Nỗi lòng của thế hệ 8x tại quê nhà!
Đọc bài “từ ống kính cuộc sống” cho ta cái trăn trở băng khoăn của thế hệ trẻ trong nước sinh từ thập niên 1980 (thế hệ 8x) …..dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Từ ống kính cuộc sống
Thế hệ 8x trong nước |
Tôi tự hỏi thế hệ của mình nên được gọi tên như thế nào trong suốt nhiều năm. Gọi tên, chỉ là một chuyện nhỏ, cái chuyện lớn là tôi muốn định hình ra cái thực sự đang chi phối thế hệ chúng tôi, làm nên bản sắc của chúng tôi và tác động nhiều đến sự trưởng thành của chúng tôi.
Có lúc tôi tự xem mình sống trong thế hệ tiêu dùng. Tôi đã nghĩ, ở nơi đó, người ta nhìn và kính phục nhau bằng một đôi giày triệu bạc, một chiếc kẹp tóc vài trăm đô hay một cái áo thun hàng hiệu xách tay từ nước ngòai về. Lúc ấy sao mà tôi ghét cái thế hệ của mình đến thế. Trong cái tôi phiến diện ngày ấy, tôi tự thấy những người bạn nhà nghèo, quê mùa có lẽ sẽ không bao giờ được “công nhận”, “nhìn nhận”. Nhưng rồi tôi biết tôi sai. Kinh tế phát triển. Trong một xã hội của nền kinh tế lành mạnh, người giàu xứng đáng được tôn vinh – tôn vinh vì họ có thể làm ra nhiều của cải hơn những người khác – tôn vinh vì họ có thể dùng quyền lực kinh tế của mình để làm xã hội tốt lên. Người làm kinh doanh không xứng đáng bị miệt thị – cũng như thế, người giàu không xứng đáng để bị chửi rủa như vậy. Thế hệ tiêu dùng không có gì xấu. Nhưng tôi không gọi chúng tôi là “thế hệ tiêu dùng” nữa khi tôi nhận ra rất nhiều người trong độ tuổi của tôi đã tự bươn bả trong đời để làm ra tiền mà “tiêu dùng”. Họ thật lành mạnh.
Có lúc tôi tự gọi thế hệ của mình là một thế hệ được học tập – thế hệ của nhiều trí thức hơn dân cày – thế hệ trí thức. Nhưng rồi, tôi đang sống trong thế hệ đó để nhận ra rằng dù có mang kính, học đến tiến sĩ này nọ người ta vẫn có thể cư xử mất dạy hơn một thằng ăn cắp. Tôi cũng thấy những người trẻ như tôi, ngồi trên ghế giảng đường như tôi sẵn sàng làm bồ nhí của thầy để được điểm tốt, sẵn sàng chi vài chục triệu đồng để có 8,0 cho một môn học. Tôi cũng thấy thế hệ tôi không hiểu biết gì về âm nhạc, nghe nhạc thị trường và chẳng mảy may thèm nghe lấy một ít cổ điển cho có kiến thức. Tôi cũng thấy thế hệ tôi đến rạp chiếu phim để xem phim chưởng, kiếm hiệp, tình cảm ba xu chứ chẳng bao giờ thèm ghé mắt đến một bộ phim họat hình có tính nghệ thuật cao (như Rattatoule chẳng hạn). Còn những bộ phim mang tầm tư tưởng lớn, ý nghĩa nhân văn cao đẹp thì chẳng ai thèm xem. Thế hệ chúng tôi sẵn sàng tẩy chay nhà cung cấp phim nào không có phim chưởng, diễn viên xinh đẹp…Tôi cũng chợt nhận ra rằng thế hệ chúng tôi có thể mượn sách ở thư viện trường về và xé lấy những trang mình thích, viết vào những câu chửi đại lọai như “chỉ có thằng ngu mới mượn quyển sách này”. Tôi cũng thấy thế hệ tôi sẵn sàng dẫm lên chân một người đàn bà lớn tuổi để dành được chỗ mua một cái vé ca nhạc….
Và thế là tôi bỏ ý định, thế hệ chúng tôi không xứng đáng với cái tên TRÍ THỨC ấy…
Và sau vài năm, tôi quyết định gọi thế hệ của mình là thế hệ A-còng (@): Một thế hệ mà nhiều chuẩn mực, quy tắc ứng xử, hành vi giao tiếp được thực hiện qua mạng internet. Ở thế hệ chúng tôi, những bức thư tay ít dần và email đầy lên, những trang văn trong tạp chí đầy chán nản và blog nở rộ với đầy những giá trị tinh thần to lớn. Thế hệ chúng tôi gọi nhau bằng nickname, giữ liên lạc bằng điện thọai, hỏi thăm, chúc tết, chúc noel cũng bằng điện thọai…Nhưng rồi tôi cũng nhận ra, thực ra internet mới chỉ là 1/3 của cuộc sống chúng tôi. Mà như thế thì chưa đủ để gọi là A-còng (@).
Cuối cùng (hay bây giờ), tôi chợt nhận thấy:
Chúng tôi – thế hệ hưởng thụ giai đọan đổi mới đất nước 1986- đã được hưởng thụ những gì mà công cuộc đổi mới hứa hẹn đem lại. Chúng tôi cũng đang sống trong cái ảo ảnh của hòa bình, của sự bình yên và mỗi cá nhân chúng tôi chui rúc trong thế giới tìm kiếm hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng bất tận. Thế hệ chúng tôi biết chiến đấu, biết lên tiếng nhưng rất nhiều người trong chúng tôi không thực sự hiểu những gì đang tồn tại, thậm chí họ không hiểu những gì họ đang ra sức bảo vệ và tin yêu như một thứ lí tưởng cao vời vợi. Thế hệ chúng tôi được dạy về những anh hùng, nhưng lại chẳng hiểu rằng rốt cuộc thì những anh hùng “được in nhật kí” đó đã làm gì khác hơn 2 triệu người VN trong nghĩa trang sau chiến tranh để được tôn vinh là “anh hùng” (anh hùng trong ngoặc kép).
Thế hệ chúng tôi được học đạo đức 5 năm, giáo dục công dân 7 năm, nhưng chưa từng bao giờ được chính mắt thấy những thầy cô,những NGƯỜI LỚN của mình tôn trọng những nguyên tắc đó. Thế hệ chúng tôi phải đển trường và học hành chăm chỉ để trở thành “thế hệ trí thức” nhưng chúng tôi thậm chí không biết nhóm một đống lửa đỏ nóng bừng cho tâm hồn mình, thậm chí không phân biệt được thế nào là văn viết, là văn nói (Diễn thuyết). Thế hệ chúng tôi được học mỹ thuật, âm nhạc để lớn lên đứng trước một tác phẩm phải “ngơ ngơ như bò đội nón”. Thế hệ chúng tôi được người lớn dạy phải yêu nước, nhưng người lớn nhiều khi lại là kẻ bán nước.
Thế hệ chúng tôi được học để mở tấm lòng mình ra cho những cuộc tình nguyện, thăm viếng, yêu thương và để…làm dày thêm chức vị của những cán bộ mà mình đang dưới quyền. Thế hệ chúng tôi được học cách yêu thương có định mức quyền lực.
Thế hệ “Xì-Tin” ….. |
Thế hệ chúng tôi được báo chí gọi là “những người trẻ”, “8x”, “xì-tin” nhưng chúng tôi chưa bao giờ có cái quyền được quyết định mình sẽ học gì, chọn sự nghiệp gì, chọn lí tưởng gì, chưa bao giờ được quyền tự quyết định cái gọi là “QUYỀN CÔNG DÂN” của một đứa trẻ đã qua 18 tuổi…
Và bây giờ, tôi gọi thế hệ chúng tôi là THẾ HỆ BỊ LỪA DỐI… bị lừa dối như những con lừa, bạn của tôi ạ!
(8x Khải Đơn)