Nguồn Vũ Quốc Ngữ (danlambao)
Thứ 7 ngày 20 tháng 8 tôi được nghỉ làm và đi chơi loanh quanh Hà Nội. Gần trưa thấy một cuộc gọi nhỡ của Đội trưởng an ninh công an huyện Thanh Trì, mình nhắn tin hỏi “Anh ơi có việc gì thế” và anh ta trả lời “Có chút việc muốn gặp em, khi nào em về nhà?” Tôi trả lời “Em đi chơi” rồi tắt máy (anh này đã đến nhà tôi vận động tôi không đi biểu tình nên có trao đổi số đt). Đi mãi đến 17h về nhà thì người nhà cho biết có một đoàn đến tìm mình, bao gồm cả công an và cán bộ xã, thôn. Mình phụ giúp vợ nấu cơm ăn rồi vợ bảo đưa vợ đi chơi. Mình không muốn lắm nhưng đành chiều vợ. Đang ở nhà người quen lại được cô em báo “Đoàn công tác” đến nhà tìm mình. Kệ cha chúng nó, tìm làm gì mà nhiệt tình thế!
Hơn 22h hai vợ chồng về nhà thấy có mấy thanh niên lạ mặt đang lảng vảng gần nhà. Khi lên nhà rồi, mình mở cửa tầng trên thấy mấy thằng ấy cứ nhìn lên tầng của mình. Kiểu này sáng mai không ra được khỏi nhà đây. Lần trước đã bị mấy thằng canh cả đêm, nhưng lần ấy mình vẫn ung dung đi biểu tình mà chúng nó không làm gì được.
Sáng chưa đến 6h đã thấy Đội trưởng an ninh huyện gọi điện nói anh đang đứng trước cửa nhà, muốn vào nhà trao đổi vài chuyện. Mình đánh răng rửa mặt xong xuống đã thấy lố nhố một đám năm sáu tên đang luyên thuyên ở tầng 1 nhà mình. Chúng vào được nhà là do cậu em đi làm sáng, chưa kịp khoá cổng đã bị “đoàn cán bộ” đẩy cửa vào. Thấy thành phần có anh an ninh huyện, chủ tịch xã, chủ tịch mặt trận xã Tả Thanh Oai, trưởng xóm, công an khu vực…
Xuống mình nói luôn “Các anh vào quấy rầy nhà tôi. Bố mẹ tôi già, có bệnh tim mạch và một lần xuất huyết não, nếu có mệnh hệ gì, các anh hoàn toàn chịu trách nhiệm“.
Rồi “đoàn công tác” giải thích lý do đến gặp, đại ý khuyên mình không nên đi biểu tình ở Hồ Gươm nữa. Mình chờ họ nói xong rồi bắt đầu giảng giải cho họ tình hình Biển Đông, và mục đích của biểu tình… Mấy tên cán bộ xóm có vẻ khó chịu khi nghe mình giảng giải, thậm chí có tên không nghe mà bỏ về giữa chừng. Rồi chúng nó giải thích này nọ, và vừa khuyên vừa đe doạ mình. Mình bóng gió đuổi khéo chúng ra khỏi nhà rồi bảo đi có việc nhưng lão đội trưởng an ninh huyện nói “tất cả bạn em đều được khách địa phương thăm viếng như em và đều không đi biểu tình“, và khuyên mình nên ở nhà. Mình thấy ngoài cổng có vài tên công an nữa. Thôi đành ngồi với chúng nó vậy, biết làm sao giờ.
Rồi thời gian cũng trôi đến 10h30, viên an ninh huyện liên lạc với nơi khác, chắc được báo là lực lượng an ninh đã túm cổ hết đám biểu tình nên nói cả đám ra về, không quên bảo vợ chồng mình đi ra ngoài ăn sáng.
Sau khi chúng nó về, mình liên lạc với Ngô Duy Quyền và được biết Quyền cùng gần 50 người khác đã bị tóm lên xe bus và đưa về Mỹ Đình. Mình bảo thế tớ sẽ đến đó, mang nước và bánh mỳ cho đồng đội, vì trưa rồi, mà hai lần trước mình bị bắt chả được công an cung cấp cho mấy thứ đó.
Mình nói với vợ anh đi Mỹ Đình đây, thế là vợ bảo anh cho em đi cùng. Tốt quá, nhanh lên kẻo anh em đang đợi.
Hai vợ chống đi đến gần đồn công an Mỹ Đình lúc gần 12 h, mua 36 cái bánh mỳ ruốc và 10 chai Aqua, vì trước đó anh Diện có cho biết số lượng người bị bắt khoảng 20.
Tới nơi thấy anh Diện, anh Lê Dũng và một số người khác đang tập trung ở ngã tư gần đồn công an. Lối vào đồn có gần chục công an đứng gác, ngăn không cho ai tiến gần đồn nơi đang giữ người biểu tình.
Mình nhào ra đám cảnh sát hỏi liệu có thể tiếp tế bánh và nước cho người bị bắt bên trong không. Một số người khác cũng đi theo mình, trong đó có cả luật sư Lê Quốc Quân. Đám lính gác nói không được đưa thức ăn và nước uống vào, mọi người ồ lên phản đối. Mình và mấy người bảo kinh nghiệm mấy lần trước bị bắt toàn nhịn ăn nhịn uống thôi, đề nghị các anh cho chúng tôi cử một người mang đồ tiếp tế vào. Công an nhất định không chịu.
Một lúc sau có hai chú xách một thùng nước lavie và bánh mỳ đến, bảo với đám công an đang gác là có người quen bị bắt trong đồn, mà anh ta lại bị bệnh huyết áp thấp. Tuy nhiên đám công an nhất định không cho vào. Tranh cãi một lúc thì thôi, đành chịu. Mình bảo đám lính, đến như ở Libya, hai bên đánh nhau, Liên Hiệp Quốc còn được phép đưa thuốc men và lương thực cung cấp cho người dân thường kia mà, sao chúng ta cùng là đồng bào với nhau mà nỡ cạn tình vậy.
Ồn ào một lúc rồi có một viên sỹ quan ra, nói trong kia có đầy đủ thức ăn và nước uống cho người biểu tình bị bắt. Anh em ở ngoài này không tin, yêu cầu được kiểm chứng, và công an đành cho một người vào xem thì đúng thật, hôm nay công an có chuẩn bị nước uống và bánh mỳ cho người bị bắt trong đó. Thế là anh em ở ngoài không phản đối nữa, và bảo nhau ai đói ai khát thì cứ ăn tự nhiên, lấy sức để chờ đợi.
Rồi một số người tản ra, rồi chụp hình. Có người thì về vì có việc riêng. Mình vào quán ngồi với vợ. Khoảng 13h30, một tên mặc áo thường phục ra quát lính dẹp quán nước. Mọi người ở quán lục tục đứng lên. Mình và vợ đi đến gần xe máy thì thấy tên mặc thường phục xô vào bắt cô gái tên Hội, là người luôn cầm biểu ngữ từ lúc mình đến tới giờ. Sau khi giao cô gái cho lính, tên này đi đến gần chỗ mình, rồi cứ lao lao vào mình. Không nhớ mình nói câu gì mà tên này xô tới túm áo ngực mình và lắc, buông một câu chửi thề gì đó. Ngay lập tức, hai tên cảnh sát ập đến, túm tay mình và lôi vào đồn.
Chúng nó lôi mình và Hội vào phòng thường trực một vài phút thì đưa hai anh em ra xe con, mình hỏi đi đâu, chúng nó bảo đưa lên công an huyện. Mình chỉ kịp nhìn thấy Quyền đang đứng ở sân nên vẫy tay rồi bị ấn lên xe. Một tên trên xe bảo hay là cho hai anh em lên xe hòm, mình bảo việc gì phải đi xe hòm, đi xe này lịch sự hơn. Một tên trong đám 4 tên áp giải cũng đồng ý như vậy. Một tên quát “Ngồi cạnh thằng kia“. Mình hỏi sao lại mày tao ở đây, tên ấy chống chế “Tôi không nói ông” mình bảo “Thế các anh xưng hô với nhau mày tao ah?” Tên đó im lặng không nói gì nữa.
Về đến công an huyện Từ Liêm, chúng đưa hai anh em lên phòng Điều tra. Một tay trẻ tầm 25 ra lấy thông tin cá nhân. Tên này văng tục liên hồi, cứ mày tao với mình. Mình thấy vẻ mặt đằng đằng sát khí của nó thì không phản ứng nữa, nó hỏi thì trả lời. Rồi nó liên lạc với nơi thường trú và nơi tạm trú, hỏi thông tin về “thằng Vũ Quốc Ngữ”. Mấy người trong phòng đều có thái độ như vậy. Chắc công an của ta hay tiếp xúc với đám ăn cắp ăn trộm, quát nạt nó quen rồi.
Một tên đoán chừng là trưởng ca trực, yêu cầu mình viết bản tường trình, mình bảo các anh vừa bắt tôi, các anh biết rồi cần gì phải viết, nhưng tên này nói bắt buộc. Ừ thì viết. Mình kể lại sự việc, đại thể mình hoàn toàn vô tội và yêu cầu Công an Từ Liêm thả mình ra vô điều kiện.
Một lúc sau một viên công an dẫn mình sang phòng khác lấy lời khai. Mình cũng kể lại sự việc. Anh này tên Hà Mạnh Cường, thái độ hoà nhã.
Xong lại quay về phòng Điều tra, ngồi chờ ở ghế. Một lúc sau thấy chúng dẫn về chú Khang, mà một trong hai người đã mang nước và bánh đến cho bạn khi nãy. Thấy chú ấy bị còng tay. Sau khi làm thủ tục như mình, chú Khang ra ngồi cạnh mình và Hội. Chú Khang kể chú đang ngồi trong xe thì bị một tên cảnh sát đập cửa, chú thấy tên này không đeo biển hiệu nên chú đã túm quân hàm của tên này, và do vậy đám cảnh sát hô lên là chú chống người thi hành công vụ.
Ba chú cháu ngồi chờ mãi cả buổi tối mà không thấy chúng nó làm gì. Qua câu chuyện của bọn cảnh sát, chúng nó chờ chỉ thị của cấp trên về hướng xử lý.
Phần 2:
Một tên trung uý Nguyễn Mạnh Tường (số hiệu 023-175) nhìn thấy tôi, nói “Thằng này mới nhập trại vì tội biểu tình hôm qua đây ah?” rồi bắt tôi đi vào một cái phòng trống ở cuối dãy. Vào đó nó đấm tôi một phát đau điếng người ở bụng mỡ. Tôi oằn người xuống. Nó tát liên tiếp lên hai mang tai và nói “Chúng mày biểu tình gây rối, kích động Trung quốc đánh Việt Nam, làm hại đến gia đình tao, vợ con tao”, nói rồi nó lại đấm, lại tát, rồi vu cho tôi là tình báo của Tàu...
Ba chú cháu ngồi ở băng ghế dài, mỏi cổ chờ đợi. Lúc mệt thì tranh thủ nhắm mắt. Chú Khang nói chú mới học Yoga và xếp chân lên ghế ngồi thiền, được một lúc thì một viên công an quát chú bỏ chân xuống. Trong phòng bật điều hoà, thêm quạt trần nhưng không khí ngột ngạt vì tụi nó thi nhau hút thuốc. Hay thật, đã có văn bản cấm hút thuốc ở công sở, mà công an ta cứ đốt thuốc như đốt rơm vậy.
Mà cái phòng thì bẩn kinh khủng. Rác đầy ngăn kéo, ngăn bàn. Mình thấy có bình nước lọc mà lại có cái chén bé tí tẹo, bèn lấy một cái vỏ chai lavie trong ngăn bàn, xin ra toalet rửa sạch rồi trút nước vào đó cho hai chú cháu dùng. Cô bé Hội kêu đói, hạ huyết áp và được công an đưa cho hai chai nước ngọt cùng hai cái bánh ngọt. Hội mời mình ăn nhưng mình không thấy đói.
Ngồi mãi, ngồi mãi rồi bóng đêm ập đến, Hội bị mấy tay công an dẫn giải về nơi trọ để khám nhà. Chú Khang bị đưa đi đâu ấy. Phòng chỉ còn mình và một công an trẻ, anh ta mang còng chân đến để còng mình. Mình bảo anh không phải làm thế, tôi không thèm chạy nhưng tay ấy bảo “không tin được địch”. Ah ra thế, các anh coi những người biểu tình yêu nước như chúng tôi là địch, là kẻ thù. Thế mà chúng tôi cứ nghĩ các anh là công an của nhân dân kia đấy!
Điện thoại của mình chưa bị thu, nhưng mình tắt chuông, chỉ nhắn tin cho vợ và đồng đội ở ngoài. Thương vợ quá, chắc đang khóc sướt mướt ở ngoài. Mình bảo vợ ơi về đi, chúng nó không cho gặp đâu, và chắc là chúng nó sẽ giữ qua đêm. Vợ thì không nghe, cứ ngồi chờ cùng bà con ở đồn Mỹ Đình từ chiều, rồi lại chạy lên công an huyện TL nhưng trên đấy trả lời không giữ ai cả.
Hội bị đưa trở lại phòng điều tra. Thế mà mình cứ tưởng chúng nó thả cô ấy, trước khi đi mình đã giúi vào tay cô ấy số điện thoại của vợ, để nhờ cô ấy thông tin cho vợ. Hoá ra Hội bị đưa về nhà để khám nhà. Thấy công an thu được một laptop Dell và mấy tên ngồi tìm tài liệu. Chắc lại dùng keyword là “dân chủ” hay “đa nguyên”, như một chú em đã kể lại với mình trước đây.
Tầm 23 h, chúng nó mới nhận được lệnh của sếp để ra quyết định tạm giữ ba người. Đầu tiên chúng thu điện thoại và lập biên bản, ghi rõ nhật ký cũng như các tin nhắn đi, đến. Cho chúng mày ghi, chả có gì phải giấu diếm cả, vì ta luôn làm những việc đàng hoàng cả.
Tiếp đến tên công an Sơn bảo mình ký vào Biên bản tạm giữ, trong đó có lời khai sẵn của mình là mình biểu tình gây rối ở trước cửa đồn. Mình bảo mình không ký vì mình không khai như vậy. Nó bảo mình phải ký, thế là mình ghi ở dưới chỗ ký là “tôi không đồng ý với lời khai sẵn trên kia, vì khi bị bắt, tôi đang ngồi uống nước ôn hoà và đứng lên ra về khi công an yêu cầu giải tán”.
Rồi sau đó nó bắt tôi ký vào lệnh tạm giam 3 ngày với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 của Bộ Luật Hình sự. Tôi phản đối lệnh tạm giam và nói tôi không gây rối gì cả, tôi cũng không biểu tình. Thằng Sơn bảo “Mày vào đây rồi thì mày phải ký” với thái độ đe doạ.
Tôi viết vào cuối của 4-5 tờ lệnh với nội dung phản đối lệnh tạm giam và yêu cầu được trả tự do ngay lập tức, rồi ký.
Một lúc sau chúng đưa tôi xuống nhà tạm giam của công an huyện TL, ngay đằng sau trụ sở chính. Tới nơi, thằng Sơn ghi biên bản về sức khoẻ của tôi rồi bảo tôi đưa ví ra gửi lại. Tôi móc ví ra, có mấy giấy tờ quan trọng như bằng lái xe, 2 giấy đăng ký xe của hai vợ chồng cùng một vài đồng lẻ. Chúng bảo tôi đếm, được 186,000 đồng, chúng ồ lên, ra vẻ ít tiền quá. Tôi ghi vào một tờ giấy danh mục giấy tờ để gửi lại các anh công an TL và đưa giấy cho Sơn.
Chúng dẫn tôi sang phòng bên bắt tôi cởi hết quần áo, kể cả quần sịp, rồi dẫn sang phòng khác lấy bộ quần áo tạm giam mặc, còn quần áo và giày dép của mình thì cho vào một cái túi nilong bỏ lại ở kho.
Chúng dẫn tôi vào khu tạm giam, vào một phòng thấy có sẵn 3 người nằm trong đó. Phòng rộng chừng chục mét vuông, có một sạp xi măng và cầu tiêu bệt cùng một bể nước. Mình rửa tay mặt rồi lên ngồi cùng ba người cũ trong phòng, gồm một người tên Thắng sinh 1957, bị bắt tội đánh bạc, một thanh niên tên Đạt bị bắt tội yêu trẻ vị thành niên và một sinh viên tên Trọng bị bắt vì liên quan đến vụ lấy xe máy của bạn mang đi cắm (nhưng chưa cắm và gửi ở nhà xe của bệnh viện). Mọi người hỏi mình tội gì, mình bảo bị bắt vì tội biểu tình yêu nước. Mấy người ấy chả hiểu, phải giải thích mãi họ mới nghe ra. Họ bảo anh ơi biểu tình làm gì, chúng nó bán hết rồi.
Nằm một lúc thấy có thêm một người đi hỏi cung về, bị bắt vì tội sử dụng và buôn bán ma tuý. Anh Bách này người Hà Tĩnh nhưng sinh sống ở Lạng Sơn, nghiện nặng. Đêm lên cơn vật, rên rồi ho và khạc nhổ, nôn cả đêm làm mình không sao ngủ được mặc dù rất mệt mỏi.
Giường xi măng thì chật, nằm ngang mới đủ chỗ cho 5 người. Chăn thì hôi kinh người, có lẽ vài năm chưa giặt. Quần áo cũng thế, mặc lẫn của nhau, người mới đến mặc lại của người bị chuyển đi nơi khác. May thời đại này có sạch sẽ hơn, nhiều hoá chất hơn nên không có đất sống cho chấy rận.
Bốn bên là tường, may có cái cửa sổ nhìn ra khu sân chung. Trong phòng chỉ có độc hai cái ca, một cái để tắm giặt và một cái nhỏ hơn để uống nước. Tối vợ kịp gửi vào cho mấy cái bánh mỳ và hai chai nước, ăn được một cái rồi bỏ lại vì đám công an không cho mình mang theo bất cứ một cái gì vào phòng giam. (Sau này về vợ có nói mua cho mình một dây sữa, nhưng mình không thấy sữa đâu cả, chắc anh công an nào mệt mỏi quá uống của mình rồi).
Rồi vì mệt mỏi mình thiếp đi đến sáng. Tầm 7-8h sáng bọn cai ngục gọi những người bị tạm giữ ra ngoài. Ah chưa nói nội quy của nhà giam. Có một anh tên Đồng cũng là tù nhân như mình, nhưng được tự do đi lại trong khu giam giữ để phục dịch cho đám cảnh sát, phổ biến nội quy. Trong đây tất cả người bị giam giữ “đều có tội” nên phải gọi cán bộ cảnh sát là thầy và xưng con. Hehehe, hay thật. Mình có một năm làm chuyên viên Hợp tác quốc tế của một trường đại học ở Hà Nội, nhiều khi đi coi thi hay gặp các em sinh viên, chúng gọi mình là “thầy” mà mình ngượng quá, vì có dạy các em chữ nào đâu. Còn ở đây, toàn bị nghe chửi và xúc phạm mà bắt gọi là thầy! Đừng có mơ nhé, chúng mày có thể đánh đập tao nhưng không thể bắt tao gọi là thầy. Làm học trò tao còn chưa đáng kia!
Một đám cảnh sát bắt chúng tôi mang chăn ra đứng một góc để giũ xem có giấu gì trong đó không. Sau đó chúng bắt cởi hết quần áo và cũng giũ rồi cho mặc lại và ôm chăn về phòng. Bị xúc phạm như một con vật nhưng tôi đành cắn răng, mình mà phản ứng chắc chúng cho ăn đòn. “Ngoan” đến thế rồi mà cũng không thoát. Một tên trung uý Nguyễn Mạnh Tường (số hiệu 023-175) nhìn thấy tôi, nói “Thằng này mới nhập trại vì tội biểu tình hôm qua đây ah?” rồi bắt tôi đi vào một cái phòng trống ở cuối dãy. Vào đó nó đấm tôi một phát đau điếng người ở bụng mỡ. Tôi oằn người xuống. Nó tát liên tiếp lên hai mang tai và nói “Chúng mày biểu tình gây rối, kích động Trung quốc đánh Việt Nam, làm hại đến gia đình tao, vợ con tao”, nói rồi nó lại đấm, lại tát, rồi vu cho tôi là tình báo của Tàu. Tôi chỉ nói “không” và tập trung nhìn vào biển hiệu của tên này để nhớ. Đấm chán nó bảo tôi ra ngoài mặc quần áo rồi đưa tôi về phòng. Có nhiều công an xúc phạm và chửi bới tôi trong suốt 5 ngày giam giữ, nhưng tên Trung uý Tường là tên duy nhất đánh tôi. Tôi không sợ đau, nhưng mỗi từ thốt ra từ miệng tên này thể hiện sự căm thù tột độ đối với người yêu nước.
Gần trưa chúng gọi tôi cùng Hội, chú Khang và một thanh niên tội trộm cắp tài sản công dân lên chụp hình lăn tay. Bị bắt ôm biển số để chụp. Ông nhân viên chụp hình – lăn tay hỏi tại sao, chúng tôi kể là bị tội biểu tình yêu nước. Ông này nói hôm qua bị gọi lên đồn 1 Mỹ Đình lăn tay cho mấy chục người nhưng ông từ chối. Ông ấy bảo chúng tôi sẽ được thả thôi, tôi bảo ít người nghĩ như chú lắm.
Trưa đến ăn cơm tầm 12h-13h. Cơm được người ở ngoài mang đến trong mấy cái xô nhựa.
Anh Đồng xin cảnh sát cho một nữ và em Trọng ở phòng tôi ra phụ giúp chia cơm và mang nước đến các phòng. Cơm khá nhiều, cũng trắng nhưng thức ăn thì ít, chỉ có vài hạt lạc kèm thêm một bát canh cho hai người. Rồi cơm và canh được Trọng bê đến trước của phòng giam, cảnh sát mở của để người trong phòng mang vào.
Trong phòng không điện, không quạt, nhưng ở hành lang có điện và quạt hắt vào. Cũng may, thời điểm này giữa mùa thu nên mát mẻ. Mùa hè chắc nóng lắm, còn mùa đông thì lạnh khỏi cần nói, chịu sao thấu nếu chỉ có một cái chăn chiên rách nát?!
Chiều anh Đồng gọi tôi và một số người mới đến ra cắt tóc. Anh ta dùng cái máy húi khá nhanh. Vì không có gương nên cũng chả biết đẹp xấu thế nào nữa. Cũng thấy nhẹ đầu hơn vì trong phòng không có dầu gội.
Tối 8 h mới được ăn cơm. Có một miếng thịt nạc. Mình nhai nhai và bị nhét luôn vào răng. Khổ rồi, làm gì có tăm mà chòi ra. Bàn chải cũng chả có nốt. Rồi phải xin một mẩu giấy báo, gấp lại tìm cách chòi ra. Cũng may hì hục mãi thì cũng thành công. Kể từ hôm đó, mình có kinh nghiệm ăn, không nên nhai kỹ, đặc biệt là thịt, cứ trệu trạo rồi nuốt. Mình bảo em Trọng là anh cũng không thích có thịt gà, vì hay bị giắt răng. Nói thế thôi chứ chắc có mơ cũng chả có thịt gà mà ăn. Mấy ngày thực đơn vẫn thế, đậu rang, đậu rán có nhân… mình cũng không quan trọng việc ăn uống lắm. Nói với cậu Trọng là thế này còn sướng hơn hồi anh học dự bị ngoại ngữ ở Đại học Thanh xuân năm 1989-1990 trước khi đi sang học Nông nghiệp tại Cộng hoà Bulgaria. Cơm sinh viên hồi ấy chỉ có cơm gạo hôi và mấy ngọn rau muống.
Trong phòng mấy anh em thoải mái lắm, coi nhau như anh em vì biết đều là nạn nhân của chế độ. Tôi quý Trọng vì biết cậu này con một gia đình tử tế ở Hà Tĩnh. Bị vào đây chỉ vì một phút bồng bột do uống nhiều rượu rồi bị bạn xấu rủ nên dính líu đến việc lấy xe của bạn cùng khu trọ. Trọng bảo cậu ấy uống nhiều nhất, và không trực tiếp lấy xe mà chỉ ngồi lên xe do bạn kia lái. Mình thấy thương cậu ta quá, còn trẻ, sắp tốt nghiệp đại học nhạc, đã chơi piano cho nhiều quán trà, nhà hàng ở Hanoi. Thế mà nhà tù đang chờ cậu ta.
Tôi bảo Trọng đừng buồn chán, mình sai thì chịu, nhưng nếu phải vào tù thì cố gắng học một cái gì đó. Trong tù cũng có nhiều người giỏi, mình học những cái tốt của người ta rồi sau khi ra tù có thể làm lại cuộc đời. Quan trọng nhất là không được làm những điều thất đức. Tôi tin ở Trọng.
Ngày thứ 3 trong tù, tôi bị gọi lên lấy lời khai. Lần này anh đại uý Phạm Văn Quyền ghi. Tôi kể lại mọi việc xảy ra và khẳng định mình không làm điều gì vi phạm trật tự xã hội. Anh Quyền này thái độ lịch sự, gọi ông xưng tôi. Biết tôi đã tốt nghiệp cao học ở Hà Lan, anh ta nói tôi nên tập trung làm kinh tế giúp gia đình, còn việc xã hội như biểu tình khó lắm, vì ý chí của giai cấp thống trị rất lớn. Tôi cũng không tranh luận nhiều, vì sợ các anh ấy lại cho mình là chống chế độ hay đòi đa nguyên đa đảng thì tù mọt gông. Nếu tranh luận với tư cách hai công dân thì không ngại, nhưng ở trong này, mình như cá chậu chim lồng, nên chỉ nói về vụ việc cụ thể của ngày hôm ấy, và các cuộc biểu tình mình có tham gia.
Buổi làm việc với đại uý Quyền cũng thoải mái, vì anh ta cũng tỏ ra hiểu biết và đồng cảm với tinh thần chống Trung quốc của chúng tôi.
Ngày thứ 4, tôi được gọi lên và thấy có anh Đội trưởng an ninh của Thanh Trì, người có mặt ở nhà tôi buổi sáng chủ nhật. Anh ta bảo tôi sao em lại đi khi anh đã bảo em đừng đi. Tôi cãi lại, là tôi không đi biểu tình, mà là đi chơi lang thang. Anh ta cũng cho biết đã gặp vợ tôi rồi khuyên tôi thành thật với cơ quan công an. Tôi nói tôi rất thành thật, không có gì phải giấu diếm cả, kể cả tinh thần chống Trung quốc bá quyền.
Rồi chiều ngày thứ 5, đại uý Quyền tới, cho tôi biết là tôi sẽ được thả và đề nghị cam kết không đi biểu tình. Tôi viết là tôi sẽ chỉ đi biểu tình đúng theo pháp luật của Việt Nam. Anh ta cũng đồng ý. Ngoài ra, tôi bị bắt viết cam kết sẽ đến công an TL nếu có yêu cầu.
Chiều tối tôi được anh Quyền đến thông báo là được trả tự do. Tôi lấy lại quần áo và giày dép, lên phòng điều tra thì thấy vợ và hai công an của Thanh trì đã ngồi đó. Tôi yêu cầu công an trả lại điện thoại và ví cùng giấy tờ xe, anh Quyền bảo cái này anh không giữ, nhưng hẹn tôi sáng mai đến lấy.
Như vậy là công an Từ Liêm đã giữ tôi 5 ngày vì một lý do rất vớ vẩn. Ra ngoài được biết tất cả người biểu tình đã được thả, cũng thấy vui. Nhưng nghĩ đến mình, thà mình đi biểu tình rồi bị bắt còn hơn bị bắt vì một lý do lãng xẹt như vậy.
Hôm thứ Sáu đọc website của Bộ Ngoại giao mới biết tân Đại sứ Mỹ David Shear đã phản đối chính phủ cộng sản Việt Nam đàn áp người biểu tình yêu nước, và con vẹt Phương Nga lại phủ nhận như mọi khi “Ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm luật pháp”.
Thế tôi không là tù nhân lương tâm thì là gì hả con vẹt kia???
Còn nhiều chuyện lặt vặt khác khi tiếp xúc với những người bị giam giữ, nhưng tôi không muốn làm mất thời giờ của quý vị. Đại thể tôi giúp họ có một số thông tin về biển Đông, về âm mưu của Trung quốc và những khó khăn của Việt Nam hiện nay. Tôi cũng không quên nói với họ hãy tu tâm tích đức trong thời gian ở tù, để có thể trở thành người lương thiện sau này.
Trong mấy ngày ở tù, tôi hay hát bài Dậy mà đi, dù mình không thuộc hết lời. Tôi hy vọng chúng ta và những người yêu nước, người dân Việt Nam có đủ dũng khí đứng lên bảo vệ Tổ quốc!