Nữ Văn Sĩ chống cộng nhận giải Văn Chương Nobel 2009
Bà Herta Muller sinh tại thành phố Nitzkydorf, Rumani, con gái của một gia đình làm nông trại thuộc dân thiểu số Đức gọi là Banat Swabian. Gia đình của bà có gốc người Rumani. Cha của bà Muller đã từng phục vụ trong lục quân Đức Quốc Xã đơn vị “Waffen SS” trong thời kỳ Đệ II thế chiến, mẹ của bà Herta Muller từng trải qua 5 năm trong trại tù cải tạo lao động tại Ukraine Liên Bang Sô Viết sau Đệ Nhị Thế Chiến. Bà sinh ngày 17/08/1953 tại Rumani lớn lên bà học ngành văn chương tiếng Đức tại Đại Học Timisoara ở Rumani
Bà là một nhà thơ, nhà tiểu thuyết xã hội, nhà phân tích…bà viết nhiều về đời sống bị cưỡng bức dưới chế độ Cộng Sản Rumani của Nicole Ceausescu, về lịch sử của dân thiểu số Banat Swabian, những sự lùng bắt những người thiểu số nước Đức dưới thời Sô Viết chiếm cứ Rumani…tên tuổi bà được thế giới biết nhiều qua những tiểu thuyết chống Cộng Sản. Sách của bà được dịch ra 20 ngôn ngữ trên thế giới, và bà đã từng nhận được 20 giải thưởng văn chương trên thế giới. Ngày 8/10/2009 bà nhận giải thưởng Nobel Văn Chương năm 2009.
Herta Müller-nhà văn chống độc tài cộng sản
nhận giải Nobel Văn Chương 2009
Theo đài Radio French International (FRI) thì:
Nữ Văn Sĩ, Thi Sĩ Rumani nhận giải Văn Chương Nobel năm 2009 nhờ viết về chống Cộng Sản |
“Nobel Văn học 2009 được trao cho nữ văn sĩ sáng tác bằng tiếng Đức, nhưng sinh ra và lớn lên tại Rumani, bà Herta Müller. Gần như toàn bộ sự nghiệp của Herta Müller là nhằm bảo vệ nhân phẩm con người, bị đe dọa dưới chế độ độc tài cộng sản.
Sinh năm 1953 gần thành phố Timişoara, Rumani, Herta Müller từ bé đã viết tiếng Đức vì gia đình bà thuộc cộng đồng thiểu số người Đức tại đây.
Khi lên đại học và sau đó làm nghề thông dịch, bà đã nhiều lần từ chối, không cộng tác với mật vụ Securitate của Ceauşescu.
Nhiều tác phẩm đầu tay của Herta Müller đã bị chế độ cộng sản Rumani thời đó kiểm duyệt. Năm 1987, bà thành công cùng chồng di tản sang Đức.
Tại Pháp, tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Herta Müller là tiểu thuyết “La Convocation” – Heute wär ich mir lieber nicht begegnet, có thể tạm dịch “Lời triệu mời lên thẩm vấn”.
Nhân vật ở đây là một cô gái trẻ làm nghề thợ may. Cô bị công an thường xuyên gọi lên “làm việc”. Cô gái kể : “Họ kêu lên thường xuyên hơn. Thứ ba đúng 10 giờ, thứ bẩy đúng 10 giờ, thứ tư hay thứ hai, tưởng chừng như tất cả năm tháng rút ngắn lại thành một tuần lễ”.
Nguyên nhân là cô đã bị bắt quả tang đang đính vào tấm vải lót trong các bộ trang phục đắt tiền sắp sửa xuất khẩu ra nước ngoài những thông điệp tìm bạn bốn phương. Cô gái muốn xuất ngoại, chóng hay chày, bằng mọi giá, bởi vì cuộc sống này không thể chấp nhận được.
Bị bắt quả tang hay đã bị tố giác, cô thường xuyên bị triệu lên thẩm vấn ở một cơ quan công an mà người đọc có thể mường tượng là Securitate dưới thời cộng sản Ceauşescu.
Thời điểm lịch sử ở đây không quan trọng. Điều khiến độc giả chú ý là một sự thật đời thường với rất nhiều rủi ro, một hoàn cảnh bấp bênh vô định.
Trên đường đi đến nơi bị thẩm vấn, cô gái trẻ nhìn kỹ những cảnh đời. Cô quan sát những người cùng đi xe điện với mình. Cô sực nhớ đến Lili, một người bạn đã bị đàn chó săn cắn cho đến chết khi toan vượt biên. Cô nhớ đến người yêu là chàng Paul, chẳng may đã sa vào rượu chè vì không thể tiếp tục chịu đựng cảnh một chiếc xe công an ngày đêm theo dõi anh ta. Cô nhớ lại lớp cha anh, người thì bị vào trại cải tạo, kẻ khác bán rẻ lương tâm cho các tín điều mù quáng.
Cô gái tự vấn và tìm cách thoát khỏi một thực tại vô vọng, phi lý, nơi chỉ có nỗi sợ hãi bao trùm lên tất cả, vì không người nào còn biết rõ ai đang theo dõi ai.
Trong tác phẩm này, nhà văn Herta Müller đã để ngòi bút của mình hồi phục danh dự cho tất cả những người đã bị chế độ độc tài cộng sản cưỡng đoạt quyền sống và hạnh phúc”