Nam Hàn muốn “thoát Mỹ” về mặt quân sự
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cho biết chính phủ của ông đã gia tăng nỗ lực nhằm giành lại quyền kiểm soát hoạt động thời chiến (OPCON) đối với các lực lượng của Nam Hàn, khỏi cơ cấu chỉ huy do Hoa Kỳ đứng đầu.
Trong diễn văn kỷ niệm Ngày Các Lực lượng Vũ trang lần thứ 69, Tổng thống Moon nói: “Khi Nam Hàn có quyền kiểm soát hoạt động thời chiến, Bắc Hàn sẽ sợ chúng ta hơn, và lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ được tin tưởng nhiều hơn”.
Chính phủ theo lập trường cấp tiến ở Seoul dường như đang tìm cách đánh đi một thông điệp chính trị, rằng họ không ủng hộ những phát biểu lên gân kiểu “hỏa thịnh nộ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và những lời đe dọa của ông Trump sẽ đáp lại bằng vũ lực áp đảo những hành động khiêu khích của Bắc Hàn.
Robert Kelly, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan, Nam Hàn, nói: “Tôi nghĩ đây có thể là cách mà ông Moon tự tách mình ra khỏi lối cư xử của ông Trump trong tháng qua”.
Sau khi trở thành một nền dân chủ vào những năm 1990, chính phủ Nam Hàn đã được trao quyền chỉ huy thời bình đối với 655.000 quân nhân thường trực của họ.
Quân đội Nam Hàn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp và Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc do Đại tướng Hoa Kỳ Vincent Brooks chỉ huy, ông cũng là tư lệnh chỉ huy hơn 28.500 quân nhân Mỹ tại Nam Hàn.
Trong thời chiến, vị tư lệnh Mỹ cũng sẽ nắm quyền kiểm soát cả các lực lượng Nam Hàn, nhưng đây không phải là một sự chuyển giao tự động. Tổng thống Nam Hàn trước hết phải đồng ý giao lại quyền kiểm soát đó.
Ông Moon và các nhân vật có lập trường cấp tiến khác của Nam Hàn từ lâu đã đòi giành lại OPCON thời chiến. Lý do chính của nỗ lực này là vấn đề chủ quyền, vốn gắn liền với cảm xúc chống Mỹ ở nước này.
Ngược lại, những thành phần bảo thủ lâu nay phản đối việc nắm quyền kiểm soát độc lập thời chiến, vì lo ngại rằng nó có thể làm suy yếu cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nam Hàn.
Năm 2014, Seoul và Washington đã quyết định hoãn việc chuyển giao OPCON thời chiến cho đến năm 2020, nhưng họ nhất trí rằng thỏa thuận này sẽ tùy thuộc vào việc Nam Hàn đạt được những khả năng điều hành cần thiết.
Việc đưa ra quyết định chuyển giao OPCON dựa vào năng lực có thể tạo ra một kết quả tích cực cho liên minh Mỹ-Hàn, vì nó đặt ra nghĩa vụ đối với Seoul, phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về quốc phòng để bảo vệ chính mình.
Theo Brian Padden