Ukraine có hành động mạnh mẽ, bao gồm cả hành động mạnh mẽ trong vài tuần qua để giải quyết vấn đề tham nhũng”.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, Ukraine đã nhận được hơn 185 tỷ USD từ Mỹ và EU về viện trợ quân sự, nhân đạo và dân sự. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergei Marchenko, chính quyền Zelensky thậm chí còn yêu cầu nhiều hơn và mong đợi thêm 42 tỷ USD từ các nhà tài trợ quốc tế vào năm 2024.
Theo một phân tích của Politico hôm 2/10, sự ủng hộ của quốc tế dành cho Ukraine có thể đang suy yếu, khi Mỹ và EU đều công khai thừa nhận họ bắt đầu cạn kiệt vũ khí để viện trợ.
Ngoài ra, quan hệ ngoại giao yếu kém của chính quyền Ukraine cũng là một vấn đề, đặc biệt khi Slovakia và Ba Lan đang có các dấu hiệu rạn nứt, và sẽ ảnh hưởng tới viện trơ cho Ukraina.
Theo WSJ