Người phụ nữ Việt làm điêu đứng nhiều nhân vật quyền lực Trung Cộng
Một tạp chí uy tín của Trung Quốc đã có một bài viết dài 14 trang về một nữ tỷ phú gốc Việt, người đã dùng sắc đẹp của mình để chinh phục những người đàn ông nhiều quyền lực Trung Cộng. Hàng chục quan chức đã mắc phải mỹ nhân kế của người phụ nữ này và đã giúp bà xây dựng một đế chế kinh doanh mà trị giá đã có lúc lên tới 2 tỷ đôla Singapore.
Được biết, vào thời điểm làm ăn thịnh vượng nhất, đế chế kinh doanh của người phụ nữ này gồm hơn 20 doanh nghiệp ở nhiều nơi như Hong Kong, Bắc Kinh, Thâm Quyến và cả ở nước ngoài. Bà kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như thuốc lá, bất động sản và còn sở hữu 183 trạm xăng ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, những nhân vật tiếng tăm đã giúp bà từ một người tỵ nạn trở thành một người phụ nữ giàu có và quyền lực đa phần đã bị truy tố về tội tham nhũng và có người đã bị kết án tử hình, trong khi bà vẫn đang sống yên ổn ở Hong Kong.
Nhân vật chính của câu chuyện trên Tạp chí Tài Kinh là bà Lý Vi (Li Wei), được mô tả là một phụ nữ tóc dài, có làn da trắng và phong cách ăn mặc quyến rũ.
Bà Lý Vi là một người mang hai dòng máu Pháp và Việt Nam. Bà sinh ở Việt Nam vào năm 1963 và đến năm 7 tuổi đã cùng cha vượt biên và bỏ sang sống ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc và một số báo nước ngoài trích lại câu truyện trên tạp chí Tài Kinh cho hay bà Lý Vi bắt đầu trở nên giàu có và có nhiều ảnh hưởng khi trở thành nhà môi giới trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá ở tỉnh Vân Nam. Trong vai trò là người môi giới này bà đã xây dựng được nhiều mối quan hệ và đã tận dụng chính những mối quan hệ đó để xin được giấy phép cư trú chính thức ở tỉnh Quảng Đông rồi sau đó kết hôn với một giới chức trong ngành thuốc lá ở tỉnh này.
Sau khi lấy chồng, mạng lưới quan hệ của bà càng rộng lớn hơn nhờ địa vị của người chồng. Bà đã làm quen với vị tỉnh trưởng Vân Nam khi đó là ông Lý Gia Đình, và trở thành tình nhân của ông này.
Hồi năm 1995, bà từng giúp ông Lý Gia Đình quản lý một du thuyền được cho là trị giá khoảng 1,1 triệu đôla, nơi đã trở thành địa điểm giải trí của nhiều chính trị gia cũng như các chủ doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc.
Bà Lý Vi cũng đã giúp con trai ông Đình có được thẻ cư trú ở Hong Kong để đổi lấy hạn ngạch xuất khẩu thuốc lá cho công ty của mình.
Theo báo The Independent thì vị tỉnh trưởng này đã bị bắt về tội nhận hối lộ và may mắn thoát án tử hình hồi năm 2003. Các nhà điều tra sau đó tiết lộ rằng ông Lý Gia Đình đã biển thủ 3 triệu nhân dân tệ từ công quĩ để trả tiền mua du thuyền mà bà Lý Vi quản lý.
Cũng bằng sắc đẹp của mình bà đã mở rộng các mối quan hệ với các giới chức ở nhiều nơi khác. Báo chí Trung Quốc từng trích lời bà nói rằng “quí vị không thể đầu tư hết nguồn lực và cơ hội vào một người mà phải mở rộng mạng lưới, giống như một chiếc ô dù vậy.”
Một nhân vật tiếng tăm khác đã trở thành tình nhân của bà Lý Vi là ông Đỗ Thế Thành, cựu bí thư Trung Cộng thành phố Thanh Đảo giàu có ở tỉnh Sơn Đông. Mối quan hệ này đã giúp bà sở hữu được những khu bất động sản hàng đầu ở Thanh Đảo và nhanh chóng trở thành một trong những nhà đầu tư bất động sản lớn nhất của thành phố này.
Một người bạn của ông Đỗ Thế Thành là ông Trần Đông Hải, cựu chủ tịch đại công ty dầu khí Sinopec của Trung Quốc, cũng trở thành nạn nhân của bà Lý Vi và ông này đã tặng bà nhiều triệu đôla cổ phiếu của công ty Sinopec.
Ông Trần Đông Hải sau này đã bị kết án tử hình vì tội tham nhũng, nhưng được hoãn thi hành án.
Theo câu chuyện đăng trên tạp chí Tài Kinh mà các báo khác trích lại thì bà Lý Vi đã từng là tình nhân của 15 nhân vật quyền lực, gồm có cả các đảng viên cao cấp và chủ các doanh nghiệp lớn.
Một số nhân tình cũ của bà hiện đang phải thọ án tù tại nhà tù Tần Thành, được bảo vệ nghiêm ngặt ở Bắc Kinh, nơi giam giữ các tù nhân chính trị nhưng cũng được sử dụng để giam những giới chức tham nhũng.
Bà Lý Vi bị bắt hồi năm 2006 vì tội trốn thuế, tuy nhiên được thả hồi đầu năm nay và hiện sống ở Hong Kong.
Tạp chí Tài Kinh cho rằng bà Lý Vi được thả sớm là do những tình tiết trong cuốn nhật ký của bà, trong đó tiết lộ về những mối quan hệ bất chính của bà với các giới chức cấp cao.
Bài phóng sự của Tài Kinh đã nêu tên nhiều giới chức cấp cao của Trung Quốc và lập tức đã thu hút sự chú ý của giới hữu trách. Theo một bài viết trên www.thebeijinger.com thì ấn bản mới nhất của tạp chí này đã bị rút khỏi các sạp báo trên khắp Trung Quốc. Phiên bản trên mạng của bài viết cũng đã được lệnh phải gỡ xuống hôm thứ Ba, trong khi các giới chức ở tỉnh Hồ Bắc đã cảnh cáo và chỉ trích 3 tờ báo địa phương vì đã đăng tải lại câu chuyện của tạp chí Tài Kinh. Họ nói rằng các báo này đã vi phạm nghiêm trọng qui định tuyên truyền của cơ quan tuyên truyền trung ương và tỉnh.
(Nguồn:asiaone.com; irishtimes.com; independent.co.uk; thebeijinger.com)