Năm Nhâm Dần 2022 nói chuyện cọp
Ngày tết Nhâm Dần Âm lịch nhằm vào ngày 1 tháng 02 năm 2022, tại Việt Nam đó là ngày tết đầu năm. Tại hải ngoại ở Mỹ và các nước châu Âu, nơi nào có người Việt định cư đông đúc cũng có tổ chức lễ hội mừng Xuân năm mới. Mấy năm nay, do đại dịch virus Vũ Hán, tổ chức bị hạn chế không còn tưng bừng như những năm trước đây. Việc tổ chức cũng nhờ những thế hệ người Việt còn lưu lại tính phong tục Việt Nam. Không biết sau này con cháu chúng ta còn tổ chức như vậy hay không hãy để thời gian trả lời!
Năm nay là Nhâm Dần tức là năm con cọp chúng thử bàn về cọp liên hệ dân gian như thế nào mà nó nằm trong 12 con giáp.
Trong 12 con giáp, Hổ là con vật đứng hàng thứ ba sau Chuột và Trâu: mệnh danh là “Dần”. Tuổi Dần biểu tượng cho con Hổ hay còn gọi là con “CỌP “.
Xét về khía cạnh “Tử Vi” thì tuổi Dần đại diện cho những người quyền lực, cho sự mạnh mẽ, năng động trong cuộc sống. Người tuổi DẦN thích những công việc mạo hiểm, đem đến vinh quang, thành công rực rỡ cho mình. Ngoài tài lãnh đạo, luôn nhiệt tình giúp đỡ những người xung quanh và nếu xét về khía cạnh nhỏ trong xã hội là gia đình thì người tuổi DẦN ra sức bảo vệ gia đình của mình.
Năm 2022 là năm Nhâm Dần. Người sinh năm Nhâm Dần 2022 thường là những người giỏi giang, thông minh, có khả năng hoàn thành được nhiều công việc cùng một lúc.
Như chung ta biết, Hổ (còn gọi là Cọp) là một con vật được muôn loài nể phục. Trong 12 con giáp con Hổ được xem là một con vật oai hùng. Hổ đại diện cho sức mạnh. Người Tuổi Dần có tướng hiên ngang, khỏe mạnh được ví như “Mình Hổ, tay vượn “. Nơi đất thiêng, có vị thế thịnh phát được gọi là “Hổ ngồi Rồng cuộn “.
Con Hổ được xem là con vật mạnh mẽ, con vật hùng hổ nhất của 12 con giáp. Con vật này được xem là chúa tể rừng xanh, là chúa tể muôn loài, là loài vật có sức mạnh nhất trong thế giới loài vật. Trừ những “anh” Hổ trong rạp xiếc, nói chung loài Hổ sống nơi hoang dã, rừng rú. Hổ, loài thú được mệnh danh là “Chúa Tể Sơn Lâm” tuy ít tiếp xúc với con người song cũng để lại nhiều dấu ấn trong ca dao tục ngữ Việt Nam nói riêng. Đón Tết con Cọp, đêm ba mươi ngồi kể chuyện “Hùm” qua Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam làm quà chúc Xuân Nhâm Dần thêm thú vị.
Nhưng Ca dao, Tục ngữ là gì?
Xin mạn phép mở ngoặc ở đây giải thích ngắn gọn. Trước hết, Ca dao là “những câu thơ của dân gian Việt Nam được truyền miệng dưới dạng những câu hát không theo một điệu nhất định và thông thường được phổ biến theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ và dễ thuộc”. Đặc biệt hơn chính ca dao đã để lại dấu vết rõ rệt nhất trong ngôn ngữ văn học Việt Nam. Trong đó phần lớn nội dung ca dao thể hiện tình yêu nam nữ. Ngoài ra còn có các nội dung khác như: liên hệ gia đình, các mối liên hệ phức tạp trong xã hội. Và tóm lại ca dao có thể được hiểu theo nghĩa ngắn gọn là những câu thơ dân gian được truyền miệng từ xưa do tổ tiên ta để lại.
Khác với ca dao thì tục ngữ là những câu nói đúc kết kinh nghiệm của dân gian diễn tả mọi mặt trong cuộc sống được nhân dân vận dụng vào đời sống, trong suy nghĩ, lời ăn tiếng nói và khuyên răn… Với ý nghĩa ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ, ca dao có nhịp điệu thường gieo vần … Và đây cũng là một thể loại văn học dân gian Việt Nam. Tục ngữ được hình thành từ cuộc sống thực tiễn của con người. Trong đó giữa hình thức và nội dung, tục ngữ có một sự gắn bó chặt chẽ. Thông thường trong một câu tục ngữ có 2 nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ca dao tục ngữ Việt Nam về Hổ thường khuyên người ta tu luyện tài sức, vượt qua nguy hiểm để hoàn thành công việc. Người làm việc quan trọng, gặp lúc tiến thoái lưỡng nan cũng không được bỏ dở như trường hợp lỡ “Cưỡi trên lưng Cọp ” rồi !.
Mời quý độc giả hãy thử xem Cọp trong kho tàng vô giá “Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam” !.
Đôi khi ở nơi “Hang Hùm nọc rắn ” cũng phải có ý chí vượt thoát, làm được những điều tưởng không bao giờ làm nổi như:
“Tay không bắt Hổ hay Bạo Hổ bằng hà “, (qua sông không thuyền)”.
Đặc biệt người nào sinh vào năm Dần hoặc giờ Dần tin vào số mệnh của mình, ca dao Việt Nam có câu:
Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân
Hễ đẻ giờ Dần thì sướng bằng Vua!
… Cầm tinh con Hổ còn lo nỗi gì !
Chưa hết, ca dao tục ngữ dí dỏm chê những người chăm chú vào việc nhỏ mà né tránh việc lớn:
“Mèo tha miếng thịt thì đòi,
Hùm tha con lợn thì ngồi mà trông”.
Cũng có những câu ca dao “ngược đời” sau đây nói lên mong ước đổi đời của người xưa:
” Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông …”
Tuy vậy, vài câu ca dao tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết tài lực của mình, đừng làm bộ cao ngạo dù chẳng được công trạng gì, giống nhau như anh chàng “Vẽ Hùm ra Chó “, làm trò cười.
Con cọp (còn có những tên gọi khác như Hùm, Hổ) là con vật dữ tợn nơi chốn rừng xanh với nhiều biệt danh như “ông Ba Mươi”, “Chúa Sơn Lâm”… Cùng với những tên hiệu phong phú của mình, cọp đã đóng góp không ít cho kho tàng ngôn ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao Việt Nam.
Điển hình, để diễn tả những kẻ hung ác, người ta so sánh với cọp và nói: Ác như hùm !
Hổ đội lốt thầy tu: là để ám chỉ kẻ thiếu chân thật khoác áo người tu hành làm điều bạo ngược, độc ác, tương đương với câu: “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Ý nói kẻ độc ác nhưng hay nói lời đạo đức để lừa dối.
Lỡ cưỡi trên lưng hổ (cọp) thì khó mà xuống lắm, được dùng để diễn tả một tình huống mà trong đó người bị mắc kẹt lâm vào một tình cảnh khó khăn không có đường ra.
Hổ phụ sinh hổ tử (cha hổ sinh con cũng hổ): Tương đương với thành ngữ “cha nào con nấy” để chỉ đứa con (giỏi) cũng có tài giống như người cha, giữ được truyền thống gia đình.
Dưỡng hổ di họa (nuôi cọp tác hại): Tương đương với thành ngữ “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”, để chỉ nuôi cọp trong nhà, khi cọp lớn không đề phòng, cọp phản bội gây hại cho chủ.
Điệu hổ ly sơn (dụ cọp ra khỏi núi): Núi rừng là nơi cư trú an toàn và là địa bàn cọp mặc sức thao túng hoành hành. Dụ cọp rời khỏi núi rừng đem về nơi đồng bằng thì cọp sẽ bị lúng túng khó khăn, không hậu thuẫn để bị sụp hầm.
“Hùm (cọp) chết để da, người ta chết để tiếng”: Da cọp rất quý hiếm, người xưa dùng làm trang phục cho các vị tướng hoặc để trang trí trong dinh thự. Vì vậy, nếu như con hổ chết còn để lại tấm da quý thì con người nên cố gắng làm sao để lại danh tiếng của mình sau khi chết đi.
Thả cọp về rừng: để ám chỉ hành vi vô tình tiếp tay cho kẻ ác.
” Vuốt râu hùm, xỉa răng cọp”: diễn tả hành động liều mạng. Gặp cọp đã là nguy cơ mà còn dám liều mạng vuốt râu, xỉa răng cọp, không khác nào coi thường mạng sống…
Không vào hang hùm, sao bắt được cọp.
Theo nghĩa bóng ngụ ý nói là phải có gan mạo hiểm thì mới làm được việc khó.
Loài hổ vốn được ví như là chúa tể của rừng xanh, dữ dằn có tiếng trong muôn loài. Bất kể loài vật nào khi nghe tới hổ cũng phải e dè vì sức mạnh và độ hung tàn của nó. Ngay cả con người nghe nói đến hổ còn phải run rẩy. Thế nhưng, nó cũng như bao con vật trên đời, biết thế nào là “Máu chảy ruột mềm”. Dù có dữ dằn và hung tàn bao nhiêu, nó cũng biết thương con và bảo vệ con mình. Vì vậy người ta mới bảo ” Hùm dữ không ăn thịt con ” để diễn tả tình sâu nghĩa nặng của cha mẹ đối với con cái.
Để ví von về chuyện “Nòi Nào Giống Ấy” thì người ta nói Hổ phụ sinh hổ tử .
Nếu không dạy dỗ được con cái, để chúng mắc nghiện, thì ca dao có câu “Đem thịt nuôi Hổ đói”.
Gặp khi “bí cực”, phải tỉnh táo tháo gỡ, nếu không sẽ vướng cảnh “Tránh Voi gặp Hổ”…
Làm hùm làm hổ ngụ ý để tỏ ưu thế, làm dữ để dọa nạt người yếu bóng vía.
Dựa vào uy thế của người có quyền lực để lên mặt với người khác thì ca dao Việt Nam có câu: Cái thằng “dựa hơi hùm vểnh râu cáo”, lúc nào cũng vênh vang …
“Miệng hùm gan sứa”, thành ngữ này để ví những người bề ngoài nói năng hùng hổ, nhưng thực chất trong lòng thì lại nhút nhát, sợ sệt.
Câu ca dao “Nam thực như hổ – Nữ thực như miêu” để ám chỉ: đàn ông (Nam) ăn mạnh bạo giống như con cọp, còn phụ nữ thì ăn nhẹ nhàng, khoan thai và ít như con mèo.
Với câu “Ăn như hùm như hổ” ngụ ý để diễn tả người ăn khỏe, ăn nhanh giống như cọp.
“Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn ” ý nói rằng một người tài giỏi, anh hùng khi bị sa cơ lỡ vận cũng trở thành hèn mọn.
” Không vào hang hùm, sao bắt được cọp con ” muốn diễn tả phải có gan mạo hiểm mới làm được việc khó.
Mãnh hổ nan địch quần hồ: Mãnh hổ tuy sức mạnh vô song nhưng không thắng nổi bầy chồn đông. Nếu quần hồ cùng hùa đánh thì cọp không sao chống đỡ nổi. Thuật ngữ trên ám chỉ sức mạnh của sự đoàn kết sẽ thắng kẻ đơn độc lẻ loi cho dù kẻ đó có tài, có sức mạnh đến đâu.
Cọp là con thú dữ, thường ở rừng sâu, hay ăn thịt thú vật khác. “Sa vào miệng cọp” ý nói gặp phải người hung dữ độc ác.
Như chúng ta biết, Cọp là con vật hung dữ, còn rắn thì có nọc độc, có thể cắn người và làm chết cả súc vật. Vì vậy mới có câu “miệng hùm nọc rắn ” để ám chỉ loài vật hiểm sâu và ý muốn ví nơi nguy hiểm, dễ gây tai hoạ cho con người.
“Cáo mượn oai hùm” là thành ngữ để ám chỉ những người có thủ đoạn mượn thế kẻ mạnh làm bia, làm lá chắn, đi hù dọa, lòe bịp người khác nhằm phục vụ mục đích riêng.
Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt: ý muốn diễn tả là càng mất quyền lợi ở địa vị cao thì càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp.
Ca dao hay tục ngữ truyền khẩu về con “CỌP” thì còn rất nhiều nhưng người viết nhân năm Dần Tết Cọp 2022 chỉ trích dẫn một số ít ca dao trên đây, góp nhặt được từ internet giới thiệu đến Quý độc giả mời đọc cho biết rằng “Cọp cũng thích chữ nghĩa văn chương” chứ không phải chỉ thuần túy mê ăn … “thịt”!.
Rất tiếc bài viết có giới hạn nên tôi không thể trích dẫn hết những câu ca dao, tục ngữ để trình bày cùng quý vị, mong thông cảm. Nhưng qua đó hy vọng cũng đủ gói ghém ý nghĩa sâu sắc của ca dao tục ngữ, có thể nói là căn bản của nền Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam riêng diễn tả về Cọp. Mong quý độc giả hoan hỷ cho mọi sơ sót. Đa tạ.
Xin chúc Quý độc giả một Năm Mới NHÂM DẦN 2022 nhiều sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình và người thân. Chúc Quý vị một Năm mới hạnh phúc, phát tài phát lộc và gặp nhiều may mắn trên mọi lãnh vực.
* © Lê Ngọc Châu – (Nhân Xuân NHÂM DẦN 2022)