Nga-Mỹ trước nguy cơ Chiến tranh lạnh…

Có vẻ như Nga và Mỹ đang đối đầu trong một cuộc chiến tranh lạnh. Giống như đã từng diễn ra trong quá khứ, cuộc chiến tranh lạnh này có thể biến thành xung đột vũ trang bất kỳ lúc nào.
Ba tuần trước, Nga bị cáo buộc là đã sử dụng chất độc thần kinh để ám sát cựu điệp viên người Nga, Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury, nước Anh.
Các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng Nga muốn thông qua hành động này để gửi thông điệp đến các điệp viên khác đang có ý định bỏ chạy sang các nước phương Tây. Thời điểm xẩy ra vụ việc trùng hợp đúng lúc ông Putin vừa tái đắc cử Tổng thống, tiếp tục vị trí ở đỉnh cao quyền lực lên đến 20 năm.
Các nước đã ngay lập tức gay gắt phản ứng lại vụ mưu sát. Trong hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba tuần này, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Tiếp đó, Mỹ trục xuất 60 cán bộ ngoại giao gồm 48 người đang làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Washington và 12 người tại Liên Hợp Quốc ở New York. Mỹ cũng cho đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle, Tiểu bang Washington.

Cho đến nay, 18 quốc gia châu Âu đã tiến hành trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga và Liên Minh châu Âu đã lên tiếng chỉ trích hành động của nước này. Tiếp đó, NATO cũng trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga để phản ứng lại vụ mưu sát.

NATO trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga (Ảnh: Reuters)

Theo các nhà quan sát phương Tây, từ trước đến giờ, những người đứng đầu nước Nga bảo đảm việc kiểm soát quyền lực bằng cách sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ có thực và các nguy cơ phán đoán từ nước ngoài. Và Nga sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau tác động tới các nước đối phương để củng cố quyền lực của mình.

Theo các nhà quan sát, đây là con bài chiến thuật yêu thích của ông Putin kể từ khi ông bắt đầu nắm quyền lực năm 1999. Vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal bị phương Tây xem là hành động mới nhất trong chuỗi hành động khiêu khích của chính quyền Nga.

Cuộc chiến tranh lạnh dường như đang quay trở lại. Mà có lẽ cuộc chiến đó chưa bao giờ thực sự kết thúc. Nước Nga đang ấp ủ mưu đồ gì? Các nước phương Tây, đặc biệt là tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng thế nào? Và điều gì sẽ xảy ra với hoà bình thế giới?

Nga bị cáo buộc đã can thiệp vào chiến dịch tranh cử giữa hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton – xâm nhập hệ thống email của Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ và công bố các thông tin nhạy cảm. Tiếp đó là nỗ lực xâm nhập vào các máy đếm phiếu tự động tại một số bang.

Theo tờ Washington Post, phía Nga đã thực hiện các cuộc tấn công mạng tại 19 quốc gia châu Âu. Các cơ quan tình báo Mỹ tuyên bố Nga đã cố gắng xâm nhập hệ thống mạng điện quốc gia và các cơ sở hạ tầng khác.

Tháng 03/2018, tổng thống Nga Putin tuyên bố nước này đang phát triển và hiện đại hoá vũ khí hạt nhân để đối đầu với Mỹ và Châu Âu. Nga đã thực hiện các cuôc diễn tập quân sự ở quy mô lớn dọc biên giới Đông và Trung Âu. Quốc gia này đang hiện đại hoá hệ thống xe tăng chiến đấu chủ lực để cạnh tranh với xe tăng Mỹ.

Mỹ cáo buộc Nga đã bí mật giúp đỡ Bắc Hàn “tránh né” các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Nhiều thông tin cho biết Nga đang xây dựng một cây cầu đến Bắc Hàn để tăng cường các hoạt động thương mại trái phép.

Cùng với Trung Cộng, Nga luôn là quốc gia cản trở các lệnh trừng phạt, các nỗ lực ngừng bắn và các hoạt động nhân đạo tại Hội đồng bảo an LHQ liên quan đến cuộc nội chiến tại Syria – không những thế Nga chính là đồng minh thân cận của tổng thống Syria Assad, và Iran. Nước này cũng đã xây dựng các cơ sở quân sự, cung cấp vũ khí, lính bộ binh và máy bay chiến đấu để chống lại phiến quân Syria. Năm 2017, Mỹ cáo buộc Nga đã tấn công các lực lượng quân sự của nước này tại Syria và quân đội Mỹ đã tiêu diệt tổng số 300 lính Nga tại đây.

Sau khi lấy lại Crimea và Sabastopol từ Ukraine năm 2014, Nga tiếp tục hậu thuẫn cho các hoạt động tấn công miền đông Ukraine nhằm gây bất ổn tại quốc gia này. .

Vậy động cơ gì khiến Putin không ngừng “gây hấn” với phương Tây? Có lẽ phản ứng yếu ớt của phương Tây trước hành động trước đó của Nga tại Ukraine và Crimea khiến ông Putin tin rằng Nga sẽ chẳng gặp vấn đề gì khi tiếp tục khiêu khích, chẳng hạn như can thiệp vào cuộc bầu cử của các nước phương Tây. Điều đó có thể đã đúng là như vậy.

Những hành động của Nga ở Ukraine chỉ phải đối mặt với một số trừng phạt ở mức độ vừa phải của Châu Âu và Mỹ. Ukraine đã không được nhận vũ khí nữa. Một vài ngàn lính đã được triển khai tại các nước vùng Baltic, nhưng tuyệt nhiên không có Ukraine.

Tổng thống Obama đã ra lệnh gác lại kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và Tiệp Khắc với hy vọng cải thiện mối quan hệ với Nga. Ông Obama cũng cắt giảm lực lượng quân sự xuống mức thấp nhất trong lịch sử và bắt đầu dỡ bỏ các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ. EU cũng đầu tư vô cùng ít ỏi vào quân sự khiến Nga không phải lo ngại gì về đe dọa quân sự ở khu vực này.

Động cơ lớn nhất của Tổng thống Putin phải chăng là việc ông tiếc nuối trước sự tan rã của Liên Bang Xô Viết và mong muốn đưa nước Nga trở lại vị trí cường quốc toàn cầu. Hoặc đúng hơn là ông Putin muốn thực hiện con bài để đánh lạc hướng dư luận khỏi một nền kinh tế Nga đang ì ạch thở dốc dưới những áp lực trừng phạt của EU và tình trạng giá dầu thế giới sụt giảm nghiêm trọng.

Phản ứng của chính quyền Hoa Kỳ

Trong suốt thời gian kể từ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 cho đến gần đây, ông Trump luôn bác bỏ thông tin Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Mỹ.  Người đứng đầu Tòa Bạch Ốc liên tục bác bỏ điều này kể cả sau khi các cơ quan tình báo Mỹ và các ủy ban quốc hội kết luận rằng Nga đã can thiệp bầu cử. Đồng thời, cả hai vị Tổng thống đều công khai khen ngợi lẫn nhau đến mức khiến cả người phản đối và ủng hộ ông Trump đều bất bình.

Putin và Trump (P) tại châu Âu

Năm 2016, Cơ quan điều tra liên bang Hoa Kỳ, FBI, bắt đầu điều tra việc tổ chức chiến dịch của ông Trump do nghi ngờ có sự “thông đồng” với các cơ quan chính phủ Nga nhằm làm mất uy tín của bà Hillary Clinton theo hướng có lợi cho ông Trump.

Cuộc điều tra sau đó đã đi theo hướng một cuộc điều tra tội phạm công khai với công tố viên riêng. Các cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump hiện đều đang dính vào những lùm xùm pháp lý. Mới đây, ủy ban quốc hội kết luận Nga đã cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Mỹ, tuy nhiên chiến dịch tranh cử của ông Trump không có dấu hiệu thông đồng.

Chủ nhân Tòa Bạch Ốc đã chối bỏ toàn bộ các cáo buộc này. Điều quan trọng là quá trình điều tra đã thực sự làm tê liệt chính quyền của tổng thống Trump.

Tuần trước, tên của hai ông Trump và Putin lại một lần nữa nổi bật trên trang nhất của các trang báo. Ông Trump đã gọi điện chúc mừng ông Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga. Ông Trump cũng không một lời chỉ trích ông Putin về vụ mưu sát cựu điệp viên Skripal. Người phụ trách An Ninh Quốc Gia của Tổng thống đã cảnh báo ông Trump về việc không nên chúc mừng ông Putin, mà thay vào đó cần lên tiếng về vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.

Ông Trump, vẫn đúng là ông Trump, đã hành động ngược lại. Một số nguồn tin tại Tòa Bạch Ốc tiết lộ với báo chí điều này, khiến ông chủ Tòa Bạch Ốc một lần nữa bẽ mặt.

Mặc dù đối xử với ông Putin như một người bạn lớn, các hành động của ông Trump lại ngày càng trở nên thù địch đối với nước Nga. Việc trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga do vụ mưu sát điệp viên Skripal là một hành động mạnh tay hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Tổng thống Trump đã phê chuẩn những lệnh trừng phạt ngày càng mạnh mẽ hơn đối với nước Nga. Ông còn đang dự định bán tên lửa chống tăng cho Ukraine. Ông cũng phản đối các hành động của Nga tại Syria.

Một số hành động đó là do áp lực của Quốc Hội Hoa Kỳ, bởi khá nhiều lần ông Trump không giấu được sự lưỡng lự khi phải đối mặt với ông Putin.

Ông Trump rõ ràng rất coi trọng quốc phòng, hơn hẳn so với ông Obama. Ông là người đã gây áp lực lên Quốc hội để khôi phục lại ngân sách quốc phòng sau khi nguồn này bị tổng thống tiền nhiệm Obama cắt giảm phần lớn. Ông Trump đang tiến hành hiện đại hoá quân sự và tái thiết năng lực vũ khí hạt nhân của nước Mỹ. Trong Chiến lược Quân sự quốc gia 2018, Bộ Quốc phòng đã xác định Nga là nguy cơ lớn nhất của Mỹ và các đồng minh.

Tổng thống Mỹ cũng gây áp lực lên EU về việc củng cố quân sự của khối này nhằm ngăn chặn Nga.

Kết luận

Có vẻ như Nga và Mỹ đang đối đầu trong một cuộc chiến tranh lạnh. Giống như những gì đã diễn ra trong quá khứ, cuộc chiến tranh lạnh này có thể biến thành một cuộc xung đột vũ trang vào bất kỳ lúc nào vì cả hai đối thủ đều đang là kẻ chơi một cuộc chạy đua vũ trang.

Và điều này không mang lại cho thế giới điều gì tốt đẹp nếu không muốn nói là sẽ mất đi tất cả những gì đang có.

Các sỹ quan tình báo phương Tây cho rằng ông Putin có thể đã ít nhiều không lường trước được phản ứng “đồng tâm, hiệp lực” của các quốc gia phương Tây.

Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng cường áp lực lên Nga để nước này phải dừng các hoạt động can thiệp. Như đã nói ở trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis, mới đây đã tuyên bố Nga là nguy cơ số 1 của nước Mỹ. Cách đây không lâu, tổng thống Trump đã sa thải Ngoại trưởng, Rex Tillerson, người luôn phản đối sức mạnh quân sự. Thay vào vị trí này là Giám đốc CIA, Mike Pompeo, người có quan điểm cực kỳ cứng rắn về Nga.

Điều mà thế giới không cần nhất vào lúc này là một cuộc đụng độ ý chí của các quốc gia chỉ để xem ai có thể khiến người khác phải rút lui hoặc thoả hiệp. Tình hình không có vẻ gì khả quan

Terry F. Buss, PhD

Source English:
http://soha.vn/putin-may-have-gone-too-far-in-antagonizing-the-west-20180330212414789.htm

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt