Nga-Mỹ: Sau Chiến Tranh Lạnh là cuộc chiến hỏa tiễn chống vệ tinh?

Hỏa tiễn Nga bắn vào một vệ tinh có hàng ngàn mãnh vỡ bay trong không gian

Lời người post: Báo chí châu Âu nhận xét về việc Nga phóng một hỏa tiễn lên thẳng để phá vỡ một vệ tinh cũ cách đây 20 năm. Sau đó gây hàng ngàn mãnh vỡ bay lơ lững trong thượng tầng không gian có thể gây tai nạn cho các phi thuyền đang hoạt động trong vũ trụ.

Báo Pháp hôm nay quan tâm đến vụ Matxcơva cho phóng thẳng một hỏa tiễn nhắm vào một trong những vệ tinh không hoạt động của Nga, làm văng ra quỹ đạo với vận tốc 27,400 km/giờ khoảng 1,500 mảnh vỡ có thể xác định được và vài trăm ngàn mảnh vỡ nhỏ hơn. Cả tờ Le Figaro, Libération và La Croix đều dành trang nhất, bài xã luận và hồ sơ chính với nhiều bài phân tích cho đề tài này.

“Cuộc đua đến các vì sao” và “thùng rác không gian”

“Hỏa tiễn Nga tái khởi động cuộc chiến không gian” là tựa trang nhất của Le Figaro. Tờ báo nhận định khi phá hủy vệ tinh bằng cách phóng thẳng hỏa tiễn, cho dù điều này gây nguy hiểm cho các phi hành gia trên Trạm Không Gian Quốc Tế ISS, Matxcơva đã lao vào chạy đua chiến lược với Mỹ.

Trong bài xã luận có tiêu đề “Cuộc đua đến các vì sao”, Le Figaro nhận định “Chiến tranh giữa các vì sao” không còn là một giả thuyết khoa học viễn tưởng, không gian đã trở thành một thử thách lớn về chiến lược: vừa là chiến trường vừa là biên giới mới của cuộc viễn chinh kinh tế. Nếu không có 4,000 vệ tinh đang vận hành, mọi hoạt động của con người sẽ “ngay lập tức bị nhấn chìm trong bóng tối”, từ viễn thông đến định vị GPS cho các phương tiện giao thông vận tải, từ dự báo thời tiết đến giám sát quân sự và tình báo. Trong “trò chơi của các cường quốc”, trong khi chờ đợi có được vũ khí laser, nước nào cũng muốn cho thấy có khả năng “chọc mù đối thủ bằng hỏa tiễn chống vệ tinh”.

Đối với Le Figaro, Mỹ là quốc gia đối diện nhiều nguy cơ, rủi ro nhất, bởi ẩn giấu phía sau du lịch vũ trụ, thì SpaceX, Amazon và nhiều công ty khác đang chuẩn bị phóng hàng chục ngàn vệ tinh thương mại. “Cuộc đua đến các vì sao” có thể gây ra nhiều thương tổn, vì thế mà Lực Lượng Không Gian của Mỹ được thành lập, dù là Ngũ Giác Đài còn lâu mới có thể trở thành “cảnh sát không gian” thậm chí là còn ;âu lắm mới dọn sạch được các mảnh vỡ trong không gian.

Không thể cạnh tranh với Mỹ, tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa cho thấy “năng lực gây hại”. Le Figaro nhấn mạnh là với 30,000 vật thể đang trôi nổi trong không gian, nơi đây đang trở thành một “thùng rác”, các nguy cơ va chạm tăng theo cấp số nhân. Nga vừa khiến tất cả mọi người, kể cả chính họ, gặp nguy hiểm.

Sự vô trách nhiệm của một cường quốc về không gian

Trong bài viết ở chuyên mục quốc tế “hỏa tiễn Nga tái khởi động cuộc chiến không gian”, Le Figaro cho biết với vụ thử nghiệm phóng hỏa tiễn phá hủy vệ tinh, Nga là một quốc gia có nhiều năm kinh nghiệm về khám phá vũ trụ – bị cả giới ngoại giao, quân sự và khoa học Mỹ chỉ trích là “vô trách nhiệm”, “bất cẩn”, “nguy hiểm”, “gây rối”, bởi các mảnh vỡ trôi nổi lâu dài trong thượng tầng khí quyển do vụ nổ gây ra đe dọa các vệ tinh đang hoạt động cũng như những thiết bị khác trong không gian, vốn dĩ có vai trò sống còn đối với sự an toàn, nền kinh tế và các lợi ích khoa học của mọi quốc gia trong những thập niên tới đây.

Thông điệp chiến lược của Nga?

Một câu hỏi được các chuyên viên về không gian đặt ra: Đâu là ý đồ của Matxcơva, đâu là thông điệp chiến lược mà Nga muốn phát đi? Cho dù đây không phải lần đầu tiên một cường quốc không gian thử nghiệm hỏa tiễn chống vệ tinh, nhưng đây là lần đầu tiên vụ thử nghiệm của Nga tạo ra các mảnh vỡ văng tự do và trôi nổi lâu dài trong quỹ đạo, gây nguy hiểm cho các hoạt động của con người, kể cả của Nga và Trung Cộng, trong không gian.

Le Figaro nhắc lại ba cuộc thử nghiệm hỏa tiễn chống vệ tinh gần đây nhất của Nga đều được tiến hành trước khi Matxcơva thử nghiệm một loại vũ khí khác. Hồi tháng 01/2020, vệ tinh Kosmos-2542 của Nga đã tiến đến gần một vệ tinh giám sát USA-245 của Mỹ, và Nga đã phóng một vệ tinh nhỏ mà theo Hoa Kỳ là có những đặc điểm của một loại “vũ khí không gian”, có thể va vào vệ tinh của Mỹ, điều mà tướng John Raymond, chỉ huy lực lượng không gian Mỹ từng coi là “bất thường và gây lo ngại”. 

Sự chuẩn bị cho các cuộc đối đầu trong không gian

Vẫn trong chuyên mục Quốc tế, trong bài viết “Matxcơva chau chuốt tỉ mỉ các loại vũ khí mới trên chiến trường không gian”, Le Figaro nhận định từ lâu nay Nga đã chuẩn bị cho các cuộc đụng độ trong không gian và vụ thử nghiệm mới đây cho thấy Matxcơva đã rất kiên trì nỗ lực. Vụ thử này không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về quân sự mà còn có ý nghĩa về ngoại giao. Theo nhà phân tích Igor Delanoë, tại Matxcơva, “có thể đó cũng là một yếu tố đàm phán trong khuôn khổ đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ vốn đã được khởi động trở lại kể từ hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden tại Genève, ngày 16/06, giúp ổn định cuộc đối đầu giữa Matxcơva và Washington”.

Khủng hoảng hỏa tiễn phiên bản thế kỷ 21

Nhìn sang Libération, tờ báo chạy tựa trang nhất “Không gian: Cuộc đua quỹ đạo”. Trong bài viết “Nga cho thấy các hiệu ứng không gian”, Libération coi vụ thử nghiệm hỏa tiễn chống vệ tinh là “sự phô trương sức mạnh của Nga” và trong tình hình hiện nay, “cuộc đấu chiến lược” với Mỹ được Nga đặt lên trên sự an toàn của người dân và phi hành gia của chính nước này.

Còn đối với cây viết xã luận Laurent Provost của Libération, cuộc khủng hoảng hỏa tiễn, phiên bản thế kỷ 21, sẽ không diễn ra ở Cuba, mà là trên không gian. Dường như sau chiến tranh lạnh, nay đã đến lúc nổ ra chiến tranh giữa các vì sao.

Điềm báo căng thẳng gia tăng

Trong khi đó, trong bài viết “Liệu có phải không gian trở thành chiến trường mới của các siêu cường về hỏa tiễn chống vệ tinh?”, báo Công Giáo La Croix nhấn mạnh sự phô trương lực lượng của Matxcơva không phải là vô cớ trong tình hình căng thẳng giữa Nga và Tây phương về xung đột Ukraina gia tăng mạnh.

La Croix dẫn lời ông Xavier Pasco, giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS, theo đó việc phá hủy một vệ tinh vốn không hoạt động không phải là điều khẩn cấp, mà đây là “một hành động khẳng định sức mạnh, một tín hiệu chính trị, một điềm báo là các căng thẳng sẽ gia tăng”.

Theo Thùy Dương RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt