Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa

Năm nay, Tết Nguyên Đán năm Giáp Ngọ từ (31-01-2014 đến 18-02-2015). Năm Ngọ nói chuyện Ngựa….  

Mã Đáo Thành Công

Sau năm Quý Tỵ chấm đứt, thì đến năm Giáp Ngọ được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ năm, 30-01-2014 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 18-02-2015. Năm Giáp Ngọ này thuộc hành Kim và mạng Sa Trung Kim, năm này thuộc Dương, có can Giáp thuộc mạng Mộc và có chi Ngọ thuộc mạng Hỏa. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành, thì năm này “Can Trời sanh Chi Đất” tức “mạng Mộc sanh mạng Hỏa “. Bởi vì : mạng Mộc bị sanh xuất, mạng Hỏa tức Đất được sanh nhập. Do vậy, năm này tổng quát rất tốt, thuận lợi, tiến triển về mọi mặt để đưa đến thành công như ý. Trường hợp này, giống như người có : mạng Mộc gặp năm mạng Thủy – mạng Thủy gặp năm mạng Kim.- mạng Kim gặp năm mạng Thổ – mạng Thổ gặp năm mạng Hỏa và mạng Hỏa gặp năm mạng Mộc. Được biết năm Ngọ vừa qua là năm Nhâm Ngọ thuộc hành Mộc, nhằm ngày thứ ba, 12-02-2002 đến 31-01-2003.

Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông xuất hiện được minh định bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2014 = 4651, rồi đem chia cho 60 năm, thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp thứ 77 và số dư 31 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 đến năm 2043. Do vậy, năm Giáp Ngọ 2014 này là năm thứ 31 của Vận Niên Lục Giáp 78 và năm Ngọ kế tiếp sẽ là năm Bính Ngọ thuộc hành Thủy, nhằm ngày thứ ba tính từ 17-02-2026 đến 05-02-2027.

Trong thành ngữ, tục ngữ người ta thường nói, xin trích dẫn như sau: Như Ngựa bất kham – Quất Ngựa truy phong – Thẳng như ruột Ngựa – Tàn che Ngựa cỡi – Ngựa bốn chân còn vấp – Ngựa chạy đường dài – Ngựa chạy về ngược – Ngựa háu đá – Ngựa gầy hỗ mặt người nuôi – Ngựa hỗn quen đường – Ngựa qua cửa sổ – Ngựa quen đường cũ – Ngựa xe như nước – Ngựa kéo Voi giày – Tái ông thất Mã (*) – Thiên binh vạn Mã (*) v..v., (Thành Ngữ). (*) Ngựa tức Ngọ hay Mã có ý nghĩa giống nhau.

Một con Ngựa đau cả tàu không ăn cỏ

Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn

Đường dài mới biết Ngựa hay

Ngựa lẻ tẻ cũng đến bến giang

Ngựa hồ thương gió heo may .v.v.

(Tục Ngữ).

Ngoài ra, con Ngựa là loại thú vật xưa kia ở trong rừng và đã được loài người thuần hóa để trở thành gia súc như những thú vật trong nhà như: Chó, Mèo, Gà, Vịt v.v. Để rồi, con ngựa được giúp đỡ con người trong mọi công việc như di chuyển, chuyên chở cho đến chiến tranh v.v. chúng nó có những màu như sau:

Ngựa bạch = Ngựa có lông màu trắng.

Ngựa Kim = Ngựa có lông màu trắng mốc.

Ngựa Kim Than = Ngựa có lông trắng ít, đen nhiều.

Ngựa Kim Lem = Ngựa có lông trắng và đen pha trộn lẫn nhau.

Ngựa Kim Lân = Ngựa có lông đốm trắng đen.

Ngựa Bích = Ngựa có lông ngã màu xanh.

Ngựa Ô = Ngựa có lông màu đen tuyền.

Ngựa Tía = Ngựa có lông ngã màu đỏ tía.

Ngựa Hồng = Ngựa có lông ngã màu ửng hồng.

Ngựa Đạm = Ngựa có lông ngã màu vàng lợt.v.v.

Hơn nữa, mỗi loài ngựa có sanh hoạt riêng như sau :

Ngựa ruồi = Ngựa chạy.

Ngựa Tế = Ngựa chạy đua nước lớn.

Ngựa Kiệu = Ngựa chạy lúp xúp.

Ngựa sải = Ngựa nhảy sải.

Ngựa Sa Hoàng = Ngựa dữ, Ngựa đi quá sức.

Ngựa Bền = Ngựa chạy dai sức.

Ngựa Bở = Ngựa chạy yếu sức.

Ngựa Nục = Ngựa mập béo quá.

Ngựa Lao = Ngựa thường đau ốm mất sức.

Mặt Ngựa = Thường để chỉ những người có gương mặt dài giống như mặt ngựa…

Con Ngựa tức con Mã, cho nên có những từ ngữ như sau :

Mã Binh = Binh lính cỡi Ngựa

Mã Đề = Loại cây lớn lá, giống cái móng ngựa, thường dùng để làm vị thuốc mát.

Mã Tiên Thảo = Tức loại cỏ roi ngựa.

Thượng Mã = Lên ngựa.

Hạ Mã = Xuống ngựa.

Xa Mã = Xe ngựa.

Xa Song Mã = Xe 2 con ngựa.

Cung Mã = Cung ngựa, đồ kỵ mã.

Hành Thuyền Kỵ Mã Tam Phân Mạng = Đi thuyền, cỡi ngựa, mạng sống có ba phân, để chỉ sự nguy hiểm.

Long Mã Phụ Đồ = Ngựa rồng đội họa đồ. Vua Phục Hi nhờ đó vẽ nên Bát Quái.

Thượng Mã Phi Đệ = Chỉ người sãi ngựa mang giấy tờ đưa đi cho quan khẩn cấp.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy các danh từ : Mã Giáp, Mã Não, Thợ Mã, Đồ Mã, Tốt Mã, Thượng Mã Phong hoặc trong dân gian thường nói như:

– Trường đồ tri Mã lực

– Tiên trường bất cập Mã phúc = Roi dài không thấu bụng Ngựa. …v.v.

Đặc biệt, chúng ta còn thấy những giống mang tên Ngựa, nhưng có hình dạng đặc biệt khác loài Ngựa, xin trích dẫn như sau:

Con Hà Mã = L’ hippototame (n.m) = The hippopotamus, có thân hình lớn con như: Voi hoặc Tê Giác hay Trâu, lại hiền lành thường trầm mình dưới nước nơi sông hồ ở Phi Châu cả ngày không biết lạnh, cho nên con Hà Mã có người gọi con Trâu Nước hay Ngựa Sông chăng?.

Con Hải Mã = Le cheval marin = The sea horse hoặc có người gọi con Cá Ngựa = L’ hippocampe = The hippocampus. Con Hải Mã thường ở vùng biển ấm, nó lội đứng như ngựa sải, thân hình nó ít thịt nhiều xương. Tuy vậy, người ta cũng bắt nó rồi đem phơi phô, rồi đốt tán nhuyễn để trị bịnh suyễn hay tráng dương bổ thận.

Ở Phi Châu cũng có một giống Ngựa Rằn = Le zèbre = The zebra mình có sọc ngang.

Ở Hy Lạp thời xưa, cũng xuất hiện một giống Ngựa có đôi cánh để bay, được gọi là Phi Mã.

Đó là những loài Ngựa đặc biệt, hơn các loại Ngựa thông thường.

Trong năm Giáp Ngọ tức là năm do con Ngựa hay con Mã cầm tinh. Vậy, chúng ta thử tìm hiểu con Ngọ như thế nào?

Ngọ tức là con Ngựa = Le cheval, đứng hạng thứ 7 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi, chúng ta cũng thường thấy những từ ngữ nói về Ngọ như sau :

Giờ Ngọ = là giờ từ 11 giờ đến đúng 13 giờ.

Đúng Ngọ = 12 giờ trưa.

Thượng Ngọ = Đầu giờ Ngọ.

Trung Ngọ = Giữa giờ Ngọ.

Mạt Ngọ = Cuối giờ Ngọ.

Cúng Ngọ = Làm chay cúng khi mặt Trời đứng bóng giữa trưa.

Tháng Ngọ = là tháng năm của năm âm lịch. . . v.v.

Nhân đây, nói về Tết năm con Ngựa cầm tinh, xin trích dẫn một trong những món ăn liên quan đến con Ngựa, trong dịp Bà Từ Hi Thái Hậu, đời nhà Thanh Trung Hoa, khoản đãi phái đoàn sứ thần thuộc các quốc gia Tây Phương, nhân dịp mừng Xuân Canh Tý 1874. Tiệc được chuẩn bị 11 tháng 6 ngày trước, có 1750 người phục vụ, tốn kém 98 triệu hoa viên thời bấy giờ tương đương 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu giờ giao thừa Tết nguyên đán năm Canh Tý.

Đó là món Phương Chi Thảo như sau: Phương Chi Thảo là loại cỏ Phương Chi. Tương truyền Hoàng Đế Khang Hy nhà Thanh khi còn sanh tiền rất háo sắc, nhưng có tài y thuật cao cường. Vì vậy, dù có hằng trăm cung tần mỹ nữ cung phụng, nhà vua vẫn khỏe mạnh, vì tự bồi dưỡng cường lực bằng dược chất. Nhưng, lúc tuổi già vua mắc phải chứng bịnh khan háo trong ngũ tạng mà tự mình không thể chữa được, bao nhiêu ngự y đại tài của triều đình cũng bó tay, vua phải bố cáo tìm danh y, thần dược trong dân gian. Ngày nọ, có một dị nhân xin yết kiến rồi móc trong người ra một bó cỏ rất lạ, rễ xanh, lá dài như lá hẹ nhưng màu đỏ tía, ngọn lại trắng. Vua biết là cỏ quí nên hỏi, dị nhân trả lời. Đó là cỏ Phương Chi mọc trên đỉnh Thái Hàng Sơn hướng về mặt trời, đặc biệt chỉ mọc một lần trên một tảng đá duy nhứt cao và chênh vênh vào dịp Trung Thu năm nhuận, cỏ này chỉ sống trong khoảng 30 đến 45 ngày, lúc gặp ngọn gió bấc đầu mùa thì lập tức bị khô héo. Việc hái cỏ cũng rất công phu, phải dắt theo một con Ngựa toàn bạch lên đỉnh núi cao trước một ngày, đợi khi mặt trời vừa mọc lên, mới đem Ngựa tới phiến đá để con Ngựa ăn cỏ Phương Chi, khi Ngựa vừa ăn xong, phải lập tức chém đầu và mổ bụng để lấy bao tử mang về chế thuốc phơi khô. Cỏ Phương Chi khi ăn vào làm cơ thể mát mẻ, đồng thời trị tuyệt các bịnh trầm kha hoặc hiểm nghèo. Trong đại tiệc do Từ Hi Thái Hậu khoản đãi, Phương Chi Thảo được nấu chung với Long Tu (Râu Rồng), thực khách ăn xong cảm thấy tinh thần vô cùng sảng khoái, cả tháng sau không khát nước cũng không mệt mỏi. (tài liệu này do Mọt Sách sưu tầm và tường thuật).

Trước khi tạm kết thúc bài này, tôi xin trích dẫn thời gian 10 năm những năm con Ngựa vừa qua và sắp tới có Hành như thế nào? để cống hiến quý bà con đồng hương nhàn lãm hoặc xem mình có phải sanh đúng năm Ngọ hay không như dưới đây :

Tên Năm Thời Gian Hành gì? 

Bính Ngọ 25-01-1906 đến 12-02-1907 Thủy

Mậu Ngọ 11-02-1918 đến 31-01-1919 Hỏa

Canh Ngọ 30-01-1930 đến 16-02-1931 Thổ

Nhâm Ngọ 15-02-1942 đến 04-02-1943 Mộc

Giáp Ngọ 03-02-1954 đến 23-01-1955 Kim

Bính Ngọ 21-01-1966 đến 08-02-1967 Thủy

Mậu Ngọ 07-02-1978 đến 27-01-1979 Hỏa

Canh Ngọ 27-01-1990 đến 14-02-1991 Thổ

Nhâm Ngọ 12-02-2002 đến 31-01-2003 Mộc

Giáp Ngọ 31-01-2014 đến 18-02-2015 Kim 

Xuyên qua thời gian năm Ngọ ở trên, chúng ta thấy cứ 12 năm thì năm Ngọ trở lại, nhưng can khác nhau và cứ 60 năm thì năm Ngọ trở lại can giống nhau.

Nhân đây, xin trích dẫn Sấm Trạng Trình (*) dưới đây :

Long vĩ xà đầu khởi chiến chinh,

Can qua xứ xứ khởi đao binh.

Mã đề dương cước anh hùng tận,

Thân Dậu niên lai kiến thái bình.

(*) Ðối với Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã viết Sấm Giảng trên 5 thế kỷ kể từ khi Cụ sanh ra đời (1491-2011) làm sao đoán trúng năm nào là năm Ngọ (Mã) Cụ nói, chúng ta chỉ biết sau khi sự việc xảy ra mà thôi – chờ xem năm nay việc gì sẽ xẩy ra.

Kính chúc quý bà con đồng hương năm mới mọi nhà được An Lạc cùng Đắc Thành tất cả.

Hàn Lâm NGUYỄN-PHÚ-THỨ

Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt