Nga đang làm suy yếu Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Bất chấp tất cả những lời thổi phồng xung quanh việc mở rộng hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Moskva, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung sẽ phát triển thành quan hệ liên minh chính thức toàn diện.
Các cuộc tập trận hải quân chung mới đây giữa Nga và Trung Cộng trên biển Baltic làm dấy lên hồi chuông báo động lớn đối với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lời thổi phồng xung quanh việc mở rộng hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Moskva, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga-Trung sẽ phát triển thành quan hệ liên minh chính thức toàn diện. Toshi Yoshihara, học giả cao cấp tại Trung Tâm Lượng Giá Chiến Lược và Ngân Sách, phát biểu với tờ Asia Times: “Các cuộc tập trận quân sự Nga-Trung nhằm mục đích đưa ra tín hiệu chính trị, dù năng lực hải quân Trung Cộng sẽ gia tăng trong lúc Bắc Kinh duy trì sự hiện diện thường trực tại Ấn Độ Dương”.
Trong chuyến thăm Phần Lan ngày 27/7, trùng thời điểm kết thúc các cuộc tập trận trên biển Baltic, Tổng thống Nga Putin nói rằng các cuộc tập trận quân sự Nga-Trung không nhằm vào một nước thứ ba nào, đồng thời nhấn mạnh rằng Moskva và Bắc Kinh không thiết lập các khối quân sự hay liên minh quân sự. Ông Putin đã đúng, dù một số người có thể cho rằng ông chỉ đơn giản đưa ra những lời nói “tẻ nhạt”. Trung Cộng và Nga không phải đồng minh, và bằng chứng rõ ràng nhất của điều này đó là việc Moskva bán vũ khí cho các đối thủ của Bắc Kinh ở châu Á.
Thị trường vũ khí trên Biển Đông
Một số quốc gia đang có chủ quyền chống xâm lấn của Bắc Kinh trên Biển Đông là các khách hàng quan trọng mua vũ khí từ Nga. Trong số đó, tính đến nay, Việt Nam là khách hàng lớn nhất mua vũ khí sản xuất tại Nga. Tháng 1/2017, hải quân Việt Nam đã hoàn tất việc đưa 6 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo, được thiết kế để hoạt động tại vùng biển cạn nhằm đối phó với kẻ thù trên mặt nước và các tàu hải giám hoạt động ngầm. Việt Nam cũng cho biết sẽ khai triển hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P của Nga.
Dự khiến Nga sẽ chuyển giao thêm 2 tàu khu trục lớp Gepard tới Việt Nam vào cuối năm nay. Nga đã cung cấp cho lực lượng hải quân Việt Nam các tàu khu trục lớp Svetlyak tốc độ cao và tàu hộ tống lớp Tarantul. Tháng 7/2017, Việt Nam đã đặt mua 64 xe tăng chiến đấu T-90 của Nga và thảo luận với Moskva về khả năng mua 4 hệ thống phòng thủ hoả tiễn Triumf S-400. Nga cũng đề xuất bán cho Việt Nam các máy bay chiến đấu MiG-35 để thay thế hạm đội máy bay MiG-21 ngừng hoạt động.
Malaysia, Philippines và Indonesia cũng đang tăng cường quan hệ quân sự với Nga. Tháng 7/2017, Moskva đã ký kết một thỏa thuận với Kuala Lumpur nhằm hiện đại hóa hạm đội máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất vốn đang phục vụ trong không quân Malaysia.
Về phần mình, Philippines không phải là quốc gia tiếp nhận các vũ khí quân sự của Nga nhưng đang tìm kiếm khoản vay từ Điện Kremlin để mua các hệ thống này trong tương lai gần. Theo tin tức truyền thông, tháng 5/2017, trong chuyến thăm Moskva của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chính phủ Nga dường như đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Manila và kêu gọi đối tác Đông Nam Á này đệ trình danh sách vũ khí mong muốn.
Trái ngược với Malaysia và Philippines, Indonesia nhìn chung không gây nhiều sự chú ý ở Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng ở các vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia và các quyền đánh bắt cá liên quan trong khu vực là nguyên nhân khiến Jakarta lo ngại. Indonesia phần nào đang hướng về phía Nga để thúc đẩy khả năng phòng thủ của họ. Đặc biệt, quốc gia Đông Nam Á này sẽ mua 11 máy bay chiến đấu Su-35 và có thể là tàu ngầm điện-diesel lớp Varshavyanka.
Cung cấp vũ khí cho Ấn Độ
Ấn Độ hiện vẫn là thị trường hàng đầu của các vũ khí được sản xuất tại Nga trong lúc căng thẳng đang gia tăng giữa New Delhi và Bắc Kinh tại Himalaya. Hai cường quốc châu Á đang đối đầu dọc đường biên giới chia tách bang Sikkim của Ấn Độ và Cao nguyên Doklam – khu vực do Trung Cộng kiểm soát nhưng được Bhutan tuyên bố chủ quyền.
Ấn Độ đã bắt đầu đàm phán để mua 5 pháo đội S-400 năm 2016. New Delhi cũng đang trong giai đoạn đàm phán với Moskva về việc mua 4 tàu khu trục lớp Grigorovich và sẽ cùng sản xuất các máy bay trực thăng Kamov-226T với Nga. Tháng 7/2017, tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS tại Moskva, Giám đốc Công ty vũ khí Rostec, ông Sergey Chemezov, phát biểu với truyền thông Ấn Độ rằng hợp tác giữa Ấn Độ và Nga về máy bay chiến đấu T-50 PAK FA thế hệ thứ 5 đang được thúc đẩy, dù hai bên đang bất đồng về các bộ phận cấu thành chính như động cơ máy bay.
Thêm vào đó, Nga đã sẵn sàng cho Ấn Độ thuê tàu ngầm nguyên tử lớp Akula thứ hai và đang đàm phán về việc bán 48 máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-17 cho Không quân Ấn Độ. Hợp tác quân sự Nga-Ấn cũng tập trung vào việc cùng phát triển các hệ thống vũ khí tối tân như hoả tiễn siêu âm BrahMos. New Delhi đang phát triển phiên bản BrahMos-A được phóng từ trên không, được thiết kế để lắp vào máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MKI. Nga và Ấn Độ sẽ bắt đầu tiếp thị và bán các hoả tiễn hành trình BrahMos ở nước thứ ba. Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đang được cho là các khách hàng có khả năng mua hoả tiễn BrahMos ở Đông Nam Á.
Sự hợp tác “tình cờ” Nga-Mỹ
Ác cảm chung đối với Mỹ vì sự can thiệp của nước này vào cái mà Nga và Trung Cộng cho là lĩnh vực địa chính trị của riêng họ – không gian Xô Viết đối với Moskva và khu vực Biển Đông đối với Bắc Kinh – giúp duy trì quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung. Trung Cộng đang tận dụng mọi điều tốt đẹp nhất trong tình huống khó khăn. Họ có thể cho rằng việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ và các nước Đông Nam Á không làm thay đổi cán cân quân sự ở Himalaya và Biển Đông ở thời điểm hiện tại. Về bản chất, Điện Kremlin cũng sử dụng lý lẽ tương tự để biện minh cho việc chuyển vũ khí cho các nước đang đối đầu với Bắc Kinh. Do vậy, Trung Cộng đang ấp ủ các tính toán chiến thuật hơn là tính toán chiến lược.
Tuy nhiên, đây có thể là một sai lầm của Bắc Kinh. Quan hệ giữa Moskva và Washington đã tụt xuống mức thấp, nhưng trong cuộc cạnh tranh để giành lấy các đơn đặt hàng vũ khí của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, hai cường quốc này đều góp phần làm suy yếu vị thế của Trung Cộng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Điều nghịch lý ở đây là Mỹ và Nga đã trở thành “các đối tác bán hàng” cho các kẻ thù tiềm tàng của Bắc Kinh. Việc Malaysia mới đây điều chỉnh máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 để thả bom laser của Mỹ là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự hợp tác “tình cờ” của Nga và Mỹ.
Emanuele Scimia là phóng viên và nhà phân tích chính sách. Bài viết đăng trên trang “Asia Times”.
Vũ Hiền (gt)