Mỹ và Bắc Bắc Hàn gặp nhau tại Na Uy
Nhiều quan chức Bắc Hàn và một nhóm chuyên gia Mỹ ngày 08/05/2017 bắt đầu thảo luận tại Oslo, Na Uy. Cuộc gặp diễn ra trong tình trạng căng thẳng giữa hai nước gia tăng và Washington đang tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng.
Hãng tin Nam Hàn Yonhap trích nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết cuộc gặp gỡ giữa các quan chức của Bình Nhưỡng và các chuyên gia dân sự Mỹ bắt đầu từ hôm qua ở ngoại ô Oslo và tiếp tục vào hôm nay 09/05.
Dẫn đầu phái đoàn Bắc Hàn là bà Choe Son-hui, vụ trưởng vụ Bắc Mỹ, bộ Ngoại Giao. Trưởng phái đoàn Mỹ là bà Suzanne DiMaggio, giám đốc New America, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC.
Các cuộc gặp không chính thức giữa đại diện các tổ chức dân sự, phi chính phủ, hoặc quan chức cấp thấp thường được gọi là Track II (Track II diplomacy).
Cuộc gặp kiểu này đã từng diễn ra một lần tại Genève, Thụy Sĩ cách đây 6 tháng. Theo Yonhap, có lẽ bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không mấy chú ý tới cuộc gặp “Track II” diễn ra 2 lần/năm kiểu này. Tuy nhiên, giới chuyên gia về Bắc Hàn lưu ý về thời điểm cuộc gặp lần này và cho rằng có thể đây là những cuộc thảo luận thăm dò.
Trong khi đó, trang mạng Nikkei Asian Reviews cho biết Hoa Kỳ đã báo cho Trung Cộng biết về kế hoạch Washington hứa sẽ không làm gì có hại cho Kim Jong Un nếu Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Mỹ đưa ra bốn lời hứa: không yêu cầu thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, không tìm cách lật độ Kim Kong Un, không có hành động vượt quá ranh giới vĩ tuyến 38 giữa Nam Hàn và Bắc Hàn và không thúc đẩy thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Dường như Trung Cộng đã chuyển thông điệp của Hoa Kỳ tới Bắc Hàn đồng thời cho rằng Hoa Kỳ cần đưa thêm nhiều đề xuất hơn nữa để thuyết phục Bình Nhưỡng.
Còn tại Bắc Hàn, ngày 08/05/2017, một ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống tại Nam Hàn, tờ báo nhà nước Rodong Sinmun đã đăng bào xã luận về tình hình chính trị với tiêu đề: “Cần phải chấm dứt đụng độ hai miền Nam – Bắc Hàn”.
Tác giả Sim Chol Yong phê phán các tổng thống Nam Hàn cầm quyền trong 10 năm qua là bảo thủ, khiến căng thẳng chính trị, quân sự giữa hai miền Nam – Bắc Hàn gia tăng, làm sống lại những mâu thuẫn trước đây và đẩy hai miền tới bờ vực chiến tranh nguyên tử bất chấp mong muốn thống nhất và hòa bình của cả dân tộc Triều Tiên.
Ông Sim Chol Yong cũng nhấn mạnh rằng nếu Nam Hàn vẫn tiếp tục có một chính phủ bảo thủ thì quan hệ giữa hai miền sẽ không thể được cải thiện và nguy cơ chiến tranh hạt nhân sẽ ngày càng trầm trọng.
Thùy Dương (RFI)