Ngực Không Ðỏ, Cỏ Chẳng Xanh, Danh Đen Sì

Yến Sơn, tác giả bài Ngực Không Đỏ, Cỏ Chẳng Xanh, Danh Đen Sì nói lên sự thực anh hùng Ngô Văn Lấy của Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc. Đảng Cộng Sản tuyên xưng anh hùng Nguyễn Văn Trổi, Nguyễn Văn Bé, Lê Văn Tám……..chắc là những loại anh hùng như Ngô Văn Lấy. Tiếp xúc với nhà văn Yến Sơn, anh cho biết chuyện “Ngực Không Đỏ, Cỏ Chẳng Xanh, Danh Đen Sì” mà tác giả viết lên đó là hoàn toàn sự thật.

Hè 1967: Nhân Vật Ðiển Hình Xuất Hiện


Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt. Thỉnh thoảng tiếng còi báo động lại rú lên, từng tốp máy bay Mỹ quần lượn trên trời, tiếng bom nổ ì ầm đó đây.
Cũng như mọi người trong các cơ quan, Trần Bình- Trưởng ban Tuyên huấn và Thông tin huyện – cứ phải chạy đi chạy lại như con thoi từ phòng làm việc đến căn hầm chữ A phía sau nhà. Lại thêm cái nóng tháng Sáu “chết cả cá cờ” hầm hập, bí bức quây lấy khu nhà gạch lợp tôn nơi phòng làm việc làm cho Trần Bình khó chịu vô cùng. Cứ mỗi lần tiếng còi báo tạm yên vang lên là anh lại có mặt ngay bàn làm việc, hì hục lục lọi đống hồ sơ giấy tờ. Nhưng cái anh cần vẫn không thấy đâu.

Mồ hôi chảy ròng ròng như suối, anh vò đầu bứt tai đi đi lại lại trong căn phòng nhỏ nóng như nung. Ðối với anh lúc này, máy bay Mỹ anh không để ý, anh chỉ chạy xuống hầm theo quán tính khi còi báo động vang lên, còn cái nóng bức, anh cũng chẳng bận tâm cho lắm. Mà nỗi khổ nhất của anh bây giờ là cái nhiệm vụ được giao “tối quan trọng, vô cùng cấp bách” có nguy cơ không hoàn thành. Tuần trước, trong cuộc họp các Trưởng ban đầu ngành trong huyện, Huyện đội trưởng nét mặt nghiêm trọng thông báo rằng tình hình tuyển quân đợt một trong năm nay rất khó khăn, lệnh tổng động viên đã được ban hành, các chỉ tiêu đã đưa xuống các xã nhưng kết quả không mấy khả quan. Không những thế, lác đác một số nơi còn xảy ra hiện tượng trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Tình hình này cứ tiếp diễn thì con số nhập ngũ như huyện nhà đã hứa với cấp trên khó mà đạt được.

Nghe vậy, Chủ tịch huyện Lê Hoàng, với cái giọng đanh thép vốn có, giao gấp cho Ban Tuyên huấn và Thông tin huyện mà Trần Bình là Trưởng ban phải tìm ngay một “nhân vật điển hình” để khuấy động phong trào nhập ngũ, tòng quân, chi viện cho tuyến lửa miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm giành lá cờ đầu về con số tòng quân trong toàn tỉnh.

Ngay hôm sau cuộc họp, anh và các đồng nghiệp tiến hành ngay công việc, mỗi người được phân công đi một ngả xuống các làng, xã tìm kiếm, rồi lại trở về, sang huyện đội ôm một đống giấy tờ, hồ sơ về lục soát mà vẫn không thấy mặt “nhân vật điển hình” ở đâu.

Ðang trầm tư suy nghĩ, bỗng có tiếng xích, líp của xe đạp Thống Nhất lanh tanh bên ngoài, Trần Bình nhìn ra, bắt gặp ngay Huyện đội trưởng Văn Thanh với nét mặt hân hoan, nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt đẫm mồ hôi, phăng phăng dắt xe đạp tiến vào:

– Chào đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn và Thông tin! Chắc đang bận tâm lắm hả? Tôi có món quà quý mang đến cho đồng chí đây!
– À! Xin chào đồng chí Văn Thanh! Mời đồng chí vào đây, có món quà gì đấy?
Không kịp ngồi xuống ghế, quai túi dết vẫn còn khoác trên vai, Huyện đội trưởng hai tay đã thoăn thoắt mở bung miệng túi, rút ra một tập hồ sơ giấy tờ, để nhanh xuống trước mặt Trần Bình:
– Ðồng chí khỏi phải tìm kiếm nữa, nó đây rồi! Tôi vừa nhận được sáng nay, đã nghiên cứu kỹ và mang ngay cho đồng chí, để các đồng chí tiến hành công việc cho sớm. Ðồng chí có thể xem qua, xong chúng ta làm việc, rồi tôi phải mang hồ sơ này về đưa vào tủ lưu trữ, không thể cho các đồng chí mượn lâu được.
Như người chết đuối vớ được cọc, mắt Trần Bình sáng lên nhìn hau háu vào đống hồ sơ, miệng hỏi dồn:
– Ai vậy? ở xã nào? Ðộng cơ tòng quân ra sao?
Văn Thanh đắc chí nói to:
– Ðó là Ngô Văn Lấy, người làng Ðông Thái, xã Vạn An, 25 tuổi, thành phần bần nông có nguồn gốc cách mạng, bố có tinh thần yêu nước tham gia phong trào kháng Pháp, bị địch bắt và đã chết trong nhà tù đế quốc thực dân. Nay anh Lấy đã viết đơn bằng máu, xung phong nhập ngũ đánh đuổi đế quốc để trả thù cho bố.
Trần Bình như mở cờ trong bụng, chộp ngay tờ đơn viết bằng máu của Ngô Văn Lấy xem ngấu nghiến như nuốt từng chữ một.
Xem xong lần thứ hai, bỗng Trần Bình ngẩng lên:
– Thế đồng chí có tin chắc đây là máu thật không, hay bằng mực đỏ đấy?
– Ðồng chí yên tâm! Trước khi đến đây, tôi đã mang xuống bệnh viện nhờ xét nghiệm rồi. Bác sĩ cho biết đúng là máu thật. Trần Bình cười hả hê:
– Thật là tuyệt vời! Nào, chúng ta làm việc đi!
Hai người chăm chú làm việc, đọc đọc, ghi ghi. Sau nửa tiếng đồng hồ, công việc xong xuôi. Văn Thanh thu dọn giấy tờ cho vào túi dết, đứng dậy bắt tay Trần Bình:
– Thôi nhé, tôi về! Chúc đồng chí sớm hoàn thành nhiệm vụ.
Còn lại một mình, Trần Bình khoan thai châm một điếu thuốc cuốn “con gà”, trong lòng lâng lâng vui sướng khó tả. Bất giác anh hát vang: “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”. Tiếng còi báo động lại rú lên, tiếng máy bay phản lực Mỹ gào thét trên bầu trời nhưng Trần Bình hình như không nghe thấy, anh vẫn đi đi lại lại trong căn phòng nóng bức, hát mãi cho thoả mãn niềm vui của mình.

* * *

Hỡi toàn thể đồng bào!!!


– Học tập tinh thần anh Ngô Văn Lấy! Anh Ngô Văn Lấy làng Ðông Thái, xã Vạn An huyện ta đã viết đơn bằng máu của chính mình, tình nguyện tòng quân lên đường vào Nam chiến đấu tiêu diệt giặc Mỹ xâm lược để trả thù cho bố. Bố anh ấy đi hoạt động cách mạng đã chết trong nhà tù đế quốc thực dân. Hỡi các chàng trai, cô gái toàn huyện ta, hãy học tập tinh thần anh Ngô Văn L..ấ..y!!! Một xanh cỏ, hai đỏ ngực!

Tinh thần Ngô Văn Lấy muôn năm!!!

Lời hiệu triệu được phát ra liên hồi từ chiếc loa phóng thanh cực mạnh, gắn trên lưng chiếc xe com-măng-ca, nguyên là tài sản duy nhất của huyện đội, chạy len lỏi theo những con đường đất, hết xã này sang xã khác, bụi đất bốc lên mù mịt phía sau xe. Tiếng loa oang oang vang động khắp làng trên, xóm dưới. Trong xe, ngoài anh tài xế, Trưởng ban Tuyên huấn và Thông tin Trần Bình và một nhân viên nữa ngồi phía sau, thay phiên nhau đọc lời hiệu triệu đến khản cả cổ, mồ hôi hai người vã ra như tắm mà vẫn say sưa như không có chuyện gì xảy ra. Cứ mỗi lần đến đầu làng hay xóm nhỏ, Trần Bình lại ra hiệu cho anh tài xế lái xe chậm lại, quay loa tứ phía đọc to.

Lâu lắm mới có xe ô-tô về làng, trẻ con hàng đoàn người trần, chân đất, quần áo tả tơi hò hét vang trời chạy bám theo chiếc com-măng-ca. Xe chạy đến làng nào là làng ấy huyên náo chẳng khác gì Trạng về làng “vinh quy bái tổ” ngày xưa.

Ngay lập tức, cái tên Ngô Văn Lấy nổi danh khắp làng, tuy rằng rất nhiều người chẳng biết mặt mũi Ngô Văn Lấy ra sao ? Dân tình xôn xao bàn tán. Ðây là chuyện mới lạ. Lịch sử ở cái huyện miền núi nửa trung du này chưa bao giờ có một tên tuổi được cơ quan huyện nêu danh sáng giá như vậy. Mà được tuyên dương là phải. Bởi vì vào thời buổi chiến tranh ác liệt này, chuyện đi B (vào Nam chiến đấu) là đi vào cõi chết một đi không trở về. Ða số thanh niên trai tráng trốn không được mới đành chấp nhận liều thân đi B. Thế mà Ngô Văn Lấy lại xung phong vào Nam chiến đấu, lại còn thêm chuyện viết đơn bằng máu mình nữa, ai nghe thấy cũng thán phục. Ngay như huyện dành hẳn xe ô-tô cho việc này đã là hiếm thấy. Cả huyện chỉ có hai chiếc xe ô-tô con. Một dành cho Uỷ ban, một cho huyện đội. Vậy mà huyện đội dám hy sinh tài sản quý giá đó, quả là việc này quan trọng đến mức nào!

Sau khi đã thông báo được quá nửa các làng xã trong huyện, chiếc com-măng-ca theo con đường đất đỏ lỗ chỗ ổ gà, ổ voi tiến vào xã Vạn An, nhắm thẳng hướng làng Ðông Thái, quê hương nhân vật điển hình Ngô Văn Lấy đang nổi danh.

Ðang giữa vụ mùa, toàn thể bà con xã viên làng Ðông Thái đang trần lưng, hì hục cày cấy lúa Hè-Thu, nhấp nhô nón mũ. Ngô Văn Lấy cùng tổ “giải phóng đất” bì bõm lội bùn, tay cày tay roi theo trâu cày ruộng. Tiếng roi quất đen đét, tiếng hò hét đuổi thúc trâu vang lên om sòm. Vừa lúc đó, chiếc com-măng-ca xuất hiện nơi con đường vòng sát bên cánh đồng từ từ bò đến.

Mọi người đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra, bỗng cái loa trên nóc xe quay tít, rồi một giọng nói hùng hồn phát ra:
– Bà con Ðông Thái nghe đây! Thật vinh dự cho xã nhà. Anh Ngô Văn Lấy là người con của làng Ðông Thái ta đã viết đơn bằng máu tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu đánh Mỹ xâm lược. Ðây là nhân vật điển hình duy nhất của cả huyện ta, là tấm gương sáng ngời đáng phải học tập. Tình thần Ngô Văn Lấy muôn năm! Học tập tinh thần anh Ngô Văn Lấy!!!

Sau giây phút sững sờ, tất cả mọi người bỏ mặc công việc, nhảy cẫng lên vỗ tay hò reo như sấm dậy. Thế rồi mọi người đổ xô lại vây quanh Ngô Văn Lấy, lúc đó đã buông trâu cày, đứng bên bờ ruộng ngây phỗng, không biết đang vui hay buồn. Họ bế phốc Ngô Văn Lấy tung lên hò reo vang trời.

– Ôi Lấy! Lấy dũng cảm quá! Sáng giá quá! Lấy muôn năm… muôn năm…!
Nhìn cảnh tượng đó, Trần Bình thật hài lòng, anh ra hiệu cho anh xế dừng hẳn xe, lau mồ hôi, sắp xếp lại giấy tờ, rồi lấy hơi đọc tiếp.

Trên cánh đồng, mọi người vẫn hò reo tung hô Ngô Văn Lấy, bỏ mặc lũ trâu bò kéo cày bừa lung tung, thi nhau xơi đám mạ đang nhổ dở không ai quan tâm. Nhưng khi nghe đến đoạn: “…. Bố anh Lấy tham gia cách mạng chống Pháp, đã anh dũng hy sinh trong nhà tù thực dân, anh Lấy xung phong lên đường đánh giặc để trả thù cho bố…” thì đám đông tự nhiên dừng hẳn, mọi người sững sờ nhìn nhau.

Ngô Văn Lấy bị bỏ rơi ngã bịch xuống ruộng cày, người dính đầy bùn dất, mặt mày tái dại, cố mở miệng nhưng quai hàm cứ cứng đơ không thốt được nên lời. Ông Sáu — chú ruột Ngô Văn Lấy — nhảy bổ đến túm cổ Lấy xốc dậy, quát to:
– Lấy! Mày láo thật, mày dám bêu riếu bố mày à? Mày cố tình bôi xấu họ Ngô đúng không? Tao cho mày biết lễ độ!

Ông Sáu dang thẳng cánh tay định cho Lấy ăn tát, thì mọi người xông tới can ngăn, khuyên chú cháu có thì về nhà đóng cửa bảo nhau. Sau đó, đội trưởng tuyên bố cho xã viên giải tán, nghỉ làm. Mải mê phát thanh, Trần Bình không để ý, ra lệnh cho anh tài xế phóng thẳng xe vào làng Ðông Thái, cao hứng đọc to hơn nữa, ngợi ca tinh thần Ngô Văn Lấy, kêu gọi thanh niên làng Ðông Thái học tập tinh thần “nhân vật điển hình” lên đường tòng quân vào Nam chiến đấu.

Dân chúng làng Ðông Thái đổ xô ra hai bên đường nhìn với theo chiếc com-măng-ca, trẻ con đông nghẹt chạy sau xe hò la inh ỏi. Xe từ từ lăn bánh đến gần trụ sở Uỷ ban xã Vạn An (đóng ở làng Ðông Thái), Trần Bình ngừng đọc nhìn lên thì thấy ngay Chủ tịch xã Hoàng Báu và Trưởng công an xã Lý Lâm — cả hai đều là người làng Ðông Thái — hớt hải từ trong sân Uỷ Ban chạy thẳng ra đường chặn xe lại.

Thở dốc, không kịp chào, Trưởng công an xã nói gì đó với Trần Bình. Mới nghe được vài câu mặt Trần Bình đã tái xanh, mồ hôi tuôn ra như suối. Trần Bình giải bày:
– Thật khổ! Ðâu phải lỗi tại tôi. Thôi thế này, xin mời hai đồng chí lên xe cùng chúng tôi về huyện làm việc, xong đồng chí lái xe đây sẽ đưa các đồng chí về ngay.

Chủ tịch và Trưởng công an xã mở cửa xe chui vào. Chiếc com-măng-ca nhắm hướng huyện tăng tốc. Xe chạy qua ba xóm còn lại của xã Vạn An, qua hai xã cuối cùng trong huyện, nhưng cái loa trên mui xe vẫn còn đang nằm ở vị trí quay ngang câm như hến, không thấy phát ra một tiếng nào. Ðó là mấy làng, xã của huyện trong ngày đầu tiên mở màn bị thiệt thòi, không được biết danh của nhân vật điển hình mà các nơi khác đang bàn tán xôn xao.

Ðã sắp hết “tám giờ vàng ngọc” trong ngày, huyện đội trưởng Văn Thanh thu dọn sổ sách chuẩn bị ra về thì cửa phòng bật mở, Hoàng Báu, Lý Lâm cùng Trần Bình tiến vào. Hoàng Báu lên tiếng:

– Này đồng chí Văn Thanh! Ông Ngô Cầm bố thằng Lấy chết trong tù vì tội ăn trộm trâu! Sao đồng chí lại nói với anh Bình là ông ấy hoạt động cách mạng? Chuyện đó làng tôi ai cũng biết, tuyên truyền sai như vậy là không ổn rồi!
Huyện đội trưởng hai chân dạng ra, đứng thộn người, mồm há chữ O, một lúc sau đưa hai tay ôm đầu:
– Thì tôi có biết thực hư ra sao đâu? Thấy anh Lấy ghi trong lý lịch là bố chết trong tù của Pháp, tôi nghĩ bị địch bắt tù thì chỉ có đi hoạt động cách mạng thôi.
– Tù có nhiều dạng, mà đã là thằng ăn trộm, thì ở chế độ ta hay Pháp, Nhật đều là tội phạm, bị tù hết. Hồi kháng chiến chín năm, xã tôi là vùng “Tề”. Trong khi chúng tôi vào rừng theo du kích đánh Pháp thì ông Cầm vẫn ở làng. Thế rồi lợi dụng lúc chiến tranh, dân chúng vùng giáp ranh phiêu bạt thiếu trâu cày, ông Cầm chỉ huy một nhóm chuyên đi buôn lậu trâu, rồi đích danh ông Cầm về làng trộm trâu đi bán, bị bắt tại trận, chính quyền Pháp tống giam, sau vài năm thì chết. Vậy mà đồng chí cho tuyên truyền như thế, tôi biết ăn nói thế nào với dân làng tôi đây?

Nói đoạn, ông Báu bỏ ra ngoài hành lang đứng. Lý Lâm cũng ra theo ông.
Trần Bình đứng yên, mặt đau khổ nhăn nhúm hỏi Văn Thanh:
– Chúng ta phải làm sao bây giờ? Chẳng lẽ đi thông báo lại kiểu chữa cháy thì ngán quá.
Hai tay chắp sau lưng, buồn nản ê chề, Văn Thanh đi tới đi lui, hồi lâu sau lên tiếng:
– Căng đấy! Việc này phải xin ý kiến đồng chí Chủ tịch huyện mới được.
Văn Thanh quay máy điện thoại thông báo tình hình cho Chủ tịch huyện biết. Chủ tịch ra lệnh: tất cả sang ngay Uỷ ban huyện để họp bàn.

Bốn người sang đến nơi thì đã thấy Chủ tịch cùng Trưởng công an huyện đang ngồi chờ. Không để ý đến giờ làm việc còn hay hết, họ lao vào họp bàn ngay. Sau hơn một tiếng đồng hồ nghe Chủ tịch huyện, rồi Trưởng công an huyện bày mưu tính kế, họ cãi cọ, phân tích rồi thống nhất, buổi họp kết thúc. Chủ tịch huyện Lê Hoàng đứng lên cao giọng:
– Thế nhé, các đồng chí cứ như vậy mà tiến hành công việc cho êm đẹp, ngoài kế ấy ra không còn cách nào khác. Ðây là công việc phục vụ cho công cuộc cách mạng, là đảng viên, các đồng chí phải tuyệt đối chấp hành “nghị quyết”. Hai đồng chí Báu và Lâm phải bằng mọi cách dập tắt ngay “đám cháy” ở làng Ðông Thái, phải đả thông tư tưởng cho dân chúng tin. Còn đồng chí Trần Bình, công việc cứ tiến hành như cũ, không phải “sửa sang” gì cả.

Mọi người giải tán ra về. Văn Thanh và Trần Bình thở phào nhẹ nhõm. Còn hai ông Báu, Lâm cảm thấy khổ sở vô cùng vì cái cảnh trên đe dưới búa của mình.
– Tôi thấy khó nói quá ông ạ!
Trên đường ngồi trong xe về làng, ông Lâm lên tiếng. Ông Báu thở dài:
– Biết làm sao được, nếu không làm thì cả tôi và ông về vườn ngay đấy!

* * *

Mới sẩm tối mà cả làng Ðông Thái đã ầm ĩ cả lên, dân tình từng nhóm sôi nổi bàn về đề tài Ngô Văn Lấy. Người bảo Lấy khai man, người khác lại bênh Lấy cho rằng huyện lầm lẫn, họ cãi vã nhau không phân thắng bại.

Tại nhà mình, Ngô Văn Lấy thộn người, ngồi như pho tượng, đang đón nhận những lời sỉ vả như tát nước vào mặt từ ông Sáu, chú ruột, ngồi đối diện. Chịu không nổi, Lấy đứng bật dậy, mặt đỏ như mào gà, đằng đằng sát khí định cãi lộn với ông chú, thì vừa lúc Chủ tịch và Trưởng công an xã xuất hiện trước cửa nhà.

Hoàng Báu đưa tay can ngăn:

– Thôi ông Sáu bớt giận! Anh Lấy ngồi xuống! Cả hai nghe đây! Mọi việc đều ổn cả rồi, như thế nào thì chốc nữa họp làng sẽ rõ. Hai chú cháu chuẩn bị đi họp ngay nhé! Việc quan trọng và gấp lắm, bây giờ chúng tôi phải đi đây.

Nói đoạn, hai ông Báu, Lâm đằng sau quay. Tùng… tùng… tùng…! Ba hồi trống từ sân đình nổi lên vang động cả làng Ðông Thái cắt ngang những lời cãi cọ. Dân chúng kháo nhau: Họp làng! Chả mấy chốc, toàn thể dân làng Ðông Thái đã có mặt đầy đủ ở sân đình.

Trên bàn danh dự, sau mấy ngọn đèn dầu tỏa sáng, có mặt đủ cả cơ quan đầu não xã, làng. Sau khi nhìn khắp lượt đám đông, Hoàng Báu, Chủ tịch xã Vạn An kiêm trưởng làng Ðông Thái, đứng dậy dõng dạc:

– Thưa toàn thể bà con làng ta! Hôm nay, chúng tôi mời bà con đến đây để thông báo cho bà con biết một số điểm mới nhất về thành phần lý lịch của anh Ngô Văn Lấy làng ta, đã được công an huyện phát hiện gần đây. Ðó cũng là những điều mà bà con ta đang muốn biết thực hư ra sao.
Ðám đông im phăng phắc, Hoàng Báu dừng lại, uống một ngụm nước chè xanh, rồi lên giọng sang sảng nói một hơi dài:
– Trưa nay, nghe xe huyện thông báo, tôi và đồng chí Lâm đây đã thắc mắc hỏi lại; sau đó, hai chúng tôi đã theo xe lên huyện gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo ở huyện hỏi tiếp và tìm hiểu thì mới vỡ lẽ ra rằng: Ðúng là ông Cầm bố anh Lấy trước kia đã tham gia cách mạng thật, chuyện này từ trước không ai biết cả. Khi huyện nhận được đơn từ của anh Lấy, bên công an xem lại và đối chiếu với đống hồ sơ của Pháp để lại mới biết ông Cầm là bố đẻ anh Lấy. Ông Cầm đã bí mật tham gia cách mạng khi kháng chiến mới bùng nổ, làm nhiệm vụ giao liên. Chuyện buôn trâu, bắt trâu của ông Cầm là có thật, nhưng ông Cầm buôn trâu chỉ là để đánh lừa che mắt Pháp để đưa thư, tài liệu bí mật cho du kích. Còn chuyện ông Cầm bắt trâu của Chánh Tổng Ba Thống làng ta là nhằm mục đích cung cấp thực phẩm cho một đơn vị Vệ Quốc Ðoàn của ta đang bị thiếu đói trong rừng. Hồ sơ của Pháp có ghi rõ những chuyện đó. Lại thêm một nhân chứng sống nữa là một đồng chí trước kia cùng nằm trong tổ giao liên với ông Cầm, hiện đang công tác trên tỉnh, xác nhận những chuyện đó là hoàn toàn đúng sự thực. Hiện nay, huyện đã gửi hồ sơ lên cấp trên để đề nghị Nhà nước truy phong ông Cầm danh hiệu liệt sĩ.

Từ khoảng giữa đám đông, Ngô Văn Lấy ôm mặt khóc rú lên:
– Ôi bố! Bố ơi! Ðúng là bố hy sinh vì dân vì nước, thế mà không ai biết, lại còn bị bôi xấu, con thì bị mắng oan! Ôi khổ thân con quá, bố ơi! Bố ơi!
Ðám đông ồn ào như vỡ chợ. Họ vây quanh vỗ về, an ủi Ngô Văn Lấy. Nhóm thanh niên trong tổ giữ trật tự chạy ngược chạy xuôi làm công tác tư tưởng, phải một lúc sau đám đông mới im dần, trật tự trở lại.

Trưởng công an xã Lý Lâm đứng lên:
– Cùng lên huyện làm việc với đồng chí Báu, đại diện bên ngành công an, tôi xác nhận mọi việc đều đúng như đồng chí Báu đã nêu. Bây giờ, bà con ta đã rõ cả rồi, không ai được phép nghi ngờ và nghĩ xấu về thành phần lý lịch đồng chí Lấy nữa. Nếu ai cố tình nói sai như trước nữa là phản cách mạng, là phản động, nối dáo cho giặc. Bà con ta cần động viên con em mình học tập anh Lấy nhập ngũ, tòng quân. Học tập tinh thần Ngô Văn Lấy! Ngô Văn Lấy muôn năm!

Lý Lâm giơ thẳng cánh tay lên trời hô lớn thay cho lời “bế mạc” buổi họp.
– Muôn năm! Muôn năm! Hoan hô Ngô Văn Lấy!…
Ðám đông bao quanh Ngô Văn Lấy hò la dữ dội. Trong cơn cao hứng, Lấy ưỡn ngực hô to:
– Một xanh cỏ, hai đỏ ngực! Vào Nam chiến… chiến đấu!
Thế rồi những tiếng hô “muôn năm”, “chiến đấu”, “xanh cỏ”, “đỏ ngực” … cứ vang lên mãi, tỏa ra các ngả, theo chân Ngô Văn Lấy, theo chân từng người dân một về đến tận nhà của mình.

* * *

Chiến dịch học tập “tinh thần Ngô Văn Lấy” như vết dầu loang lan tràn khắp huyện và đi đến cao trào. Trần Bình và đồng nghiệp thay phiên nhau cùng chiếc com-măng-ca một tuần ba lần, tung hoành ngang dọc khắp huyện đọc mãi lời hiệu triệu. Ðề tài “Ngô Văn Lấy” sôi nổi khắp hang cùng ngõ hẻm. Biển tin ở các xã nhanh chóng được quét vôi lại và đều được kẻ chung một khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược — Học tập tinh thần anh Ngô Văn Lấy”. Huyện còn thuê một phó nháy duy nhất ở phố huyện về tận làng Ðông Thái chụp ảnh Ngô Văn Lấy, rồi phóng thành nhiều ảnh đen trắng cỡ to dán khắp nơi. Từ huyện tới xã đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh Ngô Văn Lấy. Mọi người túm năm tụm ba đứng ngắm nhìn hình Lấy, trầm trồ thán phục. Các ông già, bà cả ở một số nơi còn ghen tỵ với làng Ðông Thái, rồi chửi mắng con cháu kém cỏi không được nổi danh như Lấy!

Ðêm đêm, học sinh các trường cấp I, cấp II ở các xã tụ tập tại sân trường, trống ếch, trống cái vang rền cùng các thầy, cô giáo từng đoàn kéo vào tận các bản nhỏ, hô vang các khẩu hiệu. Cứ đi được một đoạn đường, thầy giáo lại cho học sinh dừng lại, rồi thầy dùng quyển vở cuốn lại làm loa đưa lên miệng đọc to: “Học tập tinh thần anh Ngô Văn Lấy!”, học sinh nhất loạt hô theo: Học tập! Học tập! Rồi tiếng trống các loại tùng… tùng… hòa theo.

Tại thị trấn huyện, một đoàn văn công “không chuyên” vừa mới thành lập, ngay lập tức được mang tên: Ðoàn văn công “Ngô Văn Lấy”. Một đập nước nhỏ đang thi công tại một xã trong huyện cũng được mang tên “Công trình Ngô Văn Lấy”!

Nhộn nhịp nhất là ở làng Ðông Thái. Chủ nhiệm hợp tác xã thông báo rằng Lấy được “đặc cách” nghỉ không phải đi làm nữa, nhưng vẫn tính cho mỗi ngày một công năm điểm, quy ra thóc là 1 kí rưỡi, cho đến ngày nhập ngũ, cắt khẩu khỏi xã mới thôi. Nhà Ngô Văn Lấy lúc nào cũng nhộn nhịp bà con họ hàng, làng xóm đến thăm hỏi, chúc mừng. Lấy hớn hở đón tiếp, riêng vợ Lấy không hiểu sao chẳng có một biểu hiện gì. Còn dân làng Ðông Thái ai cũng cảm thấy thật tự hào. Họ thầm cảm ơn Lấy đã làm cho quê hương sáng danh. Ði ra ngoài, ai cũng cố tỏ cho thiên hạ biết ta đây là người cùng làng với Ngô Văn Lấy.

Dân làng Ðông Thái bàn tán và họ ngạc nhiên rồi phục Lấy ở nhiều điểm. Từ trước tới nay, Lấy là một thanh niên bình thường không có gì nổi bật, thậm chí còn có nhiều mặt yếu như ham chơi lười làm, có tiếng nhút nhát không dám đi đêm một mình bao giờ. Mới cưới vợ được nửa năm đã thường xuyên to tiếng. Thế mà đùng một cái, Lấy nổi danh khắp huyện. Hơn nữa, Lấy lại là con “độc” một mình, không có anh em, ở với mẹ già yếu, vợ mới cưới chưa có con. Trường hợp của Lấy theo như “lệ làng” Ðông Thái thì khi nào Lấy có con mà vẫn ở tuổi đi lính mới phải vào bộ đội. Không hiểu sao Lấy lại “phá rào”?? Lại thêm cái lý lịch oai hùng mới được bổ sung. Dân chúng gật gù bảo nhau: Ðúng là thời thế tạo anh hùng!!

Hơn một tuần lễ trôi qua, chiến dịch “tuyên truyền” đã mang lại kết quả mỹ mãn về con số tòng quân. Thanh niên nam nữ khắp huyện thi nhau xin nhập ngũ. Số đơn ở làng Ðông Thái đạt rất cao. Các cấp lãnh đạo huyện, xã phải xét duyệt, gạt nhiều đơn cho đợt sau, khiến nhiều thanh niên cảm thấy rất buồn khổ khi mình không có tên trong đợt tuyển quân này.

Ngày nhập ngũ đã đến, ban lãnh đạo xã Vạn An tổ chức một lễ mít-tinh long trọng để tiễn con em lên đường. Dân làng Ðông Thái kéo đến dự chật cứng cả sân uỷ ban. Các em học sinh cũng có mặt, hát vang: “Chúc các anh lên đường mạnh khoẻ, anh ra đi giữa mùa Xuân tuổi trẻ….”

Ngô Văn Lấy hùng hồn phát biểu cảm tưởng, kết thúc bài lại hô vang: “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực”!! Lúc chia tay, mẹ già Ngô Văn Lấy ôm chặt con nước mắt lưng tròng: “Con cố gắng phấn đấu để xứng danh con nhé!”

Buổi giao quân ở Uỷ ban Nhân dân huyện còn long trọng hơn nữa. Những tiếng hô “muôn năm”, “xanh cỏ”, “đỏ ngực”… vang động cả các làng xã chúng quanh. Tại đây, Ngô Văn Lấy được phong ngay chức vụ Trung đội trưởng! Thế rồi đoàn tân binh vẫy chào tạm biệt bà con, lên xe xuôi về Hà Nội để vào Nam chiến đấu.

* * *

Sáng sớm tinh sương, con tàu hỏa hơi nước tuyến Hà Nội-Vinh ầm ầm lăn bánh, trên các toa nêm chật cứng tân binh. Ngồi trên tàu, Ngô Văn Lấy cùng các chàng lính trẻ vỗ tay theo nhịp, hát vang bài “Giải Phóng Miền Nam” của Lưu Hữu Phước. Vừa hát, Lấy vừa nghĩ đến ngày trở về, ngực đỏ rực đầy huân chương, cả làng Ðông Thái hân hoan ra đón chào!

Nhưng Lấy đâu có ngờ rằng, ngày trở về của mình lại chính là… ngày hôm nay! Và mọi cảnh tượng hoàn toàn ngược hẳn. Khi đoàn tàu đi đến địa phận tỉnh Hà Nam thì một tình huống kinh hoàng xảy ra. Còi báo động réo vang, mọi người dân trong vùng ùn ùn chạy xuống các hầm trú ẩn. Ðoàn tàu không dừng lại mà vẫn tiếp tục chạy, chắc lái tàu trưởng muốn chạy nhanh ra khỏi vùng sắp bị ném bom.

Nhưng không kịp, tàu vừa đi được một đoạn nữa thì tốp máy bay Mỹ xuất hiện, con tàu trở thành mục tiêu. Máy bay Mỹ bổ nhào xuống tấn công ngay. Tiếng bom nổ ầm ầm, trong phút chốc, lửa khói phủ kín đoàn tàu. Ðầu tàu trúng bom nổ tung, mấy toa nữa cũng tan tành, xác người tung lên, tiếng kêu thét vang trời. Ngô Văn Lấy nhảy bổ xuống đất, vừa lúc một quả bom nổ gần đấy hất tung Lấy ra vệ đường tàu, may mà không sao. Hồn siêu phách lạc, Lấy bật dậy, chạy thục mạng, gặp đường ô-tô lại chạy tiếp, chạy đến đứt hơi. Gặp một chiếc xe tải ngược chiều, Lấy nhảy phóc lên rồi ngã lăn quay ra thùng xe, ngất lịm.

Khi tại “trận địa”, khói bom chưa tan hết, mọi người đang kiểm điểm lại quân số, chưa biết rõ ai mất ai còn, thì nhân vật điển hình “Ngô Văn Lấy” đã có mặt ở Hà Nội! Không kịp ăn uống, Lấy vẫy xích-lô lên thẳng bến Bến Nứa ở đầu cầu Long Biên, mua vé chui lên xe ca nhắm hướng quê nhà, dông thẳng.

* * *

Văn Thanh vẻ mặt hoan hỉ thông báo tin vui cho Chủ tịch huyện:
– Thật là vui mừng, đồng chí Lê Hoàng ơi! Tỉnh đội vừa điện xuống cho tôi, thông báo là đợt tuyển quân này, huyện ta đạt con số cao nhất trong toàn tỉnh. Như vậy lá cờ đầu đã nằm trong tay huyện ta rồi đó!

Từ đầu dây bên kia, Chủ tịch huyện cười vang:
– Thế à! Tốt, tốt lắm! Còn hai đợt nữa từ nay đến cuối năm, các đồng chí cố gắng đừng để lá cờ tuột khỏi tay mình nhé! Công tác tuyên truyền quan trọng lắm, đồng chí cố gắng vào việc đó nhé!
– Dạ thưa, xin đồng chí Chủ tịch yên tâm! Chúng tôi sẽ làm hết sức mình ạ.
Ðặt máy điện thoại xuống, Văn Thanh lấy ngay xe đạp Thống Nhất “phi” một mạch sang Ban Tuyên huấn và Thông tin gặp Trần Bình. Vừa nhìn thấy Trần Bình, Văn Thanh nói ngay:
– Lá cờ đầu đợt này ta giành được rồi! Nhưng còn hai đợt nữa, ta phải lấy, muốn vậy, các đồng chí phải tăng cường tuyên truyền hơn nữa. Trước một tuần ba lần, bây giờ tăng lên một tuần bốn lần. Xe đó, các đồng chí cứ thoải mái sử dụng. Như vậy, ngày mai các đồng chí phải lên đường rồi đấy!
Trần Bình trả lời, có vẻ mệt mỏi:
– Ðược! Chúng tôi sẽ cố gắng.
Hôm sau, Trần Bình “xuất kích” sớm, bảo tài xế theo con đường quen thuộc chạy một vòng quanh huyện, phát lại lời hiệu triệu cũ. Khi xe vào đến làng Ðông Thái, quê hương của Ngô Văn Lấy nổi danh thì gặp một tốp xã viên đang đi làm, cũng như mọi lần, Bình nổi hứng đọc to hơn. Mọi người đứng cả lại đưa mắt nhìn nhau, rồi bỗng phá lên cười rũ rượi, rơi cả cày cuốc. Trần Bình tưởng dân vui, thúc xe đi tiếp, đến sân uỷ ban – lại chính chỗ này – thì ông Báu, lần này chỉ có mình ông Chủ tịch xuất hiện, chạy ra nhanh hơn lần trước đứng chắn ngang đầu xe.

Trần Bình mở cửa xe, chưa kịp bước ra ngoài thì ông Báu đã gào lên thảm thiết:
– Thôi, các anh tắt ngay cái loa rè đi! Ðừng lảm nhảm nữa, xấu hổ lắm! Thằng Lấy nó đã đào ngũ, về ngồi ở nhà rồi! Các anh về ngay! Về ngay đi!

Trần Bình đứng tim, quên cả chào, đóng rầm của xe, ném xấp giấy đang đọc dở về phía yên xe sau, bay lả tả, trùm kín cả anh bạn đồng nghiệp, rồi hô lái xe chạy gấp về huyện. Cũng như lần đầu, cái loa bị ngọng liền, chỉ có khác là lần này không có ông Báu đi cùng. Không cần nhờ loa của Trần Bình, nhưng ngay lập tức, cái tin Ngô Văn Lấy đào ngũ, “giữa đường gẫy gánh” đã lan ra khắp huyện như gió thổi. Cái tin hài này nhanh chóng đuổi cổ cái chuyện hùng của cùng nhân vật bay đi nơi khác, chiếm chỗ và ngự trị lâu dài. Tin đi đến đâu là dân chúng ôm bụng cười bò ra đến đấy. Ðề tài “Ngô Văn Lấy” ngay lập tức chuyển thành chuyện dài nhiều tập và trở thành câu chuyện tiếu lâm độc nhất vô nhị trong toàn huyện và là chuyện hay nhất trong năm.

Nhận được tin dữ, Huyện đội trưởng Văn Thanh lăn đùng ra ốm liệt giường, ba bốn hôm không ăn được cơm, cháo gì! Còn Trần Bình, sau hai cú “sốc” ở làng Ðông Thái, chán nản ê chề, mang xe trả huyện đội, rồi xin chuyển công tác khác.

Chủ tịch Huyện Lê Hoàng như một con hổ lồng lộn trong phòng, đập bàn đập ghế chửi rủa om sòm. Trong cơn thịnh nộ, Chủ tịch ra lệnh cho cô thư ký đánh máy gấp hai tờ công văn. Một là công văn yêu cầu bên huyện đội phối hợp với bên công an truy bắt Ngô Văn Lấy. Hai là công văn cách chức hai ông Báu, Lâm, Chủ tịch và Trưởng công an xã Vạn An vì tội không hoàn thành nhiệm vụ Ðảng giao.

Công văn ký xong, Lê Hoàng bình tâm nghĩ lại “tại anh tại ả, tại cả đôi bên” đúng là trò gậy ông đập lưng ông. Bắt Lấy ngay chắc không ổn, tạm để đấy xem sao. Chủ tịch bảo thư ký tạm thời để công văn số một lại, còn cái thứ hai cứ gửi.

Nhận được công văn, hai ông Báu, Lâm sôi máu tuyên bố không từ chức vẫn tiếp tục làm và trả lời huyện rằng hai ông không có tội gì cả. Nghe tin, Chủ tịch huyện bực lắm nhưng sợ hai ông Báu, Lâm làm to nói toạc ra hết thì hỏng cho nên Chủ tịch huyện ỉm chuyện này đi. Nhưng tình hình tuyển quân trong huyện như một quả bom xì hơi xấu đi nhanh chóng. “Học tập tinh thần Ngô Văn Lấy”, thanh niên viết đơn gửi tới tấp về huyện nhưng không phải tình nguyện tòng quân mà là… xin rút hồ sơ không nhập ngũ nữa.

Phong trào bỏ trốn nghĩa vụ quân sự lan tràn khắp nơi. Sắp đến ngày giao quân mà không có làng, xã nào trong huyện đủ quân số. Tình hình thật là bi đát. Ðến lúc này, Chủ tịch huyện quyết định cho gửi ngay công văn số một và ra lệnh cho các xã xóa sạch các dấu ấn “nhân vật điển hình” Ngô Văn Lấy. Ảnh Ngô Văn Lấy bị bóc mất tiêu, bị cho vào lửa đốy cháy rụi. Các bản tin được làm mới kẻ khẩu hiệu khác. Nhưng có một số xã ngại làm lại, nảy ra “sáng kiến” là chỉ ghi thêm hai chữ đầu và cuối vào khẩu hiệu cũ thành khẩu hiệu mới: “Ðừng học tập tinh thần anh Ngô Văn Lấy nữa!”.

Ðoàn Văn Công “không chuyên” đổi lại thành Văn Công Thị trấn. Còn đập nước ở xã nọ thì lại gọi theo tên cũ là đập nước làng Bồng, nhưng dân chúng vẫn gọi đập Ngô Văn Lấy, tên đó được dùng cho đến tận ngày nay. Ðội “đặc nhiệm” của huyện phối hợp với dân quân xã Vạn An ập tới bao vây nhà Ngô Văn Lấy. Nhưng Lấy đã cao chạy xa bay trốn vào rừng biến mất tăm.

Một số thanh niên làng Ðông Thái cũng bỏ vào rừng trốn theo. Ðội đặc nhiệm tràn vào rừng truy kích, không bắt được Lấy nhưng túm cổ được số thanh niên kia. Khi huyện đội bắt họ đi cải tạo đào ao thì họ đồng thanh đáp: Họ không có tội! Hỏi tại sao? Họ trả lời rằng: Họ nghe theo đúng sự kêu gọi của huyện là: Học tập tinh thần anh Ngô Văn Lấy!

Ðuối lý, cứng họng, huyện đội thả họ về. Còn đội “đặc nhiệm” sau hơn hai tuần truy lùng, phục kích vẫn không bắt được Lấy. Thời gian đó vợ Lấy u buồn, mẹ Lấy đau khổ lăn ra ốm nặng, nếu cứ tiếp tục thì Lấy có thể bức bách quá làm càn, do vậy huyện ra lệnh cho đội “đặc nhiệm” giải tán, rút về. Ðể Lấy đó tính sau.

Thực tình, Lấy thoát được lần đó là nhờ ông Lý Lâm. Ông cũng là thành viên trong đội “đặc nhiệm”. Ðoán biết Lấy ở khu rừng này, ông lại bảo đội đặc nhiệm truy lùng rừng khác. Một lần chính mắt ông trông thấy Lấy chui vào một hang nhỏ, nhưng ông thản nhiên đi qua. Sau ngày Lấy đào ngũ, nghĩ lại lần phát biểu ở đình làng ông cảm thấy ân hận vô cùng. Ông lại có họ hàng bà con bên ngoại với Lấy, cho nên lần này lương tâm ông không cho phép làm hại Lấy một lần nữa.

Thời gian đó, Lấy trốn chui lủi trong rừng, ăn quả cây, nhai lá, uống nước suối, nhổ trộm sắn của dân bản để ăn, nhiều đêm đói quá chịu không nổi Lấy đành liều mạng lẻn về nhà lục cơm nguội, không dám vào giường vợ, lại chuồn ngay. Sau, hay tin đội đặc nhiệm đã rút mới dám về nhà, người da bọc xương, râu tóc xồm xoàm trông như người rừng, lúc nào tâm trạng cũng nơm nớp lo sợ bị bắt, cả ngày ngồi nhà, chỉ dám ra đường vào ban đêm.

Thế rồi số phận “xuống chó” đổ ập lên đầu Lấy. Lấy “thành phần đào ngũ” không có hộ khẩu, không được phép đi làm hợp tác xã. Lấy vác cuốc vỡ được mấy đám ruộng nhỏ cấy lúa thì hợp tác xã tịch thu “đất tập thể” không được phép làm. Lấy lên đồi trồng khoai, trồng sắn. Cái đó không cấm nhưng khổ nỗi quá vất vả, bữa cơm quanh năm cũng chỉ có sắn, khoai. Chỉ có một mình vợ Lấy đi làm hợp tác xã, bình quân thu nhập hàng năm từ 5-8 ký thóc một tháng, ăn cả trấu cũng không đủ. Sau lại đẻ thêm con cái, nhà lại càng bần hàn cơ cực. Còn vào những ngày rỗi, Lấy vác súng kíp vào rừng bẫy lợn lòi, cầu may. Lần nổ súng đầu tiên thắng lợi, được một chú lợn độc nặng gần 200 ký. Dân làng kéo đến ai cũng khen, Lấy cau mặt trả lời:
– Ðược nó thì đã mòn mười hai đôi dép lốp rồi!
Và hôm đó, Lấy thết đãi dân làng thịt lợn rừng với cơm nấu bằng… đậu phụ cả hạt trộn với bột sắn khô!

Từ đó, chuyện “Ngô Văn Lấy” cũng dần dần lùi xa, nhường chỗ cho những chuyện mới xuất hiện. Nhưng mỗi khi huyện xã phát động một phong trào gì, hay có một nhân vật nào đó hăng hái tham gia phong trào, thì lớp thanh niên trẻ nói: “Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan”. Còn dân huyện thì truyền nhau: Lại tinh thần Ngô Văn Lấy thôi!.
Tình hình tuyển quân hàng năm của huyện vẫn diễn ra, thỉnh thoảng cũng có đơn xung phong nhập ngũ nhưng không bao giờ thấy danh “nhân vật điển hình”. Và huyện cũng quên luôn lá cờ đầu về tuyển quân.

* * *

Hè 1976: Ai Cũng Như Tôi Thì Mất Nước!

Sau “Ðại thắng mùa Xuân 1975”, khi đã trao cho những anh hùng từ tuyến lửa trở về những bằng nọ, sắc kia, huyện đội bắt đầu “sờ” đến các nhân vật “đào ngũ” dạo nọ. Ngô Văn Lấy đứng đầu danh sách đó.

Lấy tưởng đợt này sẽ bị “ăn đủ” với huyện đội, nhưng xét thấy hoàn cảnh gia đình Lấy quá cơ cực, huyện đội chiếu cố không bắt Lấy đi “cải tạo” làm đường cực nhọc như một số khác, mà giao cho Lấy nhiệm vụ: Lên rừng xẻ gỗ, trong một tháng phải nộp cho huyện đội 30 hộp gỗ lim (để làm giường tủ).

Lấy bảo em vợ đi giúp. Nhiều lúc xẻ mệt bụng đói, ông em vợ lại khùng lên chửi Lấy: “Chỉ vì ông đào ngũ nên mới khổ thế này! Nếu ông không đào ngũ thì đã trở thành anh hùng rồi!”. Nghe vậy Lấy chỉ im lặng không nói năng gì. Sau, ông em chửi nhiều quá, Lấy mới quát lại:
– Tao vẫn là tao, còn anh hùng do họ bịa ra tao cần quái gì! Nếu không đào ngũ thì chị mày đã góa chồng lâu rồi! Thế là ông em vợ đành nín thinh. Xẻ được quá nửa số quy định thì một hôm có mấy tay buôn gỗ đến gạ mua. Mới đầu Lấy từ chối, nhưng sau đấy nghĩ ở nhà vợ con đang đói, Lấy chặc lưỡi bán hết. Ðến ngày nghiệm thu, huyện đội cho xe về nhận, Lấy không còn gỗ nộp, huyện đội xích tay Lấy lôi cổ ra nhập hội với nhóm làm đường.

Ngày Hè nóng bức, nắng cháy lưng, lại phải đục đá san đường, đói khát triền miên, Lấy không chịu nổi bỏ làm cãi vã với “lãnh đạo”, sau vài lần “lãnh đạo” quyết định phạt vạ Lấy.

Giữa trưa, trời nắng chang chang, dân làng Ðông Thái đi chợ huyện. Ðến gần ngã ba cách trung tâm huyện gần mười cây số thì thấy một người đứng ở giữa ngã ba, cởi trần gầy đen dưới trời nắng như đổ lửa lưng còng xuống, cổ mang một cái gông bằng lốp xe ô-tô tải, giữa ngực đeo một tấm biển có giòng chữ to tướng:
– Ai cũng như tôi thì mất nước!
Thấy lạ, dân làng Ðông Thái đứng lại nhìn kỹ thấy quen quen, lại gần mọi người sửng sờ: Ôi! Ngô Văn Lấy làng ta! Trước mắt mọi người bỗng hiện ra hai giòng chữ chạy nối tiếp nhau:

“-Học tập tinh thần anh Ngô Văn Lấy! – Ai cũng như tôi thì mất nước!”
Ðâu đó bỗng vang lên tiếng hát hòa lẫn tiếng vỗ tay theo nhịp của mấy đứa trẻ chăn trâu:
“-Trước kia khuấy động… tinh thần, ngày nay đứng nắng cởi trần đeo gông! Ha ha ha!!!”
Nghe vậy, dân làng Ðông Thái: Tự hào- ngậm ngùi-đắng cay!

* * *

Xuân 1995: Gặp Lại Nhân Vật Ðiển Hình Ngô Văn Lấy.

Sau gần 10 năm “đi Tây” học tập và sinh sống, kinh doanh trên nước Tiệp, sau vụ “gặt hái” và lễ Noel, tôi về phép thăm quê hương đất mẹ, trở về làng Ðông Thái yêu dấu của tôi — cũng chính là quê của nhân vật điển hình Ngô Văn Lấy trong chuyện này. Và tất nhiên tôi gặp lại chú Lấy. Là bà con láng giềng, ít tuổi hơn bố tôi cho nên tôi gọi bằng chú. Hồi tôi lên 8 tuổi, bắt đầu nhận biết thế giới xung quanh thì chuyện của chú xảy ra. Là người làng, cho nên tôi đã chứng kiến tất cả những chuyện xảy ra đối với chú, cho đến ngày chú phải đội gông đứng bên đường. Cũng như mọi người trong làng, tôi cũng cảm thấy phục chú, thương chú rồi đôi khi giận chú. Chỉ vì chú đào ngũ cho nên làng , xã tôi đang từ “danh tiếng” ầm ầm bỗng dưng rơi ùm xuống vũng lầy và trở thành “tai tiếng” một cách đau khổ nhục nhã vô cùng…Nhưng có một số điều làm tôi thắc mắc, nhiều lần định hỏi chú cho rõ, nhưng do còn nhỏ tuổi lại ngại không dám đụng vào vết đau của chú nên thôi. Trong thời gian sinh sống trên xứ người, mỗi lần nghĩ về quê hương yêu dấu, về gia đình, bố mẹ, anh em, tôi lại nghĩ đến chú Lấy và những thắc mắc trong lòng cứ dội lên. Tôi rắp tâm khi nào trở về thăm quê sẽ đánh bạo hỏi chú cho bằng được.

Thủa nhỏ đi chăn trâu, tôi thường theo chú vào rừng bẫy lợn và hay giúp chú việc lặt vặt cho nên chú rất quý tôi. Ngày tôi đi Tây chú đến chúc mừng. Lần này hay tin tôi về chú cũng đến thăm ngay. Lúc chú bước vào nhà cất tiếng gọi “Yên Sơn đâu?”, suýt nữa tôi không nhận ra. Chú già đi quá nhiều, mới ngoài năm mươi tuổi mà trông như gần bảy mươi. Chú gầy sọm, tóc bạc lốm đốm, nắm chặt tay chú, tôi không nói lên lời.
Sau đó, cứ vài ngày tôi lại sang nhà chú Lấy chơi, uống chè nói chuyện. Một lần chỉ có một mình chú ở nhà, tôi bạo dạn đề nghị chú kể rõ cho tôi biết những điều tôi thắc mắc bấy lâu nay về chuyện của chú. Sau một hồi trầm tư, chú nói:
– Ðược rồi, cháu cần chú sẽ nói cho nghe. Quý cháu chú mới cho biết đấy, mà chỉ mình cháu thôi.
Sau đó tôi hẹn tối nay hai chú cháu sẽ gặp nhau ở gốc đa gần mé đồi làng. Một địa điểm lý tưởng cho những cuộc nói chuyện thầm kín từ trước tới nay.
Bảy giờ tối chúng tôi gặp mặt. Ðợi chú ngồi xuống bành rễ cây đa, tôi “vào đề” ngay:
– Chú Lấy ạ! Thế hệ chúng cháu lớn lên được nghe, được dạy dỗ điều đúng nọ, điều phải kia. Nhiều cái cứ tưởng chắc như đinh đóng cột, sau thực tế cho thấy chẳng đúng tí nào, thậm chí đảo lộn sai bét hết. Cho nên thế hệ chúng cháu và lớp sau phải tìm hiểu lại tất cả. Mà đất nước mình, dân tộc mình có nhiều cái phải xem lại lắm. Muốn tìm lại những cái ở xung quanh thì theo cháu nghĩ, trước hết phải tìm hiểu cặn kẽ những chuyện ở tại quê mình đã. Sự thực phải trả lại sự thực. Như chuyện của chú đó, có nhiều cái cháu chưa thông, cho nên cháu đề nghị chú nói rõ sự thực cho cháu biết, cháu mong chú thông cảm cho cháu chú nhé!

– Ðược, cháu cứ hỏi. Chuyện cũng đã lâu rồi chú có ngại gì đâu.
Ðợi chú hút thuốc lào xong, tôi cất lời:
– Hồi ở sân đình, ông Báu bảo bố chú làm cách mạng, rồi nhà nước sẽ công nhận liệt sĩ, vậy chuyện đó đến bây giờ ra sao rồi?
– Hừ! Mấy thằng cha ở huyện hồi đó lừa đảo bịa ra đó, có đâu. Lần đó chú cũng tưởng thật, cảm thấy đỡ tủi thân hơn. Ðào ngũ được vài năm chú đợi mãi chẳng thấy gì, chú làm đơn hỏi mãi, sau phòng Thương binh Xã hội trả lời rằng đang xét. Rồi chẳng thấy hồi âm gì chú lên huyện hỏi nữa, cuối cùng họ nói thẳng rằng: Họ nhầm lẫn! Huyện này có hai ông Cầm, ông kia mới làm cách mạng, còn bố chú thì không phải, chấm hết. Ông kia là ai? é đâu? Có Trời mà biết!
– Theo chú thì bố chú làm cách mạng thật hay đích thực là buôn lậu, trộm trâu?
– Ôi, ông ấy biết cách mạng, kháng chiến là gì đâu? Nói ra thì xấu hổ, nhưng ông ấy đích thực là buôn lậu, trộm trâu. Ðói thì làm liều, chú cũng không trách ông ấy được, thậm chí còn phải cảm ơn ông ấy nữa. Chính nhờ hồi đó ông ấy để lại mấy nén vàng, đã cứu nguy lúc chú sa cơ, không thì cũng chết đói mục xương rồi.
– Thế mà huyện bảo làm cách mạng?
– Thằng cha Lê Hoàng Chủ tịch huyện hồi đó bịa ra đấy. Ông Lâm trước khi chết đã kể cho chú rõ cả, phòng Thương binh Xã hội họ trả lời như vậy để cho qua chuyện thôi.
– Sao chú không kiện ông Chủ tịch huyện?
– Mình dân đen kiện củ khoai à? Nó đã bảo nhầm thì kiện vào đâu? Vả lại tay Chủ tịch Hoàng ấy chết lâu rồi thì kiện ai?
Rồi chú kể cho tôi nghe hết những lời ông Lâm nói cho chú biết sự thực. Tôi nghe mà giận sôi máu lên.
– thế hồi đó tại sao chú lại tình nguyện đi lính? Mà lại viết đơn bằng máu nữa? Chú cắt ngón tay để lấy máu viết à?
Tôi sốt sắng hỏi chú vì đây là điều thắc mắc chính của tôi.
Chú Lấy cười to:
– Hà hà, chuyện này nghĩ lại cũng thấy buồn cười lắm. Chuyện xung phong đi lính có gì đâu chỉ là một phút bốc đồng thôi, còn chuyện máu ấy à…. hà hà… có ai dại gì mà cắt tay mình lấy máu hả cháu? Chuyện thế này: Như cháu biết đấy tính chú vốn nhút nhát, rất sợ đi bộ đội. May mà chưa bị gọi. Dạo ấy chú lấy vợ xong thì chú với thím mày không hợp nhau, lục đục suốt. Chú đâm chán đời đi tìm thú vui khác. Lúc đó bà Hoa, bây giờ là vợ ông Ban ấy, mới góa chồng, còn trẻ lẳng lơ. Chú hay sang nhà bà ấy chơi rồi phải lòng tằng tịu với bà ấy. Thế rồi thím mày nghi, rình bắt tại trận lôi chú về nhà, chửi chú suốt từ đêm cho đến sáng. Thím mày không muốn “vạch áo cho người xem lưng” cho nên chuyện đó được giấu kín đến bây giờ. Sáng ra thím mày đi làm, chú giận quá ở nhà nghỉ luôn. Ðang bực mình, đàn gà lại nhảy vào cối xay thóc, chú cầm gậy phang tới tấp. Một con què chân, gẫy cánh, chú bắt làm thịt.

Lúc đó giận quá lại tưởng thím mày làm lớn chuyện, dân làng biết thì ê mặt, chuyện “hủ hóa” lúc đó là ghê gớm lắm, chỉ bằng cách xung phong đi lính cho khuất dạng thì mới tránh được tiếng xấu thôi. Thế là chú quyết định liền. Nhìn con gà sắp làm thịt chú nghĩ ra kế mới, chú cắt cổ gà hứng tiết vào bát nước muối cho máu loãng không đông, như hãm làm tiết canh ấy. Rồi lấy bút viết đơn bằng… máu gà!
– Máu gà! Thật hả chú?
Sợ nghe nhầm, tôi kinh ngạc hỏi lại:
– Ðúng! Cái đơn đó chú viết bằng máu gà thật đấy. Chú vốn nhát gan đâu có dám cắt tay mình. Thế mà huyện cũng tin… hà…hà, hồi đó chú nổi danh một phần cũng là nhờ bát tiết gà đó.
Tôi ôm bụng cười, suýt không thở được! Còn chú Lấy ngồi thản nhiên hút thuốc. Phải một lúc lâu sau tôi mới hỏi tiếp:
– Sao chú đào ngũ nhanh vậy?
– Thì có gì đâu! Tính chú vốn nhút nhát, khi nộp đơn xong chú thấy rất sợ, định rút đơn, chưa kịp thì mấy thằng cha ở huyện làm ầm lên như cháu biết. Ðâm lao thì phải theo lao, vả lại lúc đó cũng thấy hãnh diện thật, muốn làm oai cho sướng. Ðột nhiên họ cho mình lên mây xanh sao mà không khoái hả cháu? Nhưng khi nhìn thấy cảnh chết chóc thì chú trở về con người thật của chú, cái tính nhát nó bao trùm cả thân nên chú chạy ngay, về đến nhà mà vẫn còn sợ. Nhiều lúc chú cũng thấy khổ lắm nhưng con người mình nó vậy, tính nết trời sinh vậy rồi đành phải chấp nhận thôi. Dù họ cho mình lên mây xanh hay chìm xuống đáy bùn thì mình vẫn là mình, không ai tự dối mình mãi được, trước sau thì mình vẫn trở về đúng vị trí của mình thôi cháu ạ.
Thế là mọi thắc mắc của tôi về chú đã được giải tỏa. Nghe chú nói tôi thấy thật quá, và cảm thấy phục chú, chuyện đào ngũ của chú mới nghe thấy thì đáng trách, nhưng ngẫm những lời chú vừa tâm sự tôi thấy chuyện đó là “hợp lý” vì “ai cũng sẽ trở về đúng vị trí của mình.”

Bất giác tôi nghĩ, nếu ai cũng nghĩ và hành động như chú Lấy để “đúng vị trí của mình” thì đất nước Việt Nam ta chắc chắn sẽ không đến nỗi có nhiều căn bệnh như hiện nay! Và cứ thế tôi ngồi thừ người đầu óc nghĩ mông lung.

Hút một hơi thuốc lào nữa, chú Lấy thở dài nói tiếp:
– Mình đã bốc đồng rồi, mấy thằng cha ở huyện còn đồng bóng hơn, chúng nó “điên” cho mình bốc danh, rồi mình ăn đủ tiếng xấu. Khối người đào ngũ đấy, nhưng có ai khổ như chú đâu. Chỉ vì cái lũ điên ấy mà chú đây gặp phải cái cảnh: Ngực không đỏ – cỏ chẳng xanh – danh đen sì!
Tôi nắm chặt tay chú:
– Cháu chân thành cảm ơn chú đã kể mọi sự thật của chú cho cháu nghe, đồng thời còn cho chúng cháu nhiều điều bổ ích khác. Cháu cũng rất đồng cảm với chú về những gì chú phải gánh chịu. Cháu nghĩ lỗi của chú không nhiều đâu, đó là cả một chuỗi sai lầm của lịch sử đất nước. Nhưng mắc sai lầm, rồi nhìn nhận rõ nó, để lại những bài học kinh nghiệm cho hậu thế như chú đã cho cháu biết thì cháu phục lắm, không phải ai cũng nói thật được như chú đâu. Bây giờ cũng khuya rồi, chú cháu mình về thôi. Một lần nữa, cháu cảm ơn chú về buổi nói chuyện hôm nay!
Hai chú cháu ra về, đến đường đê, tôi bắt tay chú, rồi theo thói quen bên Tây, chúc chú ngủ ngon và lặng người nhìn theo chú. Bóng chú lờ mờ khuất dần trong ngõ tối như bưng….

Yến Sơn

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt