Nếu TQ cắt nguyên liệu: Dệt may VN khó cầm cự
Trong tình hình xấu nhất, nếu Trung Quốc ngừng cung cấp nguyên phụ liệu cho công nghiệp dệt may xuất khẩu thì ngành sản xuất quan trọng này của Việt Nam sẽ cầm cự được bao lâu.
Phụ thuộc gần 70% nguyên liệu Trung Quốc
Công nghiệp dệt may Việt Nam có hơn 6.000 doanh nghiệp thu dụng 2,7 triệu công nhân và tạo ra kim ngạch xuất khẩu gần 20 tỷ USD theo số liệu thống kê năm 2013. Tuy vậy do tính chất một công nghiệp gia công tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, ngành dệt may phụ thuộc máy móc cũng như nguyên phụ liệu, bông, vải, xơ, sợi nhập khẩu từ nước ngoài. Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tới 5,5 tỷ USD nguyên liệu ngành dệt may nói chung. Đó là chưa kể phần nhập khẩu từ Trung Quốc các loại máy móc, nhà xưởng của ngành dệt may.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam sản suất toàn ngành phụ thuộc 70% nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong đó phần lớn từ Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra, nếu tranh chấp trên vùng biển Việt Nam leo thang với việc Trung Quốc trừng phạt toàn phần hoặc một phần kinh tế Việt Nam trong đó có ngành dệt may. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam nhận định:
“Giả sử tình huống xấu nhất Trung Quốc ra lệnh bế môn tỏa cảng không cho xuất hàng vào Việt Nam, thì đầu tiên là việc ách tắc sản xuất xảy ra ngay chứ không phải là cầm cự được bao lâu. Tại vì thường nguyên liệu của chúng ta đặc biệt với ngành dệt may là ngành thời trang, nguyên liệu đưa về là sản xuất ngay và thường thì dự trữ nguyên liệu của các nhà máy dệt may Việt Nam là không quá 2 tới 3 tháng. Tác động sẽ xảy ra ngay thôi.”
Tuy vậy ông Diệp Thành Kiệt cho là Trung Quốc không dại gì ngăn sông cấm chợ, vì họ muốn ngành dệt may Việt Nam phải lệ thuộc vào họ, cũng như là nơi tiêu thụ sản phẩm của họ. Ông Diệp Thành Kiệt phân tích:
“Đúng là nguyên liệu của chúng ta còn lệ thuộc nước ngoài trong đó thì lệ thuộc Trung Quốc là phần đáng kể, đó là một mặt. Nhưng một mặt ngược lại, ngành dệt may da giày của Trung Quốc hiện nay do giá thành cao cho nên các nước cũng đã chuyển dịch ra ngoài khá nhiều. Do đó nguồn cung của họ hiện nay đang thiếu đầu ra. Chúng ta lệ thuộc nguyên liệu Trung Quốc điều đó không sai, nhưng ngược lại họ cũng cần đầu ra cho các sản phẩm của họ. Chúng ta có thể dùng hình ảnh chúng ta càng lệ thuộc nhiều vào họ thì cũng có nghĩa họ cũng lệ thuộc nhiều vào ta. Chúng ta mua nhiều của họ thì họ cũng cần bán nhiều cho chúng ta. Đây là một mối quan hệ khuyến khích cả hai chiều và tôi tin chắc rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ dám làm chuyện ngừng cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam.”
Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nếu Trung Quốc sử dụng biện pháp kinh tế để ép Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng nặng nề. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ chiếm 1% tổng xuất khẩu của họ trong khi sản phẩm Trung Quốc chiếm 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam.
Đề cập tới khả năng Trung Quốc trừng phạt kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn đàn Xã hội Dân sự từ Hà Nội phân tích:
“Việc Trung Quốc trừng phạt kinh tế Việt Nam hoặc cấm vận giả dụ như vậy thì Trung Quốc phải tính đến nhiều hệ quả lớn hơn rất nhiều của nó. Bởi vì sẽ đụng đến chuyện hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Một điều họ rất quan tâm và muốn thúc đẩy. Bây giờ đối với một nước ASEAN mà làm như thế thì chắc chắn họ phải cân nhắc. Tất nhiên chuyện họ có thể làm họ vẫn làm bất chấp mọi thứ. Tôi nghĩ những biện pháp về kinh tế họ có thể làm một cách hết sức là cứng rắn, thậm chí cả đến việc dùng biện pháp quân sự, thậm chí cả xâm lược Việt Nam họ cũng không từ. Cho nên tôi nghĩ là Việt Nam phải tính đến tất cả các khả năng mà chuẩn bị để đối phó.”
Việt Nam đã làm gì?
Việt Nam đã hành động những gì để thực hiện vấn đề giảm phụ thuộc Trung Quốc về nguyên phụ liệu, vải, bông, xơ, sợi dệt. Ngày 15/5/2014, Hiệp hội Dệt may Việt Nam gởi văn thơ cho doanh nghiệp toàn ngành, chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu tránh phụ thuộc qua lớn vào thị trường Trung Quốc. Thật ra đối với các sản phầm trung cao, cao cấp các doanh nghiệp đã có một tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu bên ngoài Trung Quốc, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc nhưng giá thành thường cao hơn khó cạnh tranh.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may, thêu, đan TP.HCM nhận định:
“Trong bao nhiêu năm qua chúng ta nói khá nhiều về việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu, cũng như nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Không có vụ Trung Quốc thì chúng ta cũng nói khá nhiều về việc chuẩn bị thụ hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% khi vào TPP, thì cũng phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu của mình thậm chí sợi cũng của Việt Nam luôn. Những việc này đã nói khá nhiều, nay cộng thêm sự việc này nữa thì làm cho những người có trách nhiệm ở tầm vĩ mô cần có sự quyết liệt hết sức, để không phải chỉ vì sự cố này mà còn tạo cho chúng ta có những điều kiện để hưởng được những ưu đãi của các hiệp định mà chúng ta đã dày công thương lượng. Đồng thời nó cũng tạo cho chúng ta một sự tự chủ kinh tế nhất định.”
Khi đặt vấn đề Trung Quốc có thể gây khó khăn cho ngành dệt may với những ảnh hưởng ngay lập tức, theo ông Diệp Thành Kiệt trong cái rủi có cái may đó là Việt Nam càng phải quyết tâm hơn, đẩy nhanh hơn các dự án phát triển nguyên phụ liệu, dệt, nhuộm mà hiện vẫn rất trì chậm ở nhiều địa phương.
Nam Nguyên (RFA thực hiện)