Nếu Đại Chiến Thứ Ba bùng nổ, nó ở đâu và phe nào thắng?

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Trong buổi tiệc Giáng Sinh ngày 25/12 vừa rồi tại nhà người quen, mọi người sau khi nghe nhạc Noel và cầu nguyện xong thì vào tiệc “self-service”. Vì self-service nên có người ngồi bàn ăn, ngồi quanh lò sưởi, ngồi ở phòng khách, đứng ngoài garage, ngoài hành lang v.v. Các nhóm bàn tán đến Tập Cận Bình bắt tay với Putin làm đồng minh tuyên bố cùng một quan điểm “địa chính trị” chống Mỹ. Họ cho rằng Mỹ đang đứng trước sự khó khăn chưa từng thấy bởi “hai đánh một không chột cũng què”, trách TT Biden không theo học bài học của TT Nixon năm 1972 phá lưới Bắc Kinh để chia rẽ Nga-Tàu… Nhóm khác thì nói chuyện trên truyền hình Mỹ không ngớt đưa tin về việc Nga sẽ tấn Công Ukraine, Trung Cộng sẽ tấn công Đài Loan… cho đó là những lò lửa bùng lên Đệ III Thế Chiến… nhiều người Mỹ đang quan tâm đến thời cuộc… Trong khi chuyện biến thể virus Vũ Hán Omicrone ít ai đem ra bàn.

Tôi ngồi với với một nhóm người quanh lò sưởi, trong đó có người đàn ông chừng 60 tuổi, là một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ đã về hưu cách đây 3 tháng, từng là hạm trưởng của một Tuần Dương Hạm ở Hạm Đội 7 Thái Bình Dương, đã phục vụ trong khối NATO đóng ở Ý (Mother land của ông), tham dự chiến tranh vùng Vịnh. Trên môi và ánh mắt ông ta phát ra một nét cười tự nhiên, hình như trời sinh ra người này để ban cho thế gian nụ cười trên môi. Ai nói gì ông cũng cười…không biết khi ông tức giận thì ông có giữ nụ cười đó được không?

Thấy người dễ mến, tôi làm quen và hỏi ông rằng: “mọi người đang lo lắng về chiến tranh xẩy ra ông nghĩ như thế nào?”

Với nụ cười trên môi, ông lịch sự trả lời: “Yes sir, sự quan tâm của họ là quan tâm thời cuộc, China-Russia chỉ đồng minh giai đoạn chứ không đồng minh tự nhiên, quyền lợi chiến lược của họ có nhiều điều trái ngược khó giải quyết, nhưng nay họ ganh tị với Mỹ đang cầm đầu thế giới gặp lúc gặp khó khăn, họ tụ lại để hạ Mỹ thôi. Hai nước Trung-Nga có khả năng sau khi Mỹ mất vị thế siêu cường thì họ lại đánh nhau…quá khứ họ đã làm như thế!”

“Ông tiếp, có một điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm: Tất cả các tàu chiến hải quân tối tân nhất và mạnh nhất của các cường quốc thế giới đều có mặt tại một địa điểm là vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương, đó là núi lửa đang phun dưới lòng đại dương! Ông nói tôi về xem hiện nay trên vùng Châu Á-Thái Bình Dương mà những gì tối tân nhất của thế giới đang dồn về đó, có thể là một sự chuẩn bị cho chiến tranh.

Tôi cám ơn ông ta, rồi chuyển đề tài sang nhân quyền, tự do dân chủ v.v. Câu chuyện kết thúc bằng một bắt tay tạm biệt thường lệ với những lời chúc mừng Mery Christmas and Happy New Year!

Trên đường lái xe về nhà, tôi ghé vào trạm để đổ xăng và mua vé số xem thời vận đầu năm mới, trong đầu vẫn suy nghĩ lời ông ta nói. Dù sao ở vị trí của ông trong quân đội Mỹ mới về hưu, không cho phép ông tiết lộ gì nhiều, đặc biệt nhất là những nơi trà dư tửu hậu. Ông chỉ nói một vài nét chính, người nghe muốn biết thêm thì tự tìm hiểu. Hai chìa khóa tôi cố nhớ là “tàu chiến tối tân nhất thế giới” và “đang tập trung tại vùng biển Châu Á- Thái Bình Dương”.

Tìm tòi nghiên cứu thì thấy 5 loại chiến hạm mạnh nhất trên hành tinh này là những quân cờ trong cuộc tranh hùng giữa các cường quốc quân sự một bên là Mỹ, Nhật bên kia là Nga, Tàu đang đang thách thức thời cuộc!
Các chiến hạm có sức tàn phá khủng khiếp này đang lần lượt kéo tới vùng biển châu Á-Thái Bình Dương. Qua tìm hiểu về sức mạnh chiến đấu của nó, chúng ta có thể đoán được rằng nếu một trận đại chiến thư hùng xẩy ra ở biển châu Á-Thái Bình Dương thì chúng ta có suy ra phe nào sẽ nắm thế thượng phong.

Tuần Dương Hạm (TDH) mang hỏa tiễn hành trình lớp Kirov của Nga đang có mặt tại châu Á-Thái Bình Dương:

Tuần Dương Hạm  Admiral Nakhimov lớp Kirov hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương

TDH lớp Kirov là một lớp tàu chiến của Nga xuất hiện vào cuối những năm 1930. Loại TDH sau này được tân trang rồi đổi tên lớp Gorky, thực chất vẫn là lớp Kirov. Tàu chiến lớp Kirov đầu tiên lấy mẫu từ tàu Raimondo Montecuccoli của Ý. Sau Đệ II thế Chiến năm 1945, Nga có 6 tàu lớp Kirov sống sót, sử dụng cho đến những năm 1970 trong việc huấn luyện đến khi bị phế thải.

Tàu chiến lớp Kirov được gọi là TDH vì kích thước và hỏa lực của nó. Các TDH của Nga lớp Kirov được tái trang bị nhiều lần, 4 chiếc sau cùng của lớp Kirov chiều dài 823 feet, bằng 80% chiều dài của Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ, trọng tải 24,300 tấn, vận tốc 32 hải lý/giờ (36.8 miles/giờ) nhờ hệ thống đẩy CONAS (kết hợp năng lượng nguyên tử và hơi nước).

Trong số bốn TDH này, chỉ có hai chiếc mang tên Petr Velikiy và Admiral Nakhimov còn hoạt động. Lúc đầu các TDH này trang bị 20 hỏa tiễn chống hạm P-700 Granit, mỗi hỏa tiễn có thể mang đầu đạn nguyên tử hoặc khối chất nổ nặng 1,500 Pound (đây là sự liều lĩnh nguy hiểm của Nga). Trong Chiến Tranh Lạnh, TDH lớp Kirov được điều động tới những vùng biển tuần tra tìm và tiêu diệt HKMH của Mỹ mang vũ khí nguyên tử vào vùng biển có thể đe dọa các nước trong khối Liên Xô (Liên Bang Xô Viết cũ).

TDH Petr Velikiy hiện đang hoạt động trong Hạm Đội Phương Bắc của Nga, trong khi TDH Admiral Nakhimov đang được tân trang toàn diện, gắn thêm hỏa tiễn siêu thanh Zircon, hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-500. TDH Admiral Nakhimov tái hoạt động trong năm 2021 trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Như vậy, TDH Admiral Nakhimov lớn nhất, tối tân nhất, có mang hỏa tiễn đầu đạn nguyên tử của Nga có mặt tại châu Á-Thái Bình Dương.

Tuần Dương Hạm mang hỏa tiễn hành trình lớp Ticonderoga của Mỹ đang có mặt ở châu Á-Thái Bình Dương

Tuần Dương Hạm lớp Ticonderoga của Hải Quân Hoa Kỳ

TDH mang hỏa tiễn hành trình lớp Ticonderoga là một loại tàu chiến của Hải Quân Hoa Kỳ, bắt đầu thiết kế năm 1978. Lúc đầu hải quân Mỹ có kế hoạch dùng lớp Ticonderoga làm Khu Trục Hạm. Nhưng sau thấy khả năng chiến đấu tăng gấp bội nhờ trang bị hệ thống chiến đấu Aegis và hệ thống radar AN/SPY-1. Nên đã chuyển qua nhiệm vụ của Tuần Dương Hạm.

TDH lớp Ticonderoga là tàu chiến đa năng đa hiệu, mang hỏa tiễn hành trình. Có giàn phóng hỏa tiễn tự hành Tomahawk để tấn công các mục tiêu gần và xa trên đất liền đến 2300 cây số (loại hỏa tiễn Tomahawk này Mỹ bắn vào Syria trong khi ông Trump đang ngồi trong bàn tiệc với Tập Cân Bình ở Mar-A-Lago, Florida ngày 7/04/2017). Có bệ phóng hỏa tiễn phòng không để hạ máy bay hoặc hỏa tiễn phóng từ đối phương. Có trực thăng trang bị hỏa tiễn lùng diệt tàu ngầm dưới đáy biển… Và nhiều khả năng kỹ thuật vượt trội khác.
TDH lớp Ticonderoga được thiết kế để bảo vệ các Hàng Không Mẫu Hạm của Mỹ, nó còn mang nhiệm vụ hộ tống các tàu đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh, đồng thời ngăn chặn tàu địch…
TDH lớp Ticonderoga thực tập thường xuyên bắn đạn thật, cho nên đã chứng minh sự nhanh chóng và chính xác trên chiến trường rất hữu hiệu.
Các TDH lớp Ticonderoga là những tàu chiến đầu tiên của Mỹ được trang bị radar SPY-1, hỏa tiễn phòng không SM-2, và hệ thống chiến đấu Aegis.
TDH lớp Ticonderoga được cho là chiến hạm mang hỏa tiễn hành trình lớn nhất thế giới, với tổng số 122 giàn phóng thẳng đứng mang hỏa tiễn phòng không SM-2, SM-6 và SM-3. Hỏa tiễn SM-3 nổi tiếng đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo của đối phương rất chính xác. Tàu trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn vận tốc siêu thanh Evolved Sea Sparrow (được thiết kế để chống lại các hỏa tiễn siêu thanh). Hỏa tiễn hành trình tấn công trên đất liền Tomahawk, hoặc hỏa tiễn chống tàu ngầm ASROC. Các TDH này còn được trang bị thêm hỏa tiễn chống hạm tầm xa tối tân, và hỏa tiễn chống hạm Harpoon với khả năng hoạt động trong mọi thời tiết, lướt trên mặt biển đến mục tiêu.

Những khả năng khiến lớp Ticonderoga trở nên mạnh mẽ đặc biệt: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo đối phương nhờ hệ thống đánh chặn Aegis và hỏa tiễn SM-3, có thể sử dụng máy bay chiến đấu F-35 (cất cánh hạ cánh lên thẳng như trực thăng) và máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye. Đồng thời nó được trang bị hệ thống điện tử Kiểm Soát Hỏa Lực Phối Hợp Hải Quân – Phòng Không (NIFC-CA).

TDH lớp này dài 564 feet và có trọng lượng 10,000 tấn, vận tốc 32.5 hải lý/giờ (37.4 miles/giờ), trang bị bốn động cơ turbin khí General Electric LM-2500.

Tính đến năm 2020, Hoa Kỳ có 22 chiếc TDH lớp Ticonderoga đang hoạt động trong Hải Quân. Hiện có 11 chiếc đang hoạt động ở Hạm Đội 7 Thái Bình Dương, trong đó có 3 chiếc thường xuyên ở Nhật và biển Đông. Có 5 TDH lớp Ticonderoga đã về hưu sau khi phục vụ 35 năm, dĩ nhiên được thay thế bởi lớp tối tân hơn (sẽ nói ở dưới).

Khu Trục Hạm (KTH) mang hỏa tiễn hành trình lớp Kongo của Nhật đang có mặt tại châu Á-Thái Bình Dương

Khu Trục Hạm Kirishima lớp Kongo của Nhật trên vùng biển châu Á-Thái Bình Dương

Nhìn chữ Kongō, có thể đoán đó là tàu chiến của Nhật Bản. Khu Trục Hạm lớp Kongō của Nhật là tàu chiến mang hỏa tiễn hành trình đầu tiên của Lực Lượng Phòng Vệ Trên Biển của Nhật Bản (Japan Maritime Self-Defense Force – JMSDF) được thiết kế theo hệ thống mở để dễ dàng gắn thêm hệ thống chiến đấu Aegis mua của Mỹ. Kongo là lớp KTH đầu tiên trang bị hệ thống chiến đấu Aegis bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Aegis là một hệ thống phối hợp tác chiến phức tạp và tối tân nhất thế giới hiện nay. Nhờ thế, nó đã biến KTH lớp Kongō của Nhật thành một chiến hạm quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo từ đối phương.

Lực Lượng Phòng Vệ Trên Biển của Nhật Bản thường sử dụng những gì họ có thể coi là “cao cấp” dù phải chi phí rất lớn tài chánh để bảo vệ người dân và lãnh thổ Nhật, họ đã mua những vũ khí đắt tiền từ Hải Quân Hoa Kỳ như hệ thống Aegis chẳng hạn. Trước mắt, Nhật đang đối diện với sứ mệnh bảo vệ đất nước khỏi các hỏa tiễn của Bắc Hàn thỉnh thoảng phóng bay qua không phận Nhật, và chận đứng sự hung hăng của Trung Cộng trên Biển Hoa Đông. Nhật đã nhanh chóng trang bị 4 Khu Trục Hạm lớp Kongo, có gắn hệ thống chiến đấu Aegis và mang hỏa tiễn hành trình.

Các Khu Trục Hạm Kongo là bản sao của chiến hạm lớp Arleigh Burke tối tân của Hải Quân Mỹ. Hiện Nhật có 4 KTH lớp Kongo là: Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai, mỗi chiếc dài 528 feet và trọng tải 9,400 tấn, vận tốc 30 hải lý/giờ (34.5 miles/giờ). Được thiết kế với 90 giàn phóng thẳng đứng giống như TDH lớp Ticonderoga của Mỹ, và có thể chở nhiều loại vũ khí. Ngoại hình của KTH  Kongō giống tàu chiến của Mỹ, nhưng bên trong có những điểm khác biệt tinh tế như gắn trọng pháo liên thanh 76mm Oto-Melara, chạy bằng động cơ turbin khí LM-2500 biến chế, các hệ thống nhạy bén của radar, và thiết bị điện tử dùng Made-in Japan.

Các Khu Trục Hạm lớp Kongo được xem như là bùa hộ mạng của Nhật Bản; Được trang bị hỏa tiễn đánh chặn SM-3. Chỉ cần hai trong số các KTH Kongo hoạt động là có thể bảo vệ phần lớn lãnh thổ và lãnh hải nước Nhật khỏi cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo. Hải Quân Nhật có 2 KTH lớp Kongo thường trực ngày đêm trên biển để hoàn thành nhiệm vụ vào bất cứ thời điểm nào.

Khu Trục Hạm trang bị hỏa tiễn hành trình lớp 055 của Trung Cộng đang có mặt ở châu Á-Thái Bình Dương

Khu Trục Hạm lớp 055 của Trung Cộng hoạt động trên vùng biển chấu Á-Thái Bình Dương

Các Khu Trục Hạm trang bị hỏa tiễn hành trình lớp 055, là tàu chiến mới nhất của Hải Quân Trung Cộng. Lớp 055 và họ hàng của nó liên tục ra đời để cố gắng cạnh tranh với các TDH lớp Ticonderoga của Hải Quân Hoa Kỳ.

KTH lớp 055 dài 590 feet, trọng tải 10,000 tấn, vận tốc 30 hải lý/giờ (34.5 miles/giờ) được coi là vệ sĩ cho các Hàng Không Mẫu Hạm còn non trẻ của Trung Cộng. Nó còn làm nhiệm vụ chống tàu ngầm và tác chiến chống các tàu chiến của đối phương.

KTH lớp 055 có 112 giàn phóng hỏa tiễn thẳng đứng, mỗi giàn có thể mang hỏa tiễn hành trình chống hạm YJ-18A và YJ-100, hỏa tiễn hành trình tấn công mặt đất hoặc hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9B . Các tàu này cũng trang bị hỏa tiễn đất đối không tầm ngắn HHQ-10 tương tự như vũ khí của khối NATO Rolling Airframe Missile (RAM), và hệ thống vũ khí tầm gần H/PJ-11 tương tự như Phalanx của Mỹ.

Trung Cộng đã có 2 chiếc KTH lớp 055 vào tháng 7/2018 sau đó thêm 6 chiếc ở các thời điểm khác nhau Nay Trung Cộng có ít nhất 8 Khu Trục Hạm lớp 055.

Với 8 Khu Trục Hạm này kỹ thuật còn kém, các loại vũ khí trên tàu có thể chưa qua những thử nghiệm. Trong ruột, những kỹ thuật công nghệ đánh cắp từ Mỹ hay các nước tây phương, ngoại hình thì nhái mẫu tàu chiến Nga hoặc các nước khác. Ít có những cuộc thực tập bắn đạn thật nên không nắm chắc hiệu năng chiến đấu trên thực tế. Các nhà quân sự bình luận rằng Khu Trục Hạm của Trung Công không biết có khả năng đến đâu?

Khu Trục Hạm (KTH) trang bị hỏa tiễn hành trình lớp Arleigh A. Burke của Hoa Kỳ tối tân nhất đang có mặt tại châu Á – Thái Bình Dương:

Khu Trục Hạm lớp Burke của Hải Quân Hoa Kỳ đang phóng hỏa tiễn trong cuộc tập trận trên Thái Bình Dương

USS Arleigh Burke (DDG-51), được đặt theo tên của Đô đốc Arleigh A. Burke (1901–1996), là KTH tối tân nhất trang bị hỏa tiễn hành trình của hải quân Hoa Kỳ. Chiếc đầu tiên đưa vào hoạt ngày 4/7/1991.

Các nhà thiết kế KTH Arleigh Burke đã rút kinh nghiệm ưu và khuyết của Hải Quân Hoàng Gia Anh trong chiến dịch Falklands và TDH mang hỏa tiễn hành trình lớp Ticonderoga. Cho rằng TDH lớp Ticonderoga giá rất đắt và thiết kế cứng nhắc rất khó tân trang. 

Những ưu điểm chưa từng có của KTH lớp Arleigh Burke:

Về kỹ thuật thiết kế:

KTH lớp Arleigh Burke được chế tạo bởi kỹ thuật tàng hình của lớp vỏ khiến tàu khó bị đối phương phát hiện. Mỗi KTH lớp Arleigh Burke có một bộ thiết bị chiến tranh điện tử cung cấp các phương tiện phát hiện đối phương sớm để đối phó nhanh. Hệ thống Bảo Vệ thủy thủ trong tàu lớp Burke trang bị hệ thống lọc không khí chống lại chiến tranh nguyên tử, sinh học và hóa học, nên nó trở thành tàu chiến đầu tiên tối tân và an toàn nhất của Mỹ, hay có thể nói cả thế giới. Ngoài ra còn có các kỹ thuật tối tân được trang bị để tấn công và phòng thủ khác…

Vũ khí trang bị trên KTH lớp Arleigh Burke:

Vũ khí và những thiết bị trên KTH lớp Arleigh Burke là sự phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau với nhiều hệ thống vũ khí tác chiến tối tân, bao gồm: sự kết hợp hệ thống chống tàu ngầm (Anti-Submarine Warfare – ASW), hỏa tiễn hành trình tấn công trên đất để dọn bãi cho các lực lượng bộ binh đổ bộ, hỏa tiễn chống hạm siêu thanh, hỏa tiễn phòng không tối tân, khẩu pháo đại bác 127mm bắn liên thanh…

Lớp Burke có trang bị radar Aegis, khác với loại radar xoay một vòng 360 độ để quét quanh vùng,  thì Aegis sử dụng một mảng quét điện tử có khả năng liên tục theo dõi mục tiêu và đồng thời quan sát toàn bộ không gian chung quanh. Điều này tăng khả năng chiến đấu của thủy thủ. Hệ thống Aegis cũng trang bị hệ thống điện tử chống lại sự phá hoại điện tử của đối phương. Các bệ phóng hỏa tiễn chống hạm Harpoon hoạt động trên mọi thời tiết được thiết kế độc lập đem lại cho KTH Burke có khả năng bắn chiến hạm của địch cách xa 78 miles.

Lớp Burke được trang bị hỏa tiễn Tomahawk Block V, loại hỏa tiễn này khác với Tomahawk cũ, nó làm hai nhiệm vụ vừa chống hạm, vừa tấn công trên đất liền. KTH lớp Burke có thể mang nhiều hỏa tiễn Tomahawk Block V hơn các chiến hạm trước.

Lớp Burke được trang bị hỏa tiễn RIM-7 Sea Sparrow, RIM-162 ESSM là hỏa tiễn siêu thanh tầm trung, có khả năng chống hỏa tiễn siêu thanh của đối phương và chiến đấu cơ của địch lao tới. Với vận tốc siêu thanh và độ chính xác được thử nghiệm, hỏa tiễn này mang danh hiệu sát thủ của các hỏa tiễn của đối phương, và các chiến đấu cơ của địch nhanh chóng lao xuống ném bom.

Lớp Burke trang bị những hỏa tiễn SM-2 phòng không trong khu vực; SM-6 chống hỏa tiễn đối phương bắn trên đường chân trời. Đặc biệt SM-3 và SM-6 được trang bị hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo của Aegis ABMD (Aegis Ballistic Missile Defense – ABMD). Hiện nay tất cả các KTH lớp Arleigh Burke trở nên quan trọng đến mức là đều được tăng cường hệ thống ABMD.

Lớp Burke trang bị hệ thống tác chiến chống tàu ngầm mới nhất của Hải Quân Hoa Kỳ với sonar chủ động (hệ thống phát hiện tiếng động dưới sâu và từ xa), và hỏa tiễn chống ngầm. KTH lớp Burke có thể phát hiện mìn chống hạm của địch ở khoảng cách 1.4 cây số.

Lớp Burke hỗ trợ hữu hiệu các cuộc tấn công trên mặt đất bằng hệ thống phóng tối tân VLS (Vertical Launching Systems – VLS) dùng để phóng hỏa tiễn Tomahawks.

Lớp Burke được gắn khẩu pháo 127mm, nòng dài 6.9 mét, bắn xa 32 km, bắn nhanh 16-20 viên/phút (3-4 giây/viên). Pháo này cũng có khả năng sử dụng chống hạm và phòng không trong tầm ngắn, nó cũng là vũ khí đắc lực hỗ trợ các lực lượng trên bộ gọi là NGS (Naval Gunfire Support – NGS)

Trang bị 2 phi cơ trực thăng trên KTH lớp Arleigh Burke

KTH lớp Burke có mang theo 2 máy bay trực thăng được trang bị Hệ Thống Nhẹ Đa Dạng (Light Airborne Multi-Purpose System – LAMPS) đủ khả năng chống lại tàu ngầm và tàu nổi. Máy bay trực thăng này dùng để dò tìm tàu ngầm và tàu nổi, cũng như phóng ngư lôi và hỏa tiễn để diệt chúng. Đồng thời hỗ trợ hỏa lực áp đảo đối phương. Ngoài ra, các máy bay trực thăng cũng làm những việc hữu ích khác, như tìm kiếm và cứu nạn, cứu trợ y tế, chuyển tin liên lạc…

Trang bị hệ thống laser trên KTH lớp Arleigh Burke

Tháng 02/2018, công ty Lockheed Martin đã ký hợp đồng cung cấp hệ thống đèn laser công suất cao và đèn pha quang học với hệ thống giám sát HELIOS (High Energy Laser with Integrated Optical-dazzler and Surveillance – HELIOS) lắp đặt trên KTH lớp Arleigh Burke. Đèn laser có thể tạo ra công suất 60-150 kW để làm “chói mắt” hoặc phá hủy các tàu thuyền nhỏ và máy bay không người lái UAV (Unmanned Aerial Vehicle – UAV).
Tháng 11/2019 lớp Burke được lắp đặt Hệ thống giao thoa ánh sáng quang học, để làm mù hoặc phá hủy các cảm biến quang học tinh vi trên máy bay không người lái UAV.

Để thấy sức mạnh của Khu Trục Hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ cỡ nào, chúng ta có thể nghe phán xét của một nhà quân sự hải quân Anh khi tìm hiểu về Khu Trục Hạm này kết luận: 

Các tàu quân sự lớp Arleigh Burke là những chiến hạm lợi hại nhất của các Hạm Đội Hải Quân Hoa Kỳ. Chúng có thể bảo vệ an ninh hoàn hảo cho các Hàng Không Mẫu Hạm của Mỹ trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Chúng có khả năng phát hiện tàu chiến và hỏa tiễn của đối phương đồng thời bắn trả bằng những thứ vũ khí tối tân nhất của quân đội Hoa Kỳ. Đây là Khu Trục Hạm lớn nhất đang hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ khó bị theo dõi, được trang bị các hệ thống tối tân với vũ khí sát thương cao nhất cho bất kỳ nhiệm vụ nào. Với những phương tiện được trang bị, nó dễ dàng giành chiến thắng nhanh chóng cho bất kỳ cuộc chiến nào trên biển.

KTH lớp Burke dài 505 feet, trọng tải 7,900 tấn, Chạy bằng 4 động cơ turbin khí LM-2500, vận tốc 30 hải lý/giờ (34.5 miles/giờ).

Hiện Hải Quân Hoa Kỳ có 68 KTH lớp Burke đang hoạt động, 7 chiếc đang được đóng, và ba chiếc khác nhận đơn đặt hàng. Riêng Hạm Độ 7 Thái Bình Dương có 34 KTH lớp Arleigh Burke, trong đó có 8 hoạt động thường trực ở Nhật và vùng Biển Đông. 

Kết luận: 

Tất cả các Tuần Dương Hạm, Khu Trục Hạm tối tân nhất thế giới đang ngày đêm hoạt động trong vùng biển châu Á -Thái Bình Dương, số lượng càng ngày càng đông, và đang theo dõi nhau rất sát sao. Đó những lực lượng hải quân chiến đấu thật sự trong những trận đánh sống còn trên Biển.
Phía Nga-Trung không những ít hơn về số số lượng mà chất lượng và khả năng cũng kém xa và còn lâu mới theo kịp Mỹ-Nhật. Nga thì không có tiền đóng tàu mới nên xài toàn tàu cũ tân trang từ đợt này sang đợt khác, vẽ lông mày cắm râu thêm, trang bị đầu đạn nguyên tử để hù dọa đối phương. Trung Cộng còn non nớt,  vội vàng cho tàu chiến xuất xưởng chưa thử nghiệm kỹ lưỡng, chỉ tính con số để tuyên truyền. Tình trạng sẽ như xe thiết giáp của Trung Cộng bán cho Iraq trước đây, vì kém trên mọi phương diện nên bị thiết giáp của Mỹ tiêu diệt ngay từ buổi đầu trong cuộc Chiến Sa Mạc (Desert Storm War) vào năm 1990.
Trong khi đó, Mỹ-Nhật là hai nước giàu, thay tàu chiến lớp mới liên tục, kinh nghiệm hải chiến lâu đời, các đội tàu chiến từng tung hoành trên bốn bể với những thành tích vang dội. Đó là chưa kể đến  Hàng Không Mẫu Hạm và lực lượng không quân chiến lược của Mỹ nhảy vào trận chiến.

Qua những tìm hiểu trên, chúng ta nhận rằng nếu một cuộc chiến xẩy ra thì các chiến hạm của Nga,Trung sẽ bị các chiến hạm của Mỹ, Nhật áp đảo ngay từ đầu.

Ngày 26/12/2021

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt