Nga khủng hoảng tài chính khi bị Mỹ và Tây Phương trừng phạt
Hôm nay, thứ Hai ngày 28/02 Nga đã cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính khi nền kinh tế của Nga bị suy sụp nhanh chóng bởi một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ và Phương Tây vào thứ Bảy tuần trước.
Putin triệu tập các cố vấn cao cấp mình để thảo luận cuộc khủng hoảng tài chánh, khi đồng tiền Nga (Rúp) giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng Đôla Mỹ. Ngân Hàng Trung Ương Nga tăng gấp đôi lãi suất lên 20%, và thị trường chứng khoán Moscow đóng cửa trong ngày hôm nay.
Các công ty nhỏ ở châu Âu phụ thuộc vào những ngân hàng lớn của Nga đang trên bờ vực phá sản, những người gửi tiền tiết kiệm đổ xô nhau đi rút tiền ra khỏi ngân hàng ở Nga. Các nhà kinh tế cảnh báo nền kinh tế Nga có thể suy sụp trầm trọng trong những ngày tới.
Theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (ET) vào lúc 6 giờ sáng thứ Hai (28/02) Đồng Rúp của Nga đã mất giá khoảng 20% so với đồng Đôla Mỹ. Theo một tuyên bố từ Ngân Hàng Trung Ương Nga, việc bắt đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán Nga đã bị trì hoãn và sau đó bị hủy bỏ hoàn toàn.
Đợt trừng phạt mới nhất diễn ra vào chiều thứ Bảy vừa qua, khi Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada cho biết họ sẽ trục xuất ngân hàng Nga khỏi SWIFT, đã làm “tê liệt” tài chánh của Ngân Hàng Trung Ương Nga.
Ông Liam Peach, chuyên viên kinh tế thị trường tại Capital Economics ở Anh viết: “Việc áp dụng các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây vào cuối tuần qua đã khiến các ngân hàng Nga đứng trước vực thẳm”.
Nguồn dự trữ của Nga bị đóng băng
Putin đã dành 8 năm để chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt cứng rắn từ Tây Phương bằng cách xây dựng kho dự trữ ngoại hối quốc tế, bao gồm tiền và vàng trị giá 630 tỷ USD, nhưng tài chính đó hiện đã bị đóng băng, và nền kinh tế mà Putin cho là “pháo đài” kinh tế của ông ta bị trọng thương nằm sống soài bất động chưa từng thấy.
Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen tuyên bố hôm Chủ nhật 27/02 rằng “Chúng tôi [Mỹ và đồng minh châu Âu] sẽ … cấm các giao dịch của Ngân Hàng Trung Ương Nga và đóng băng tất cả tài sản của ngân hàng này, để ngăn ngân hàng này tài trợ cho cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Putin”.
Chính quyền Hoa Kỳ cho biết đã cấm các giao dịch bằng Đôla Mỹ với Ngân Hàng Trung Ương Nga nhằm ngăn chặn tiếp cận “quỹ dự trữ của Nga”.
Mỹ tuyên bố “Chiến lược của chúng tôi, nói một cách đơn giản, là bảo đảm rằng nền kinh tế Nga sẽ bị đi thụt lùi chừng nào Putin quyết định tiến tới xâm lược Ukraine”.
“Các trừng phạt tài chính đối với nền kinh tế Nga đã tác dụng nhất định”, Ngân Hàng Trung Ương Nga cho biết. “Quỹ dự trữ là cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân khỏi bị mất”. Nhưng trừng phạt của Tây Phương làm mất phương hướng đó tại Nga hiện nay.
“Do tình hình hiện tại, Ngân hàng Trung Ương Nga đã quyết định không mở thị trường chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán của Moscow ngày hôm nay”. Họ tuyên bố sẽ cung cấp bản cập nhật về giao dịch cổ phiếu vào lúc 9 giờ sáng theo giờ địa phương Nga (tức 1 giờ sáng theo giờ ET) vào thứ Ba.
Nga là nước xuất khẩu xăng dầu và khí đốt hàng đầu thế giới, nhưng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế nước Nga phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Khi giá trị của đồng Rúp giảm, chúng sẽ làm cho hàng nhập khẩu tăng giá kéo theo lạm phát lên cao. Còn về xuất khẩu, loại trừ một số ngân hàng khỏi hệ thống an toàn SWIFT sẽ khiến họ khó bán hàng xuất khẩu.
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng hôm nay TT Putin sẽ gặp Thủ tướng, Bộ Trưởng Tài Chính, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Nga và người đứng đầu ngân hàng cho vay Nga Sberbank để thảo luận về “các vấn đề kinh tế” đang xẩy ra tại Nga.
Dmitry Peskov chống chế rằng: “Trong một thời gian dài, Nga đã chuẩn bị một cách bài bản cho trường hợp có thể xảy ra để đối phó với các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt”. “Vì vậy, có các kế hoạch ứng phó, và chúng đang được thực hiện ngay bây giờ khi có vấn đề phát sinh”. Để xem thử Putin chịu đến mức nào?
Sự phá sản của các ngân hàng Nga.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng hỗn loạn có thể dẫn đến sự phá sản của các ngân hàng Nga, khi những người dân Nga giữ tiền mặt trong túi cho chắc chắn so với gửi tiết kiệm ở ngân hàng sẽ gặp nhiều rủi ro.
Michael Hewson, chủ tịch công ty phân tích thị trường CMC (Currency Management Corporation) tại Anh, cho biết “Các sự kiện diễn ra vào thứ Bảy vừa rồi đồng nghĩa là 7 cường quốc kinh tế khối G7 không thể mua đồng Rúp của Nga, khiến đồng Rúp sẽ rơi vào trạng thái “rơi tự do”, và kết quả cuối cùng là chúng ta có thể thấy một cơn lạm phát lớn kéo dài đang chờ đợi tại Nga”.
Ông nói thêm: “Một cuộc chạy đua đối với các ngân hàng Nga trong nước dường như đã bắt đầu, vì những người Nga bình thường lo sợ rằng thẻ tín dụng của họ có thể không còn hoạt động nữa, chen nhau đi rút tiên ở Ngân hàng”
Lê Hoành Sơn biên dịch
Nguồn
https://www.cnn.com/2022/02/28/business/russia-ruble-banks-sanctions/index.html