NATO tái bố trí lực lượng ở Đông Âu để răn đe Nga
Không phải là Chiến Tranh Lạnh, nhưng gần như là vậy : Trong một quyết định chưa từng thấy, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO ngày hôm qua, 10/02/2016 đã thông qua một loạt biện pháp quân sự mới được đánh giá là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Mục tiêu được tuyên bố công khai là nhằm răn đe Nga, buộc nước này tránh phát động bất kỳ cuộc tấn công nào vào các nước Baltic hay Đông Âu.
Theo hãng tin Anh Reuters, các biện pháp vừa được quyết định nhân cuộc họp tại Bruxelles, nơi đặt Tổng Hành Dinh của NATO, sẽ cho phép Liên Minh triển khai nhanh chóng các lực lượng không quân, hải quân và lục quân tại các vùng bị Nga đe dọa.
Để làm được điều này, lực lượng chiến đấu và thiết bị, vũ khí của NATO sẽ được bố trí sẵn tại các quốc gia Baltic (Litva, Latvia, Estonia) và Ba Lan trên cơ sở luân chuyển, trong lúc các cuộc tập trận hỗn hợp sẽ được thường xuyên tổ chức, mà thành phần tham gia chủ yếu là các đơn vị trong lực lượng phản ứng nhanh.
Ngay từ năm 2015, bộ trưởng Quốc Phòng 28 nước thành viên NATO đã đồng ý nâng quân số của lực lượng phản ứng nhanh từ 13.000 lên thành 40.000 binh sĩ, đồng thời thành lập một lực lượng can thiệp cực nhanh, chỉ cần vài ngày là có thể tập hợp lại và sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng này bao gồm 5.000 người, được không quân và hải quân đặc biệt yểm trợ.
Cũng trong năm 2015, NATO đã cụ thể hóa quyết định tăng cường sự hiện diện của mình tại miền đông châu Âu bằng việc thành lập một mạng lưới trung tâm chỉ huy cỡ nhỏ.
Trong phát biểu ngày hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Lítva Juozas Olekas không che giấu : “Nga là một mối đe dọa… Chính hành động của Mátxcơva ở Crimée, hậu thuẫn của Nga dành cho lực lượng ly khai ở Ukraina và những cuộc tập trận đột xuất của họ đã khiến chúng ta lo ngại”.
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Michael Fallon cũng cho rằng những biện pháp quân sự vừa thông qua đã chứng tỏ rằng những cam kết của NATO không phải là lời hứa suông. Tính ra, trong tương lai, NATO sẽ có 6.000 quân, phân bổ đều tại 6 quốc gia cần phải bảo vệ chống lại Nga : Litva, Latvia, Estonia, Ba Lan, Bulgari và Rumani. Các đơn vị đó sẽ được lực lượng phản ứng nhanh liên binh chủng yểm trợ, kết hợp hải quân, không quân và lực lượng đặc biệt.
Tin RFI