Nga muốn gia tăng bán vũ khí cho Miến Điện và Việt Nam
Cộng sản Việt Nam đã bảy thập niên làm tôi cho Liên Bang Xô Viết đã đưa dân tộc Việt Nam vào thảm họa hôm nay. Liên Xô đã từ bỏ con đường cộng sản và bỏ rơi đàn em bơ vơ làm kẻ ăn xin các quốc gia trên thế giới. Nước Nga từ bỏ cộng sản làm nghề bán súng đạn để phát triển thời hậu cộng sản. Một gã lái súng, luôn luôn chủ trương hoặc xúi dục chiến tranh… tại sao lẻo đẻo theo Nga hoài ?!
Từ ngày 02 đến 05/03/2013, bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergueï Shoigu công du Miến Điện và Việt Nam. Việc Matxcơva quan tâm trở lại khu vực Đông Nam Á có mục tiêu chính là thúc đẩy các nước trong khu vực, cụ thể là Miến Điện và Việt Nam, gia tăng mua vũ khí của Nga.
Trong tài liệu gửi truyền thông quốc tế, ngày hôm qua, 05/03, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, cho biết một số nhận định về hoạt động ngoại giao này.
– Ông đánh giá thế nào về các chuyến thăm Miến Điện và Việt Nam của bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ?
Chuyến công du của bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu là một sự kiện quan trọng thể hiện việc Nga quan tâm trở lại khu vực Đông Nam Á. Cần phải nhắc lại là khi Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (gọi tắt ADMM+), hồi tháng 10/2010, bộ trưởng Quốc phòng Nga thời đó không tham dự hội nghị này. Ông cử cấp phó sang. Ông Shoigu trở thành bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 11/2012 sau Hội nghị ADMM.
Mục đích chính chuyến viếng thăm của ông Shoigu là khuyến khích Miến Điện và Việt Nam mua vũ khí nhiều hơn nữa. Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Nga. Từ năm 2008, Việt Nam đã đặt mua các khu trục tàng hình, tàu ngầm quy ước lớp Kilo, các hệ thống tên lửa phòng thủ duyên hải, 20 máy bay tiêm kích SU – 30MK và các hệ thống khí tài cho những cơ sở này. Theo một số nguồn tin, hai bộ trưởng Quốc phòng đã thảo luận về tình hình hiện nay của các loại vũ khí sẽ được giao cho Việt Nam, cũng như những đơn đặt hàng trong tương lai, bao gồm việc mua 24 máy bay tiêm kích SU-30MK2, các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cải tiến, trực thăng quân sự và 2 khu trục tàng hình Gepard.
– Các cuộc thảo luận giữa bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Nga có nói đến khả năng hạm đội Thái Bình Dương của Nga quay trở lại cảng Cam Ranh. Philippines đã công khai kêu gọi Hoa Kỳ giúp đỡ giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Hiện nay, Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc phòng với Nga. Với sự can dự của Mỹ và Nga, như là đối trọng với Trung Quốc, liệu có thể nói rằng việc Nga quay trở lại Cam Ranh là một buớc ngoặt trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ?
Trong năm 2010, Việt Nam đã đề nghị Nga hỗ trợ nâng cấp các thiết bị hải quân ở Vịnh Cam Ranh, chủ yếu để phục vụ cho các tàu ngầm lớp Kilo khi chúng được giao cho Việt Nam. Các quan chức cao cấp của Việt Nam lưu ý là Nga có thể được đối xử ưu đãi do có quy chế là đối tác chiến lược của Việt Nam. Tháng 07/2012, quan hệ song phương đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện một phần do hợp tác quốc phòng chặt chẽ thông qua việc gia tăng các vụ mua bán vũ khí.
Kể từ khi Nga rút khỏi Vịnh Cam Ranh năm 2000, Việt Nam đã liên tục duy trì chính sách “ba không”. Ví dụ, Sách Trắng về Quốc phòng 2004 của Việt Nam viết: “Việt Nam luôn luôn chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Việt Nam sẽ không bao giờ tham gia bất kỳ một hoạt động quân sự nào sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vụ lực chống lại nước khác…”. Chính sách “ba không” này được nhắc lại trong Sách Trắng về Quốc phòng năm 2009: “Việt Nam luôn chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không cho nước khác đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành các hoạt động quân sự chống lại nước khác”.
Không có khả năng Hạm đội của Nga được phép lập căn cứ tại Vịnh Cam Ranh. Nhân viên hải quân và các tàu hỗ trợ của Nga sẽ được phép nâng cấp những cơ sở hải quân tại Cam Ranh. Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rằng các cơ sở sửa chữa mang tính thương mại tại Cam Ranh mở cửa đối với tất cả các nước. Hoa Kỳ đã sử dụng các cơ sở này để sửa chữa các tàu không có vũ trang. Nga cũng có thể làm như vậy.
Các tàu chiến của Nga, cũng như tàu hải quân Trung Quốc, đã ghé các cảng của Việt Nam, trên đường trở về sau khi thực hiện các nhiệm vụ chống hải tặc ở Vịnh Aden. Cho đến lúc này, Việt Nam không mở cửa Vịnh Cam Ranh đón tiếp các chuyến viếng thăm của hải quân các nuớc.
Nếu tàu chiến Nga quay trở lại vùng biển Đông Nam Á với một số lượng lớn, chúng không nhằm kiềm chế Trung Quốc. Cũng như các cường quốc hàng hải khác, Nga có lợi ích trong việc bảo đảm tự do lưu thông hàng hải. Nga sẽ có phản ứng trước bất kỳ thách thức nào đe dọa quyền tự do này, giống như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ đã làm, qua việc khẳng định các quyền của Nga chiểu theo luật pháp quốc tế.
– Miến Điện vừa mở cho nước ngoài. Cho đến nay, Nga ít hiện diện tại nước Đông Nam Á này. Ông nghĩ gì về chuyến thăm Miến Điện của bộ trưởng Quốc phòng Nga ?
Miến Điện vẫn còn bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cấm vận vũ khí. Từ năm 2008, Nga đã bán trực thăng chiến đấu và vận tải, máy bay tiêm kích và các tên lửa không đối không. Trung Quốc và Ấn Độ là những đối thủ cạnh tranh trong việc bán vũ khí cho Miến Điện. Chuyến công du của bộ trưởng Quốc phòng Nga nhằm xác định nhu cầu thiết bị quân sự trong tương lai của Miến Điện và khuyến khích nước này mua vũ khí và thiết bị nhiều hơn của Nga.
– Ông dự báo thế nào về sự phát triển của khu vực trong tương lai gần, sau khi Nga quay lại Cam Ranh, đặc biệt là liên quan đến Biển Đông ? Trung Quốc sẽ có phản ứng ra sao ?
Theo đánh giá của tôi, Nga không tìm kiếm có một căn cứ quân sự thường trực tại Vịnh Cam Ranh để mở rộng ảnh hưởng của mình ở Biển Đông. Nga cũng không tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Ít có khả năng Việt Nam thay đổi chính sách “ba không” được áp dụng từ lâu nay.
Nga bán vũ khí cho cả Trung Quốc và Việt Nam, ví dụ như máy bay tiêm kích SU-30MK và tàu ngầm lớp Kilo. Về mặt công khai, các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng việc bán vũ khí là công việc nội bộ của các nước liên quan. Trong các cuộc gặp riêng, các quan chức quốc phòng Trung Quốc hiểu được rằng việc Nga bán vũ khí cho Việt Nam làm tăng khả năng tự vệ của nước này. Theo giới chuyên gia về an ninh, Việt Nam đang phát triển chiến lược “chống tiếp cận / ngăn chặn khu vực” theo như cách mà Trung Quốc đang triển khai để chống Mỹ. Trung Quốc sẽ phải dè chừng một khi lực lượng hải quân Việt Nam tiếp nhận cả sáu tàu ngầm lớp Kilo và bắt đầu các hoạt động ngầm ở dưới Biển Đông.
Có những vấn đề trong quan hệ mua bán vũ khí Nga-Trung, bởi vì Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ của Nga và ứng dụng vào hệ thống vũ khí của Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc Nga hạn chế bán vũ khí cho Trung Quốc. Bắc Kinh có ít ảnh hưởng trong lĩnh vực này bởi vì Trung Quốc cần công nghệ quân sự tân tiến nhất của Nga.
Tin RFI 5/3/2013