Người bị cầm tù, nhạc cũng bị cầm tù

Đúng vậy! Nhạc sĩ Việt Khang ở trong nước, chỉ với hai bài nhạc Việt Nam Tôi Đâu?Anh là Ai? đã bị nhà cầm quyền CSVN bắt bỏ tù, bỏ tù người và bỏ tù cả nhạc. Hai bài hát này đã trở thành một thứ “quốc cấm”, không ai được hát, không ai được lưu truyền.

Thực chất hai bài hát đó là gì? Lời nhạc không mang tính hằn học, nhưng mang một sức mạnh truyền cảm thức tỉnh lòng người, đánh động tiềm thức sâu thẳm của mọi người, tạo nên sự phẫn nộ trong lòng người, thôi thúc họ phải suy nghĩ về số phận nghiệt ngã của quê hương dân tộc.

Nghe hai bài hát này ai cũng mang những uất hận nghẹn ngào trước cảnh Trung Quốc xâm lược vùng biển Việt nam, ai cũng đau xót trước cảnh kẻ quyền thế thì giàu sang trên sự lường gạt, trong khi đa số người dân thật thà thì sống nghèo nàn, khổ cực, đoạ đày và bị hiếp đáp. Người dân trong nước khi nghe hai bài hát này như nghe tiếng lòng mình đang thổn thức còn người sống ở nước ngoài khi nghe hai bài hát này thì bao nao nức dồn dập hướng lòng về quê hương đang đau khổ và lâm nguy.

Hai bản nhạc đó đã làm cho chế độ độc tài CSVN run sợ và họ đã bắt Việt Khang. Họ bỏ tù người và bỏ tù cả nhạc. Ở trong nước không ai dám công khai hát hai bài hát này.

Nói đến nhạc cấm lưu hành tôi mới nhớ đến số phận bản nhạc Tàu đêm năm cũ xảy ra cách đây hai tuần. Bài hát mà cứ như là người. Bị cầm tù 37 năm nay, cuối năm vừa rồi bài hát được nhà cầm quyền ký giấy phóng thích, mới hít thở không khí tự do được chừng 6 tháng thì lại bị lôi cổ vô tù nằm trở lại. Số là Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) ngày 29 tháng 11 năm 2011 đã ký giấy phép đồng ý cho phổ biến bài hát trên của Trúc Phương cùng với bài Hoa nở về đêm của Trần Thiện Thanh, nhưng ngày 26 tháng 6 vừa qua cũng chính Cục NTBD lại ký quyết định thu hồi sản phẩm có hai bài hát do chính mình cấp phép. Chuyện bắt nguồn từ việc ca sĩ Vi Thảo ở trong nước hợp đồng với Bến Thành Audio để sản xuất album nhạc lấy tên bài hát Tàu đêm năm cũ làm chủ đề. Bến Thành Audio đứng tên liên kết với Nhà xuất bản Âm nhạc để xuất bản. Bến Thành Audio đã làm đúng thủ tục, làm đơn xin phép Cục NTBD để ca sĩ Vi Thảo được hát hai ca khúc “ngày xưa” mà nhiều người miền Nam rất yêu thương: Tàu đêm năm cũHoa nở về đêm.

Phát hành chưa đầy một tháng, album Tàu đêm năm cũ đã bị Cục NTBD gửi quyết định yêu cầu thu hồi nhưng không đưa ra lý do xác đáng. Cục NTBD chỉ cho biết “chưa cho phép phổ biến bài hát Tàu đêm năm cũ do tác giả Trúc Phương sáng tác”. Vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao Cục NTBD đã cấp phép rồi lại thu hồi?

Cục NTBD cho biết thêm lý do thu hồi là: “có một số ca từ không phù hợp trong ca khúc Tàu đêm năm cũ”. Như thế nào là “ca từ chưa phù hợp”? Chúng ta hãy nghe qua lời ca của bản nhạc này. Lời nhạc chính thức của Trúc Phương như sau:

Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga

Đưa tiễn người trai lính về ngàn

Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay

Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo

Tàu xa dần rồi, thôi, tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời

Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không,

chuyến xe đêm lạnh không

(Gió khuya ôi lạnh không)?

Để người yêu vừa lòng

Đêm nay lặng nghe gió lùa qua phố vắng,

Trăng rằm về xa xăm

Trong giây phút này, tôi mơ ước sao nằm trọn vào tay nhau

Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính ngày nào

Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa?

Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về

Hình bóng người “Chinh phu trong lòng người cô phụ” là một hình ảnh đẹp trong trái tim muôn người. Lời ca cũng không nhất thiết mang hình ảnh của người lính VNCH mà còn phảng phất bóng dáng “nón cối, dép râu” của bộ đội “ra đi vì đời”. Nhưng dầu sao thì cũng không nên vì định kiến nhỏ mọn “bên này hay bên kia” mà khước từ sự hiện diện vô tư của nó.

Ngày xưa ở miền Nam cũng như ngày nay ở hải ngoại, trong các ca khúc nhạc Việt, chúng ta vẫn không hề có chút kỳ thị nào những bài hát lời ca mang tính nhân bản, cho dầu là xuất phát từ miền Nam hay miền Bắc.

Truớc 1975, có những ca khúc và những bài thơ có nguồn gốc từ miền Bắc đã được lưu hành rộng rãi tại miền Nam, thậm chí được các nhạc sĩ trong Nam phổ nhạc. Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan được Phạm Duy phổ nhạc thành “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” đã trở nên nổi tiếng trong Nam, đã bị cấm trên toàn miền Bắc. Bài thơ “Các Anh Đi” là của một thi sĩ miền Bắc được Văn Phụng phổ nhạc. Ca khúc “Đợi Anh Về Em Nhé” thơ của Konstantin Simonov, lời dịch của Tố Hữu, do Văn Chung phổ nhạc cũng được ban hợp ca Thăng Long trình diễn nhiều năm. Thậm chí, ca khúc “Sơn Nữ Ca” của Trần Hoàn cũng được các ca sĩ Sài Gòn hát rất nhiều. Trần Hoàn là ai? Sau 75, Trần Hoàn là trưởng Ty Thông tin Bình Trị Thiên và ông đã làm đến bộ trưởng Bộ Văn Hoá Thông Tin, cơ quan có quyền ra lệnh cấm nhạc.

Suy cho cùng, chuyện lời ca tiếng nhạc của một bài hát, chuyện vặt vãnh trong khi đất nước đã được “hòa bình” hơn 1/3 thế kỷ rồi mà họ vẫn xoi mói một cách hèn mọn như vậy thì nói gì đến chuyện trọng đại, lớn lao là hòa hợp, hòa giải dân tộc mà họ thường rêu rao? Chỉ có bịp bợm người dân trong nước và lừa gạt công luận thế giới mà thôi!

Suy cho cùng, không ai cầm tù một bài hát. Tàu đêm năm cũ là một dẫn chứng cụ thể cho điều đó với toàn thể đồng bào trong và ngoài nước. Hành vi thiếu văn hóa đó nói lên bản chất hèn mọn chắc chắn chúng ta không tìm thấy được ở bất cứ một quốc gia văn minh nào trên thế giới hiện nay, trừ chế độ CSVN.

Chuyện Tàu đêm năm cũ cũng gợi cho chúng ta nhớ lại nhiều vụ cấp phép chồng chéo và bất nhất gần đây giữa các cơ quan cho phổ biến các ca khúc trước 75, chuyện cấp phép cho các chương trình nhạc của nghệ sĩ trong nước, của nghệ sĩ hải ngoại về trình diễn và cả nghệ sĩ quốc tế nhưng rồi bỗng bị thu hồi trước giờ diễn.

Ai cũng thừa biết “văn hóa nghệ thuật là một mặt trận” và là một lĩnh vực rất nhạy cảm của nhà cầm quyền CSVN. Nhà cầm quyền CSVN quy định, việc trình diễn và phát hành các tác phẩm âm nhạc trước 1975 cũng như của hải ngoại ngày nay phải làm thủ tục xin phép Cục hoặc Sở từng bài hát một.

Chúng ta hãy đi trở lại con đường cầm tù 37 năm nhạc vàng miền Nam của nhà cầm quyền CSVN.

Mãi cho đến khi bắt đầu thời kỳ “Đổi mới” thì các ca khúc nhạc vàng miền Nam mới dần dà được nhà cầm quyền CSVN xét lại và cho phổ biến một cách rất hạn chế tuỳ theo tác giả và tác phẩm. Năm 1986, lần đầu tiên nhà cầm quyền CSVN cho công bố danh mục 36 tác phẩm âm nhạc của miền Nam trước kia được phép công khai trình diễn. 11 năm sau ngày “giải phóng” người miền Nam, 36 ca khúc trong hàng ngàn ca khúc của người miền Nam mới được “giải phóng”. Để tránh né nhạc vàng, Bộ Văn hóa đề nghị cổ xúy nhạc xanh, tức nhạc trẻ của thời đại “Đổi Mới” nhưng không thành. Số người nghe nhạc vàng ngày càng đông, không chỉ ở miền Nam mà cả ở miền Bắc, thậm chí nhạc vàng còn theo chân người Việt đi lao động ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào thập niên 1980. Nhà cầm quyền tỏ ra bất lực và thất bại trước phong trào nhạc vàng sống lại.

Theo một bản tin đăng trên báo Thanh Niên ở trong nước thì tính đến năm 2008, con số ca khúc được cấp phép cho phổ biến có khoảng 1000 bài. Tờ Thanh Niên cho biết năm 1989, 49 bài hát sáng tác trước 1945 được cho phép trình diễn. Đến năm 1991, thêm 66 ca khúc trước 1975 được cấp phép. Một năm sau, thêm 66 ca khúc nữa, rồi thêm 90 ca khúc nữa. Tính cho đến nay, sau nhiều đợt cho phép nhỏ giọt, con số bài hát trước 1975 được cho phép đã nhiều hơn 1000 bài.

Vào năm 2008, Cục NTBD đã tuyên bố danh sách ca khúc được phổ biến công khai trên trang web của cục nhưng trên thực tế, đến tháng 1 năm 2012, việc làm này mới được thực hiện. Dầu vậy, số lượng ca khúc đưa lên cũng mới chỉ có 319 bài. Cục NTBD cho biết danh sách này còn nữa nhưng suốt từ tháng 1 đến nay, vẫn chưa thấy có thêm bài hát cho phép nào được cập nhật.

Không rõ vì lý do gì mà Cục NTBD chưa chịu công khai rộng rãi danh mục ca khúc đã được phép phổ biến. Gần đây, ông Phạm Đình Thắng, Phó cục trưởng Cục NTBD khẳng định quan điểm của Cục NTBD là “tất cả đều được công khai, không có gì phải giấu”. Ông cho biết những năm trước, danh sách ca khúc vẫn được gởi cho phòng chuyên môn của các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng chắc vì lý do nào đó nên đã thất lạc!!!??? Khi được hỏi tại sao đến thời điểm này, danh mục ca khúc được phổ biến đăng tải trên trang web của cục cũng chỉ có 319 bài thì ông Thắng cho biết việc này đã giao cho Phòng Tổ chức Biểu diễn, chắc phòng đang cập nhật!!!???

Bài báo cũng nói rằng, có khoảng trên 10 ngàn bài hát được sáng tác trước 1975 trở ngược về thời điếm 1945. Tính như vậy thì, nói nôm na, con số được cấp giấy phép trình diễn chỉ vào khoảng 10 phần trăm trên tổng số 10 ngàn bài. Nói một cách khác, cứ 10 bài được sáng tác thì hết 9 bài còn bị giam giữ, cầm tù, chưa được phóng thích.

Ngày nay, không ít ca sĩ trong nước có cơ hội ra nước ngoài thoải mái, tự do, trình bày những bài hát “xưa cũ” được yêu thích nhưng bị cấm đoán không cho trình diễn ở trong nước. Trong khi đó thì hiện nay chúng ta cũng có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ từng bỏ xứ đi tìm tự do nay về nước trình diễn, có người sống hẳn ở Việt Nam. Ai sao chưa nói tới, trường hợp Phạm Duy thì thật là chướng tai gai mắt!

Tưởng cũng cần nhắc lại, từ những năm 1950, Phạm Duy đã tỏ ra bất phục tùng chính quyền cách mạng, rồi ông rời bỏ cách mạng để xuôi Nam. Từ đó, nhạc của ông bị liệt vào hạng phản động và tên tuổi của ông bị đem ra phê phán. Thời kỳ ở miền Nam và một thời gian dài sau 1975, ông có quan điểm chống Cộng mạnh mẽ thể hiện qua nhiều sáng tác, điều đó khiến ông bị phe CS kết án gắt gao. Tại Hoa kỳ, thời gian đầu ông sáng tác một số ca khúc nói lên nỗi buồn tha hương, cũng như đả phá chế độ CS tại VN. Do vậy mà trong suốt 30 năm từ 1975 đến 2005, Phạm Duy bị nhà cầm quyền CSVN cấm đoán và những ca khúc của ông bị liệt vào loại nhạc quốc cấm.

Dầu sao thì Phạm Duy cũng là một “tài năng âm nhạc” của Việt Nam. Ở hải ngoại, nhạc của ông được hát tự do, chẳng ai cấm, ông cũng chẳng cần phải xin phép ai. Ấy vậy mà ở vào cái tuổi cửu thập cổ lai hy, ông lại mò về VN “Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương”, xin xỏ, quy luỵ một chế độ mà ông đã từng từ bỏ, chầu chực họ nhỏ giọt phóng thích những đứa con tinh thần của ông. Tính đến nay thì ông cũng chỉ mới giải vây được 118 ca khúc trong tổng số cả ngàn bài hát của ông bị cầm tù ba mươi mấy năm nay.

Tuổi đời của tôi và Phạm Duy cách nhau xa chừng. Tôi không dám nặng lời với Phạm Duy vì không biết nếu mình được may mắn sống dai như ông, về già, cuối đời, mình có làm những chuyện ngu xuẩn như vậy không? Sợ nói trước bước không qua. Tôi chỉ có thể nói: ngu đến thế là cùng!!!

Trần Việt Trình

Ngày 11 tháng 7 năm 2012

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt