Mỹ tài trợ 15.5 triệu đôla cho Đại học Fulbright Việt Nam
Chính phủ Hoa Kỳ vừa chính thức tài trợ 15.5 triệu đôla cho Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), một trường đại học tự trị, phi lợi nhuận và theo mô hình giáo dục của Mỹ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.
Cùng lúc, bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO của Ngân hành ANZ, thay cựu Thượng nghị sị Mỹ Bob Kerrey, làm Chủ tịch FUV.
Đại sứ Mỹ Ted Osius công bố khoản tài trợ trị giá 7.2 triệu đô do Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cấp cho FUV trong ba năm tại một buổi lễ tổ chức ở Trung tâm Hoa Kỳ, TP Sài Gòn hôm 6/6. Khoản tài trợ này sẽ giúp FUV xây dựng chính sách tuyển chọn sinh viên, các thủ tục hỗ trợ tài chính và học bổng, cũng như mở rộng số lượng sinh viên, theo FUV.
Tại buổi lễ, Đại sứ Ted Osius phát biểu: “Đây là khoản tài trợ đầu tiên của USAID dành cho FUV, một sự khẳng định cam kết của USAID hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giáo dục đại học…Khoản tài trợ sẽ giúp bảo đảm những sinh viên xuất sắc nhất của Việt Nam có thể theo học tại FUV, cho dù họ xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế – xã hội nào.”
Đại sứ Osius cũng trao quyết định tài trợ 8.3 triệu đô la Mỹ của Vụ Văn hoá và Giáo dục (ECA) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Khoản tài trợ này sẽ được tháo ngân thông qua Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Boston và chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển FUV.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từng tài trợ để phát triển Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tiền thân của FUV trong hơn hai mươi năm qua.
Khoản tài trợ mới tái khẳng định cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ đối với sự thành công của Đại học Fulbright Việt Nam.
Bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu tại buổi lễ:
“Chúng tôi rất vinh dự được nhận những khoản tài trợ này từ chính phủ Hoa Kỳ. Đây là sự ủng hộ quan trọng cho sự phát triển của FUV vào giai đoạn đầu có ý nghĩa then chốt này. Chúng tôi mong đợi tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác này khi chúng ta viết tiếp chương mới cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.”
Đại sứ Osius nói Hoa Kỳ lấy làm tự hào về vai trò của mình trong việc hỗ trợ cho Đại học Fulbright Việt Nam nhưng ông nhấn mạnh rằng “sự thành công của trường đại học này sau cùng sẽ phụ thuộc vào người dân và xã hội Việt Nam trong việc khởi xướng và cổ suý cho những lý tưởng mà trường đại diện.”
Ông nói FUV cần sự ủng hộ của cả cộng đồng để có thể trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới, đáp ứng kỳ vọng và khát khao tri thức của các thế hệ sinh viên Việt Nam tương lai.
Báo Thanh Niên hôm 9/6 trích lời bà Đàm Bích Thuỷ cho biết việc tuyển sinh sẽ bắt đầu từ tháng 7, khởi đầu bằng ngành học chính sách và quản lý công ở bậc cao học. Chương trình cử nhân sẽ bắt đầu vào mùa thu 2018.
Bà Bích Thủy cho biết: “Chúng tôi sẽ tuyển 60 bạn và tất cả đều sẽ được cấp học bổng toàn phần. Chúng tôi vừa nhận được 2 khoản tài trợ đầu tiên của chính phủ Mỹ, tổng trị giá 15,5 triệu USD, trong đó một phần sẽ được dành để cấp học bổng.”
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo việc thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học tư độc lập kiểu Mỹ đầu tiên ở Việt Nam.
Cũng trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, ông Bob Kerrey, một cựu thượng nghị sĩ Mỹ, được chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV. Nhưng tháng 5 vừa rồi, ông Bob Kerrey âm thầm rút lui khỏi vị trí này. Trang mạng Counterpunch.org. cho biết lý do là vì quyết định bổ nhiệm ông gặp nhiều chỉ trích phía Việt Nam.
Đầu năm 2017, Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn tuyên bố Việt Nam không tán thành quyết định bổ nhiệm ông Bob Kerrey vì những tranh cãi liên quan tới vai trò của ông Kerrey, dính líu vào một vụ thảm sát thường dân trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong tuần qua, bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO Ngân hàng ANZ, được giao chức Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam thay thế ông Bob Kerrey. Trước đó bà Thủy giữ chức Hiệu trưởng đồng thời là thành viên sáng lập FUV.
Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 24/5/2016, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Barack Obama, nói trường đại học Fulbright Việt Nam là “một dấu son trong tiến trình hoà giải và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Nhiều trí thức Việt Nam chào đón sự ra đời của trường đại học Fulbright như một bước ngoặt trong nỗ lực hiện đại hoá ngành giáo dục đại học Việt Nam. Người ta hy vọng, với FUV, một tầng lớp trí thức mới sẽ được đào tạo một cách bài bản để có thể góp một bàn tay xây dựng đất nước.