Nét thăng hoa trong cuộc cách mạng xã hội của Đức Huỳnh Phú Sổ
Chúng ta đã biết nhà cách mạng Huỳnh Phú Sổ (Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo), sau khi khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo năm Kỷ Mão (1939), Ngài đồng thời cũng đã cách mạng trong hai lãnh vực Chính Trị và Phật Giáo. Chúng tôi thiển nghĩ, nếu chỉ nói về hai lãnh vực đó (Chính Trị và Phật Giáo) thì thật là thiếu sót và chưa nói hết ý, tức chưa nói hết những gì mà Đức Huỳnh Phú Sổ đã tâm huyết mong thực hiện cho được hoài bảo của Ngài. Vì vậy, hôm nay tôi xin mạn phép lạm bàn thêm lãnh vực thứ ba của Ngài, đó là “Cách Mạng Xã Hội”. Có người hỏi rằng: Xã hội Việt Nam trong thập niên 40 có gì lạ mà phải “cách mạng” cho tổn công hao sức? Xin thưa: Có rất nhiều điều mà Đức Huỳnh Phú Sổ (tức Đức Huỳnh Giáo Chủ) đã lao tâm nhọc trí, luôn luôn nghĩ tới. Xin mời quý vị chịu khó dành chút thì giờ theo dõi công cuộc cách mạng nầy.
Song song với cuộc cách mạng Ðạo Phật, cuộc cách mạng Xã Hội là một sự nghiệp vĩ đại thứ hai của Ðức Huỳnh Giáo Chủ trong thời gian Ngài hành đạo. Ai ai cũng biết: Chính sách đô hộ của thực dân Pháp trong 2 thập niên 30 và 40, có thể nói là giai đoạn cực kỳ khắc nghiệt, người dân phải chịu sưu cao thuế nặng, dân trí kém cỏi, bệnh tật tràn lan… Từ những tệ trạng ấy, xã hội nảy sinh ra những hạng người bòn rút, hư đốn, gian xảo…
Cùng lúc đó, văn minh vật chất Tây phương (nhất là Pháp) đã xâm nhập vào Việt Nam, làm cho phong hóa suy đồi, đạo Nho thất bổn… Ðứng trước cảnh xã hội thoái hóa, Ðức Huỳnh Giáo Chủ không ngăn được nỗi buồn nên buộc miệng than:
Hạ ngươn nay đã hết đời,
Phong ba biến chuyển đổi dời gia cang.
(Sấm Giảng Khuyên người đời tu niệm)
Ngài lấy làm đau xót cho nhơn tâm nên không ngớt cực lực bài xích những thói hư tật xấu của người đương thời. Theo ý của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, những điều sau đây cần phải được sửa đổi ngay thì xã hội Việt Nam mới may ra “khá” và “sạch” được.
Theo Ngài, có 3 lãnh vực chánh cần phải được sửa đổi, đó là: gia đình, phong hóa và đạo Nho.
1) Về gia đình: Việc loạn luân cang kỷ đã đến hồi chất ngất. Vậy phải làm thế nào để gây dựng lại lòng hiếu thảo giữa cha con, ân nghĩa giữa vợ chồng, kính thuận giữa anh em, thành thật giữa bạn bè, trung tín giữa chủ tớ, trung nghĩa giữa chúa tôi, thành kính giữa thầy trò…
Ngài than:
Có đâu như thể bây chừ,
Loạn luân cang kỷ bất từ, bất lương.
(Cảm Tác)
Và rằng:
Kẻ thời phụ nghĩa bố kình,
Người thời trung hiếu chẳng gìn vẹn hai.
(Sấm Giảng Khuyên người đời tu niệm)
Ngài khuyên:
Trung với hiếu ta nên trau trỉa,
Hiền với lương bổn đạo rèn lòng.
(Kệ Dân của Người Khùng)
2) Về phong hóa: Xã hội Việt Nam càng ngày càng đồi bại nên nảy sanh ra nhiều hạng người, như: đàng điếm, chơi bời, gian phi, hung ác, ích kỷ, sâu dân… Theo ý của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, muốn xã hội được lành mạnh thì phải bài trừ hết những hạng người nầy.
Thế gian ít kẻ làm hiền,
Nhiều người tàn bạo làm phiền Hóa Công.
(Sấm Giảng Khuyên người đời tu niệm)
Hoặc:
Lũ giả dối thường hay thề thốt,
Nó chẳng kiêng Thần Thánh là gì.
Tâm kẻ hung làm chuyện cố lỳ,
Chẳng có sợ mang điều tội phước.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Ðức Huỳnh Giáo Chủ khuyên:
Nhà giàu có xài không sợ tốn,
Phải để tiền cho kẻ nghèo nàn.
Lo ăn xài trà rượu xình xoàng,
Chừng khổ nảo phàn nàn căn số.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Và rằng:
Ở chòm xóm đừng cho nhơ bợn,
Rán giữ gìn phong hóa nước nhà.
(Kệ Dân của Người Khùng)
3) Về đạo Nho: Thuyết “Tu Tề Trị Bình” đang suy vi hủ bại, kẻ học Nho không còn phong độ quân tử nữa. Ðể chấn hưng đạo Nho, theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, chỉ còn cách chấn phục đạo ngũ luân, ngũ thường, Tam Tòng, Tứ Ðức.
Ngài khuyên:
Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
Sách Thánh Hiền dạy Ðạo làm người.
(Kệ Dân của Người Khùng)
Và:
Câu tam tùng bọn gái nước ta,
Chữ hiếu nghĩa trẻ trai cho vẹn.
(Kệ Dân của Người Khùng)
Ngoài ra, Ngài còn khuyên muôn dân hãy thực hành thêm 8 điều nhẫn (Bát Nhẫn) để trợ lực giúp người bền chí vượt qua mọi trở ngại khó khăn. Bát Nhẫn, gồm có: Nhẫn Năng Xử Thế, Nhẫn Giải, Nhẫn Hương Lân, Nhẫn Phụ Mẫu, Nhẫn Tâm, Nhẫn Tánh, Nhẫn Ðức, và Nhẫn Thành.
Ðức Huỳnh Giáo Chủ giải thích Bát Nhẫn như sau:
Mùi đạo diệu chúng dân rán kiếm,
Trễ thời kỳ khó gặp đặng Ta.
Rồi hành luôn Bát Nhẫn mới là,
Thì muôn việc đều an bá tuế.
Chữ thứ nhứt Nhẫn Năng Xử Thế,
Là người hiền khó kiếm trong đời.
Lập thân danh tuần trải nơi nơi,
Chờ thời đại mới là khôn khéo.
Chữ Nhẫn Giải trì tâm trong trẻo,
Khuyên dương trần giữ phận làm đầu.
Nhẫn Hương Lân cùng khắp đâu đâu,
Trên cùng dưới đều hòa ý hỉ.
Nhẫn Phụ Mẫu gọi trang hiền sĩ,
Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau.
Nhịn xóm chòm cô bác mới cao,
Nhẫn Tâm nọ ngày ngày an lạc.
Nhịn tất cả những người tuổi tác,
Nhẫn Tánh lành yên tịnh dài lâu.
Giữ một lòng hiền hậu mới mầu,
Quanh năm cũng bảo toàn thân thể.
Chữ Nhẫn Ðức kể ra luôn thể,
Thì trong đời vạn sự bình an.
Chữ Nhẫn Thành báu qúy hiển vang,
Khắp bá tánh được câu hòa nhã.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Sự nghiệp Cách Mạng Xã Hội của Ðức Huỳnh Giáo Chủ không dừng lại ở những điểm tâm lý vừa nêu, mà Ngài còn vượt xa hơn trong lãnh vực canh nông. Thành công lớn nhất của Ngài ở lãnh vực nầy là công cuộc “Khuyến Nông” năm 1945 tại Miền Tây, sau khi gần hai triệu người dân Miền Bắc lâm cảnh chết đói (năm Ất Dậu 1945).
Ðứng trước tình cảnh bi thương của đồng bào Miền Bắc, Ðức Huỳnh Giáo Chủ cảm thấy có nhiệm vụ thiêng liêng nên Ngài đứng ra cổ võ đồng bào Miền Nam chung sức góp tiền, góp gạo đem ra cứu đồng bào Miền Bắc. Ngài còn đi một vòng Hậu Giang trong 2 tháng liền để khuyến khích tín đồ của Ngài nên trông gương Miền Bắc mà gia tăng và chăm lo việc đồng áng hầu tránh nạn đói khủng khiếp có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở Miền Nam.
Sau đây là các đoạn thơ trích trong bài thơ Khuyến Nông của Ðức Huỳnh Giáo Chủ viết tại Sài Gòn, tháng Tư năm Ất Dậu (1945):
Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc,
Ngày lại ngày siết chặt giống nòi;
Lật qua các báo mà coi,
Thấy con số chết xem mòi kinh nguy.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..
Quyết phen nầy kết liên một khối,
Ðem máu đào tắm gội giang san.
Giờ đây đem lại mùa màng,
Năm rồi miền Bắc tan hoang còn gì.
Chỉ có xứ Nam Kỳ béo bở.
Cơ hội nầy bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền chủ phú nông,
Ðứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.
Muốn cứu khỏi tai nàn cả nước,
No dạ dày là bước đầu tiên.
Nam Kỳ đâu phải sống riêng,
Mà còn cung cấp cho miền Bắc, Trung.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Cùng chung một giọt máu đào,
Phen nầy hiệp sức nâng cao nước nhà.
Kẻ phu tá cũng là trọng trách,
Cứu giống nòi quét sạch non sông.
Một phen vác cuốc ra đồng,
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.
Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,
Chí hy sinh dầu thác cũng cam.
Miễn sao cho cánh đồng Nam,
Dồi dào lúa chín gặt đam về nhà.
Chừng ấy mới hát ca vui vẻ,
Ai còn khinh là kẻ dân ngu.
Không đem được chút công phu,
Không đem sức lực đền bù nước non.
Gởi một tấc lòng son nhắn nhủ,
Khuyên đồng bào hãy rủ cho đông.
Nắm tay trở lại cánh đồng,
Cần lao, nhẫn nại Lạc Long tổ truyền.
(Khuyến Nông)
****
Các dẫn chứng trên đây cũng chưa diễn tả hết ý của Ngài. Chúng tôi thấy rải rác trong 5 tác phẩm Thơ của Ngài (mà tín đồ PGHH gọi là Sấm Giảng) còn rất nhiều câu thơ hay ý thơ nói về lãnh vực Xã Hội.
Khi tiên đoán về biến chuyển năm Kỷ Mão (1945), Ngài than:
Năm Mèo Kỷ Mão rõ ràng,
Khắp trong trần hạ nhộn nhàng xiết chi.
….
Thấy đời ly loạn bất an,
Khắp trong các nước nhộn nhàng đao binh.
….
Từ đây sắp đến thảm thê,
Con lìa cha mẹ, vợ kia xa chồng.
….
Người khôn nghe nói càng rầu,
Người ngu nghe nói ngửa đầu cười reo.
Rồi sau sẽ thấy hùm beo,
Khắp trong bá tánh hiểm nghèo đáng thương.
(Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm)
Cuộc thế thay đổi quá nhanh làm cho Đức Huỳnh Giáo Chủ phải cất tiếng than:
Mới mấy năm sao quá hao mòn,
Mùa màng thất, đói đau không thuốc,
….
Thấy dân mang sưu thuế mà thương.
Chẳng qua là Nam Việt vô vương,
Nên tai ách xảy ra thảm thiết.
….
Mùa màng thất, đói đau không thuốc,
Thương hại bầy lê dân đứt ruột.
Thảm vợ con đói rách đùm đeo.
Gẫm chữ nghèo thường mắc chữ eo,
Thêm gạo lúa lại tăng giá mắt.
(Kệ Dân của Người Khùng)
Trước cảnh thế sự thảm thương, lòng đạo đức của bậc chân tu không khỏi xót xa nên Ngài than:
Thảm thương bá tánh chín chiều ruột đau.
….
Thương trong lê thứ xáo xào từ đây.
….
Thảm thương thế sự lắm ôi!
Dẫy đầy thê thảm lắm hồi mê ly.
….
Anh em đừng có đổi dời,
Phụ phàng dưa muối xe lơi nghĩa tình.
(Sám Giảng)
Việc khuyên giải nhân dân làm điều thiện, Ngài lúc nào cũng hết lòng căn dặn:
Việc bán buôn phải giữ ngang cân,
Chớ tập tánh lận lường tráo đấu.
….
Phải sốt sắng làm ăn cần thiết.
Nghèo với đói từ đây sẽ biết,
Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài.
Nên bá gia hãy rán miệt mài,
Dầu rách rưới cũng mau cần kiệm.
….
Bịnh ôn dịch thường hay ói mửa,
Mà dương trần chẳng chịu kiêng dè.
Qua năm Dê đến lúc mùa hè,
Trong bá tánh biết ai hữu chí.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Về tài sản sau khi chết, Ngài khuyên:
Nhắm mắt cũng nắm hai tay,
Đâu đem tiền của, đem rày hầu non.
….
Thấy đời khó nỗi yên ngồi,
Thêm lời Thầy nhắc một hồi thấp cao.
Nữ nam muốn rõ âm hao,
Rán trau đức hạnh ngày sau sẽ tường.
(Khuyến Thiện)
****
Qua 2 cuộc cách mạng ưu việt và vĩ đại nói trên, chúng ta thấy rằng Ðức Huỳnh Giáo Chủ, không chỉ là một nhà tu hành thuần túy, một vị giáo chủ của một tôn giáo lớn, mà Ngài còn là một nhà đại cách mạng song toàn trên hai lãnh vực rất tế nhị thời bấy giờ (Phật giáo và Xã hội). Và hơn hết, Ngài là vị Bồ Tát thương yêu tất cả chúng sanh.
(Avondale)
VĨNH LIÊM