Mỹ -Trung xung đột sau phán quyết vụ kiện Biển Đông ?

Liệu có đụng độ Mỹ- Trung tại Biển Đông ? Ảnh minh họa.

Đúng vào ngày Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận ở Hoàng Sa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài xã luận cho rằng nước này phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự.
Tuy Hoàn Cầu Thời Báo không nói rõ là đối đầu quân sự với ai, nhưng chắc là tờ báo này ám chỉ Hoa Kỳ. Vào lúc hải quân và không quân Trung Quốc huy động nhiều chiến hạm và phi cơ tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, một lực lượng của hải quân Mỹ, trong đó có cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã di chuyển đến khu vực Biển Đông. Theo lời một tư lệnh của Mỹ, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm quyền tự do hàng hải cho mọi người trong vùng Biển Đông.

Vào tuần trước, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho rằng việc Hoa Kỳ huy động lực lượng nói trên là một « hành động quân sự hóa Biển Đông và gây nguy hại cho hòa bình và ổn định khu vực ». Phát ngôn viên này cho rằng phía Mỹ đang tính toán sai lầm và khẳng định quân đội Trung Quốc không bao giờ lùi bước trước các lực lượng bên ngoài. Ngày 01/07/2016, trong bài diễn văn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố : Trung Quốc « sẽ không bao giờ thỏa hiệp trên vấn đề chủ quyền ».

Nếu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07/2016 ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc như dự đoán của nhiều chuyên gia, nguy cơ xung độ quân sự Mỹ-Trung sẽ gia tăng. Quân đội Hoa Kỳ sợ rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả phán quyết của tòa bằng cách tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, tương tự như vùng mà họ tuyên bố thiết lập năm 2013 ở vùng biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản.

Cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều đã không công nhận vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông và đã đưa phi cơ quân sự bay vào vùng này. Washington được dự đoán là sẽ có phản ứng như vậy với vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Tháng 2/2016, Bắc Kinh đã đặt hai dàn tên lửa phòng không với tầm bắn 200 km trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.

Phải chăng là để cảnh cáo trước Hoa Kỳ đừng xâm phạm vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông ?

Thật ra thì kịch bản nói trên có thể không xảy ra, vì trước hết Bắc Kinh sẽ bác bỏ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và phán quyết đó sẽ không có tác dụng gì trên thực tế. Hơn nữa tòa án La Haye cũng không có cơ chế để bắt buộc Bắc Kinh phải thi hành phán quyết. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ không cần sử dụng đến lực lượng quân sự để bảo vệ những đòi hỏi chủ quyền của họ, mà Hoa Kỳ cũng không cần dùng đến sức mạnh ở Biển Đông.

Cho tới nay, tuy thỉnh thoảng có những lời lẽ rất hiếu chiến, Bắc Kinh vẫn chủ trương tránh mọi đối đầu quân sự với các cường quốc, cho đến khi nào nước này đủ mạnh về kinh tế để nắm chắc phần thắng trong tay.

Vấn đề là hiện nay kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nguy cơ rối loạn xã hội trong nước gia tăng. Tình hình này có thể sẽ khiến chế độ Bắc Kinh nghĩ đến chuyện kéo dư luận trong nước sang hướng khác, bằng một hành động ở bên ngoài. Một cuộc đối đầu quân sự có giới hạn với Hoa Kỳ và các đồng minh có thể sẽ là một giải pháp vừa đáp ứng tinh thần dân tộc, vừa tạo sự ủng hộ mới cho chế độ.

Có điều tại một vùng đang là một trong những điểm nóng nhất thế giới, xung đột quân sự dù ở quy mô nhỏ cũng có thể leo thang thành xung đột lớn hơn. Tuy không phải là một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ đã tỏ cho thấy là họ sẽ không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, gây phương hại đến những lợi ích cốt lõi của Mỹ ở vùng này. Phán quyết mà Tòa sẽ đưa ra ngày 12/07/2016 sẽ đánh dấu một bước mới đến gần nguy cơ xung đột Mỹ-Trung ở vùng này. 

Thanh Phương

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt